Sinh thời, Hòa thượng Đệ tam Pháp chủ Thích Phổ Tuệ thường dễ tính, xuề xòa khi tiếp chúng, trong một vài trường hợp, Ngài cũng cố gắng khúc chiết, phân tích chỉ dạy cho Phật tử hiểu kỹ về những khái niệm trong Phật giáo cũng như cách xưng hô ở Thiền môn.
Về khái niệm Phật tử. Trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng như trong giao tiếp ở chùa chiền, lễ hội, đại chúng vẫn hay dùng chữ “Phật tử” để chỉ những tín đồ Phật giáo, những người đã quy y Tam bảo hoặc có xu hướng kính ngưỡng đạo Phật. Thường thì, những người đến chùa lễ Phật, giao tiếp với Tăng Ni, đạo hữu thường gọi nhau là Phật tử.
Có một lần, tại chùa Ráng, nơi trú xứ của Hòa thượng Phổ Tuệ, có một đoàn Phật tử từ trung tâm Hà Nội về dâng lễ, đỉnh lễ, xin được hầu chuyện Hòa thượng, xin Ngài cho một thời Pháp.
Hòa thượng Pháp chủ vui vẻ, ân cần mời nước các Phật tử. Vị đại diện đoàn Phật tử đứng lên thưa rằng: – Kính bạch Hòa thượng Pháp chủ! Hôm nay đoàn Phật tử chúng con từ Hà Nội về đây, có tịnh tài, tịnh vật dâng lên Tam bảo, cầu mong Hòa thượng hoan hỷ thu nhận cho chúng con được ân chiêm công đức…
Hòa thượng cảm ơn, nguyện Phật Tổ chứng minh, gia hộ công đức, rồi thủng thẳng nói: – Nhân các vị về đây, ngày hôm nay cũng là ngày đẹp trời, các vị cũng thong thả thỉnh Pháp, chúng tôi xin giải thích thế này, khi gọi nhau, xưng hô mình là Phật tử hoặc gọi người khác là Phật tử, nói như thế cũng chỉ là vu khoát, cũng chỉ đại lược mà thôi. Thật ra, soi xét tỉ mỉ thì nói như thế là không thật đúng đâu. Kinh sách của chư Phật, chư Tổ để lại trong Tam tạng Thánh điển thì chữ “Phật tử” chỉ được dùng để chỉ, để gọi các vị Đại Bồ tát: Quán Thế Âm Bồ tát, Đại Thế Chí Bồ tát, Văn Thù Sư Lợi Bồ tát, Phổ Hiền Bồ tát, Địa Tạng Vương Bồ tát, Di Lặc Bồ tát mà thôi.
Còn lại những người có đạo, có xu hướng, có kính ngưỡng Đạo Phật thì thường gọi là thiện nam tử, tín nữ nhân hoặc là các đệ tử Phật mà thôi, chứ không được gọi là các Phật tử.
Phật tử nghĩa là gì? Phậ nghĩa là Đức Phật, nghĩa là Đấng Giác ngộ.
Tử là gì? Tử có nghĩa là con. Phật tử có nghĩa là những người con Phật. Ở đây được hiểu theo nghĩa là những người kế thừa được trí tuệ, kế thừa được công đức, kế thừa được sự nghiệp, cơ nghiệp của Đức Phật thì mới được gọi là Phật tử.
Các vị cũng biết rằng, trong chế độ phong kiến, chữ “Thiên tử” có nghĩa là con trời. Những người được xưng và tự xưng là Thiên tử, chỉ có một người đó là ông vua. Ngay cả đến con của vua cũng chỉ là Thái tử, chưa được xưng là Thiên tử. Thiên tử là một chữ cấm kỵ. Nếu ai đó ở trong thiên hạ mà dám tự mình xưng là Thiên tử thì người đó phạm thượng, mang tội khi quân phạm tội rất lớn, bị phạt rất nặng.
Do vậy, chữ Thiên tử bị cấm kỵ không được dùng một cách tràn lan, theo phong tục, thông lệ, giống như là sự hiểu biết và quan điểm của mọi người thì Phật còn hơn.
Phật tử là con Phật, cao quý, thiêng liêng như vậy mà các tín đồ lại cứ xưng hô như vậy, nói mãi là thành quen, bây giờ người ta dùng chữ Phật tử để chỉ những tín đồ Phật giáo. Trong cuộc sống, chúng ta phải biết dùng từ cho chính xác, mới có thể tạm đại lược. Bản chất của vấn đề phải được hiểu cho kỹ, từ “Phật tử” đó là thiêng liêng, dùng để chỉ các vị Đại Bồ tát như Quán Thế Âm Bồ tát, Đại Thế Chí Bồ tát, Văn Thù Sư Lợi Bồ tát, Phổ Hiền Bồ tát, Địa Tạng Vương Bồ tát và Di Lặc Bồ tát.
