Tượng Phật Pháp Vân ở gian bên trái Hậu Cung
Nằm trong cụm di tích Dâu – Keo – Sủi, Báo Ân Trùng Nghiêm tự được biết đến là một trong những chốn danh lam cổ tự đẹp nhất vùng. Bên cạnh đó, nơi đây còn in đậm dấu ấn Phật Pháp Vân, Ngài là “em út” trong gia đình hệ thống thờ Tứ Pháp. Qua đó, chúng ta thấy được vai trò và tầm quan trọng của Phật Pháp Vân trong tín ngưỡng bản địa của cư dân nông nghiệp lúa nước trước sự du nhập của Phật giáo vào Việt Nam.
Từ khóa: Báo Ân Trùng Nghiêm tự, Phật Pháp Vân, tín ngưỡng bản địa.
Nguồn gốc ra đời Phật Pháp Vân
Phật giáo du nhập vào Việt Nam có lẽ tương đương với chiều dài lịch sử dân tộc. Bắt đầu từ thế kỷ thứ II sau TL tại vùng Luy Lâu xưa do các nhà sư Ấn Độ truyền vào nước ta qua đường biển. Đóng vai trò là một tôn giáo du nhập, tại đây, Phật giáo đã có bước “chuyển mình” ngoạn mục, vừa đi sâu cắm rễ vào nội tại văn hóa Việt thông qua hệ thống kinh kệ, tượng thờ, đồng thời Phật giáo cũng làm nhiệm vụ cấp thiết, tiếp thu, biến đổi và dung hòa với đặc trưng tín ngưỡng nội sinh của nền văn minh nông nghiệp lúa nước, hình thành nên một hệ thống tín ngưỡng mới “hệ thống tín ngưỡng thờ Tứ Pháp”.
Quá trình hình thành nên hệ thống tín ngưỡng này, trước hết, người Việt phải có những vị thần cũ của mình, tức những vị thần của một nước nông nghiệp, mang trong mình tầm vóc quan trọng được tôn thờ thông qua các hình ảnh như thần mây, thần mưa, thần sấm, thần chớp. Tiếp đến là những tư tưởng, giáo lý của đạo Phật không triệt tiêu mà dung hòa, tiếp nhận vào hệ thống giáo lý Phật điện của mình. Quá trình này, được gọi là quá trình bản địa hóa giáo lý Phật giáo.
Để hợp thức hóa việc này, dân ta đã tạo ra câu chuyện li kỳ về vị cao tăng Khâu Đà La (người Ấn) bước qua người cô gái trẻ Man Nương, khiến bà gián tiếp thụ thai, sinh ra vị Phật. Đây chính là triết lý Âm Dương về sự sinh sản được linh thiêng hóa đến mức tuyệt đối. Qua đây, chúng ta thấy rằng dân ta đã rất khéo léo trong việc kết hợp giữa Phật giáo và tín ngưỡng bản địa của nhân dân.
Đặc biệt, ở bài viết này, chúng tôi muốn đề cập trước nhất là Phật Pháp Vân (Phật Mây), Ngài luôn giữ vị trí quan trọng hơn cả trong suốt tiến trình lịch sử dân tộc.
Qua khảo sát của chúng tôi, văn bản sớm nhất hiện nay chúng ta còn lưu giữ được là tư liệu Cổ Châu Pháp Vân Phật bản hạnh ngữ lục, bước đầu được Giáo sư Lê Mạnh Thát xác định là vào thời Trần[1], có nội dung chép như sau“Thời nhà Tấn kinh du lĩnh ngoại đến đất Giao Châu thành Luy Lâu vua sĩ. Thuở ấy có bụt Pháp Vân, người đất Giao Châu lấy làm báu thứ nhất phương ấy vậy”[2].
Bên cạnh đó, vị Phật này cũng được nhắc lại một lần nữa trong Lĩnh Nam chích quái của Trần Thế Pháp một danh sĩ được xác định là sống vào cuối thời Trần đề cập khá chi tiết trong “Man Nương truyện”. Truyền thuyết này lý giải cho việc ra đời của hệ thống Tứ Pháp. Tiếp đó đến đầu thời Lê, Phật Pháp Vân “được nhiều lần thỉnh về Hà Nội để cầu đảo và tôn thờ”[3].
