Thân thế
Thái sư Lê Văn Thịnh sinh tại hương Đông Cứu, nay là thôn Bảo Tháp, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. Theo thần tích địa phương, ông sinh năm Dần, nhưng có nơi chép là năm Mậu Dần (1038), có nơi chép là năm Canh Dần (1050).Theo Từ điển Danh nhân Việt Nam, Lê Văn Thịnh sinh năm 1050.
Giới thiệu về Thái sư, cuốn sách Từ điển Danh nhân Việt Nam chép: “Người đỗ đầu khoa thi đầu tiên ở nước ta. Ông là người làng Đông Cứu, huyện Gia Lương (Gia Bình – Bắc Ninh). Thuở nhỏ, ông được cha dạy dỗ, văn thơ, kinh truyện đều giỏi. Ông lại theo cha dạy lại cho bạn bè và người làng, rất được họ quý mến. Năm 1075, nhà Lý mở khoa thi Nho học đầu tiên – cũng là khoa thi đầu tiên của nước ta, ông đeo khăn gói lên Kinh đô dự thi và đỗ đầu (bấy giờ chưa đặt danh hiệu “Tam khôi” cho người đỗ), được chọn vào hầu vua học tập. Sau đó, ông được cử làm quan, giữ chức Thị lang Bộ Binh.”[1]
Tương truyền, cha mẹ Thái sư Lê Văn Thịnh là người nhân từ, thường giúp đỡ tất cả những ai có hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn. Cha ông vừa dạy học vừa bốc thuốc trong làng và ngay từ còn nhỏ, Lê Văn Thịnh đã được cha dạy dỗ cẩn thận.
Lê Văn Thịnh nức tiếng thông minh, học đâu nhớ đấy và nhớ rất lâu. Ông rất hiếu học, thường chong đèn đọc sách đến khuya, mẹ phải giục nhiều lần mới đi ngủ. Nhờ chuyên cần như thế nên năm mười ba tuổi, Lê Văn Thịnh đã nổi tiếng là người thông minh kinh sử, hiểu biết rộng. Mọi người trong vùng và bạn bè gọi ông là thần đồng. Năm Lê Văn Thịnh mười tám tuổi, cả cha lẫn mẹ ông đều qua đời. Ông dời đến sống ở trang Chi Nhị (nay là thôn Chi Nhị, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh) và mở trường dạy học ở đây. Dân trong vùng biết tiếng ông nên cho con theo học rất đông.
“Ất Mão, [Thái Ninh] năm thứ 4 [1075], (Tống Hy Ninh năm thứ 8). Mùa xuân, tháng 2, xuống chiếu tuyển Minh kinh bác học và thi Nho học tam trường. Lê Văn Thịnh trúng tuyển, cho vào hầu vua học.”[2] Ban đầu, ông được vào hầu vua học, sau trải thăng chức Nội cấp sự, rồi Thị lang bộ Binh vào năm Bính Thìn (1076).
Những đóng góp
Thái sư Lê Văn Thịnh đã có vai trò quan trọng trong cuộc thương lượng với người Tống trong việc xác định cương giới giữa hai nước.
Năm 1081, do nhà Tốn còn chiếm của nước ta một số vùng đất ở biên giới, ông được cử lên trại Vĩnh Bình (Quảng Tây) tranh luận, đòi đất. Bằng lời lẽ ôn tồn và có chứng cứ chắc chắn, ông đã buộc được nhà Tống phải trả lại cho ta 6 huyện, 3 động ở Cao Bằng. Khi trở về, vua Lý phong ông chức Thái sư”[3]
Đại Việt Sử ký toàn thư chép: “Giáp Tý, /Anh Vũ Chiêu Thắng/ năm thứ 9 [1084], (Tống Nguyên Phong năm thứ 7). Mùa hạ, tháng 6, sai thi lang bộ Binh Lê Văn Thịnh đến trại Vĩnh Bình cùng với người Tống bàn việc cương giới… Nhà Tống trả lại cho ta 6 huyện 3 động. Người Tống có thơ rằng:
“Nhân tham Giao Chỉ tượng
Khướt thất Quảng Nguyên kim”
(Vì tham voi Giao Chỉ, bỏ mất vàng Quảng Nguyên).”[4]
Với công lao đó, ngay năm sau: “Ất sửu, /Quảng Hựu/ năm thứ 1 [1085], (Tống Nguyên Phong năm thứ 8). Cho Lê Văn Thịnh làm Thái sư.”[5]
Phần nhà Tống trả cho nhà Lý gồm: 6 huyện thuộc Bảo Lạc và 6 động thuộc Túc Tang; nay là vùng đất các huyện Đồng Văn, Mèo Vạc tỉnh Hà Giang, và Bảo Lạc, Bảo Lâm, Hà Quảng, Nguyên Bình (Tĩnh Túc) của tỉnh Cao Bằng; thay thế cho các động Vật Dương, Vật Ác, Lôi Hỏa mất về Tống mà đã trở thành các châu Quy Hóa, Thuận An nhà Tống.
