(Chuyện thổi xôi lễ Phật, lấy cơm cúng cho mèo ăn, lấy nước cúng cho người khát)
Nhất thanh. Chùa Ráng (Viên Minh tự) là ngôi chùa nằm nơi xa xôi, hẻo lánh, tận góc cùng của xã Quang Lãng – Phú Xuyên – Hà Tây (nay là Hà Nội). Đây là nơi một tiếng gà gáy mà ba tỉnh Hà Nam, Hà Tây và Hưng Yên có thể cùng nghe được.
Chùa Ráng là nơi trọn đời Tổ Ráng – Đức đệ tam Pháp chủ GHPGVN Thích thượng Phổ hạ Tuệ (1917-2021) đã tu hành, sinh sống, hoằng hóa và thị tịch.
Sinh thời Tổ Ráng, vào những dịp Rằm mùng Một hoặc lễ trọng, chùa đây vẫn thường có thổi xôi, đồ xôi, nấu xôi để cúng Phật, cũng có thể dùng xôi nấu thành chè kho, chè hoa cau để dâng cúng. Những ngày sóc, vọng, đặc biệt là vào những ngày tiết mùa đông tháng giá, tầm 4 giờ sáng, dưới gian bếp cũ kỹ truyền thống của chùa Ráng đã ấm lửa, sáng đèn bởi một cụ sư già – Tổ Ráng.
Giờ đó, ở đây, Ngài đang ân cần cùng với vài đệ tử như sư thầy Vịnh, sư già Lượng, sư bác Hưởng,… hí húi đun nước đồ xôi, ủ xôi để đóng oản, nấu chè hoặc đơm vào đĩa để sáng sớm đã có xôi, có oản, có chè dâng cúng Phật, Pháp, Tăng.
Hòa thượng Pháp chủ thường thân hành xuống bếp đồ xôi, rất tằn tiện, chỉ đủ số lượng ước tính cho các ban thờ chính, có đĩa xôi, phẩm oản, bát chè.
Lễ tất thì hạ lễ, tán lộc cho các Phật tử thập phương.
Việc nấu xôi ngày Rằm mùng Một đã trở thành một cái thông lệ. Vào buổi sớm khí trời rét mướt, trong bếp, ánh lửa bập bùng, trên bếp, một ngọn đèn điện nhỏ hắt rọi xuống. Sư Cụ thoăn thoắt tay xới xôi từ nồi ra bát, rồi cho vào trong khuôn gỗ để in oản, hoặc là gỡ ra bên ngoài để lấy xôi nấu chè.
Những tách trà, những đĩa xôi, những phẩm oản, bát chè dâng lên cúng Phật, Tổ, chư Thần linh vào những dịp lễ trọng, Rằm mùng Một ở chùa Ráng quả thật là những tặng vật của Trời Đất, cho con người lễ vật để dâng lên chư Phật, chư Bồ tát, chư Tổ.
Ai đã từng chứng kiến, ánh sáng nhàn nhạt trong hơi khói của nồi xôi, nồi chè bay bổng trong không gian thần kỳ nơi gian bếp chùa Ráng mới thấy được lòng thành kính, đến cảm động của Đức đệ Tam Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cũng như của các đệ tử dành toàn tâm, toàn ý để có lễ vật dâng lên cúng Phật, cúng Tổ.
