Tóm tắt
Sắc phong là một trong những bản văn chính thức của triều đình, mang đậm tinh thần lịch sử và văn hóa. Nó không chỉ là một tư liệu chính thức mà còn là tác phẩm nghệ thuật với giá trị đặc sắc. Ngày nay, sắc phong không chỉ là biểu tượng của niềm tự hào dân tộc mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn di sản văn hóa. Chùa Keo và nghè Keo, trong cụm di tích quanh Luy Lâu xưa, không chỉ là những địa điểm lịch sử lâu đời mà còn là biểu tượng của sự tổ chức và cộng đồng người Việt cổ. Việc khám phá và bảo tồn hệ thống sắc phong tại đây là một phần quan trọng trong nhiệm vụ gìn giữ di sản và ký ức quý báu của dân tộc.
Triều Nguyễn, với 143 năm lịch sử qua 13 đời vua, đã đóng góp cho nền văn hiến nước nhà kho tàng di sản văn hóa vô cùng quý giá (như Châu bản1, Mộc bản, các loại văn bản hành chính, chính sự…). Trong kho tàng tư liệu thành văn mà triều đại này để lại có nguồn tư liệu Hán Nôm đồ sộ, phong phú và đa dạng mà ngày nay nó được công nhận là nguồn di sản văn hóa vô cùng quý báu của dân tộc ta. Đáng tiếc, bởi những biến động từ chiến tranh đến tác động khắc nghiệt của khí hậu và quan niệm về lưu trữ, bảo tồn, đã khiến nguồn di sản Hán Nôm đối mặt với sự mất mát và hư hỏng nghiêm trọng, đặc biệt là ở cấp làng xã. Tình trạng lưu trữ và bảo quản không phù hợp ở nhiều làng xã đang làm giảm chất lượng và giá trị của hệ thống văn bản này. Điều này đặt ra thách thức cấp thiết, yêu cầu sự chú ý đặc biệt từ các ban ngành và đề xuất biện pháp kịp thời để ngăn chặn tình trạng mất mát và hủy hoại nguồn tư liệu quý giá này.
Trong thời gian gần đây, cách nhìn nhận và đánh giá về di sản văn hóa, đặc biệt là di sản tư liệu Hán Nôm (trong đó có loại hình sắc phong nhân thần, thiên thần, địa phương, dòng tộc, cá nhân), đã có nhiều sự thay đổi tích cực và tiến bộ. Có sự gia tăng đáng kể trong việc đẩy mạnh công tác số hóa và bảo tồn di sản tư liệu bằng cách sử dụng công nghệ và phương pháp lưu trữ hiện đại tại các tổ chức và cá nhân cả trong và ngoài nước. Cũng muốn góp một phần nhỏ của mình vào quá trình bảo tồn loại di sản văn hóa độc đáo này, Văn phòng bảo tồn Di sản Phật giáo chùa Sủi đang tiến hành số hóa các tư liệu Hán Nôm tại các di tích, đình, đền, chùa trên địa bàn huyện Gia Lâm, Hà Nội. Trong quá trình khảo cứu tư liệu tại cụm di tích chùa – nghè Keo, nhóm công tác số hóa may mắn được tiếp cận với những văn bản sắc phong triều Nguyễn hiện đang được lưu trữ tại đây. Chúng tôi nhận định rằng, đây là nguồn tư liệu di sản Hán Nôm quý giá, có giá trị văn hóa, lịch sử đối với cả người dân làng Keo nói riêng và huyện Gia Lâm nói chung. Đối với những người đảm nhận công tác văn hóa, Sắc phong không chỉ là nguồn tài liệu và di sản quý báu mà còn mang giá trị lịch sử, nghiên cứu, và khảo cứu, góp phần làm phong phú thêm tri thức về quá khứ và văn hóa của xã hội. Bởi lẽ đó, chúng tôi xin được chia sẻ nội dung sơ lược các sắc phong triều Nguyễn (một loại hình văn bản đặc biệt) đang được lưu trữ tại cụm di tích chùa – nghè Keo.
Theo như cuốn Sắc phong thời Nguyễn trên địa bàn Thừa Thiên Huế, có thể coi Sắc phong là một dạng văn bản hành chính cấp cao trong hệ thống quản lý của vương triều, được ban bố và thưởng cấp bởi người đứng đầu vương triều. Chức năng chính của Sắc phong là để phong tặng và thưởng cấp các hàm tước, quan vị, vật hạng, thần hiệu, mỹ tự cho người nhận, nhằm tôn vinh và thưởng cho những đóng góp và thành tựu xuất sắc của họ trong xã hội và vương triều.
