Tiếp Nối Ân Sư – Trùng Khắc Mộc Bản

Tiếp Nối Ân Sư – Trùng Khắc Mộc Bản

Thông tin cơ bản

Dẫn nhập
Mộc bản là tập hợp các ký tự và hoa văn được khắc trên bề mặt của những tấm gỗ. Nó đóng vai trò quan trọng như vật chứng lịch sử, là nguồn khảo cứu quan trọng trong công tác nghiên cứu, phân tích và bảo tồn di sản văn hóa. Trên tinh thần lưu giữ truyền thống tốt đẹp, văn phòng bảo tồn Di sản Phật giáo chùa Sủi đang triển khai thực hiện công việc in khắc lại bộ sách Tam tổ thực lục.

Mở đầu

Mộc bản là hệ thống các ký tự, hoa văn được khắc trên những ván gỗ. In khắc mộc bản là một hình thức lưu trữ văn bản cổ điển, được phổ biến ở Trung Quốc và các quốc gia Đông Á khác từ thời kỳ cổ đại đến trước khi công nghệ in ấn phát triển mạnh mẽ. Đóng vai trò như vật chứng đảm bảo tính chân thực, nguyên bản và giữ gìn di sản văn hóa, mộc bản thường được coi là nguồn tham khảo quan trọng cho việc nghiên cứu, phân tích và bảo tồn di sản văn hóa. Trong lĩnh vực văn hóa lịch sử, mộc bản không chỉ đơn giản là những tấm gỗ được khắc chữ bình thường mà nó còn chứa đựng ý nghĩa về sự ổn định, sự trường tồn và giá trị lịch sử của một nền văn hóa cụ thể. Hoạt động bảo tồn và sự tồn tại của mộc bản thường đi kèm với sự tôn trọng và sự quan tâm đặc biệt từ các nhà nghiên cứu, nhà bảo tồn di sản và những người yêu thích văn hóa.

Ngày 16/5/2012, kho tàng mộc bản tại chùa Vĩnh Nghiêm đã được Ủy ban UNESCO khu vực Châu Á Thái Bình Dương ghi danh vào Danh mục Di sản tư liệu trong Chương trình Ký ức thế giới. Kho tàng có tổng cộng 3.050 tấm mộc bản, với 9 đầu sách lớn, bằng chữ Hán, chữ Nôm, và một số ít bằng chữ Phạn, được khắc từ thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX. Trong các tấm mộc bản này, chứa đựng nội dung quý báu là các kinh và sách do Tam tổ Trúc Lâm, bao gồm đức Điều Ngự Phật Hoàng Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang, cùng với các hệ phái kế tiếp, đã biên soạn. Cố hòa thượng Thích Thông Tiến1 – trụ trì chùa Sủi (Đại Dương Sùng Phúc tự) là một trong những vị đã góp công không nhỏ trong việc hỗ trợ khắc ván in kinh tại chùa Vĩnh Nghiêm. Ngài thường vào Viện Viễn Đông Bác Cổ phiên dịch kinh điển, có hơn 10 năm khắc ván in kinh trong chùa Vĩnh Nghiêm. Mặt sau tấm bia đá Phú Thị Đại Dương tự bi được đặt trước Tam Bảo tại chùa Sủi còn ghi:  Thầy tăng nguyên quán tại làng Mai xá, xã Công Xá, huyện Nam Xương phủ Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Thầy có họ Nguyễn, là người con thứ trong gia đình, tên tự là Duy Tiến, vốn theo học Nho thư. Năm 9 tuổi xuất gia xin xuống tóc theo Hòa thượng ở chùa Bảo Khám, xã Tế Xuyên trong huyện. Thời gian sau đó, ngài theo học, cầu y chỉ từ thầy tổ đời thứ tư ở chùa Linh Quang (chùa Bà Đá) Hà Nội. Sau đó, ngài trở về thụ Cụ túc giới bởi Hòa thượng chùa Bảo Khám. Rồi vâng mệnh ủy thác mà làm trụ trì chùa Khai Sáng Thụy Bản thuộc tỉnh Thái Bình. Thời gian sau, ngài lại nhiều lần vâng mệnh Hòa thượng chùa Vĩnh Nghiêm, đến trường Bác Cổ ở Hà Nội xin phép chép tay Kinh, và Luật. Lại thừa mệnh kiểm duyệt sách san khắc pháp bảo ở các chùa Vĩnh Nghiêm, Bảo Khám, Linh Quang, Liên Phái. Ngài ở chùa Phổ Quang, Hà Nội đích thân mình tham gia san khắc pháp bảo, nguyện được lưu thông2. Trong giai đoạn đó Đại trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Bích3 đã cùng thầy làm ruộng, lấy hoa lợi đóng góp cho Vĩnh Nghiêm khắc kinh. Tiếp nối truyền thống tốt đẹp của ân sư, Thượng tọa Thích Thanh Phương cùng văn phòng Bảo tồn Di sản Phật giáo chùa Sủi đang tiến hành công việc in khắc lại bộ sách Tam tổ thực lục bản Lân Động. “Tam tổ thực lục” là một bộ tài liệu quý giá ghi chép về ba vị Tổ sư quan trọng trong thiền phái Trúc Lâm Yên Tử thời đại nhà Trần.

