Vào khoảng những năm 2005 – 2010, các Phật sự của GHPGVN hay của Thành hội Phật giáo Hà Nội thường xuyên có sự hiện diện của Tổ Ráng – Đức đệ Tam Pháp chủ Thích thượng Phổ hạ Tuệ và Tổ Hội Xá – Đức Trưởng lão Hòa thượng Phó Pháp chủ kiêm Giám luật Thích thượng Thanh hạ Bích.
Sự hiện diện của nhị vị Trưởng lão đã mang đến niềm vui sướng, tự hào, vinh hạnh cho Tăng Ni, đặc biệt là các cư sĩ Phật tử tham gia những Phật sự đó.
Đương thời, Trưởng lão Hòa thượng Pháp chủ đã ngót bách niên, Trưởng lão Hòa thượng Hội Xá cũng đã trăm tuổi. Trong các Phật sự này còn có mặt của Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Tứ – Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS GHPGVN, Trưởng Lão Hòa thượng Thích Quảng Lợi – Phó Trưởng BTSPG tỉnh Hà Tây (cũ), Trưởng lão Hòa thượng Thích Mật Trọng – Trưởng BTSPG Gia Lâm, trụ trì chùa Ninh Hiệp nổi tiếng.
Thi thoảng trong những việc lớn của Trung ương Giáo hội, còn có sự hiện diện của các vị Hòa thượng đến từ nơi xa như Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Dục đến từ Thái Bình, Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Đàm đến từ Ninh Bình v.v. Khi ấy, dưới các Hòa thượng đang có các Thượng tọa tráng niên như chư vị Thượng tọa Thích Thanh Nhiễu, Thích Thanh Duệ, Thích Thanh Điện, Thích Thanh Nhã, Thích Thanh Hưng, Thích Bảo Nghiêm, Thích Quảng Tùng, Thích Gia Quang, Thích Thanh Dương, Thích Thanh Thiều v.v.
Sự hiện diện đông đủ, đại hoan hỉ của chư Tôn đức Trưởng lão Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức, Tăng Ni như vậy đã đủ tạo lễ hội lớn cho các sự kiện Phật sự.
Thời đó, Đức đệ nhị Pháp chủ Thích thượng Tâm hạ Tịch đã viên tịch được vài năm, người đương vi gánh vác các công việc của Trung ương Giáo hội với sự hiện diện như một biểu tượng đó là Đức phó Pháp chủ, Chánh Thư ký HĐCM – Trưởng lão Hòa thượng Thích thượng Phổ hạ Tuệ. Trú xứ của Ngài là ngôi chùa Ráng – Viên Minh tự tại xã Quang Lãng – Phú Xuyên – Hà Nội.
Chùa Ráng – Viên Minh tự vốn có lịch sử xa xưa, có lẽ từ thời Lý – Trần, tọa trên bãi sông Hồng. Đến đầu thế kỷ XX, bãi lở, chùa được Tăng Ni Phật tử di rời vào vị trí hiện nay. Pháp sư Thích Nguyên Uẩn đã mở tại chùa Ráng một pháp hội – Viên Minh pháp hội tập hợp tới trên 200 vị Tăng Ni, mở trường giảng kinh, thuyết pháp, dịch kinh, viết sách, khắc mộc bản v.v. Đến nay, chùa Ráng vẫn còn lưu giữ được hàng chục bộ sách dưới dạng mộc bản. Viên Minh pháp hội kéo dài tới năm 1915 khi Tổ Thích Nguyên Uẩn viên tịch thì tạm dừng.
Chiến tranh, Pháp nạn triền miên, cho đến gần 100 năm sau, vào năm 2006 thì Đức đệ tam Pháp chủ, trụ trì Tổ đình Viên Minh quyết định khôi phục lại trường Hạ Viên Minh tại chùa Ráng. Chùa Viên Minh mở Hạ khai Pháp tập hợp toàn bộ Tăng Ni của huyện Phú Xuyên, một số vị từ bên Hưng Yên hoặc từ nơi xa quy tập an cư.
Từ năm 2006, Đức Pháp chủ, trên 90 tuổi nhưng còn khỏe mạnh, trực tiếp chỉ đạo, giảng dạy toàn bộ chương trình, quản chế giới luật nghiêm minh, trong điều kiện cơ sở vật chất của chùa Ráng còn rất đơn sơ, sinh hoạt của chư Tăng, đại chúng rất đạm bạc.