Dựa trên ghi chép Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ2 có thể chia sắc phong triều Nguyễn thành 2 loại: Sắc phong nhân vật và Sắc phong thần. Sắc phong nhân vật là một thể loại văn bản hành chính được triều đình sử dụng để thực hiện việc ban phong vị, phẩm hàm, tước vị, và các đặc quyền khác cho các quan lại. Được áp dụng trong quá trình thăng thưởng hàm tước, sự tặng thưởng, hoặc truy tặng thụy hiệu, sắc phong cũng thường được sử dụng để vinh danh ông bà cha mẹ của những quan viên có đóng góp xuất sắc. Những sắc phong thường được lưu trữ một cách cẩn thận trong các gia đình dòng tộc, đại diện cho danh dự và uy tín của họ. Sắc phong nhân vật ngoài việc dùng để phong tặng, thưởng cấp cho quan viên và người nhà của họ, chúng ta còn gặp một loại hình khác đó là Sách phong (Sách mệnh, phong tước) được dùng để ban cấp, thưởng phong cho hoàng hậu, vương phi, hoàng tử, công chúa, thân vương… triều Nguyễn. Về Sắc phong thần, là loại sắc phong thần linh (nhân thần và thiên thần, nhiên thần), là một hình thức của văn bản hành chính do Hoàng đế ban tặng và xếp hạng cho các vị thần được thờ cúng tại các đình làng hoặc từ đường của các gia tộc. Sắc phong thần là một loại hình tư liệu quý của làng xã, gắn liền với lịch sử và đời sống tâm linh của nhân dân. Nội dung cơ bản của Sắc phong thần là phong tặng cho các thần những thần hiệu, mỹ tự và cấp bậc xếp hạng phù hợp (thượng, trung, hạ đẳng thần) tùy theo vị thế và vai trò của thần đối với làng xã.
Theo thần tích – thần sắc do Viện Thông tin Khoa học xã hội biên soạn năm 1995 dựa trên thông tin các cụ cao tuổi ở làng Giao Tất, Giao Tự cung cấp cho biết tại nghè Keo có tất cả 11 đạo sắc phong từ thời vua Quang Trung năm thứ 4 đến thời Khải Định năm thứ 9. Nhưng tại thời điểm tiến hành khảo cứu, đội số hóa chỉ còn được tiếp cận 5 bản sao sắc phong. Trong số đó có 4 bản sao được lưu giữ tại nghè Keo và bản sao còn lại được lưu giữ tại chùa Keo (Báo Ân Trùng Nghiêm tự). Dưới đây là bản phiên âm và dịch nghĩa của 5 bản sắc phong nói trên:
Sắc phong được lưu trữ tại Hậu cung nghè Keo
Bốn sắc phong hiện đang lưu trữ tại nghè Keo là loại sắc phong thần, nói về vợ chồng vị thành hoàng đang được thờ cúng tại nơi đây. Dân gian tương truyền rằng: xưa tại vùng Thanh Hóa, có một người đàn ông họ Đào tên Bột, thuở nhỏ nhà nghèo nhưng hiếu học. Ngoài thời gian học tập, ông rất chăm chỉ làm việc để kiếm sống. Ông Bột kết hôn với bà Nguyễn Lương, bà vừa đẹp người vừa đẹp nết. Sau kết hôn, ông trở về vùng Giao Tất (quê bà Lương) làm thầy giáo, và đã dạy được nhiều học trò thành đạt. Nhờ đó ông được vua Lý phong làm Bộ trưởng Đạo Sơn Nam. Con trai của ông bà tên Phúc, là một người khôi ngô, tuấn tú, tài chí hơn người. Đào Phúc tham gia thi cử, đỗ Tiến sĩ, được vua ban hôn cưới Tiên Anh công chúa làm vợ. Năm 1104, khi giặc Chiêm Thành xâm lược phía Nam, Vua Lý Nhân Tông tin tưởng vào tài năng quân sự của Đào Phúc và phong ông giữ chức Thượng tướng quân khởi binh đánh giặc. Tiên Anh phu nhân được Vua cha giao cho lo việc lương thảo giúp chồng sớm trừ loạn giặc tại chiến trường xa xôi. Dưới sự lãnh đạo tài ba của ông Phúc và quân binh hùng mạnh đã chiến thắng giặc Chiêm Thành. Sau những chiến công xuất sắc và đóng góp to lớn cho đất nước, ông và vợ được vua cho về quê thăm bái tổ đường, và (bỏ) sau cùng, cả hai đã hóa thần và được thờ tại nghè Keo. Công trạng vĩ đại của vợ chồng Đào Phúc trở thành nguồn cảm hứng cho nhân dân và người hậu thế, được thể hiện qua việc tạo đền thờ và tượng thần để tưởng nhớ và thờ phụng. Trong đó, hai đời vua Nguyễn là Đồng Khánh và Khải Định đều ghi nhận công lao, ban sắc.
