Thánh Mẫu Liễu Hạnh (Mẫu Đệ Nhị Địa Tiên)

Thánh Mẫu Liễu Hạnh (Mẫu Đệ Nhị Địa Tiên)

Thông tin cơ bản

Thánh Mẫu Liễu Hạnh là ai?

Thánh Mẫu Liễu Hạnh (chữ Hán: 柳杏公主) là một trong những vị Thánh quan trọng của tín ngưỡng Việt Nam. Bà còn được gọi bằng các tên: Bà Chúa Liễu, Liễu Hạnh, Mẫu Liễu Hạnh, Đệ Nhị Địa Tiên, Vân Hương Thánh Mẫu, Chế Thắng hòa Diệu Đại Vương, Mã Hoàng Bồ Tát, Thiên Tiên Thánh Mẫu,… hoặc ở nhiều nơi thuộc vùng Bắc Bộ bà được gọi ngắn gọn là Mẫu Liễu.

Mẫu Liễu Hạnh được nhân dân khắp mọi miền tôn thờ và là vị Thánh Mẫu thứ hai – Mẫu Đệ Nhị Địa Tiên đại diện cho tín ngưỡng thờ Mẫu của Việt Nam. Bà chúa Liễu Hạnh cùng Chử Đồng Tử, Tản Viên Sơn Thánh và Đức Thánh Trần cũng là bốn vị thánh bất tử (Tứ bất tử) trong quan niệm tâm linh của người Việt. Bà thường xuyên giúp đỡ người dân và được nhiều triều đại phong kiến nước ta sắc phong nhiều chức sắc để cảm tạ công ơn.

Sắc phong

  • Mã hoàng công chúa, thượng đẳng tối linh tôn thần.
  • Thượng thượng thượng đẳng tối linh,vị bách thần chi thủ
  • Chế Thắng Bảo Hòa Diệu Đại vương

Thần tích Thánh Mẫu Liễu Hạnh

Thánh Mẫu Liễu Hạnh là vị Nữ thần – Thánh Mẫu được dân gian truyền tụng với nhiều huyền thoại, truyền thuyết và cũng là vị thần linh được các nhà văn, thơ Nho học để công san định thần tích, thần phả, thể hiện trên các bi ký, các tác phẩm viết bằng chữ Hán Nôm. Theo thống kê sơ bộ, đến nay có gần 100 đầu sách và tư liệu viết về Bà, trong đó có các tư liệu Hán Nôm, chữ quốc ngữ và các thứ ngôn ngữ nước ngoài, nhiều nhất là tiếng Pháp, Anh, trong đó đặc biệt quan trọng là các nguồn tư liệu cổ Hán Nôm(1).

Trong kho tàng tư liệu phong phú như vậy, trên cái nền khá thống nhất về cốt truyện, nếu căn cứ sự khác biệt các tình tiết về cuộc đời về Thánh Mẫu thì có thể phân thành 3 loại tư liệu khác nhau :

1. Những tư liệu truyện kể dân gian do nhân dân sáng tạo và truyền tụng với nhiều dị bản, mà điển hình là truyện về Công chúa Liễu Hạnh, do Nguyễn Đổng Chi sưu tầm và san định công bố trong Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, các huyền thoại về trận Sòng Sơn đại chiến, mà sau này được Vương Duy Trinh, Nguyễn Văn Huyên san định và công bố trong công trình của mình(2). Các truyện kể này thường đơn giản và chân chất.

2. Nguồn tư liệu Hán Nôm, mà mở đầu là tác phẩm Vân Cát Thần nữ truyện(3) của Nữ sĩ Đoàn Thị Điểm (thế kỷ XVIII) và Tiên Phả dịch lục (đầu thế kỷ XX) của Kiều Oánh Mậu(4) và tiếp tục với hàng loạt các tư liệu khác chịu ảnh hưởng về phong cách và nội dung, trong đó đặc biệt chỉ đề cập đến hai lần giáng sinh của Thánh Mẫu ở Vân Cát (Phủ Dầy) và Nga Sơn (Thanh Hoá).