Nhị thanh. Một buổi trưa như bao buổi trưa thường lệ, chùa Ráng nấu cơm xong, xới cơm lễ Phật, lễ Tổ. Hòa thượng Đường chủ đi Phật sự xa về, Cụ vội đi vào bếp, theo sau Cụ là cả một bầy chó, bầy mèo. Đôi con mèo mẹ cùng với một đàn mèo con đang líu ríu đi sau để đòi ăn, Cụ thấy có tô cơm đang để trên bàn, Cụ vội lấy các bát, các đĩa rồi chia xới tô cơm vào trong đĩa, bát, trộn với một chút thức ăn của loài súc sinh. Ngài đặt các suất ăn ở trên các bàn ăn trong bếp, trên mỗi bàn một suất ăn, Ngài bảo: sở này là của mẹ con nhà mèo hoang, sở này là của mẹ con nhà mèo mướp… Chúng nhảy lên trên bàn ríu rít ăn, ở phía bên dưới là đàn chó đang ngoe nguẩy đuôi, trực lao lên tranh ăn, Cụ mắng yêu: chưa đến lượt các cháu, đợi một tý nhé.
Bỗng, một chú tiểu chạy vào bếp kêu lên: Bạch Tổ! con lấy cơm đấy là để cúng Phật chứ không phải cơm cho mèo đâu ạ!
Hòa thượng thong thả bảo: Ừ, thì đã làm sao?! Nếu Phật, Tổ có mặt ở đây, vào giờ này thì các Ngài cũng lấy cơm cúng Phật cho mèo ăn mà thôi. Mèo mẹ đang đói, đàn con đang khát sữa thì lấy cơm cho mèo ăn giờ này còn cấp bách hơn lấy cơm cúng Tổ, cúng Phật đấy.
Mọi người đều nhìn, chả hiểu gì cả, vậy nhưng trong khóe mắt của Đức Pháp chủ rơm rớm đôi dòng xúc động, mọi người chợt hiểu rằng, Phật và chúng sinh đâu có xa.
Tam thanh. Một buổi trưa muộn mùa hè, trời nắng nóng như đổ lửa, im phăng phắc trên những ngọn cây, nước dưới cánh đồng vừa mới gặt loáng trắng bạc, nóng bỏng tay. Một đoàn ba chiếc xe ca, tới bến đỗ cổng chùa Ráng. Đoàn Phật tử nơi xa đi hành hương về chùa Ráng lễ Phật, lễ Tổ, vãng cảnh, vấn an Hòa thượng Pháp chủ.
Chùa đang trì tĩnh thời trưa, vẳng lặng, tịch mịch, chỉ riêng có một người đang thức trông chùa, hí húi buộc sửa bờ rào ở cổng. Đó là Cụ sư già gần trăm tuổi – Đức trưởng lão Hòa thượng Pháp chủ thượng Phổ hạ Tuệ.
Thường nhật, chùa Ráng rất vắng vẻ, vào những năm 2012 – 2015, các quý Thầy, các sư bác, sư chú trụ tại chùa Ráng thường phải đi làm Phật sự hoặc đi học, ít ở cảnh chùa. Thiện nam tín nữ trong vùng đến chấp tác, làm công quả tại chùa thường là những người dân ở các làng bên cạnh. Mọi người tới giúp nhà chùa dọn dẹp cảnh chùa, trồng cây, nhổ cỏ… ở các khu vườn.
Đức Pháp chủ kiên trì trụ tại chùa Ráng trọn đời. Ngoài thời gian lên chùa lễ Phật, bao sái, dọn dẹp hay nghiên cứu tìm hiểu kinh sách, giảng dạy, chỉ bảo, tiếp khách, Ngài thường quen tay với con dao, cái búa, cái kìm sửa sang những vật dụng ở trong chùa, ở dưới bếp, hoặc là buộc lại các hàng rào.
Có lần vui chuyện, ai đó hỏi: sao Cụ cứ hí húi cả ngày làm hết việc nọ đến việc kia như thế? – Cụ bảo: Bây giờ ở chùa tu hành, chả làm những việc như thế này thì làm những việc gì?!
Bữa ấy, đoàn Phật tử ấy đến chùa thì đã trưa muộn, mọi người trên xe cũng đã lót dạ bằng thức ăn chuẩn bị sẵn như gói xôi, chiếc bánh, chai nước rồi.