Tăng Ni Phật tử về tu học dưới sự giáo hóa trực tiếp của Đức Pháp chủ rất hoan hỉ, sung sướng, coi đây là cơ hội hiếm có ở trong cuộc đời để có thể tu học thành tựu.
Trường Hạ Viên Minh nằm trên địa bàn nông thôn nông nghiệp nên tổ chức hậu an cư, Rằm tháng 5 âm thì khai Hạ, chư Tăng vân tập, ghi tên. Phật tử các nơi kéo về cúng dàng trường Hạ. Sau 10 ngày, Đức Pháp chủ – Đường chủ Hạ trường cho khai Pháp.
Ngày khai Pháp, chùa Ráng rất vui vẻ, nhộn nhịp. Dòng người như nước chảy về nghe Hòa thượng Pháp chủ tuyên thuyết giáo lý, cũng là để được chiêm bái, để lễ, để xem, để ngắm chư Tôn Tịnh đức Tăng Ni uy nghi vân tập Đạo tràng.
Khi chư Tăng đã có mặt đầy đủ ở trên nhà Tổ thì Phật tử trang nghiêm cung đón rước Lễ chư Tăng xuống giảng đường khai Pháp. Đây là dịp để mọi người có thể chiêm bái chư Tôn đức. Dẫn đầu chư Tôn đức là Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Bích, Trưởng lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ kế sau, tiếp theo là các vị Thượng tọa, Đại đức theo thứ tự hạ lạp. Đến lễ đài, chư Tăng nhất tâm cung thỉnh nhị vị Trưởng lão lên Pháp tòa.
Hòa thượng Thích Phổ Tuệ tuyên thuyết, thực hiện nghi lễ khai Pháp. Hòa thượng Thích Thanh Bích uy nghi trong hình hài nhỏ bé, tinh anh ngồi bên, một sự hài hòa đạo pháp tuyệt đối. Kết thúc lễ khai Pháp, nhị vị trưởng lão cùng chư Tăng hồi quy Tổ đường.
Hòa thượng Pháp chủ vào phương trượng thay lễ phục.
Hòa thượng Thích Thanh Bích thong thả đứng ngoài hiên nhà Tổ thay y. Ngài thong thả cởi, gấp áo Ca-sa.
Thấy Ngài đứng ngoài hiên thay y áo, Thượng tọa Thích Thanh Ân – Chánh Duy na trường Hạ nhanh nhẹn đỡ tay Hòa thượng, vén mành phương trượng, bạch rằng: Xin thỉnh Tổ vào phương trượng Hòa thượng trụ trì thay y áo, nghỉ ngơi ạ.
Người viết bài này thật sự sửng sốt khi thấy Trưởng lão Hòa thượng Hội Xá nhìn thẳng vào Thượng tọa Chánh Duy na, mắt sáng quắc, giọng nói nhỏ mà thật đanh, Ngài nói: Ai cho phép tự tiện vào phương trượng của Hòa thượng Trụ trì để thay áo?
Nghe câu đó Thượng tọa Thanh Ân vội buông tấm mành treo trước cửa phương trượng của Hòa thượng Pháp chủ, cất tiếng: Nam Mô A Di Đà Phật!
Khi đó Tổ Hội Xá đã gấp xong tấm áo Ca-sa ngay ngắn, đưa cho thị giả đứng bên cạnh cất vào túi Pháp, rồi Ngài thong thả lần cửa bước vào phòng khách nhà Tổ chùa Ráng, dùng trà như chưa từng có chuyện gì xảy ra…
Hồi tưởng, thực mục quá trình giao tiếp của nhị vị Trưởng lão, ai ai cũng biết là đã rất thâm hậu, rất gần gũi. Đến như vậy mà trong lễ khai Pháp trường Hạ tại chùa Ráng, Hòa thượng Thích Thanh Bích lại còn khách khí, khách sáo, nói với Thượng tọa Thanh Ân: Không ai được phép tự tiện vào phương trượng của Hòa thượng trụ trì!
Dường như câu nói đó không chỉ là lời giáo giới luật nghi của nhà Phật mà ở đó còn chứa đựng Độ thâm hậu, Đạo, Thánh tình cũng như sự tương kính của nhị vị Hòa thượng nơi trường Hạ chùa Ráng vậy./.