Văn Bia Chùa Keo (Báo Ân Trùng Nghiêm Tự – Gia Lâm, Hà Nội) 

Văn Bia Chùa Keo (Báo Ân Trùng Nghiêm Tự – Gia Lâm, Hà Nội) 

Thông tin cơ bản

 

 

 

Img 1125 (1)

Chùa Keo (Báo Ân Trùng Nghiêm tự – Gia Lâm, Hà Nội)

Chùa Keo, Gia Lâm là một di tích lịch sử, nơi gắn liền với truyền thuyết về bà Keo, mang đậm dấu ấn của Tứ đại Phật pháp thời cổ ở Việt Nam. Hệ thống văn bia được lưu giữ và bảo tồn tại chùa là di vật bia đá quý giá được tạc từ thế kỷ XVII, có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc nghiên cứu lịch sử, những nội dung trong bia mang lại thông tin quý ghi lại các dấu tích kiến trúc cũ, chủ đề về làng xã, ghi công những người đã tu bổ, đóng góp để xây dựng chùa. Thông qua việc khảo sát thực tế tại chùa Keo, những tấm bia đá với các kích thước và hình dáng khác nhau có niên đại từ thời Lê Trung Hưng, thời Nguyễn hiện đang được lưu giữ và bảo tồn tại chùa. Hiện tại chùa Keo giữ được 6 tấm bia đá gồm: 1 bia có 4 mặt chữ, 2 bia có hai mặt chữ, 3 bia có một mặt chữ, được đặt ở vị trí ngoài sân, Vườn tháp và dãy nhà Tả vu của chùa.

Khái luận văn bia (bi văn)

Văn bia (bi văn) là từ dùng để chỉ bài văn khắc trên bề mặt đá. Theo khảo chứng của các nhà nghiên cứu Trung Quốc thì văn bia vốn là một hình thức được chuyển hóa từ minh văn trên đồ vật đúc đồng thời Ân – Chu. Chính vì vậy, văn bia thời kỳ đầu, do ảnh hưởng của minh văn, thường được viết bằng văn vần, ngắn, đơn giản và cổ kính. Phải đến sau đời Hán, văn bia mới phát triển thành hình thức có thêm bài tự dài ở trên để hình thành nên kết cấu trên tự dưới minh. Tự thì dùng văn xuôi, minh thì dùng áp vận. Tức là ở trên có bài văn xuôi ghi lại sự việc, ở dưới có bài ca ngợi bằng văn vần. Trên thực tế chúng đều là những bộ phận tổ thành của văn bia, cho nên gọi chung là văn bia

Văn bia là hình thức ghi chép cổ xưa, thường được khắc bằng chữ Hán, Nôm là nơi ghi danh, giới thiệu lại lịch sử của một công trình, kiến trúc đình, đền, chùa, miếu. Mỗi văn bia vừa mang đặc điểm của một tác phẩm văn học, vừa mang giá trị thẩm mỹ của một tác phẩm nghệ thuật và mang tính độc bản.

Những nội dung được khắc trên bia là một hình thức lưu trữ tư liệu lịch sử qua các thế hệ vì vậy từng nét chữ được khắc cẩn thận và tỉ mỉ, mỹ thuật chạm khắc được thể hiện qua cách trang trí hoa văn ở diềm bia, trán bia và đế bia, đây là nét nghệ thuật mang phong cách riêng biệt của từng triều đại phong kiến.

Từ những lý do kể trên, chúng tôi lựa chọn giới thiệu hệ thống văn bia mà hiện tại chùa Keo đang còn lưu giữ được. Theo tư liệu thực tế tại chùa, có 1 số tấm bia do chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi thời tiết, khí hậu và thời gian dài của lịch sử nên nét chữ đã bị mờ, bia đá bị sứt mẻ không còn nguyên vẹn. Một số bia đã được lưu trữ trong thác bản, vì vậy chúng tôi đã dựa vào hai nguồn tư liệu từ thác bản và tư liệu đi thực tế tại chùa để giới thiệu đến mọi người hệ thống bia sau.

  1. Bia 4 mặt: Hưng công tập phúc nhị/Xã cầu kiều xứ/Tạo lập thạch kiều cấu/Tác bi cộng ký 

興功集福二/梂橋處/造立石橋構/作碑共記

  • Kí hiệu: 3175/3176/3177/3178
  • Mặt chữ: 4
  • Kích thước: 35x82cm
  • Niên đại: Vĩnh Thịnh thứ 5 (1709)
  • Người soạn: Bùi Nhuận 
  • Người viết: Đông Giang nam Đào Đăng Tướng (Tương)
  • Chủ đề: Sinh hoạt làng xã – xây dựng, trùng tu di tích. 
  • Vị trí: Sân chùa, gần phía cổng Tam quan, từ cổng đi vào thì bia nằm ở bên phải dưới gốc cây đa trong sân chùa. 