Dấu ấn của Tam Tổ Trúc Lâm tại vùng Siêu Loại

Vùng Siêu Loại ta xưa kia, khi nhắc đến ba vị tổ Trúc Lâm thiền phái, nơi đây chính là nơi mà Phật Hoàng chọn làm trung tâm giảng pháp cùng với Yên Tử trong giai đoạn đầu khai pháp của sơn môn Trúc Lâm – Yên Tử. Theo lời truyền thuyết dân gian xưa kể lại rằng: Khi vua Trần Nhân Tông nhường ngôi đi tu, quên mình làm đạo. Ngài đã cùng Hoàng hậu qua chùa Báo Ân, nghỉ lại một đêm trước khi lên Yên Tử. Sau khi Trần Nhân Tông nhập thiền ở Yên Tử, vua Anh Tông đã cho đúc hai pho tượng của Ngài bằng vàng, một pho để ở chùa Báo Ân, một pho để ở chùa Hoa Yên núi Yên Tử. Ngài còn lập ba cơ sở giới đàn ở 3 nơi, đó là chùa Chân Giáo trong Hoàng Thành, chùa Báo Ân ở Siêu Loại và chùa Phổ Minh ở Thiên Trường. Dấu ấn của các Ngài tại vùng Siêu Loại thể hiện rõ nét nhất tại thời điểm khi Phật Hoàng cử đồ đệ Pháp Loa khai đường và trụ trì chùa Báo Ân vào ngày 01 tháng Giêng năm Mậu Thân, niên hiệu Long Hưng 16 (1308). Trước đó, Trần Nhân Tông còn lập thiền sư Pháp Loa làm Pháp chủ ở chùa Báo Ân vào năm Hưng Long thứ 14 (1306) và cho thiền sư Huyền Quang Trúc Lâm đệ Tam Tổ làm thị giả. Từ những cứ liệu lịch sử cho thấy tại thời điểm đó vùng Siêu Loại chính là trung tâm truyền bá Phật giáo, các đại thiền sư Pháp Loa, Huyền Quang thường đến đây giảng Kinh. Người nghe có hôm lên tới  hàng ngàn người.

Z5173526413898 293c85c90b2a67a854c7c603058c30e2

Bộ sách Tam Tổ Thực Lục

“Tam tổ thực lục” bản Lân Động là bộ tư liệu ghi chép về cuộc đời đức Điều Ngự Phật Hoàng Trần Nhân Tông, cùng với những hình ảnh tâm linh của Pháp Loa và Huyền Quang bởi Thiền sư Tính Quảng và Sa di Hải Lượng, dựa trên nhiều tư liệu thu thập từ thời Trần đến giai đoạn sau đó. Sau quá trình biên soạn, nội dung được khắc bản mộc vào năm Cảnh Hưng thứ 26 (1765) và in ván ra văn bản. Nội dung của tập sách xoay quanh truyện kể về về đức Điều Ngự Phật Hoàng Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang. Quá trình khắc in diễn ra tại chùa Lân Động, núi Yên Tử, và được lưu giữ tại đó nên nó còn được gọi là Bản chùa Lân (hơn 100 năm sau, sách được chùa Pháp Vũ ở tỉnh Hải Dương trùng san). Hiện có hai bản in đầu tiên của bộ sách này được tìm thấy. Các bản in đều trong tình trạng xấu, bị hư hại nặng do ảnh hưởng của mối xông, bong một số chỗ, đặc biệt là phía dưới trang và mép gần gáy sách. 

Tác phẩm không có tờ bìa, và hai tờ đầu chỉ là bài tựa. Mỗi tờ có hai trang, mỗi trang có 8 dòng và mỗi dòng có 15 chữ, được khắc chữ Hán rất rõ đẹp. Phía sau bài tựa, có thông tin về người soạn giả là Hối Tích sa môn Tính Quảng Điều Điều, người đóng vai trò trong viện Thời Vũ. 
Nội dung tập sách được chia thành ba phần:
Phần đầu có tiêu đề “Yên Tử sơn đệ nhất tổ Trúc Lâm đại sĩ thực lục” tập trung viết truyện về vua Trần Nhân Tông. Phần này gồm 13 tờ, mỗi trang được kẻ thành 8 khung dọc, mỗi khung chứa 1 dòng chữ Hán. Mỗi dòng có 16 chữ và chữ viết rất đẹp. Phần này được viết bởi tỳ kheo Hải Luật Thích Cục Cục.