Về mặt chính sử, lần đầu tiên Phật Pháp Vân xuất hiện dưới thời vua Lý Nhân Tông năm 1073, được chép trong Đại Việt sử ký toàn thư:“Quý Sửu, Thái Ninh năm thứ 2 [1073]. Bấy giờ mưa dầm, rước Phật Pháp Vân về kinh để cầu tạnh”[4]. Bên cạnh đó, trong cuốn Khâm định Việt sử Thông giám cương mục, bộ chính sử dưới thời Nguyễn cũng ghi: “Năm Quý Sửu (1073). Lý Nhân Tông hoàng đế, năm Thái Ninh thứ 2.(Tống, năm Hi Ninh thứ 6). Mưa dầm mãi không tạnh (không rõ tháng nào). Nhà vua sai làm lễ ở chùa Pháp Vân”[5]. Tuy nhiên, khi căn cứ vào Đại Việt sử lược thì sự việc này được ghi vào năm Nhâm Tý 1072 “mùa thu tháng 7 (…) rước Phật Pháp Vân về kinh sư cầu tạnh”[6].
Dù có một vài dữ kiện chưa trùng khớp về mặt thời gian nhưng qua đây ta thấy rằng trong suốt chiều dài lịch sử, Phật Pháp Vân luôn giữ vị trí quan trọng không chỉ đối với tầng lớp dân chúng mà còn có sức ảnh hưởng vô cùng to lớn tới tầng lớp vua quan, triều đình.
Truyền thuyết về Phật Pháp Vân tại chùa Keo
Nằm trong cụm di tích Dâu – Keo – Sủi, Báo Ân Trùng Nghiêm tự 报恩重嚴寺 có tên Nôm là chùa Keo, tương truyền được xây dựng vào thế kỷ thứ II sau TL giai đoạn đầu Phật giáo du nhập vào nước ta. Về mặt văn bản, căn cứ vào những tư liệu văn bia còn lưu tại chùa, chúng tôi thấy trong tấm bia Báo Ân Trùng Nghiêm tự bi ký có niên đại Hoằng Định 16 (1615), chép về việc hưng công tu sửa lại chùa, vậy ắt hẳn chùa phải được xây dựng từ rất lâu trước đó và có thể từ giai đoạn đầu Phật giáo du nhập vào nước Việt Nam, gắn liền với truyền thuyết về Phật Pháp Vân tại Báo Ân Trùng Nghiêm tự.
Tương truyền: “Ngày xưa khi ở đất Luy Lâu đã tạc xong tạc 4 pho tượng Phật là: Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện… Hiệp thợ Làng Keo thấy có một khúc gỗ dâu nằm lăn lóc ở sân chùa, hỏi ra thì được biết đó là khúc gỗ tạc 4 pho tượng còn thừa. Hiệp thợ làng Keo năn nỉ xin khúc gỗ đó và dân làng Luy Lâu cũng thuận tình cho. Thế là họ buộc dây để khiêng về. Khi đã buộc dây và đòn khiêng thì có 4 tráng đinh ở Luy Lâu xin khiêng thử nhưng không nổi. Thật lạ, cũng khúc gỗ đó, hai người thợ làng Keo khiêng lên rất nhẹ nhàng và cứ thế chạy một mạch về đến làng mình. Các già lão và dân làng kéo nhau ra xem, thấy chuyện lạ, họ rất vui mừng và đồng lòng đem khúc gỗ ấy tạc một pho tượng. Khi pho tượng tạc xong thì thấy rất giống pho tượng Pháp Vân ở chùa Dâu song chỉ thấp và bé hơn một chút. Các già làng Keo vào Luy Lâu xin đặt tên cho pho tượng. Nhà sư ở chùa Dâu đặt tên là “Pháp Vân Phật”. Dân làng Luy Lâu có ý không nghe vì tượng ở Keo khác ở chỗ thấp bé hơn (nên có ý phải có tên khác). Nhà sư lại bảo “Vì là em nên phải bé”. Dân làng Keo phải chịu nhưng vẫn gọi bà là bà Keo với ý rằng: Bà là em út của 4 bà trong Tứ đại Phật pháp ở đất Luy Lâu, song bà lại được tạc ở làng Keo, nên từ đó chùa lập thờ bà mang tên là chùa Keo…”[7]
Mặc dù đây là truyền thuyết được lý tưởng hóa, nhưng qua đây đã thể hiện sự ngưỡng mộ, tôn vinh của nhân dân đối với Phật Pháp Vân nói chung và hệ thống Tứ Pháp nói riêng; ta có thể thấy rằng, Phật Pháp Vân có vị trí hết sức quan trọng trong đời sống nhân dân, đồng thời nó cũng thể hiện được tính dân tộc, sự cố kết sâu sắc của quê hương chòm xóm nhân dân ta.