Truyền thuyết về Liễu Hạnh của Nguyễn Đổng Chi mô tả Liễu Hạnh là cô công chúa thứ hai của Ngọc Hoàng, tính tình ương ngạnh, xuống trần gian mở quán bán hàng, gây nhiều phiền toái cho người trần, kể cả với vua quan nhà Lê – chúa Trịnh. Vì các hành động lộng hành như vậy, triều đình đã phải mượn Bát Bộ Kim Cương dùng mưu lừa và bắt Công chúa, khiến cho Phật Bà Quan Âm phải nhờ tới phép thuật mới giải thoát được.

Công chúa cũng đã đáp lại một cách khẳng khái những lời kết tội của nhà vua, nhờ thế mà thoát tội. Từ đó Công chúa quy y, làm việc ban phúc, tán lộc cho người đời. Từ một cô gái xinh đẹp, nhưng tính tình ương bướng, thì với Đoàn Thị Điểm, nàng là Công chúa Quỳnh Hoa vì lỡ tay đánh vỡ chén ngọc trong ngày Hội đào tiên, nên bị vua cha quở phạt đày xuống trần.

Cách Công chúa Quỳnh Hoa giáng trần cũng khác. Một đằng, cô gái bướng bỉnh, khiến Ngọc Hoàng nổi giận đày xuống trần, thì với nhãn quan của một nữ văn sĩ thấm nhuần Nho học, Công chúa Quỳnh Hoa lỡ tay đánh vỡ chén ngọc nên bị Ngọc Hoàng phạt giáng trần thông qua đầu thai vào gia đình Lê Thái Công, một gia đình danh gia, nho nhã, nơi mà sau này nàng được nuôi dưỡng trong môi trường giáo dục để trở thành cô gái không chỉ xinh đẹp mà còn đủ tài cầm, kỳ, thi, họa và đức công, dung, ngôn, hạnh.

Bằng tư tưởng Nho giáo nhuần nhuyễn, một bút pháp văn chương truyền kỳ điêu luyện và có chút ưu ái mang đầy chất nữ tính, nữ sĩ Đoàn Thị Điểm đã tạo nên một hình tượng Liễu Hạnh Công chúa vừa xinh đẹp, tài hoa, đầy cá tính và trắc ẩn. Tính cách ham chuộng thơ văn, giao du rộng rãi, thích đàm đạo văn thơ của Công chúa Liễu Hạnh, mà sau này, dù Bà đã hiển linh và được phong thần, không hề có trong các truyền thuyết dân gian, phải chăng là bản sao của bản thân nữ sĩ Đoàn Thị Điểm. Để sau này, sự hiển linh của Nữ thần Vân Cát dưới dạng các bài giáng bút càng làm tăng chất linh thiêng pha lẫn chất thơ mộng của Bà.

3. Đặc biệt, những năm gần đây, chúng ta biết thêm một số tư liệu Hán Nôm còn được lưu giữ ở Bảo tàng Nam Định, ở Phủ Nấp (Quảng Cung linh từ) thuộc xã Yên Đồng, huyện Ý Yên, Nam Định, như tấm bia Quảng Cung linh từ bi kí(5) do Bắc Từ Nguyễn Đình Việp, tri huyện Đại An soạn năm 1741; Quảng Cung linh từ phả kí(6) do Vũ Huy Trác soạn năm 1781; tác phẩm Cát Thiên Tam thế thực lục(7) do nhóm tác giả Đoàn Triển, Tế tửu Quốc Tử Giám Tiến sĩ Khiếu Năng Tĩnh, Đốc học Bắc Ninh Nguyễn Xuân Thiều, Đốc học Hải Phòng Nguyễn Văn Tính, Đốc học trí sĩ Đặng Quỹ và Đỗ Huy Liệu,.. soạn và đề tựa văn 1993. Đặc biệt, nhóm tác giả này là người thuộc trấn Sơn Nam và bạn bè thuộc các tỉnh kế cận có mối quan hệ đặc biệt với Phủ Nấp, có những tri ân riêng với Thánh Mẫu. Trong các tác phẩm này, có thể coi Quảng Cung linh từ phả kí của Vũ Huy Trác (1781) có niên đại gần với Vân Cát thần nữ của Đoàn Thị Điểm.

