Lê Đại Hành Hoàng Đế (941-1005)

Lê Đại Hành Hoàng Đế (941-1005)

Thông tin cơ bản

Hoàng Đế Lê Đại Hành tên húy là Lê Hoàn (941 – 18 tháng 4 năm 1005) là vị Hoàng đế sáng lập nhà Tiền Lê nước Đại Cồ Việt, trị vì nước Đại Cồ Việt trong 24 năm. Ông là 1 trong 14 vị anh hùng tiêu biểu của dân tộc Việt Nam.

Lê Hoàn quê ở làng Bảo Thái, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Thời Đinh ông giữ chức Thập đạo tướng quân. Khi nhà Tống sang xâm lược, Lê Hoàn được tôn lên làm vua.

Sách Việt sử lược, có đoạn cho biết về sự kiện cày tịch điền như sau: “Năm Đinh Hợi, hiệu Thiên Phúc năm thứ 7 (987) vua bắt đầu cày ruộng tịch điền ở Đội Sơn, được một lọ vàng bạc, cày ở núi Bà Hối,được một lọ nữa, vua đặt tên đất đó là ruộng Kim Ngân”. Sách Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Đinh Hợi (Thiên Phúc năm thứ 8 [987], Tống Ung Hy năm thứ 4). Mùa xuân, vua lần đầu cày ruộng tịch điền ở núi Đọi được một hũ nhỏ vàng. Lại cày ở núi Bàn Hải, được một hũ nhỏ bạc, nhân đó đặt tên là ruộng Kim Ngân” .

Từ khi còn là Thập đạo tướng quân, tham gia dẹp loạn mười hai sứ quân, Lê Hoàn đã đi qua vùng núi Đọi và thấy thế núi ở đây có thể là một tiền đồn phía Bắc để bảo vệ kinh đô Hoa Lư lúc bấy giờ. Vì thế mà ông có ý định mở mang, xây dựng khu vực này trở thành một nơi dân cư trù phú nhằm bảo vệ và xây dựng căn cứ quân sự vững chắc. Ruộng Tịch điền ở Đọi Sơn nằm trong vùng đất chịu sự quản lý trực tiếp của nhà vua. Sau khi lên ngôi, ông phong vương cho các con ruột và con nuôi đi trấn trị ở các vùng đất thuộc đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa trừ Trường Châu. Còn do tương truyền núi Đọi là một ngọn núi thiêng. Vào thời Lê Hoàn núi có tên là Long Lĩnh, nghĩa là núi rồng theo nội dung của tấm bia Sùng Thiện Diên Linh. Từ mộ thuyền văn hóa Đông Sơn, mộ Hán, đến mộ thời Hậu Lê đều được giới khảo cổ học phát hiện quanh Đọi Sơn cho thấy người chết đều chôn đầu quay về núi Đọi.

Khi vua Lê về chân núi Đọi cày ruộng tịch điền để khuyến khích nghề nông (năm 987), ruộng Kim Ngân được dân lưu tán nô nức kéo nhau về làm ăn, không để ruộng hoang hóa. Chẳng bao lâu sau vùng núi Đọi và xung quanh trở thành vùng đất giàu có, đông vui. Cùng với nghề làm ruộng, còn có các nghề khác như trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa, làm trống ngày càng phát triển. Nhiều đời vua chúa sau này cũng noi gương vua Lê Đại Hành đi tịch điền (cày ruông, gặt lúa) để khuyến nông. Trên cánh đồng vua Lê tịch điền còn lưu lại các địa danh: nhà hiến (nơi dân chúng dâng thức dân lên nhà Vua, dinh trong (nơi vua ở), dinh ngoài (nơi ở của các quan), sứ tàu ngựa (chuồng ngựa của vua và các quan).

Một trong những biện pháp khuyến nông dưới thời phong kiến đó chính là cày ruộng tịch điền. Người khởi xướng là Lê Hoàn, người sáng lập ra nhà Tiền Lê, ông đã góp phần tạo nên một truyền thống tốt đẹp của dân tộc, một mỹ tục được lưu giữ đến tận ngày nay.
Sau nhiều năm thất truyền, đến năm 2009, Hà Nam đã khôi phục lại Lễ hội Tịch điền. Lễ hội gồm nhiều nghi lễ và diễn xướng được tổ chức từ ngày mồng 5 đến mồng 7 Tết âm lịch có sự kết hợp của văn hóa, nghệ thuật và thể thao. Bao giờ cũng vậy, nghi lễ rước nước được tổ chức trang nghiêm tại chùa Long Đọi Sơn khai mở cho Lễ hội Tịch điền. Sau đó là rất nhiều nghi thức và hoạt động, nhưng đặc biệt cuốn hút là hội thi trang trí trâu với sự cổ vũ nồng nhiệt của tiếng trống trứ danh làng Đọi Tam. Hội thi chọn ra những chú trâu đẹp nhất, thuần nhất để tham gia nghi thức cày Tịch điền. Cùng với những họa sĩ người Việt còn có cả họa sĩ nước ngoài mong ước được thể hiện những hoa văn họa tiết trên mình trâu, gửi gắm những thông điệp ý nghĩa như: cầu mong mưa thuận gió hòa, tình cảm của người nông dân đối với “đầu cơ nghiệp” … Năm 2010, Hà Nam vinh dự đón Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết về dự và mở những xá cày đầu tiên trong Lễ tịch điền để khuyến khích nông dân sản xuất nông nghiệp.

Chấm điểm
Chia sẻ
LÊ ĐẠi HÀnh

Nội dung chính

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner App ChỐn ThiÊng 3 (60x90)