Sắc phong 01
Phiên âm
Sắc:
Phương Nghi Nhã Độ Tĩnh Quyên Nhàn Uyển Tiên Anh phu nhân chi thần. Hướng lai hộ quốc tý dân, nẫm trứ linh ứng. Tiết mông ban cấp tặng sắc lưu tự. Tứ kim phi ưng cảnh mệnh, miến niệm thần hưu, khả gia tặng Dực Bảo Trung Hưng chi thần. Nhưng chuẩn hứa Bắc Ninh tỉnh, Gia Lâm huyện, Giao Tất xã y cựu phụng sự. Thần kì tướng hựu bảo ngã lê dân.
Khâm tai!
Đồng Khánh nhị niên thất nguyệt sơ nhất nhật.
(Phụng sao chính bản)
Dịch nghĩa
Sắc:
Thần là Phương Nghi Nhã Độ Tĩnh Quyên Nhàn Uyển Tiên Anh phu nhân. Từ xưa đến nay bảo vệ cho nước, che chở cho dân, lâu nay linh ứng tỏ rõ. Đã từng được đội ơn ban tặng sắc thờ phụng. Nay đúng vào dịp trẫm nối thừa mệnh cả (tức là lên ngôi vua), xa nhớ đến phúc của thần, nên đáng được gia tặng thần là Phương Nghi Nhã Độ Tĩnh Quyên Nhàn Uyển Tiên Anh Dực Bảo Trung Hưng. Vẫn chuẩn cho xã Giao Tất, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh thờ phụng như cũ. Thần ấy hãy bảo vệ phù giúp cho dân của ta.
Kính cẩn đấy!
Ngày 1 tháng 7 năm thứ 2 niên hiệu Đồng Khánh.
Sắc phong 02
Phiên âm
Bản cảnh thành hoàng Linh Phù chi thần. Hướng lai hộ quốc tý dân, nẫm trứ linh ứng, tiết mông ban cấp tặng sắc lưu tự. Tứ kim phi ưng cảnh mệnh, miến niệm thần hưu, khả gia tặng Dực Bảo Trung Hưng chi thần. Nhưng chuẩn hứa Bắc Ninh tỉnh, Gia Lâm huyện, Giao Tất xã y cựu phụng sự. Thần kì tướng hựu bảo ngã lê dân.
Khâm tai!
Đồng Khánh nhị niên thất nguyệt sơ nhất nhật.
(Phụng sao chính bản)
Dịch nghĩa
Sắc:
Thần bản cảnh thành hoàng Linh Phù.
Từ xưa đến nay bảo vệ cho nước, che chở cho dân, lâu nay linh ứng tỏ rõ. Đã từng được đội ơn ban tặng sắc thờ phụng. Nay đúng vào dịp
trẫm nối thừa mệnh cả (tức là lên ngôi vua), xa nhớ đến phúc của thần, nên đáng được gia tặng thần là Dực Bảo Trung Hưng. Vẫn chuẩn cho xã Giao Tất, huyện Gia Lâm tỉnh Bắc Ninh thờ phụng như cũ. Thần ấy hãy bảo vệ giúp phù cho dân đen của ta.
Kính cẩn đấy!
Ngày 1 tháng 7 năm thứ 2 niên hiệu Đồng
Khánh.
Sắc phong 03
Phiên âm
Sắc:
Bắc Ninh tỉnh, Gia Lâm huyện, Giao Tất xã tòng tiền phụng sự. Nguyên tặng Phương Nghi Nhã Độ Quyên Tĩnh Trinh Uyển Dực Bảo Trung
Hưng đương cảnh Thành hoàng Tiên Anh Phương Dung phu nhân tôn thần, hộ quốc tý dân, nẫm trứ linh ứng, tiết mông ban cấp tặng sắc phong, chuẩn hứa phụng sự. Tứ kim chính trực trẫm tứ tuần đại khánh. Tiết kinh ban bảo chiếu đàm ân, lễ long đăng trật, trước gia tặng Trang Huy Thượng đẳng thần. Đặc chuẩn phụng sự, dụng trí quốc khánh, nhi thân tự điển.
Khâm tai!
