Lập Xuân là tiết khí đầu tiên của năm, cũng là thời điểm tràn đầy mới mẻ, phấn khởi, đánh dấu sự chuyển mình rõ rệt của thời tiết và cảnh sắc, đồng thời là lúc mà tâm hồn của các thi sĩ lại bay bổng về chủ đề Tết và mùa Xuân. Nhân dịp Tết Giáp Thìn 2024, Cổ Phong xin trân trọng gửi đến quý bạn đọc một tác phẩm hay của “Thánh thơ” Cao Bá Quát nói về chủ đề này.
Từ khoá: Cao Bá Quát, Chu Thần, Thơ xuân, Tết 2024
Đôi nét về tác giả Cao Bá Quát
Theo nội dung trên tấm bia đá Danh nhân Cao Bá Quát (1808-1855) tại Đền thờ danh nhân Cao Bá Quát (xã Phú Thị, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội) cho biết: “Cao Bá Quát sinh năm 1808 tại làng Sủi tức Phú Thị, huyện Gia Lâm (Bắc Ninh xưa) nay thuộc Hà Nội… Ông nội là Cao Huy Thiềm, tự là Ngọ Hiên. Cha là Cao Huy Sâm tức Cao Huy Tham, tự là Bộ Hiên, nối nghiệp cha làm thầy thuốc. Khi sinh đôi hai trai, ông lấy tên hai nhân tài sinh đôi đời nhà Chu (Trung Quốc) là Bá Đạt và Bá Quát đặt tên, mong hai con theo gương theo người hiền tài đời xưa. Cảm được chí nguyện của cha, sau này Cao Bá Quát lấy bút hiệu là Chu Thần, tự là Mẫn Hiên, hiệu là Cúc Đường”1.
Bia Danh nhân Cao Bá Quát
(Đền thờ danh nhân Cao Bá Quát, Phú Thị – Gia Lâm – Hà Nội)
Lại có ghi chép khác cho rằng: “Cao Bá Quát tự là Chu Thần 周臣, hiệu là Cúc Đường 菊堂, biệt hiệu là Mẫn Hiên 敏軒. Ông sinh năm 1809 tại làng Phú Thị, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh”2. Sử sách triều Nguyễn không ghi ngày sinh của ông. Căn cứ vào bài Thiên cư thuyết3 do ông sáng tác, được biết ông sinh năm 1809. Bởi trong bài có đoạn viết: “Với cái tuổi ta mới hai kỷ mà núi sông thành quách cũ, đã thấy thay đổi đến ba lần”. Cuối bài ghi: “Tháng mạnh thu, năm Nhâm Thìn, Chu thần thị viết bài thuyết này”. Năm Nhâm Thìn tức là năm 1832 – nếu ông đủ hai kỷ tức 24 tuổi (tính theo Âm lịch) thì tức là ông sinh năm Kỷ Tỵ, Gia Long thứ 8 (1809).
Ngoài ra, trong cuốn Việt Nam văn học sử yếu, bản in 1968 có ghi chép: “Cao Bá Quát (?-1854) hiệu là Chu Thần 周臣”4.
Ở đây chúng tôi thống nhất căn cứ theo văn bia khắc chữ quốc ngữ tại đền thờ ông ở làng Sủi để xác định ông sinh năm 1808 và mất năm 1855.
Từ xưa đến nay, vùng đất Gia Lâm đã có nhiều người nổi tiếng về thơ văn và đỗ đạt; riêng họ Cao 高 ở làng Phú Thị 富巿, từ đời Hậu Lê vẫn là một cự tộc5, nối đời khoa hoạn. “Cao Dương Trạc đỗ tiến sĩ làm Thượng thư thời Lê Trung Hưng, Cao Huy Thiện đỗ hương cống đời Gia Long, làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám… thời với Cao Bá Quát có Cao Huy Tố, Cao Xuân Nguyên đỗ cử nhân”6. Vì vậy, Bá Quát cùng Bá Đạt được cha gửi gắm nhiều hy vọng, hướng con theo đường khoa cử, ngày đêm rèn luyện theo những giáo lý của đạo Khổng và phát triển theo hướng nâng cao học vấn, tu dưỡng bản thân, đem tài năng thờ vua giúp nước.