Phần hai bao gồm truyện về thiền sư Pháp Loa hay còn gọi là Phổ Tuệ Tôn giả, Tổ thứ hai của thiền phái Trúc Lâm. Phần này được sư Thị giả Trung Minh tập hợp và Truyền pháp chân tử Huyền Quang (đệ tam Tổ Trúc Lâm) khảo đính. Mỗi trang có 8 dòng và mỗi dòng chứa 17 chữ, được khắc chữ Hán, tuy nhiên, chữ viết không đẹp lắm. Phần này có thêm một phần in phụ gọi là “Thiền đạo yếu lược”, gồm 15 tờ, do Tỷ Khâu Hải Diễn Thích Dương Dương từ chùa Linh Sơn chép.

Phần ba là “Tổ gia thực lục” với gáy đề “Bản hạnh ngữ lục” Tờ đầu phía dưới gáy đề cho biết số tờ đã đến vị trí số 7, tức tờ 7. Tuy nhiên, không rõ liệu có sự nhầm lẫn trong việc ghi số tờ này hay không. Mỗi trang có 7 dòng và mỗi dòng chứa 14 chữ. Mấy tờ đầu viết chữ khá đẹp, nhưng từ tờ 12 trở đi, chữ viết trở nên xấu hơn.

Tờ 21b4 ghi lại danh sách một số đệ tử của thiền sư Chân Nguyên, người trụ trì chùa Long Động tại núi Yên Tử. Trong danh sách này, có ghi rõ gia đình của Trần Đức Vọng, người Hải Dương, đã đóng góp quan trọng trong việc ủng hộ việc khắc bản in của cuốn sách.

Trong Tam Tổ Thực Lục, hành trạng của ba vị tổ Trúc Lâm đã được mô tả thông qua các khía cạnh Phật học, những tư tưởng và triết lý, cũng như những phương thức tu tập do chính các ngài tạo nên những đặc trưng tư tưởng của dòng Thiền Trúc Lâm tại Yên Tử. Mặc dù, không có sự đồng nhất về các đặc điểm nội dung và phong cách nghệ thuật giữa ba truyện tổ, tuy nhiên, trong cả 3 tập truyện vẫn tồn tại những điểm tương đồng về bút pháp biên lục, sự kết hợp các yếu tố văn học dân gian qua các motif kỳ ảo và giá trị thi ca chứa trong đó. Cùng với các tác phẩm đương thời, Tam Tổ Thực Lục đã đóng vai trò quan trọng trong việc đặt nền móng cho sự phát triển của văn xuôi tự sự bằng chữ Hán trong các thời kỳ sau.

Hoạt động trùng khắc Tam Tổ Thực Lục

Với nguyện vọng lưu giữ những truyền thống tốt đẹp của tiền nhân, đội ngũ công tác tại Văn Phòng bảo tồn di sản Phật giáo chùa Sủi đã dày công nghiên cứu cách mà cha ông ta xưa chế tác ra tấm mộc bản và ứng dụng vào thực tế. Để tạo ra một tấm ván khắc hoàn hảo, có thể in ra 4 trang (khắc cả hai mặt ván), khâu đầu tiên là chọn gỗ để khắc cũng đòi hỏi sự lưu ý và cẩn trọng đặc biệt. Bởi những đặc tính mịn, mềm, dai, dễ chạm khắc những hình khối nên gỗ thị đã được đội ngũ nghiên cứu chọn làm nguyên liệu khắc mộc bản. Ngày nay, loại cây này không còn phổ biến tại các làng quê, nên công tác tìm kiếm và thu mua gỗ thị của văn phòng Bảo tồn Di sản gặp không ít khó khăn, tốn kém cả về thời gian lẫn tài chính. Cần lựa chọn cây gỗ thị đực đã trưởng thành (cây cổ thụ thì càng tốt), mặt gỗ phải có tiết diện đủ rộng để làm trang sách khi xẻ ra. Đồng thời, chất lượng của gỗ cũng cần có những đặc điểm như thớ mềm, mịn và dai, đảm bảo độ bền để nét chữ khắc có thể in được nhiều lần mà không gây mòn nhiều. Sau khi được thu mua về, cần ngâm gỗ thị dưới nước ít nhất 6 tháng để tránh tình trạng mối mọt và cong vênh mộc bản sau này. Ngâm gỗ xong, tiếp đến là xẻ gỗ làm mộc bản, công đoạn này cũng rất mất nhiều công sức và đòi hỏi sự tỉ mỉ của người thực hiện. Khi tiến hành việc xẻ gỗ, cần tính toán thật cẩn thật để đảm bảo phù hợp với khổ trang sách dự kiến in. Gỗ cần được bào ngang theo chiều thớ để đảm bảo bề mặt mịn và phẳng. Bào dọc có thể dẫn đến xước mặt gỗ, làm ảnh hưởng đến khả năng khắc chữ. Vì vậy, công đoạn này đòi hỏi sự công phu, phải thực hiện bào bằng tay trên mặt trơ của gỗ. Các tấm gỗ sau khi được cắt xẻ đạt đúng tiêu chuẩn kích thước, độ dày, độ mịn sẽ được đem đi khắc. Công đoạn khắc chữ cũng được chia thành 2 bước. Đầu tiên mộc bản sẽ được đưa vào máy, khắc những nét to, cơ bản. Sau đó, những người thợ thủ công lành nghề sẽ tỉ mỉ khắc những chi tiết nhỏ để tạo thành tấm mộc bản thật hoàn hảo.