Ba lần giáng trần của Mẫu Liễu Hạnh

So với truyện kể dân gian, truyện nôm khuyết danh và tất cả các tác phẩm của các nhà Nho học chịu ảnh hưởng của Đoàn Thị Điểm, Kiều Oánh Mậu được sáng tác từ giữa thế kỉ XVIII đến đầu thế kỉ XX thì đều nói về hai lần giáng sinh của Thánh Mẫu Liễu Hạnh, một lần ở Vân Cát và lần sau ở Nga Sơn, Thanh Hóa (có văn bản nói là ở Nghệ An). Tuy nhiên, các tác phẩm của nhóm Sơn Nam, mà các tác phẩm của họ cũng ra đời cùng thời với các tác phẩm của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm, Kiều Oánh Mậu (tức là giữa thế kỉ XVIII đến đầu thế kỉ XX), lại đề cập tới ba lần giáng trần (Tam sinh tam hóa) của Công chúa Liễu Hạnh. Đó là:

– Lần giáng trần đầu tiên: từ năm 1434-1473, thời Lê Thái Tổ, ở xã Trần Xá, huyện Đại An, phủ Nghĩa Hưng, trong vòng 40 năm, thác sinh vào gia đình ông

Phạm Đức Chính và bà Đoàn Thị Phương, lấy tên là Phạm Tiên Nga, không lấy chồng, một lòng phụng dưỡng Cha Mẹ và làm việc thiện công đức, mở mang nghề nghiệp cho người dân sở tại. Năm 40 tuổi, Tiên Chúa hóa về Trời, nay dân sở tại lập đền thờ Tiên Chúa, đó chính là Phủ Quảng Cung (Phủ Nấp).

– Lần giáng trần thứ hai của Công chúa Liễu Hạnh vào thời kì từ 1557 – 1577 tại thôn Vân Cát, xã An Thái, huyện Thiên Bản, phủ Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định, là con gái của gia đình Lê Thái Công và Lê Thái Bà. Tiên Chúa sinh ra lấy tên là Lê Thị Thắng, sau kết duyên cùng Trần Đào Lang, sinh hạ được hai người con. Con trai là Trần Nhâm và con gái là Hòa (có tư liệu chỉ nhắc đến một con trai). Tiên Chúa hóa về trời năm 21 tuổi, để lại phần mộ, nay chính là lăng Thánh Mẫu.

– Lần giáng trần thứ ba: Tiên Chúa (1650-1668) xuống đất làng Sóc, xã Tây Mỗ, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa, tên là Hoàng Thị Trinh, lấy chồng họ Mai, tương truyền là hậu sinh của chồng cũ, sinh một con trai, tên là Cốn. Tiên Chúa hóa về trời năm 19 tuổi. Hiện tại, ở đền Phố Cát còn lưu giữ một tấm sắc phong Đức ông Nhâm và ông Cổn, hai người con trai của hai đời chồng của Tiên Chúa.

Tất nhiên, hiện tại trong các tài liệu Hán Nôm có sự khác biệt về niên đại ba lần “Tam sinh tam hoá” của Tiên Chúa cũng như tên gọi, việc làm của Bà trong ba lần giáng sinh ở ba nơi. Tuy nhiên, có điểm chung nhất là ở cả ba lần giáng trần, Tiên Chúa đều thể hiện là người con gái xinh đẹp nết na, trung trinh, làm nhiều việc thiện giúp dân lành, xứng đáng là mẫu mực công, dung, ngôn, hạnh của người phụ nữ Việt Nam (8), khiến cho sau khi Tiên Chúa hóa về trời, người bản hạt đều nhớ thương, biết ơn và lập đền thờ Bà.

Các tư liệu khác

Các tư liệu Hán Nôm nêu trên còn được bổ sung bằng các câu đối, đại tự, ghi rõ các lần giáng sinh của Thánh Mẫu. Ví dụ, câu đối ở Phủ Tiên Hương (Phủ Dầy) ghi rõ: Tam thế luân hồi, vu Vỉ Nhuế, vu Vân Cát, vu Nga Sơn, ngũ bách dư niên quang thực lục / Lịch triều ba cổn, vi đế nữ, vi đại vương, vi chúng mẫu, vi thánh thần tiên phật, ức thiên vạn cổ điện danh bang” (dịch nghĩa: Ba đời thay đổi ở Vỉ Nhuế, ở Vân Cát, ở Nga Sơn, đến nay hơn 500 năm, sự tích sáng ngời trong thực lục / Các triều đại phong tặng là con vua, là đại vương, là mẹ, là thánh thần tiên Phật dù cho tới vạn năm sau tiếng tăm vang động khắp nhân gian).