Thạch Kiều Bi Ký 1 (1)

Bia 4 mặt tại sân chùa 

 

Mặt 1: Hưng công tập phúc nhị 興功集福二

03175

 

Nội dung: Bia chép về việc dựng cầu đá, thay thế cho chiếc cầu gỗ đã bị hư, có 3 người đứng ra hưng công là Nguyễn Nhân Chí, tự Phúc Tài; Nguyễn Thế Đức, tự Mộ Đạo; Đỗ Gia Hội, tự Trần Chuyền (người làng Đa Tiện, Siêu Loại). Cầu dựng xong có 3 gian, tiện việc đi lại cho người dân trong làng, ghi những người tham gia hưng công tín thí. 

Mặt 2: Xã cầu kiều xứ 梂橋

03176

Nội dung: Ghi những người cúng tiền và cúng ruộng để xây dựng cầu đá

Mặt 3: Tạo lập thạch kiều cấu 造立石橋構

03177

 

Nội dung: Ghi những người tín thí, góp tiền tạo cầu

Mặt 4: Tác bi cộng ký 作碑共記

03178

Nội dung: Mặt bia ghi những người cúng tiền từ nhiều nơi khác nhau, trong đó người hội chủ đứng ra hưng công Nguyễn Phúc Hiền, tự là Phúc Tình, cùng vợ là Nguyễn Thị Nang, hiệu Diệu Tín. 

  1. Bia 2 mặt: Tín Thí/Trùng tu Báo Ân Trùng Nghiêm tự bi ký /
  • Mặt chữ: 2
  • Kích thước: Dài 118cm x rộng 94cm x dày 16cm.
  • Niên đại: Tháng 11 năm thứ 16 Hoằng Định (1615)
  • Người viết: Nguyễn Đình Lộc (?)
  • Vị trí: Hiện bia đang dựng bên trái phía trước sân Thượng điện, cạnh bia Ký kị bi ký

Bia gồm 2 mặt, một mặt có chữ Báo Ân Trùng Nghiêm tự, mặt kia có chữ Tín Thí. 

Mặt 1: Tín Thí

Img 1191Mặt 1: Tín Thí 

Nội dung: Ghi lại họ tên các vị ở bốn giáp Đông, Tây, Nam, Bắc có đóng góp cúng tiền và ruộng vào việc trùng tu.  

Mặt 2: Trùng tu Báo Ân Trùng Nghiêm tự bi ký 

Img 1213Mặt 2: Trùng tu Báo Ân Trùng Nghiêm tự bi ký

Nội dung: Bia ghi chép việc trùng tu chùa Keo (Báo Ân Trùng Nghiêm tự), năm thứ 2 Hoằng Định – ngày 19 tháng 10 năm Tân Mão khởi công chặt gỗ, đến tháng 12 dựng thượng lương của toà Thượng điện, tạo lò hương (lư hương của toà Tiền đường và Hậu đường). Nhà 3 gian có hành lang ở 4 bên xung quanh nhà, bên ngoài Tam quan có cầu, lại tạo 11 bức tượng. 

Năm Giáp Dần đúc đại hồng chung (chuông to) treo ở cổng Tam quan.

  1. Kí kị bi ký  寄忌碑記
  • Mặt chữ: 1
  • Kích thước: Dài 61cm x rộng 36cm x dày 13,5cm
  • Niên đại: Năm hoàng triều Bảo Đại Kỷ tỵ (1929).
  • Vị trí: Hiện bia đang đặt bên trái phía trước sân Thượng điện, cạnh bia Trùng tu Báo Ân Trùng Nghiêm tự bi ký.

             Img 1146      Bia 1 mặt: Ký kị bi ký tại sân chùa 

Nội dung: Bia ghi lại việc gửi giỗ, các tín chủ: Nguyễn Thị Quyên (xã Giao Tất, tổng Kim Sơn, tỉnh Bắc Ninh) xin thầy chùa lập bia xin được gửi giỗ.

Ngày 2 tháng 8 năm thứ 4 – năm Kỷ tỵ (1929) niên hiệu Bảo Đại. 