Xin được nhắc lại một lần nữa, trong kinh sách, các tín đồ thường chỉ được gọi là đệ tử, chúng đệ tử, thiện nam, tín nữ, đàn việt tín thí hoặc dùng chữ Ưu bà tắc, Ưu bà di mà thôi. Nghĩa cứu cánh của chữ Phật tử là cao quý, thiêng liêng lắm. Theo lý sâu xa, chữ Phật tử cũng cần phải được sử dụng có ý thức kỹ lưỡng. Mong các vị cố gắng giữ gìn vậy.
Hòa thượng Pháp chủ kiên trì giữ gìn và khuyên bảo rằng, hãy dùng chữ thiện nam, tín nữ hay là thiện nam tử, thiện nữ nhân, hoặc là các bậc cư sĩ để thay cho từ “Phật tử” đã được lạm dụng.
Khái niệm Tam bảo. Thông thường cảnh chùa được đại chúng phân thành các khu: vườn chùa, những nơi chư Tăng ở gọi là nội viện, nơi điện thờ Phật thì thường được gọi là tòa Tam bảo hoặc ngôi Tam bảo, còn có Tổ đường, khu bếp v.v. Trong đó, việc dùng chữ Tam bảo được Hòa thượng nhắc, chỉnh nhiều lần.
Hôm ấy, có một vị quan chức đến chùa Ráng – nơi trú xứ của Hòa thượng Phổ Tuệ. Khi đó chùa mới được sửa chữa, nâng cao, nguy nga tráng lệ. Chính điện chùa Ráng – Viên Minh tự được nâng cao lên tầng hai. Vị thí chủ đó kính cẩn mở vải lụa bọc tịnh tài để vào một cái mâm nhỏ rồi dâng lên kính cẩn đỉnh lễ và thưa với Hòa thượng Pháp chủ rằng: – Kính bạch Hòa thượng Pháp chủ, chúng con được tin Hòa thượng trùng tu xây dựng lại ngôi Tam bảo, cho nên chúng con có một chút tịnh tài để được dâng cúng Tam bảo. Cúi mong Hòa thượng thâu nhận cho chúng con được ân chiêm công đức…
Hòa thượng Pháp chủ bảo: – A Di Đà Phật! Phật Tổ chứng minh công đức, cầu chúc cho chư vị thân tâm an lạc, mọi sự cát tường viên mãn.
Nói xong Hòa thượng mời mọi người uống nước, rồi Ngài nói tiếp: – Nhưng mà, thưa với các vị, chúng tôi xin nói thêm rằng, các vị nói là chúng tôi vừa mới tu sửa, xây dựng được ngôi Tam bảo… Nói như thế là chưa chính xác. Câu đó phải được chỉnh lại là “Hòa thượng mới sửa chữa, tôn tạo, nâng chùa cảnh lên mà thôi. Còn ngôi Tam bảo là ba ngôi báu Phật bảo, Pháp bảo và Tăng bảo.
Tam bảo được hiểu gồm có thường trụ Tam bảo và thế gian trụ trì Tam bảo thường trụ Tam bảo thì bất biến, vô nhiễm, cho nên cái lời đầu tiên khi người ta lên trên chùa lễ Phật, đỉnh lễ Tam bảo thì nói là: “Nhất thiết cung kính, nhất tâm kính lễ thập phương Pháp giới thường trụ Tam bảo”.
Ba ngôi báu không thay đổi, luôn xuyên suốt, “Thường, Lạc, Ngã, Tịnh” là Phật bảo, Pháp bảo và Tăng bảo. Còn khi nói đến một cấu trúc một hạng mục trong xây dựng, trên đấy là có thờ tượng Phật, thì chúng ta hãy nói một cách nôm na gọi là Chùa chính, gọi là lên lễ Phật trên chùa, còn gọi là Đại điện… Nhiều nơi còn gọi là Chính điện, tuyệt nhiên không có chữ rằng: Đây là ngôi Tam bảo.
Do vậy, xin trân trọng cảm ơn quý vị đã mang tịnh tài, tiền bạc đến cúng dàng Tam bảo, để cho Hòa thượng trụ trì chúng tôi tu bổ, xây dựng, nâng cao ngôi chùa thờ Phật được trang nghiêm tố hảo. Nói như vậy, nó chuẩn, tiếng Việt chúng ta đủ chính xác và trong sáng, phải không ạ!? A Di Đà Phật./.