Dấu ấn và vai trò của Phật Pháp Vân tại chùa Keo
Đời rằng có Bụt đâu ở thế?
Năm chị em chịu khí cữu thiên[8]
Dù ai tiễn kính luật tin
Tai truyền giáng phúc hạn nguyền xuống mưa[9]
Khi khảo cứu các tư liệu viết về Phật Pháp Vân, chúng tôi phát hiện ra bài thơ này, được biết bài thơ này trích từ Thiên nam minh giám (gương sáng trời Nam) viết bằng chữ Nôm, xuất hiện vào thế kỷ XVII, tác giả của sách chưa rõ, có thuyết cho rằng là một phụ nữ người Hải Dương, họ Trịnh, tên Mõ, soạn ra trong thời gian chúa Trịnh Tráng ở ngôi, khoảng từ năm 1624 đến 1657.
Trong bài thơ trên, tác giả nhắc đến “5 chị em”, đây chính là 5 vị Phật Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện và người còn lại chính là “em út” Pháp Vân trong gia đình Tứ Pháp. Về nội dung bài thơ, tác giả muốn nói đến tầm quan trọng cũng như công đức của 5 chị em Tứ Pháp, Ngài vẫn âm thầm trừ tai, tạo phúc cho dương gian.
Qua trở lại với “em út” Pháp Vân, theo khảo sát của chúng tôi, hiện nay có 2 bức tượng Phật Pháp Vân thờ tại chùa Keo. Theo Đại Đức Thích Quảng Thiện trụ trì chùa Keo cho biết: “tượng Phật Pháp Vân ngồi chính giữa là tượng mới hơn tượng Phật Pháp Vân ngồi bên trái, đều được tạc vào thế kỷ XVII, XVIII”[10]. Một đặc điểm chung của hai pho tượng này đều có gương mặt hiền hậu của người phụ nữ Việt nhưng dáng vẻ lại dong dỏng cao, phần ngực không nhô ra như những pho tượng nữ thông thường, có tướng như nam giới, đây được coi là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa phong cách tượng Phật và tư duy về tượng mẫu của người Việt. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng đây chính là yếu tố đã được Việt hóa khi Phật giáo vào Việt Nam, tạo ra một hình tượng mới là Phật Mẫu.
Ngoài ra, tại chùa Keo hiện vẫn lưu giữ bức cuốn thư và đôi câu đối với ý nghĩa tán tụng Phật Pháp Vân.
Bức cuốn thư tại Hậu cung
Về bức cuốn thư, có nội dung khắc như sau:
Nguyên văn chữ Hán:
望如雲
Phiên âm:
Vọng như vân
Dịch nghĩa:
Nhìn như mây
Thoạt đầu nhìn qua phần dịch nghĩa ta khó có thể hiểu được hết ý nghĩa thực như trong bức cuốn thư này muốn nhắc tới, do đó, trong quá trình làm chúng tôi đã tiến hành khảo sát, phỏng vấn Đại Đức Thích Quảng Thiện về nội hàm ý nghĩa của bức cuốn thư, Đại Đức cho biết: “về nội dung ý nghĩa của cuốn thư muốn nhắc tới đó là sự ngưỡng vọng, tôn kính của nhân dân trong vùng Keo nói riêng và cả nước nói chung về vị Phật Pháp Vân”[11], bên cạnh đó Đại Đức cũng chia sẻ thêm, vào những ngày diễn ra lễ hội làng Keo, dân làng sẽ cử một người đầy đủ đức hạnh, quỳ trước tượng để đọc hạnh trạng của Ngài trong 3 ngày.
Tiếp đến là đôi câu đối được được đặt hai bên gian Hậu cung thờ Phật Pháp Vân có nội dung như sau:
Nguyên văn chữ Hán:
西域有聖人, 教法長流萬世;
南天開福地,迦藍永振軍。
Phiên âm:
Tây Vực hữu thánh nhân, giáo pháp trường lưu vạn thế;
Nam Thiên khai phúc địa, già lam vĩnh chấn thiên quân.