  1. Tu tạo thạch kiều nhị xứ bi  修造石橋二處碑
  • Kí hiệu: 3179
  • Thác bản 1 mặt, khổ 78cm x 109cm, gồm 28 dòng chữ Hán, toàn văn ước khoảng 500 chữ, có hoa văn, không có chữ húy.
  • Niên đại: Đoan Thái thứ 2 (1587)
  • Người soạn: Ngô Tháo ()
  • Người khắc: Trương Quỳnh (張瓊) và Vương Mệnh (王命)
  • Chủ đề: Sinh hoạt làng xã – xây dựng, trùng tu di tích, thơ văn 
  • Vị trí: Hiện bia đang để tại đầu hồi phía Nam nhà Tả vu (bên trái Thượng điện)

Img 1208

 Tu tạo thạch kiều nhị xứ bi tại nhà Tả vu

Nội dung: Dân xã Giao Tất mở rộng chiếc cầu gỗ cũ sửa thành cầu đá ở trước chùa Trùng Nghiêm trong xã do hai vị tiến sĩ Bùi Quang Lộc và Dương Doãn Địch khởi xướng. Công việc bắt đầu từ tháng 2 năm Diên Thành 4 (1581), sau 3 tháng thì hoàn thành. Từ đó các sãi vãi, nhân dân đi lại qua cầu thuận tiện, đều nhớ ơn ân đức to lớn này, có bài minh 30 câu ca ngợi công đức và cảnh quan của chùa. Kê tên người xây dựng. 

5 Trùng Nghiêm tự bi ký  重嚴寺碑記

  • Mặt chữ: 2
  • Kích thước: Dài 53cm x rộng 34,5cm x dày 10cm.
  • Niên đại: Thành Thái thập lục niên  (1904)
  • Vị trí: Hiện bia đang để ở đầu hồi phía Nam nhà Tả vu.

Mặt 1: Trùng Nghiêm tự bi ký  重嚴寺碑記

Img 1152

Mặt 1: Trùng Nghiêm tự bi ký

Nội dung: Bia Trùng Nghiêm tự bi ký ghi ngày giỗ, của một số vị tổ sư (tám vị) và một số tôn quan quý chức, một số thủ hộ có cung tiến tiền và ruộng để gửi giỗ. Văn tự ghi thời gian lập bia là năm Thành Thái thứ mười một (1899), đầu thế kỷ XX. 

Mặt 2: Trùng Nghiêm tự bi ký 重嚴寺碑記

Mat Sau

Mặt 2: Trùng Nghiêm tự bi ký

Nội dung: Bia ghi tên những người cúng tiền và ghi lại ngày giỗ của một số người cư sĩ tại gia, ghi lại tên của các Thiền sư gửi gia tiên lên chùa thờ phụng.

  1. Trùng Quang tháp  重光塔
  • Mặt chữ: 1
  • Niên đại: Không ghi 
  • Vị trí: Bia được đặt trong tháp mộ tại Vườn tháp, chùa Keo, Gia Lâm, Hà Nội. 

Bia Tháp (1)

Nội dung: Bia ghi lại ngày giỗ của các vị Tổ sư và một số người đời 

Kết luận:

Qua việc tổng hợp những nội dung chính từ các tấm bia đá cổ được lưu giữ tại chùa Keo, sau khi đã tìm hiểu, nghiên cứu, chúng tôi thấy đây là những sử liệu quan trọng góp phần nghiên cứu các di tích và nhiều vấn đề lịch sử có liên quan đến nhiều ngành khoa học khác nhau như sử học, dân tộc học, kiến trúc, địa lý, tôn giáo của thời xưa và cả hiện tại. Tất cả những thông tin có trong văn bia đã được chuyển ngữ từ chữ Hán sang Quốc ngữ, tóm lược nội dung, góp phần mô tả lại các sự kiện, sinh hoạt làng xã, tiến trình lịch sử từ thế kỷ XVII. Tuy nhiên, theo thời gian những tấm bia bị phong hóa, nét chữ sờn mờ, những thông tin trong văn bia chúng tôi không dám đưa ra những khẳng định chắc chắn, bởi có nhiều chữ bị mất, chúng tôi không đọc được, khiến cho mạch văn không được nối liền. Từ những khảo cứu ban đầu, chúng tôi chỉ khái quát được một cái nhìn tổng thể về hệ thống văn bia chùa Keo. Để có thể chi tiết hơn nữa, cần đến sự tham gia, ủng hộ của các cơ quan, ban, ngành địa phương, các trung tâm lưu trữ, và đội ngũ những nhà khoa học chuyên sâu.

Tài liệu Tham khảo :

  1. Trịnh Khắc Mạnh, Nguyễn Văn Nguyên, Philippe Papin, Tổng tập thác bản văn khắc Hán Nôm, quyển 4, Nxb Văn hoá Thông tin (2005). 
  2. Đinh Khắc Thuân (2021), Văn Bia Hán Nôm thời Mạc (đơn), Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.  
5/5 (1 bình chọn)
Chia sẻ
Thạch Kiều Bi Ký 1 (1)

Nội dung chính

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner App ChỐn ThiÊng 3 (60x90)