Hay đôi câu đối ở Phủ Nấp đề Tự Đức thập bát niên, tam nguyệt (Tháng 3 năm Tự Đức thứ 18) có ghi: Giáng vu Vỉ Nhuế do tiền sự / Địa hữu Sòng Sơn thuộc hậu thời” (dịch nghĩa: Sinh nơi Vỉ Nhuế là thân trước; Việc đất Sòng Sơn ấy kiếp sau),v.v…

Sự tích “Tam sinh tam hoá” cũng đã được thể hiện trong văn chầu lên đồng ở một số đền phủ, cũng như các dị bản dân gian khác là do dân gian hóa từ các tác phẩm của các nhà Nho ở vùng này,v.v…

Một hướng tìm tòi tư liệu mới liên quan đến Tam sinh Tam hóa của Thánh Mẫu Liễu Hạnh, đó là khai thác những tư liệu về gia phả, ngọc phả, mà điều này đã và đang diễn ra với dòng họ Phạm ở Phủ Nấp và dòng họ Trần, Lê ở Phủ Dầy.

Trong khi viết gia phả họ Phạm ở Việt Nam, người ta giả thiết rằng, Phạm Thị Nga (Tiên Chúa) sinh ra từ gia đình họ Phạm ở Phạm Xá, Yên Đồng (cha là Phạm Đình Chính), có thể là từ gốc cụ tổ Phạm Đạo Soạn, người họ Phạm đầu tiên từ Hải Dương về khai phá vùng Nam Định vào đời Trần, năm 1386. Lúc đầu lấy tên là Hoàng Xá, sau đổi thành Phạm Xá.

Trong họ Phạm ở đây, có ông Phạm Đạo Chú, Phạm Đạo Bảo (đời thứ 5) đỗ tiến sĩ đệ tam giáp và đệ nhị giáp, tên tuổi được ghi vào văn bia.

Gần đây, các nhà nghiên cứu đã quan tâm nhiều tới các nguồn tư liệu gia phả, ngọc phả của dòng họ Trần, họ Lê ở Phủ Dầy. Cuốn Vân Cát Lê gia ngọc phả, tác giả là Nguyễn Quốc Trinh (Nguyễn Quốc Khôi), chép gia phả dòng họ Lê ở Vân Cát. Vân Cát Lê gia ngọc phả vào năm Vĩnh Tự thứ 11.

Theo bản ngọc phả này thì khoảng thế kỉ XVI, có người con trai thứ 5 của vua Lê, có lẽ là Lê Chiêu Tông hay Lê Tư Vĩnh, khi nhà Mạc cướp ngôi nhà Lê thì Lê Tư Vĩnh lánh về thôn Vân Cát, xã An Thái, huyện Vụ Bản (Nam Định); ông lấy vợ là bà Trần Thị Thục, sinh được con trai là Lê Tư Thắng. Lê Tư Thắng lấy vợ là Trần Thị Tự, sinh được con gái là Giáng Tiên, tức Liễu Hạnh. Giáng Tiên mất khi còn ít tuổi, ngày hóa là mồng 3 tháng 3. Lê Tư Thắng lấy gia tài, ruộng vườn cúng cho dân làng để cúng hậu cho Giáng Tiên. Đó là vào năm Gia Thái thứ 5, đời Lê Thế Tông (1577). Cần ghi nhận thêm là năm 1939, Tổng đốc Thanh Hóa khi tu sửa đền Sòng đã tìm thấy bản gia phả bằng đồng có nội dung như đã nói trên.

Nếu bản gia phả này là một tư liệu xác thực thì Giáng Tiên – Mẫu Liễu Hạnh có thể là một nhân vật có thực, có dòng dõi hoàng tộc nhà Lê, sinh ra ở đất Vân Cát, có ngày sinh tháng đẻ, có mồ mả sau khi mất. Sau này, trong bối cảnh xã hội Việt Nam thế kỉ XVII – XVIII, Giáng Tiên đã hiển linh và hóa thành Liễu Hạnh công chúa, rồi Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Đây cũng là một cách tạo thần mang tính Phương Đông, giống như Thiên Hậu Thánh Mẫu thời nhà Tống ở Trung Quốc.