(ảnh) Chân dung Cao Bá Quát (Đền thờ danh nhân Cao Bá Quát, Phú Thị – Gia Lâm – Hà Nội)
Sự nghiệp thơ văn Cao Bá Quát đến nay vẫn còn vô cùng phong phú, đồ sộ, là minh chứng không cần bàn cãi về một nhà Nho tài hoa, lỗi lạc. Đây là điều đặc biệt bởi sau khi bị hoạ “chu di tam tộc”, mọi vết tích của ông đều bị xoá nhoà, một phần bị triều đình nhà Nguyễn hủy hoại, một phần còn lại bị thất lạc.
“Dưới triều Nguyễn, Cao Bá Quát bị liệt vào hạng bạn nghịch7, ngay cả bạn chí thân như Nguyễn Văn Siêu (Phương Đình), Nguyễn Hàm Ninh (Thuận Chi), những người Cao luôn nhắc nhở trong thơ văn cũng không dám để lại vết tích gì tỏ ra có quan hệ với Cao, huống chi là lưu lại thơ văn của ông”8.
Thế nhưng độc giả yêu mến thơ ông đã bạo gan lưu giữ và truyền lại. Sang thế kỷ XX, thơ văn Cao Bá Quát từng bước được sưu tầm, phiên dịch, nghiên cứu và giới thiệu rộng rãi. Đến nay còn tập hợp được 1353 bài thơ, 21 bài văn xuôi, một số bài ca Trù và khá nhiều câu đối, hầu hết được viết bằng chữ Hán.
Bàn về tác phẩm
Cao Bá Quát là là một cây bút lớn lớn của văn học trung đại, là nhân tài đất Bắc. Bản lĩnh văn chương của ông không chỉ dừng ở số lượng tác phẩm mà còn ở hệ tư tưởng bên trong. Không ít những thông điệp của thơ Cao Bá Quát đáng để cho người đời suy ngẫm về thế sự, về tác giả, và ứng với tâm tư, khát vọng muôn thuở của con người. Bài thơ Lập xuân hậu nhất nhật tân tình là một trong số đó. Tác phẩm này được lưu truyền phổ biến dưới dạng phiên âm, ghi trong cuốn Thơ văn Cao Bá Quát (ấn hành năm 1984)9; cuốn Cao Chu thần thi tập, bản trích dịch (ấn hành năm 1971)10… Song, nguyên bản chữ Hán chỉ thấy chép trong ấn phẩm Cao Chu thần thi tập11 高周臣詩集,sao đúng nguyên bản Hán văn chép trong tập ảnh A.299. Phần nội dung được chép tay hoàn toàn, rất công phu, được Trung Tâm Học Liệu, Bộ Giáo dục chính quyền Sài Gòn ấn hành năm 1971. Bài thơ viết theo thể thơ thất ngôn tứ tuyệt, bài số 393, trang 328. Lập xuân hậu nhất nhật tân tình khắc họa qua nhiều hình ảnh mang đặc trưng của mùa Xuân, qua đó là những cảm xúc, tình cảm, những suy ngẫm về cuộc đời mà tác giả gửi đến bạn đọc.
Bìa sách Cao Chu Thần thi tập
Lập Xuân hậu nhất nhật tân tình 立春後一日新晴
Nguyên văn chữ Hán:
去日春來破舊寒
今朝紅紫鬦千般
何當世事如花事
風雨江山盡改觀
Phiên âm:
Khứ nhật xuân lai phá cựu hàn,
Kim triêu hồng tử đấu thiên ban.
Hà đương thế sự như hoa sự,
Phong vũ giang san tận cải quan.