Vụ án hồ Dâm Đàm
Sau khi tại chức Thái sư 10 năm thì xảy ra vụ án “Hồ Dâm Đàm” khiến ông chịu cảnh tù đày.
Sách Đại Việt sử lược ra đời vào thời Trần, kể lại vụ án rằng: “Mùa đông, tháng 11, năm Ất Hợi (1095), nhà vua (Lý Nhân Tông) xem đánh cá ở Diêu Đàm (hay Dâm Đàm, nay là Hồ Tây, Hà Nội). Lúc bấy giờ vua ngự trong một chiếc thuyền nhỏ, thị vệ theo hầu rất ít. Thái sư Lê Văn Thịnh vốn có mưu gian, nhân cơ hội ấy mới dùng ảo thuật làm khói sương nổi thoắt lên bao phủ cả mặt hồ, ban ngày mà tối tăm mù mịt. Một lát, nhà vua nghe tiếng mái chèo sắp đến gần, vua có ý sợ xảy ra tai biến mới lấy cái mác phóng ra. Khói sương theo cái mác mà tan biến đi thì thấy thuyền của Lê Văn Thịnh đã đến gần, với đồ hung khí. Vua sai người bắt giữ Lê Văn Thịnh lại rồi hạ chiếu đem an trí ở miệt Thao Giang. Trước kia, trong nhà Lê Văn Thịnh có tên đầy tớ là người Đại Lý (tức Vân Nam, Trung Quốc ngày nay), giỏi làm ảo thuật, Lê Văn Thịnh học được phép của nó. Và, đến đây thì làm phản.”
Theo Đại Việt sử ký toàn thư: “Bính Tý, /Hội Phong/ năm thứ 5 [1096], (Tống Thiệu Thánh năm thứ 3). Mùa Xuân, tháng 3, Lê Văn Thịnh mưu làm phản, tha tội chết, an trí ở Thao Giang[6]. Bấy giờ vua ra hồ Dâm Đàm, ngự trên thuyền nhỏ xem đánh cá. Chợt có mây mù nổi lên, trong đám mù nghe có tiếng thuyền bơi đến, tiếng mái chèo rào rào, vua lấy giáo ném. Chốc lát mây mù tan, thấy trong thuyền có con hổ, mọi người sợ tái mặt, nói: “Việc nguy rồi!”. Người đánh cá là Mạc Thận quăng lưới trùm lên con hổ, thì ra là Thái sư Lê Văn Thịnh. Vua nghĩ Thịnh là đại thần có công giúp đỡ, không nỡ giết, đày lên trại đầu Thao Giang. Thưởng cho Mục Thận quan chức và tiền của, lại cho đất ở Tây Hồ làm thực ấp. Trước đấy Văn Thịnh có gia nô người nước Đại Lý[7] có phép thuật kỳ lạ, cho nên mượn thuật ấy toan làm chuyện thí nghịch. Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Kẻ làm tôi/ phạm tội/ giết vua cướp ngôi mà được miễn tội chết, thế là sai trong việc hình, lỗi ở vua tin sùng đạo Phật”[8]
Sách Cương mục chép: “Bính Tý năm thứ 5 [1096] Tháng 3 mùa xuân. Thái sư Lê Văn Thịnh mưu phản nghịch, bị bắt đi an trí ở Thao Giang. Trước khi Văn Thịnh có một tên gia nô người nước Đại Lý. Tên này có phép thuật lạ. Nhân thế, Văn Thịnh mang lòng toan sự kia khác. Bấy giờ vua chơi hồ Dâm Đàm, đi chiếc thuyền con xem đánh cá. Bỗng nhiên nổi đám sương mù, có chiếc thuyền từ đám sương mù ấy vụt tới, sát đến thuyền ngự. Nhà vua cầm giáo lao theo, thì đám sương mù tan đi, trong thuyền hiện ra một con hổ. Mọi người sợ hãi. Ông chài Mục Thận quang lưới chụp lấy, té ra là Thái sư Lê Văn Thịnh. Nhà vua cho rằng Văn Thịnh là bậc đại thần có công lao, nên không nỡ giết, bắt đi an trí ở trại Thao Giang, thưởng quan tước cho Mục Thận và ban cho đất Dâm Đàm làm thái ấp. Lời phê: Văn Thịnh do văn học được đỗ đầu, làm quan đến cực phẩm, mà hành vi còn thế, thì lòng người còn lường biết thế nào được.”[9]
Sách Lý Thường Kiệt: Lịch sử ngoại giao và tông giáo triều Lý của học giả Hoàng Xuân Hãn viết: “Sử còn cho biết nhiều chuyện chứng rằng Nhân-tông, cũng như các vua Lý về sau, rất tin ảo-thuật và có thần-kinh dễ cảm-xúc. Cho nên, chỉ vì một việc xảy ra rất thường, mà Văn-Thịnh suýt bị chết. Về tháng mười một, trận mù thình-lình tới trên hồ, đó là một sự thường có. Nhưng với tâm-thần hay bị xúc-cảm của vua Lý, khi thấy trời tối mà mình còn ở trên mặt nước, thì vua đâm ra hoảng-hốt. Có lẽ Văn-Thịnh, cũng vì thấy trời tối, mà vội-vã sai chèo thuyền gấp tới để hộ vua về. Ngồi trong thuyền bị trùng-triềng không vững. Văn-Thịnh phải ngồi khom mình, tay chống vào thuyền cho vững. Hình-dáng trông như con hổ. Một mặt khác, có lẽ Văn-Thịnh cũng tin vào các thuật và có tiếng sẵn là đã học được phép hóa hổ. Cho nên, kẻ trông thấy hình con hổ trong thuyền lại càng nghi cho y muốn hại vua.Cũng may cho y. Tuy vua tin dị-đoan, nhưng đạo Phật đã gieo mối từ-tâm, cho nên Văn-Thịnh không bị tru di tam tộc như Nguyễn Trãi đời sau.”[10]