Cuộc gặp gỡ với Phùng Khắc Khoan và nguồn gốc di tích Phủ Tây Hồ

Tương truyền, ông đã gặp thần nữ là Liễu Hạnh công chúa cả thảy hai lần, và đều có xướng họa thơ: một lần gặp ở chùa Thiên Minh (Lạng Sơn) khi ông đi sứ về, một lần ở Hồ Tây (nay thuộc Hà Nội) khi ông cùng với hai bạn họ Ngô và họ Lý đi chơi thuyền. Lần ở Hồ Tây, người tiên kẻ tục bèn làm thơ xướng họa liên ngâm, sau được nữ sĩ Đoàn Thị Điểm chép trong truyện “Vân Cát thần nữ” ở tập Truyền kỳ tân phả của bà. Theo nhà nghiên cứu Bùi Duy Tân, thì bài thơ ấy được đặt tên là Tây Hồ quan ngư (Xem cá Hồ Tây). Bản tiếng Việt do Phan Kế Bính dịch có tên là Cảnh Hồ Tây.

Theo “Nam Hải Dị Nhân” của Phan Kế Bính thì Tiên Chúa vân du đến miền xứ Lạng. Lúc Phùng Khắc Khoan đi sứ từ Trung quốc về đến Lạng Sơn ông thấy một cô gái xinh đẹp ngồi dưới ba cây thông trước sân chùa, vừa đàn vừa hát.

Ông bèn lên tiếng ghẹo: 三木森庭,坐著好兮女子 – Tam mộc sâm đình, tọa trước hảo hề nữ tử. (Cụm từ “tam mộc sâm” 三木森 chỉ ba 三 chữ mộc木 (cây; gỗ) hợp lại thành chữ sâm 森 (cây cối rậm rạp; đông đúc) và cụm từ “hảo… nữ tử ” 好… 女子 chỉ chữ nữ 女 (đàn bà, con gái) hợp với chữ tử 子 (con) thành chữ hảo 好 (tốt, đẹp, hay).

Người con gái nghe vậy, đối ngay: 重山出路走來使者吏人 – Trùng sơn xuất lộ, tẩu lai sứ giả lại nhân. (Cụm từ “trùng sơn xuất ” 重山出 chỉ hai 重 chữ sơn 山 (núi) chồng lên nhau thành chữ xuất 出 (= ra; đi ra) và cụm từ “sứ… lại nhân”使…吏人 chỉ chữ lại 吏 (làm việc quan) hợp với chữ nhân 人 (người) thành chữ sứ 使 (người được vua hay chính phủ phái đi làm việc gì).

Phùng Khắc Khoan hết sức kinh ngạc bèn nói tiếp: 山人凴一几,莫非仙女臨凡 – Sơn nhân bàng nhất kỷ, mạc phi tiên nữ lâm phàm. (Cô sơn nữ ngồi ở ghế, phải chăng là tiên nữ giáng trần? Nhưng lắt léo ở chỗ: chữ sơn 山 và chữ nhân 亻ghép lại thành chữ tiên 仙. Chữ bàng có bộ kỷ 几. Chữ nhất và chữ kỷ ghép lại thành chữ phàm 凡.

Cô gái đáp ngay: 文子帶長巾必是學生視帳 – Văn tử đới trường cân, tất thị học sinh thị trướng. (Ông nhà văn chít khăn dài, chính thị học sinh nhòm trướng. Câu đáp không những lịch sự, dí dỏm mà chơi chữ cũng hết sức tinh vi: chữ văn 文 và chữ tử 子 ghép lại thành chữ học 斈 (= 學). Dưới chữ đới 帯 có bộ cân 巾. Chữ trường 長 và chữ cân ghép lại thành chữ trướng 帳).