Z5173535584448 Cec3fab6cda6a3f81840617d7c4f62b8

Thượng tọa Thích Thanh Phương và Phật tử
cùng bản khắc trang đầu tiên của Tam Tổ Thực Lục

Mỗi tấm mộc bản hoàn thành, đều là tâm huyết, là tình yêu, niềm tự hào và trân trọng di sản văn hóa Việt Nam của những người làm công tác bảo tồn di sản tại chùa Sủi. Vừa qua nhân dịp giỗ Tổ chùa Sủi, đội ngũ trùng khắc đã cho ra mắt tấm mộc bản in trang đầu tiên trong Tam Tổ Thực Lục cùng với triển lãm mộc bản và tranh mộc bản tại Văn phòng bảo tồn di sản Phật giáo chùa Sủi. Nó chính là trái ngọt đầu tiên sau thời gian dài tìm tòi, nghiên cứu, tiến hành công việc trùng khắc bộ sách Tam Tổ Thực Lục. 

Z5173535587735 3c95c24f7014e1f3fd4a00efc763aeba

Phật tử tham gia trải nghiệm in rập trang đầu Tam Tổ Thực Lục

Kết luận

Những tấm mộc bản là kho tàng chứa đựng những tri thức và tâm hồn của người Việt Nam. Đó là những bí quyết của triết học, đạo đức và truyền thống tôn giáo mà chúng ta có thể học hỏi và thấu hiểu. Trùng khắc kinh cổ không chỉ là một công việc bảo tồn, mà còn là sứ mệnh thiêng liêng để kết nối chúng ta với quá khứ, với tâm hồn của dân tộc và tôn giáo. Tuy nhiên, việc bảo tồn và phục hồi những mộc bản này đòi hỏi sự đoàn kết và ủng hộ từ cộng đồng. Chúng ta cần lan tỏa thông điệp về tầm quan trọng của việc bảo tồn di sản này trong cộng đồng các tổ chức văn hóa, tôn giáo và cả những người đam mê về di sản và văn hóa. Hơn thế nữa chúng ta cần kết nối và hợp tác để tạo ra một mạng lưới hỗ trợ đa dạng và mạnh mẽ hơn để bảo vệ và phát triển tài sản văn hóa và tôn giáo của đất nước.

chú thích

(1) Hòa thượng Thích Thông Tiến – Tổ Thiên Phúc (1889 – 1976), thuộc sơn môn Tế xuyên Hà Nam, là một bậc pháp khí thiền gia lỗi lạc, trụ trì các chùa Thiên Phúc, Bà Đá, Sủi (Gia Lâm), Hội Xá – Thường Tín, Hà Nội và Tế Xuyên ở Hà Nam.
(2) Chuyên gia Hán Nôm Nguyễn Đức Hùng dịch
(3) Đại lão Hòa thượng Thích Thanh Bích (1912 – 2013) là một tu sĩ Phật giáo Việt Nam. Hòa thượng từng đảm trách ngôi vị Phó Pháp chủ kiêm Giám luật Hội đồng Chứng minh của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Ngài là đồ đệ của Hòa thượng Thích Thông Tiến. 

Chấm điểm
Chia sẻ
Z5173526413898 293c85c90b2a67a854c7c603058c30e2

Nội dung chính

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner App ChỐn ThiÊng 3 (60x90)