Khái niệm
Thượng gia hạ kiều (trên nhà, dưới cầu) hay còn gọi là Cầu ngói, Đình kiều (trên cầu có đình) là loại hình kiến trúc khá phổ biến ở các nước châu Á nhiệt đới. Thuật ngữ này dùng để chỉ những cây cầu gỗ có lợp mái che phía trên (covered bridge). Đây là kiến trúc rất nhân văn của người xưa, bên cầu có nhà để khách bộ hành làm trạm dừng chân, nghỉ ngơi trên đường đi.
Hình thức trên nhà – dưới cầu xuất hiện ở Việt Nam từ giữa thế kỷ XV, khi người Nhật đến xây chùa cầu ở Hội An. Đến thế kỷ XVIII, tại làng Thanh Toàn ngoại thành cố đô Phú Xuân – Huế, cũng đã có một công trình kiến trúc thuộc khái niệm này ra đời, đó là cầu ngói Thanh Toàn. Hiện nay, số lượng cầu được xây dựng theo lối phong cách này tại Việt Nam không còn nhiều. Hầu hết những cây cầu sót lại đều đã được công nhận là các di tích văn hóa, như Chùa Cầu (Hội An), cầu Thanh Toàn (Huế), cầu Nhật, Nguyệt (chùa Thầy, Hà Nội), chùa Ngói (Nam Định),…
Ảnh: Như Động Như Lăng (Chùa Cổ Lễ, Nam Định) với lối kiến trúc Thượng gia hạ kiều
Kiến trúc
Kết cấu phần thượng gia (các gian nhà) của tất cả các cầu ngói đều sử dụng hệ vì kèo gỗ với số gian lẻ, giữa là lối đi, hai bên có lan can nghỉ chân (duy nhất cầu Phát Diệm không có). Đầu hồi để thoáng (Nhật Tiên và Nguyệt Tiên) hoặc xây tường bít đốc (Chợ Lương) hoặc tường có ô cửa (Thanh Toàn). Linh vật sử dụng trang trí cầu là Nghê (Chợ Lương); Rồng, Phượng (Thanh Toàn); Chó, Khỉ (Chùa Cầu).
Kết cầu phần hạ kiều (mố, trụ cầu) theo sơ đồ vòm (Nhật Tiên và Nguyệt Tiên), dầm một nhịp (Chợ Thượng), dầm nhiều nhịp (Thanh Toàn), hoặc kết hợp vòm-dầm (Chùa Cầu). Vật liệu mố cầu bằng đá, trụ cầu bằng gỗ (Chợ Thượng), bê tông cốt thép (Phát Diệm, sau trùng tu), gạch đá (Chùa Cầu).
Ý nghĩa
Cầu ngói vừa có chức năng giao thông, vừa là một dạng “nhà” để sử dụng trong thời gian ngắn như nghỉ ngơi, ngắm cảnh, giao thương, thực hành nghi lễ tín ngưỡng. Nó là một nơi chốn mang tính nước đôi, vừa như đi qua nhanh để đến một chức năng khác, vừa như níu giữ con người ở lạ,chia sẻ những cảm xúc chậm rãi. Cầu ngói bao đời nay đã gắn bó với cuộc sống người dân, nơi trai gái hẹn hò, già trẻ nô nức tụ hợp ngày hội, và tự lúc nào đã đi vào ca dao, như:
“Ai về cầu ngói Thanh Toàn
Cho em về với một đoàn cho vui”.
hoặc
“Ai đi phố Hội chùa Cầu
Để thương để nhớ để sầu cho ai”.
Như vậy, cầu ngói là những di sản kiến trúc – giao thông quý giá mà cha ông đã để lại cho chúng ta ngày nay, cần được bảo tồn và phát huy. Không chỉ đặc biệt về hình thức kiến trúc, cầu ngói còn là những nơi chốn giàu cảm xúc, đã tạo cảm hứng cho các trí thức, nghệ sĩ sáng tác nhiều tác phẩm giá trị.