Dịch nghĩa:
Hôm qua xuân về phá tan cơn rét trước,
Sớm nay hoa đua nhau nở, hồng tía nghìn màu.
Ước gì việc đời cũng như việc hoa,
Sau mỗi cơn mưa gió, non sông lại tươi sáng hơn.
Lập Xuân 立春 là một khái niệm trong công tác lập lịch của các nước phương Đông chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Trung Hoa cổ đại. Ngày lập Xuân được coi là ngày bắt đầu mùa Xuân ở Việt Nam. Xét về mặt thời tiết, khí hậu thì từ thời điểm này trở đi, miền Bắc (tính từ đèo Hải Vân trở ra) thời tiết sẽ trở nên ấm áp, độ ẩm tăng cao nên bắt đầu có mưa nhỏ kéo dài còn gọi là mưa phùn. Tình 晴 ở đây mang nghĩa là trời tạnh mưa, quang đãng, không mây12. Như vậy, nhan đề Lập xuân hậu nhất nhật tân tình là tác giả nói đến trời quang mưa tạnh sau hôm lập Xuân.
Vị trí của bài thơ trong sách
Bài thơ mang hai lớp nghĩa chính. Trước hết là nét tả thực – miêu tả không khí mùa xuân từ sự dịu nhẹ, nguyên sơ nhất của cảnh vật, gợi mở về không gian, thời gian.
“Khứ nhật xuân lai phá cựu hàn,
Kim triêu hồng tử đấu thiên ban”.
Một năm mở đầu bằng mùa xuân, mùa xuân mở đầu bằng tháng Giêng. Trước sự thay da đổi thịt của đất trời, lòng thi nhân bỗng bâng khuâng. Mùa đông không khí còn ẩm thấp, nặng nề; khu vườn trầm mặc, lặng im trong gió rét. Vậy mà “hôm qua” Xuân về phá tan cái lạnh lẽo và khắc nghiệt, gió thổi từng cơn buốt giá, u hoài. Thức dậy sau một giấc ngủ, nhà thơ cảm nhận được rõ sự biến đổi nhanh chóng của đất trời; “sáng nay” nắng ấm đã bừng lên, đánh thức và khơi dậy các giác quan của tác giả bằng cái tiết trời đặc trưng. Không gian như mở ra, sáng lên và ngân vang.
Trong không gian tươi đẹp ấy, nổi bật lên sắc đỏ tía của những bông hoa yêu dấu, mạnh mẽ vươn mình, trút bỏ tấm áo bông cũ kĩ. Có lẽ viết về những bông hoa khoe sắc mùa xuân cũng nhiều, mượn hoa mà nói lòng người chẳng ít, song để phô sự mơn mởn, đầy sức sống đến mức “đấu 鬦” như Cao Bá Quát thì không phải nhà thơ nào cũng tinh tế mà khai phá được. Những cánh hoa mỏng manh, nụ nhỏ bé, xinh xắn phải tranh đấu nghìn trận, chen nhau giành lấy một vị trí mà bung nở giữa đất trời nhân gian, đón lấy ánh nắng mới, mở cả cánh cửa mùa xuân thật lộng lẫy. Chỗ này nghe nó hay, nó mạnh mẽ lắm và có lẽ phần dịch nghĩa chưa lột tả hết được cái khí, cái thần của câu thơ.
Vẫn là sự tươi mới, ấm áp đã trải qua biết mấy mùa xuân, mà sao xuân này lại khiến thi sĩ xuyến xao? Phải chăng mùa xuân biết thay đổi mình để trở nên ngọt ngào, nồng ấm? Hay vì mùa xuân luôn gợi lên trong lòng người những cung bậc cảm xúc, mang đến cho ta thật nhiều chiêm nghiệm?
Cao Bá Quát muốn mượn cảnh để nói ra nỗi niềm của bản thân.
“Hà đương thế sự như hoa sự,
Phong vũ giang san tận cải quan”.