Dịch nghĩa:
Tây Vực có Thánh nhân, giáo pháp truyền rộng trải muôn đời;
Trời Nam mở cõi phúc, già lam mãi cứu muôn quân.
Về ý nghĩa từ “Tây Vực”, trong Hán văn, người Trung Quốc thường gọi các nước ở biên cương phía Tây là các nước Tây Vực. Trong câu đối này là chỉ vùng đất có Phật Thích Ca, còn gọi khác là Tây Trúc, hay Tây Thiên… Chính tại nơi đây, giáo pháp của đức Phật được lan truyền, trải rộng đến muôn đời.
Về ý nghĩa câu thứ 2, ta biết rằng “Trời Nam” ý chỉ nước Nam ta mở ra cõi phúc, có chốn già lam, ở câu này chính là Báo Ân Trùng Nghiêm tự, có giáo Pháp của Phật thích ca truyền vào. Đây chính là sự giao thoa giữa tín ngưỡng bản địa và Phật giáo Ấn Độ.
Từ những dẫn cứ trên, ta có thể thấy rằng, Phật Pháp Vân, giữ vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân làng Keo. Ngài là vị thần che chở cho dân chúng, giúp mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, đồng thời sự hình thành và phát triển hệ thống Tứ Pháp đặc biệt Phật Pháp Vân chính là sự khẳng định sức sống và xu hướng đề cao vai trò của nữ thần, đề cao vai trò của Mẹ trong tín ngưỡng bản địa của cư dân nông nghiệp lúa nước trước sự du nhập của Phật giáo vào Việt Nam.
Qua đây chúng ta có thể khẳng định, người Việt trong quá trình phát triển đã thu nhận không ít những giá trị văn hóa tinh thần ở bên ngoài để bồi đắp lên một sản phẩm tinh thần của riêng mình và khẳng định được bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam.
Chú Thích:
[1] Lê Mạnh Thát, Lịch sử Phật giáo Việt Nam, tập I, Nxb Đồng Nai, 2023, tr.139.
[2] Nguyễn Quang Hồng, Di văn chùa Dâu, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1997, tr. 35.
[3] Lê Mạnh Thát, Lịch sử Phật giáo Việt Nam, tập I, Sđd, tr. 140.
[4] Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên,… Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1993, tr. 109.
[5]Quốc Sử Quán Triều Nguyễn, Khâm định Việt sử Thông giám cương mục, quyển III, Viện sử học dịch, Nxb Giáo Dục Hà Nội, 1998, tr. 139.
[6] Lê Mạnh Thát, Lịch sử Phật giáo Việt Nam, tập I, Sđd, tr. 140.
[7]UBND huyện Gia Lâm, Di tích Lịch sử Văn hóa – Cách mạng kháng chiến huyện Gia Lâm, tài liệu nội bộ, 2010, tr. 92-93.
[8] Cữu thiên: ở đây, theo chúng tôi tra cứu, cữu (quan tài), thiên (dịch chuyển), chịu khí cữu thiên là cách gọi nôm na của sự lãng quên, lùi vào quá khứ.
[9] Lê Mạnh Thát, Lịch sử Phật giáo Việt Nam, tập I, Sđd, tr.157.
[10] Tài liệu phỏng vấn Đại Đức Thích Quảng Thiện – Trụ trì chùa Keo, ngày 27-12-2023.
[11] Tài liệu phỏng vấn Đại Đức Thích Quảng Thiện – Trụ trì chùa Keo, ngày 27-12-2023.
Tài liệu tham khảo:
- Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên,… (1993), Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb Khoa học Xã hội Hà Nội.
- Lê Mạnh Thát (2023), Lịch sử Phật giáo Việt Nam, tập I, Nxb Đồng Nai.
- Nguyễn Quang Hồng (1997), Di văn chùa Dâu, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.
- Quốc Sử Quán Triều Nguyễn (1998), Khâm định Việt sử Thông giám cương mục, quyển III, Viện sử học dịch, Nxb Giáo Dục, Hà Nội.
- Tài liệu phỏng vấn Đại Đức Thích Quảng Thiện – Trụ trì chùa Keo, ngày 27-12-2023.
- UBND huyện Gia Lâm (2010), Di tích Lịch sử Văn hóa – Cách mạng kháng chiến huyện Gia Lâm, tài liệu nội bộ