Khải Định cửu niên thất nguyệt nhị thập ngũ nhật
Dịch nghĩa
Sắc:
Xã Giao Tất, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh thờ phụng theo như trước. (Thần) từng được tặng sắc là Phương Nghi Nhã Độ Quyên Tĩnh Trinh Uyển Dực Bảo Trung Hưng đương cảnh thành hoàng Tiên Anh Phương Dung phu nhân tôn thần. Bảo vệ cho nước, che chở cho dân, lâu nay linh ứng tỏ rõ. Đã từng được đội ơn ban sắc, chuẩn cho thờ phụng. Nay đúng dịp trẫm tứ tuần đại khánh (tức là mừng thọ 40 tuổi). Đã ban chiếu báu ân sâu, theo lễ long trọng phẩm trật. Nên tỏ rõ gia tặng cho là Trang Huy Thượng đẳng thần. Riêng chuẩn cho thờ phụng, ghi chép vào điển lễ dịp Quốc khánh, mà tỏ rõ điển lễ tế tự.
Kính cẩn đấy!
Ngày 25 tháng 7 năm thứ 9 niên hiệu Khải Định.
Sắc phong 04
Phiên âm
Sắc:
Bắc Ninh tỉnh, Gia Lâm huyện, Giao Tất xã tòng tiền phụng sự. Nguyên tặng Linh Phù Dực Bảo Trung Hưng đương cảnh thành hoàng. Lý triều công thần phò mã thượng tượng quân, đào đại vương tôn thần. hộ quốc tý dân, nẫm trứ linh ứng, tiết mông ban cấp tặng sắc phong, chuẩn hứa phụng sự. Tứ kim chính trực trẫm tứ tuần đại khánh. Tiết kinh bảo chiếu đàm ân, lễ long đăng trật, trước gia tặng Đoan Túc tôn thần. Đặc chuẩn phụng sự, dụng trí quốc khánh, nhi thân tự điển.
Khâm tai!
Khải Định cửu niên thất nguyệt nhị thập ngũ nhật
Dịch nghĩa
Sắc:
Xã Giao Tất, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh thờ phụng theo như trước. (Thần) từng được tặng sắc là Linh Phù Dực Bảo Trung Hưng đương cảnh thành hoàng, Lý triều công thần Phò mã Thượng tướng quân Đào đại vương tôn thần. Bảo vệ cho nước, che chở cho dân, lâu nay linh ứng tỏ rõ. Đã từng được đội ơn ban sắc, chuẩn cho thờ phụng. Nay đúng dịp trẫm tứ tuần đại khánh (tức là mừng thọ 40 tuổi). Đã ban chiếu báu ân sâu, theo lễ long trọng phẩm trật. Nên tỏ rõ gia tặng cho là Trang Huy Thượng đẳng thần. Riêng chuẩn cho thờ phụng, ghi chép vào điển lễ dịp quốc khánh, mà tỏ rõ điển lễ tế tự.
Kính cẩn đấy!
Ngày 25 tháng 7 năm thứ 9 niên hiệu Khải Định.
Sắc phong được lưu trữ tại chùa Keo
Sắc phong hiện đang lưu trữ tại chùa Keo cũng thuộc loại Sắc phong thần, nói về một trong bốn nhân vật tứ pháp đó là Pháp Vân Phật. Là một trong những ngôi chùa cổ tại vùng đất Luy Lâu xưa, nơi đây thờ bà Keo, là hóa thân của chị cả Pháp Vân đứng đầu Tứ Pháp vùng Luy Lâu.
Sắc phong 05
Phiên âm
Sắc:
Bắc Ninh tỉnh, Gia Lâm huyện, Giao Tất, Giao Tự nhị xã tòng tiền phụng sự. Nguyên tặng Tập Cát Ngưng Tường Ái Thụy Quảng Phú Bác [Phù?] Túy Mục Dực Bảo Trung Hưng Pháp Vân Phật Thượng đẳng thần. Hộ quốc tý dân, nẫm trứ linh ứng. Tiết mông ban cấp sắc phong chuẩn hứa phụng sự. Tứ kim chính trực trẫm tứ tuần đại khánh. Tiết kinh ban bảo chiếu đàm ân, lễ long đăng trật, đặc chuẩn y cựu phụng sự, dụng trí quốc khánh, nhi thân tự điển.
Khâm tai!
Khải Định cửu niên thất nguyệt nhị thập ngũ nhật.