Cao Bá Quát là một trí thức xuất thân từ một gia đình nhà nho nghèo nên ông biết quý trọng tình cảm thân thuộc từ phía gia đình, bạn bè, quê hương. Đó chính là cái nôi nuôi dưỡng những tình cảm tốt đẹp, thấm thía và đồng cảm với những người cùng khổ; những cảnh đói rét, bất hạnh trên đời hàng ngày day dứt ông, làm cho ông phải luôn suy nghĩ mong tìm ra cách giải quyết. Đến khi làm quan, muốn đem tài năng ra giúp đời, nhưng rồi Cao Bá Quát sớm nhận ra rằng vấn đề không hề đơn giản như ông tưởng. Họ Cao khi này với thân phận bề tôi, người gần gũi nhất trực tiếp gánh chịu “cái dân chủ dội từ trên xuống”; bản tính gọi là cứng cỏi, thẳng thắn phải tìm cách đối phó, đôi khi chịu nhiều hạn chế trong cung cách ứng xử, phải biểu hiện dưới hình thức nước đôi, tránh né. Ông đem sự bất mãn bị đè nén trong lòng vào thơ, mong muốn bản thân cũng có thể vùng ra khỏi khuôn phép, thế sự có thể giống như “hoa sự”, đấu tranh để nở rộ sau mùa đông lạnh lẽo, ảm đạm.
Nhà thơ trong cuộn xô của thời đại, đã sống và cống hiến hết mình cho đất nước, nhân dân. Song, thế sự như lạc vào mảnh đất cằn cỗi, tối tăm. Lúc này, Bá Quát lại gặp cơn mưa rào, được ánh sáng rực rỡ của lý tưởng cách mạng mà tràn trề nguồn sống. Sức mạnh của lý tưởng cách mạng bắt rễ một cách nhanh chóng vào tâm hồn khao khát tự do, hạnh phúc của thi sĩ. Hơn ai hết, ông ý thức được chỉ có đi theo lẽ phải, con người mới tìm được lẽ sống của mình.
“Phong vũ giang san tận cải quan”
Câu kết có hàm ý sau cơn phong ba, bão táp, giang sơn được biến đổi một cách triệt để đến tận gốc. Cao Bá Quát vĩ đại ở chỗ đem khát vọng đem tài năng của mình phụng sự cuộc đời với mục đích tìm thái bình, ấm no cho dân lành, loại bỏ tận gốc áp bức, bất công. Câu thơ lấp lóe cái chân lý ở nửa đầu thế kỷ XIX: phải có cách mạng bạo liệt mới thật sự đưa đất nước đến đổi mới.
Xuất thân trong gia đình Nho học song những ràng buộc của Nho giáo không thể “trói chân” được Cao Bá Quát. Từ khi lều chõng đi thi đến khi buông thanh gươm giữa chiến trường, ông luôn băn khoăn về con đường đi của mình, về trách nhiệm của một nhà nho đối với nhân dân, đất nước.
“Bất tri lai nhật thử hoặc hàn?
Như hà cửu tọa linh tâm to”13
(Bài thơ Kim nhật hành, Cao Bá Quát)
Về nghệ thuật
Bài thơ mở đầu với giọng nhẹ nhàng, bình dị, ấm áp xen lẫn chút tiếc nuối, xót xa; đến cuối đã trở nên bạo dạn, hứng khởi, quyết liệt, đầy tin tưởng. Mạch cảm xúc của bài thơ là mạch cảm xúc chuyển động qua nhiều tầng, gắn liền với bức tranh mùa xuân, đưa ta nhẹ xuôi theo dòng cảm xúc của nhân vật trữ tình, từ những cung bậc cảm xúc nhẹ nhàng đến những suy ngẫm triết lý sâu xa. Người đời có câu “Văn như Thần Siêu, chữ như Thánh Quát”14. Chất tự sự trong thơ ông là một điều đáng nói. Nó hoà quyện trong mạch trữ tình sâu lắng làm bật
nên tình và cảnh, số phận và tâm trạng, hiện thực và mong muốn… Tâm hồn nhạy bén, mẫn cảm với cuộc đời, sự sáng tạo nghệ thuật miệt mài đã khiến Cao Bá Quát trở thành một tài thơ hiếm thấy.
