Đại giang Quận công Đỗ Bá Phẩm
Quận công Đại giang Đỗ Bá Phẩm là một trong “tứ trụ triều đình” thời chúa Trịnh Cương, Trịnh Giang nhà Lê Trung Hưng (1533 – 1789).
Ông quê gốc ở làng Vân La, nay là xã Hồng Vân (huyện Thường Tín), vì thế, nhân dân quen gọi là Quận Vân. Ông từng giữ chức trấn thủ trấn Sơn Nam. Ông đã được chúa Trịnh Cương giao cho làm chức tư giảng, chuyên dạy dỗ thế tử Trịnh Giang. Năm 1732 thế tử Trịnh Giang lên ngôi chúa, là người hôn ám, nhu nhược, không kham nổi việc nước. Trịnh Giang đã giáng vua Lê Duy Phường xuống làm Hôn đức Công, giết các đại thần Nguyễn Công Hãng, Lê Anh Tuấn, Trương Nhưng. Năm 1734, Đỗ Bá Phẩm bị chúa Trịnh Giang phế chức trấn thủ Nam Sơn.
Năm 1733, thấy thế đất ở đây hợp phong thủy, ông cho người chở đá từ Đông Triều (Quảng Ninh) về xây lăng làm nơi an nghỉ vĩnh hằng. Nhưng lăng chưa kịp hoàn thiện thì có gian thần trong triều dèm pha, cho rằng ông mưu đồ làm phản, nên Quận công bị đày ra Quảng Ninh rồi viên tịch ở đó.
Việt sử giai thoại có chép:
Năm Giáp Dần (1734), Trịnh Giang đã giết hai đại thần là Đỗ Bá Phẩm và Lê Anh Tuấn. Đỗ Bá Phẩm nguyên là hoạn quan, quê quán và năm sinh hiện chưa rõ, chỉ biết dưới thời chúa Trịnh Giang, ông được phong tới tước Vân Quận công. Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Chính biên, quyển 37, tờ 31) chép việc ông bị Trịnh Giang hãm hại như sau :
“Bấy giờ, nạn kết bè kết cánh nổi lên, Trịnh Giang quyết tìm cách buộc tội để trừng trị. (Trịnh) Giang rất ghét viên hoạn quan là Vân Quận công Đỗ Bá Phẩm, đã biếm chức Đỗ Bá Phẩm, chỉ còn cho làm Trấn thủ Yên Quảng (khu vực Hải Phòng, Quảng Ninh ngày nay – ND), lại còn muốn giết đi. (Trịnh) Giang gọi , riêng Nguyễn Hiệu (người xã Lan Khê, huyện Nông Cống, Thanh Hóa) đỗ Tiến sĩ năm 1700 – ND) đến bàn việc này, nhưng (Nguyễn) Hiệu lại có ý trù trừ không dứt, bởi vậy, (Trịnh Giang) giáng chức Nguyễn Hiệu, từ Thượng thư bộ Lễ xuống làm Thượng thư bộ Hình (trong triều đình xưa, bộ Lễ là bộ lớn nhất, còn bộ Hình chỉ đứng ở hàng thứ năm trong số sáu bộ – ND). Nhưng rồi không bao lâu sau, Nguyễn Hiệu được làm Thượng thư bộ Lại (bộ lớn thứ hai- ND) và được vào phủ chúa giữ chức Tham tụng như cũ.”
Lê Anh Tuấn người xã Thanh Mai, huyện Tiên Phong (nay thuộc Hà Tây), đỗ Tiến sĩ khoa Giáp Tuất (1694). Cùng với Nguyễn Công Hãng, ông là người từng được chúa Trịnh Cương trọng dụng, trao phó cho nhiều trọng trách trong phủ chúa. Nhưng đến khi Trịnh Cương mất, ông bị thất sủng, và năm 1734, Lê Anh Tuấn cũng bị giết hại. Cũng sách trên (tờ 32) chép rằng :
“(Lê) Anh Tuấn là người nổi tiếng về văn học, tính ưa trầm tĩnh, làm việc cẩn mật, cùng với Nguyễn Công Hãng, ông được coi việc trong phủ chúa. Khi về già, (Lê) Anh Tuấn có ý lộng quyền, khiến (Trịnh) Giang không bằng lòng kể cũng đã lâu. (Trịnh) Giang giáng chức (của Lê Anh Tuấn), sai đi làm Trấn thủ xứ Lạng Sơn. Lúc ấy có người gièm rằng, trước kia, khi còn giữ việc ở trong phủ, (Lê) Anh Tuấn cùng với bọn Nguyễn Công Hãng đã định mưu phế lập (ngôi chúa), chúa Trịnh Giang nhân đó giết (Lê Anh Tuấn)”.
Lời bàn : Cứ chữ mà suy thì Trịnh Giang giết Vân Quận công Đỗ Bá Phẩm, chẳng qua vì ghét Đỗ Bá Phẩm chớ chẳng phải vì Đỗ Bá Phẩm kết bè kết cánh, gây phương hại gì cho thanh danh của triều đình. Phàm đã là bè cánh thì chẳng thể chỉ có một người, đây thấy Đỗ Bá Phẩm bị hại một mình, ắt… không về phe cánh cần thiết nào đó của Chúa đấy thôi.
Còn như Lê Anh Tuấn, Chúa đã không bằng lòng từ lâu, thì thử hỏi là tiếp tục bám lấy vòng danh lợi có khác gì bám lấy vòng treo cổ hay không ? Một khi Chúa đã bắt ra khỏi kinh thành, ra tận biên ải, cũng có nghĩa là Chúa chuẩn bị cho ra khỏi dương thế đó thôi.
Ôi thương thay hai vị dại thần : Đỗ Bá Phẩm và Lê Anh Tuấn. Chẳng thể nói là chư vị vô tội, nhưng, cái chết của chư vị, ngẫm mà xót thương. Có điều, đến vua mà còn khó bề giữ nổi mạng sống với chúa, thì quan lại, dù làm đến đại thần, làm sao có thể yên thân trọn kiếp.
Dưới cái ngai màu đen của chúa, chính sự cũng thẫm một màu rất đen.