Phùng Khắc Khoan vô cùng khâm phục cô gái. Ông cúi đầu làm lễ, lúc ngẩng đầu thì cô gái đã biến mất. Chỉ thấy trên thân cây gỗ viết bốn chữ: 卯口公主- Mão khẩu công chúa) và kế bên tấm biển cũng có bốn chữ: 冫馬已走 – Băng mã dĩ tẩu. Nghĩa là: Cây gỗ là bộ mộc. Mộc 木 thêm chữ mão 卯 là chữ liễu 柳. Mộc 木 thêm chữ khẩu 口 là chữ hạnh 杏, người con gái vừa rồi chính là Liễu Hạnh công chúa. Còn bộ băng 冫 đi với chữ mã 馬, chính là họ Phùng 馮 của ta. Chữ dĩ 已 nằm cạnh chữ tẩu 走, chính là chữ khởi 起. Có lẽ Liễu Hạnh công chúa dặn Phùng Khắc Khoan phải khởi công sửa lại ngôi chùa này. Sau đó, Phùng Khắc Khoan cho người tu sửa lại ngôi chùa khang trang.

Hiện nay những câu đối, những dấu tích về 2 lần gặp gỡ tại Lạng Sơn và Phủ Tây Hồ còn lưu lại ở Phủ Mẫu Thượng (Long Nga Linh Từ) (nơi Phùng Khắc Khoan gặp Liễu Hạnh lần đầu) và Phủ Tây Hồ (lần gặp thứ hai)

Cuộc tái hợp với Đào Lang- Người chồng kiếp trước

Vì tình nghĩa thuỷ chung với chồng con ở trần thế nên đến thời Lê Khánh Đức thứ 2 (1650), bà vân du đến làng Tây Mỗ, xã Hà Thái, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá, vào ngày 10 tháng 10 năm Canh Dần, tái hợp với ông Trần Đào Lang lúc này đã tái sinh là Mai Thanh Lâm, sinh được một con trai tên là Cổn. Bà mất ngày 23 tháng 12 năm Mậu Thân, thời Lê Cảnh Trị thứ 6 (1668). Năm ấy bà vừa 18 tuổi. Đền thờ bà ở Phủ Sòng Sơn, Thanh Hoá.

Thời gian khánh tiệc

Lễ giỗ Đức Thánh Mẫu Liễu Hạnh diễn ra vào ngày mồng 3 tháng 3 âm lịch hàng năm. Vào ngày này, các đền phủ trên khắp cả nước đều tổ chức lễ hội. Nhân dân làm lễ để tỏ lòng biết ơn với Thánh Mẫu và cầu mong sự may mắn, bình an đến với gia đình mình.

Hầu giá Mẫu Liễu Hạnh

Nghi lễ Hầu Đồng trong lễ hội giỗ Thánh Mẫu Liễu Hạnh là một nghi lễ quan trọng của tín ngưỡng thờ Mẫu. Hầu đồng vốn là một hình thức kết hợp hát chầu văn và diễn xướng dân gian để đưa cậu đồng/ cô đồng vào trạng thái thoát tục và giao tiếp với thần thánh. Thần linh giáng thế vào họ và giao tiếp với những cung văn hầu để truyền đạt những ý niệm riêng hay là dịp để ban phước, ban lộc cho người dự lễ.

Giá Thánh Mẫu Liễu Hạnh với trang phục màu đỏ, bên trên thêu rồng uốn lượn. Về cơ bản một bộ giá sẽ bao gồm:

  • 1 khăn ren chúa
  • 1 bộ trang phục ren chúa

Văn khấn Thánh Mẫu Liễu Hạnh

Nam mô A Di Đà Phật! Nam mô A Di Đà Phật! Nam mô A Di Đà Phật!
Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư phật, Chư Phật mười phương.
Hương tử chúng con kính lạy:
Thánh mẫu Liễu Hạnh, Chế thắng Hoà Diệu, Đại vương “Tối linh chí linh”!
Mẫu Đệ Nhất Thiên Tiên!
Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn!
Mẫu Đệ Tam Thuỷ Cung!
Con là….
Hiện ngụ tại…
Hôm nay là ngày….
Tại:…
Con thành kính dâng lên lễ vật. Cung thỉnh Tam Tòa Thánh Mẫu, vua cha Ngọc Hoàng, Tam phủ Công Đồng, Tứ Phủ Vạn Linh, Hội Đồng Các Quan, Bát bộ Sơn Trang, Thập Nhị Quan Hoàng, Thập Nhị Chầu Cô, Thập Nhị Quan Cậu, Ngũ Lôi Thiên Tướng, Ngũ Hổ Thần Quan,
Thanh Bạch Xà Thần Linh chấp kỳ lễ bạc, chứng giám cho con được hưởng:

Gia quyến bình an, tài lộc hưng vượng, vạn sự cát tường…
Chúng con xin thành tâm kính lễ, cúi xin các ngài chứng giám.