Như vậy, có thể thấy, quan điểm của các sử gia thời phong kiến khá đồng nhất trong việc Thái sư Lê Văn Thịnh có ý định mưu sát vua, chỉ khác nhau về sau thêm yếu tố “hoá hổ” tạo ra sự huyền bí. Từ lập luận của GS Hoàng Xuân Hãn thì sự việc trên đã có một cách lý giải khác. Tuy nhiên, đó đều là những phỏng đoán và hiện nay vụ án này vẫn còn nhiều điều bí ẩn mà hậu thế chưa lý giải được.
Qua đời
Theo lưu truyền dân gian, khi sức lực tàn kiệt, Lê Văn Thịnh được ân xá, lần tìm về quê hương. Nhưng khi đến làng Điềng (xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) thì yếu dần. Một nông dân thấy cụ già gầy yếu như hành khất liền biếu bát cháo hoa để cụ ăn. Bác nông dân hỏi: “Cụ có thèm ăn thứ gì nữa không?”, ông trả lời muốn ăn một khúc cá. Bác nông dân lựa được con cá mè hoa đem nướng một khúc biếu cụ. Lê Văn Thịnh ăn cá xong nằm nghỉ và mất tại đó. Dân làng Điềng khi biết đó là Trạng nguyên Lê Văn Thịnh liền đưa cụ ra một gò nổi bên bờ sông Dâu. Xác cụ được mối đùn kín, dân làng thấy lạ liền chôn cất và lập đình thờ, tôn cụ làm Thành hoàng làng. Cho đến nay, năm mất của Thái sư Lê Văn Thịnh vẫn chưa xác định rõ, chỉ đoán chừng khoảng 1 năm sau vụ án Hồ Dâm Đàm.
Chú thích
[1] Đinh Xuân Lâm – Trương Hữu Quýnh (Chủ biên), Từ điển danh nhân Việt Nam, Nxb Giáo dục, 2005, tr. 488.
[2] Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên,…Đại Việt sử ký toàn thư, mộc bản khắc năm Chính Hoà thứ 18 (1697), Nxb Khoa học xã hội, 1993, tr. 110.
[3] Đinh Xuân Lâm – Trương Hữu Quýnh (Chủ biên), Từ điển danh nhân Việt Nam, Sđd, tr. 488.
[4] Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên,…Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, tr. 112.
[5] Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên,…Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, tr. 112.
[6] Thao Giang: tên trại thời Lý, thời Trần đổi là lộ (Phạm Sư Mạnh có bài thơ Án Thao Giang lộ), nay là vùng huyện Tam Thanh, Sông Thao, tỉnh Vĩnh Phú.
[7] Đại Lý: Một nước ở vùng Vân Nam, Trung Quốc, trên địa bàn của nước Nam Chiếu đời Đường, cư dân chủ yếu là người Di, mà thư tịch cổ Trung Quốc thường chép là người Thoán, Bặc. Việc quân của Vũ Nhị cứu viện cho Nùng Trí Cao đánh quân Tống không thấy tài liệu nào nói đến; có thể chỉ mới có dự định, chưa kịp thực hiện thì Trí Cao đã chết.
[8] Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên,…Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, tr. 114.
[9] Đặng Thanh Bình, “Bàn về vụ án Hồ Dâm Đàm”, Nghiencuulichsu.com, ngày 25/7/2017, truy cập ngày 30/9/2024.
[10] Đặng Thanh Bình, “Bàn về vụ án Hồ Dâm Đàm”, tài liệu đã dẫn.
Tham khảo
- Đặng Thanh Bình, “Bàn về vụ án Hồ Dâm Đàm”, Nghiencuulichsu.com, ngày 25/7/2017, truy cập ngày 30/9/2024.
- Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên,… (1993), Đại Việt sử ký toàn thư, mộc bản khắc năm Chính Hoà thứ 18 (1697), Nxb Khoa học xã hội.
- Đinh Xuân Lâm – Trương Hữu Quýnh (Chủ biên), 2005, Từ điển danh nhân Việt Nam, Nxb Giáo dục.