Xét trong luật thơ tứ tuyệt Đường luật, về phần luật, chữ thứ hai của câu thứ nhất thuộc vần trắc, tuy nhiên, phần niêm thì chữ cuối của câu thứ hai, và câu thứ tư lại mang vần bằng. Đây là một đặc điểm phá cách của bài thơ, đồng thời cũng phản ánh tính cách của người sáng tác. Không tuân thủ khuôn sáo, muốn gửi gắm cái khí phách, tâm tư một cách tự nhiên, phóng khoáng. Trong khi đó vẫn giữ nguyên phong vị và nhịp điệu của thơ Đường.
Từ chỗ chọn luật trắc mang tính khép kín, viên mãn, nhưng luật lại sử dụng luật bằng, xét về mặt âm vận, khi đọc lên ta thấy vừa trầm lặng, vừa bay bổng ở tiết nhịp 2-2-3 ở hai câu đầu:
“Khứ nhật Xuân lai phá cựu hàn
Kim triêu hồng tử đấu thiên ban”
Sau mỗi lần ngắt câu, hình ảnh tả và kể hiện dần về trong ký ức, để cảnh trước mắt mở ra một hiện thực tươi sáng, rực rỡ. Cái lạnh lẽo, giá rét trong ký ức cũng đã lùi về quá khứ, vẻ rạng ngời đã bừng dậy, thật ngỡ ngàng, kèm theo lời hoan lạc ở tiết nhịp 2-2-3, và kết thúc ý ở vần Bằng trong chữ cuối của câu thứ 2, đưa vận thơ lan ra như gió, khiến tâm tình lặng lại để miên man.
“Ngẫm đương thế sự như hoa sự
Phong vũ giang san tận cải quan”
Từ vận thơ vừa lắng vừa đọng vừa mênh mông ở hai câu đầu, đến câu thứ ba chuyển sang nhịp 4-3, vừa trúc trắc, vừa giàu tính nhạc, và tiếp theo câu thứ tư cũng vẫn ở nhịp 4-3 nhưng kết thúc ở vần bằng. Về bố cục, tính phá cách này đã làm cho âm thanh, tiết nhịp của toàn bài như một bản dân nhạc của người Tây Ban Nha, vừa mạnh mẽ, vừa mơ mộng. Tả cảnh trúng từ, tả tình bồng bềnh mênh mang, nhịp điệu từ đanh chắc, mở nhịp dần dần đến nhẹ nhàng, và cuối cùng là bay bổng, vút cao, tựa tiếng chuông, gõ xong nhưng âm thanh thì hãy còn ngân, vọng mãi trong không gian. Thơ của họ Cao cũng như thế vậy. Đọc đến chữ thì tình vừa nhen nhóm, đọc hết chữ thì tình mênh mông.
Kết luận
Cao Bá Quát là một hiện tượng độc đáo trong lịch sử văn chương Việt Nam thế kỷ XVIII-XIX. Trải qua những chặng khác nhau, nếm trải bao khó khăn và những niềm hăm hở, đôi khi là nỗi cô đơn tận cùng, các sáng tác của ông mang phong cách riêng, tài hoa, khí phách, ngang tàng, mạnh mẽ và quyết liệt. Bài thơ ra đời đã hơn 100 năm, nhưng đến nay vẫn còn nguyên giá trị và ý nghĩa của nó bởi khát vọng hướng đến cái tốt đẹp, giá trị chân chính của con người.
