1. Tam quan
a. Sau cổng tam quan không có bình phong
Về phương diện phong thuỷ, bình phong có chức năng chống gió độc, ngăn quỷ giữ, thường được đặt ở cổng các khu di tích. Chùa không bao giờ có bình phong, với quan niệm sức mạnh của chư Phật và Bồ Tát có thể cảm hoá muôn vật chúng sinh. Tất thảy chúng sinh đều có khả năng tiếp cận với Phật pháp, kể cả ma quỷ.
Ảnh: Sưu tầm
b. Tam quan (chùa) không có ba tầng mái
Ngôi nhà 3 tầng mái trong nhà Chùa là biểu tượng của thế giới Tây phương cực lạc, nơi của các kiếp đời đã qua – nơi các chúng sinh đã được giải thoát và giác ngộ Phật đạo. Vì vậy kiến trúc 3 tầng mái thường đặt phía sau Thượng Điện. Có những kiến trúc 3 tầng mái biểu trưng cho Thiên – Địa – Nhân thể hiện sự sinh hoạt tâm linh của nhà vua thì thường được đặt ở phía trước.
Do vậy, có thể hiểu tam quan thường chỉ có 2 tầng mái. Không thấy hiện tượng tam quan 3 tầng mái từ thế kỷ XX trở về trước, bởi lẽ không ai đi vào cái chết trước khi tiếp cận với chư Phật và Bồ tát ở Phật điện.
2. Nghi môn
a. Mang dáng dấp của cổng thành
Nghi môn thường gắn với Đền, có vọng lâu mà vào ra theo đạng Nhập huyền, Xuất tẫn trong kiến trúc Đạo / Lão giáo. Về sau ý nghĩa này thường ít được nhắc đến nên có dạng nghi môn 3 cửa gắn với thần nói chung. Song các các thần có ảnh hưởng lớn lại làm thành dạng nghi môn 5 cửa như đền Phù Đổng, chùa Bối Khê.
Ảnh: Sưu tầm
b. Nghi môn tứ trụ thường gắn với Đình
Nghi môn tứ trụ thường xuất hiện trong các kiến trúc Đình, nhất là Đình có tả vu hữu vu, về sau lan san cả kiến trúc đề và chùa.
Với kiến trúc Đền – Đình thì trục trung tâm thường gọi là thần đạo hay linh đạo. Với yếu tố cung điện (Văn Miếu, Thành Huế, Đền vua Đinh, vua Lê) thì thường không có nghi môn ngoại, nghi môn nội mà con đường đó gọi là Dũng đạo.
c. Hồ bán nguyệt và “hổ phù”
Một vài nghiên cứu cho thấy Đình / Đền như đầu Hổ phù, tả vu hữu vu là tay của nó và nghi môn tứ trụ là răng của linh vật này và hồ bán nguyệt thường ở ngoài. Điều này gắn với truyền thuyết “khuấy biển sữa” mà nảy sinh ra “hổ phù”. Nguyệt thực một phần là điềm gắn với được mùa, hạnh phúc. Ở một vài di tích đưa hồ vào trong nghi môn, tạo không gian thoáng hơn về mặt tâm linh thì mặt trăng đã nằm gọn trong đầu hổ phù thì là điềm xấu khó chấp nhận được.
Nguồn: Tổng hợp từ cuốn Diễn biến Kiến trúc truyền thống Việt vùng châu thổ sông Hồng (Viện bảo tồn di tích, Trần Lâm Biền chủ biên)