Nam mô A Di Đà Phật! Nam mô A Di Đà Phật! Nam mô A Di Đà Phật!

Thờ phụng

Để tưởng nhớ những lần giáng thế của Thánh Mẫu Liễu Hạnh giúp đỡ dân chúng, nhân dân trên khắp cả nước lập nên nhiều đền thờ người. Nổi tiếng nhất trong đó có lễ là Đền Thánh Mẫu Liễu Hạnh ở Quảng Bình, Phủ Tây Hồ ở Hà Nội, Đền Phủ Dầy ở Nam Định.

Bên cạnh đó, còn nhiều địa điểm khác

  • Chùa Phúc Lâm Tự, phủ Kim Thoa ở xóm 1 ( tục gọi là làng Đồi), xã Yên Đồng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định.
  • Phủ Quảng Cung (Phủ Nấp) ở thôn Vỉ Nhuế, xã Yên Đồng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định
  • Phủ Đồi Ngang, đền Dâu, đền Quán Cháo ở phòng tuyến Tam Điệp (Ninh Bình)
  • Đền Sòng ở phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hoá. 
  • Đền thờ bà tại nơi bà chuyển sinh lần thứ ba ở Phố Cát, huyện Thạch Thành, Thanh Hoá
  • Đền Sòng Sơn ở số 35 phố Tôn Đức Thắng, phường Quốc Tử Giám, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội.
  • Đền thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh (tục gọi là Đình Nghè), ở xã Yên Luật, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ.

Chú thích

  1. Ngô Đức Thịnh, Đạo Mẫu Việt Nam, Nxb Tôn giáo. H., 2009.
  2. Nguyễn Đống Chi, Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, tập 4, (tái bản), H., 1980. Nguyễn Văn Huyên. “Nữ thần Liễu Hạnh” in trong Tục thờ cúng thần tiên ở Việt Nam, 1944. Nay tập hợp trong bộ sách 2 tập Góp phần nghiên cứu văn hóa Việt Nam, tập 2, Nxb KHXH, H., 1996.
  3. Đoàn Thị Điểm. Truyện nữ thần Vân Cát in trong Truyền kì tân phả, 1993.
  4. Kiều Oánh Mậu. Tiên phả dịch lục, Nguyễn Xuân Diện dịch và chú giải, in trong: Ngô Đức Thịnh. Đạo Mẫu Việt Nam, Nxb. Tôn giáo, H., 2009.
  5. Bắc Từ Nguyên Đình Việp (Tri huyện Đại An). Quảng Cung linh từ bi kí, Dương Văn Vượng dịch và chú giải, hiện lưu tại Phủ Nấp, xã Yên Đồng, huyện Ý Yên, Nam Định.
  6. Tiến sĩ Vũ Huy Trác. Quảng Cung Linh từ phả kí, Bản chép tay lưu tại Phủ Nấp; Dương Văn Vượng dịch và chú giải.
  7. Cát Thiên Tam thể thực lục, Dương Văn Vượng dịch và chú giải, bản chữ Hán hiện lưu tại Phủ Nấp, Ý Yên, Nam Định.
  8. Hiện tại, dòng họ Phạm ở Ý Yên, Xuân Trường (Nam Định) đã tôn Thiên Chúa Liễu Hạnh – Phạm Tiên Nga là Bà Tổ Cô của dòng họ, thành lập câu lạc bộ gái đảm, dâu hiền theo gương của Tiên Mẫu. Theo: Phạm Minh Liêm, Sự tích Thánh Mẫu Liễu Hạnh Phạm Tiên Nga (1434-1473) – Một Bà tổ họ Phạm (lưu hành nội bộ).
5/5 (1 bình chọn)

Địa điểm liên quan

Chia sẻ
Lieu Hanh Cong Chua

Nội dung chính

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner App ChỐn ThiÊng 3 (60x90)