Có thể thấy trong khuôn khổ chật hẹp của một bài thơ Đường luật, Lập xuân hậu nhất nhật tân tình đã thể hiện nguồn xúc cảm tha thiết, đầy trách nhiệm với quê hương, đất nước của tác giả. Dẫu rằng, hành trình của Cao Bá Quát đã phải khép lại sớm, nhưng những gì ông để lại cho đời sẽ luôn còn mãi, giữ vị trí quan trọng nền văn học trung đại Việt Nam với những đóng góp mang ý nghĩa đổi mới cả về nội dung và nghệ thuật.
Nhân mùa Xuân sắp tới, kẻ hậu học xin có đôi lời cảm khái, tri âm tới cổ nhân, và cũng đồng khát vọng tựa cổ nhân. Xin mượn hai câu cuối trong bài của thi sĩ họ Cao, tạm thay cho lời kết của bài vậy:
“Hà đương thế sự như hoa sự
Phong vũ giang san tận cải quan”.
chú thích
(1) Bia đá Danh Nhân Cao Bá Quát tại Đền thờ danh nhân Cao Bá Quát (xã Phú Thị, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội).
(2) Vũ Khiêu, Nguyễn Văn Tú, Nguyễn Trác…(biên soạn), Thơ văn Cao Bá Quát, Nxb Văn học Hà Nội, 1984, tr. 9.
(3) Bài thuyết này nằm trong Cao Chu Thần thi tập, bản lưu tại Viện Hán Nôm, ký hiệu A.299 và VHv. 1434/1.
(4) Dương Quảng Hàm, Việt Nam văn học sử yếu, Trung tâm học liệu, 1968, tr. 357.
(5) Cự tộc: là họ có danh-giá lớn, có nhiều con cháu đỗ-đạt, nổi danh.
(6) Vũ Khiêu, Nguyễn Văn Tú, Nguyễn Trác…(biên soạn), Thơ văn Cao Bá Quát, Sđd, tr. 10.
(7) Bạn nghịch: nghĩa là phản nghịch, làm phản.
(8) Vũ Khiêu, Nguyễn Văn Tú, Nguyễn Trác…(biên soạn), Thơ văn Cao Bá Quát, Sđd, 1984, tr. 8.
(9) Vũ Khiêu, Nguyễn Văn Tú, Nguyễn Trác…(biên soạn), Thơ văn Cao Bá Quát, Sđd, 1984, tr. 215
(10) Sa Minh Tạ Thúc Khải, Cao Chu thần thi tập (Trích dịch), Nxb Trung Tâm Học Liệu, 1971, tr. 407.
(11) Cao Bá Quát, Cao Chu thần thi tập nguyên bản Hán Văn, Bộ Giáo dục – Trung tâm Học liệu 1971. Bài thơ Lập Xuân hậu nhất nhật tân tình (bài số 393), tr. 328.
(12) Theo Từ điển Hán Nôm.
(13) Nhiều tác giả, Cao Bá Quát toàn tập – tập 1, Trung tâm Nghiên cứu quốc học, Nxb Văn học, 2009.
(14) Có nghĩa: viết văn mà được như Nguyễn Văn Siêu và Cao Bá Quát thì văn đời Tiền Hán coi như không có (Đời Tiền Hán rất thịnh về văn, ý muốn nói văn của Nguyễn Văn Siêu và Cao Bá Quát còn hay hơn văn của đời Tiền Hán).
Tài liệu tham khảo:
1. Cao Chu thần thi tập – nguyên bản Hán Văn, Bộ Giáo dục – Trung tâm Học liệu, 1971.
2. Sa Minh Tạ Thúc Khải (1971), Cao Chu thần thi tập (Trích dịch), Nxb Trung Tâm Học Liệu.
3. Dương Quảng Hàm (1968), Việt Nam văn học sử yếu, Trung tâm học liệu.
4. Nhiều tác giả (2009), Cao Bá Quát toàn tập, tập 1, Trung tâm Nghiên cứu quốc học, Nxb Văn học.
5. Thơ văn Cao Bá Quát, Vũ Khiêu, Nguyễn Văn Tú, Nguyễn Trác…(biên soạn), Nxb Văn học Hà Nội, 1984.