Đến chùa, xuống xe, trưa hè nóng bức, mọi người đều có cảm giác mỏi mệt. May mắn cho đoàn khách, khi đến cổng chùa, ngay tức thì được Cụ sư già, như là đợi sẵn, Hòa thượng Pháp chủ ra tận nơi, mở cổng, đón vào.
Thông thường, ở những chùa khác, khách vãng lai ít được hoan hỷ đón tiếp vào những thời điểm phi thời, như trưa muộn hay đêm về. Chùa Ráng ở nơi xa xôi, các Phật tử từ nơi xa, không tỏ đường đi lối về, cất công, mất ngày, mất buổi mới đến được, có khi trưa muộn, bất kỳ nên cái lỗi vô duyên này thường được Hòa thượng hoan hỷ bỏ qua mà thân tình tiếp đãi, tay bắt mặt mừng.
Có người trong đoàn thưa với Hòa thượng rằng, buổi trưa như thế này chúng con đến quấy quả, làm phiền Hòa thượng chăng? Cụ bảo: không sao! trong mọi chuyện bình thường, sẽ có chuyện đặc biệt. Các vị từ nơi xa xôi đến chùa, phải lúc trưa như này cũng là bình thường, thế là quý lắm rồi.
Trong trường hợp nào, dù sớm hay muộn, dù trưa nắng hay trời mưa, thậm chí vào lúc 7 – 8 giờ tối, bao giờ Hòa thượng cũng hoan hỷ, coi mọi người đến chùa là điều tất yếu đối với chùa, coi việc đón tiếp các Phật tử là trách nhiệm, là niềm vui của những người trong chùa vậy.
Hòa thượng trụ trì hỏi: các vị từ xa về đây, giữa trưa thế này đã ăn trưa chưa? Đoàn Phật tử nhanh nhẩu thưa: dạ đã ăn trưa trên xe rồi ạ.
Hòa thượng bảo: mời các vị nghỉ ngơi uống nước rồi lên chùa lễ Phật, lễ Tổ, vãng cảnh.
Trước đó đã có một số Phật tử trong đoàn chưa kịp uống nước đã vội vàng háo hức lên trên chùa.
Trên ban thờ ở Đại điện, ban thờ Hộ Pháp, Đức Ông, Đức Thánh A Nan đang có một số chai nước suối… mấy Phật tử khát nước muốn uống, Hòa thượng nhanh nhẹn lấy vài chai nước ở trên bàn thờ chia cho các Phật tử…
Bỗng có một sư cô từ bên ngoài nhanh nhẩu đi lên, thấy các Phật tử đang theo tay Hòa thượng lấy nước trên ban thờ để uống, Cô mới gắt lên: Mô Phật! các vị không biết đây là nước để cúng Phật à mà các vị lấy tự nhiên thế? Phải tội chết!
Mọi người nghe Sư cô nói như vậy thì rất chi là sợ hãi, khó xử, không biết nên như thế nào, lúng túng, ái ngại ra mặt.
Hòa thượng cất tiếng: Thì đã làm sao?! Mọi người từ xa đến, nắng nôi vất vả, mệt mỏi, chưa kịp uống nước, đều đã khát khô cả cổ rồi. Tôi lấy nước cho mọi người uống… nếu chư Phật, chư Tổ mà có hiện hữu ở đây thì các Ngài cũng phải lấy nước để cho uống, cho đỡ khát mà thôi…
Sư cô nghe nói như vậy, dường như đã ngộ ra được cái lẽ đặc biệt nào đó. Các Phật tử nghe Hòa thượng nói như vậy, dường như cũng đã ngộ ra cái lẽ đặc biệt nào đó, tất cả đều hoan hỷ vô cùng, đều cảm nhận được rằng, những chai nước suối được Hòa thượng lấy trên bàn thờ Phật tán lộc cho các vị như thế này quả thật là rất ngon. Cam lồ, Pháp nhũ là đây chăng?!./.