Dịch nghĩa
Sắc:
Hai xã Giao Tất, Giao Tự, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh thờ phụng theo như trước. Tập Cát Ngưng Tường Ái Thụy Quảng Phú Bác [Phù?] Túy Mục Dực Bảo Trung Hưng Pháp Vân Phật Thượng đẳng thần. Bảo vệ cho nước, che chở cho dân, lâu nay linh ứng tỏ rõ. Đã từng được ban cấp sắc phong, chuẩn cho thờ phụng. Nay đúng dịp trẫm tứ tuần đại khánh (tức là mừng thọ 40 tuổi). Đã ban chiếu báu ân sâu, theo lễ long trọng phẩm trật3. Đặc biệt chuẩn cho thờ phụng, ghi chép vào điển lễ dịp quốc khánh, mà tỏ rõ điển lễ tế tự.
Kính cẩn đấy!
Ngày 25 tháng 7 năm thứ 9 niên hiệu Khải Định.
Tiểu kết
Những sắc phong còn được lưu trữ tại cụm di tích chùa – nghè Keo, tuy chỉ được tiếp cận với bản sao, nhưng chúng tôi vẫn nhận thấy ở những sắc phong này mang đậm nét đặc trưng riêng của sắc phong triều Nguyễn. Các sắc phong đều có những nội dung cơ bản như: Địa chỉ thờ thần (thôn, xã, phủ, huyện, tỉnh); Tên gọi của thần (thần hiệu, huy hiệu, duệ hiệu, mỹ tự); lý do thần được sắc phong hoặc nâng cấp phẩm trật (trung đẳng thần, thượng đẳng thần…); trách nhiệm của thần đối với dân sở tại (che chở bảo hộ cho dân); trách nhiệm của dân đối với thần (tôn kính, thờ cúng thần); ngày tháng năm ban sắc (thuộc đời vua nào). Các họa tiết trang trí trên sắc phong đều mang đậm nét hoa văn triều Nguyễn. Cả 4 đạo sắc phong tại nghè Keo đều có họa tiết song long chầu nhật nguyệt, đạo sắc phong Pháp Vân Phật lại có họa tiết long phượng chầu nhật nguyệt. Hình tượng con rồng trong các sắc phong đều mang những nét đặc trưng của rồng thời Nguyễn. Thân rồng không quá dài, uốn lượn với độ cong lớn; đầu rồng lớn, sừng giống sừng hươu chĩa ngược ra sau; mắt rồng lộ to; mũi sư tử; miệng há lộ răng nanh; đuôi cuộn tròn thành xoáy. Về chất liệu giấy làm sắc phong do không được tiếp cận với bản gốc nên chúng tôi không thể đưa ra nhận định nào.
Đối với những người đang đảm nhận công tác văn hóa, sắc phong không chỉ là nguồn tài liệu và di sản quý, mà còn chứa đựng giá trị lịch sử và nghiên cứu quan trọng. Nhưng chúng ta cũng phải thừa nhận rằng, việc lưu giữ và bảo quản các sắc phong đang đứng trước rất nhiều thách thức. Khi tồn tại trong thời gian dài cùng lịch sử đấu tranh, kháng chiến đến nay rất nhiều tài liệu bị mục nát, thất lạc, vì vậy nội dung tài liệu cũng mất đi. Và đặc biệt, ngày nay những di sản này còn được coi là “cổ vật” có giá trị cao, khiến nhiều kẻ gian lấy cắp buôn bán, trục lợi. Việc áp dụng phương pháp bảo quản khoa học, kế hoạch phục hồi đối với sắc phong cũ, mục nát là việc rất cấp thiết. Sự chung tay từ cộng đồng và tạo ý thức trong mỗi người về trách nhiệm cá nhân trong việc bảo tồn di sản văn hóa là yếu tố rất quan trọng. Điều này cần sự hợp tác chặt chẽ giữa các ban, ngành chức năng, và cộng đồng để đảm bảo rằng sắc phong được giữ nguyên giá trị và ý nghĩa của mình qua thời gian.
chú thích
(1) Châu bản: là tập hợp tất cả văn bản được đích thân vua ngự hoặc ngự phê bằng mực son như: tấu, sớ, chiếu, chỉ dụ…
(2) Nội Các Triều Nguyễn, Khâm Định Đại Nam hội điển sự lệ, Tập 3, Nxb Thuận Hóa 1993, tr. 410.
(3) Phẩm trật: từ chỉ chung của cấp bậc quan lại ngày xưa.
Tài liệu tham khảo
- Nhiều tác giả, Sắc phong triều Nguyễn trên địa bàn Thừa Thiên Huế, Nxb Thuận Hóa, 2014
- Nội Các Triều Nguyễn, Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sử Lệ, Tập 3, Nxb Thuận Hóa, 1993.
- Viện Thông tin Khoa học xã hội (1995), Thần tích – thần sắc làng Giao Tất, Giao Tự, lưu trữ tại Nghè Keo (xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội)