Văn hồ đình bi kí
文湖亭碑記
Kí hiệu: 11863/11864
Thác bản bia, sưu tầm tại đình Văn Hồ trước cửa Văn miếu tỉnh Hà Nội.
Thác bản 2 mặt, khổ 80 x 141cm, gồm 30 dòng chữ Hán, toàn văn ước khoảng 550 chữ, có hoa văn, không có chữ húy.
Niên đại: Tự Đức thứ 18 (1865).
Người soạn: Lê Hữu Thanh 黎有聲; quê quán: người xã Thượng Tầm tổng Thượng Tầm huyện Thanh Quan phủ Kiến Xương tỉnh Nam Định (nay thuộc huyện Đông Hưng tỉnh Thái Bình); học vị: Đệ nhị giáp Tiến sĩ khoa Tân Hợi niên hiệu Tự Đức thứ 4 (1851) đời vua Nguyễn Dực Tông; chức vị: Thự Bố chánh sứ Hà Nội.
Người viết: Trần Quang Luyện 陳光練; quê quán: thôn An Ninh huyện Vĩnh Thuận; học vị: Tú tài.
Người soát: Phạm Xuân Trạch 范春澤; quê quán: xã Cao Xá huyện Đông Thành tỉnh Nghệ An; học vị: Phó bảng khoa Nhâm Tuất niên hiệu Tự Đức thứ 15 (1862) đời vua Nguyễn Dực Tông; chức vị: Tri huyện hai huyện Vĩnh Thuận và Thọ Xương.
Người thừa biện: Mai Xuân Bách 枚春百; chức vị: Thư lại.
Chủ đề:
– Lịch sử di tích.
– Xây dựng, trùng tu di tích.
– Thơ văn.
Tóm lược nội dung:
Bài kí về đình Văn Hồ: Trước cửa Văn miếu có một cái hồ lớn, giữa hồ có bãi Kim Châu. Năm Cảnh Trị (1663-1671), quan Tham tụng Phạm Công Trứ đã sáng tác chùm thơ Phán thủy thập vịnh để ghi cảnh đẹp nơi đây. Trải năm tháng cỏ mọc um tùm, lòng hồ khô cạn. Vào năm Tự Đức Quí Hợi (1863), Lê Hữu Thanh cùng với quan Án sát Đặng Tá cho dựng bia đình đề danh Tiến sĩ và mở rộng lòng hồ thêm đẹp đẽ. Năm Ất Sửu (1865), Đặng sứ quân lại xuất tiền xây dựng đình ngói trên bãi đất gọi là đình Văn Hồ, cho khắc lại chùm thơ Phán thủy thập vịnh. Mặt sau bia ghi họ và tên 15 vị quan chức đã đóng góp công của xây dựng đình Văn Hồ và ghi ngày cất nóc đình.