Đình Tương Mai (Hoàng Mai, Hà Nội)

Đình Tương Mai (Hoàng Mai, Hà Nội)

Thông tin cơ bản

Tên gọi và vị trí địa lý

Đình Tương Mai tọa lạc tại số 5 phố Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội. Thời Trần, vùng đất này vốn thuộc Cổ Mai – thái ấp của Thượng tướng Trần Khát Chân.

Tương Mai là một bộ phận của vùng đất xưa gọi là Kẻ Mơ bao gồm các làng: Mơ Cơm (Tương Mai), Mơ Thịt (Bạch Mai), Mơ Đậu (Mai Động), Mơ Táo (Mai Động) và Mơ Rượu (Hoàng Mai).

Đất và người Hoàng Mai có sức hấp dẫn, nhiều Hoàng thân quốc thích, vương phi, quận chúa, quan lại của các triều đại trước đây đã đến du ngoạn và đóng góp công sức, tiền của tu bổ các di tích văn hoá, tín ngưỡng nổi tiếng của làng. Là một vùng đất được định cư và có nền văn hoá từ lâu đời, cùng với sự phát triển của con người, các làng cô với những di tích trong vùng, đình Tương Mai cũng được dựng lên nhằm tôn vinh một vị anh hùng dân tộc và phục vụ sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng của nhân dân địa phương.

Lược sử

“Theo các tư liệu như thần tích, sắc phong, cùng truyền thuyết trong dân gian ở địa phương cho biết, đình Tương Mai được xây dựng từ sớm để thờ danh tướng thời Trần là Trần Khát Chân – một nhân vật lịch sử lớn của vương triều Trần và gắn bó mật thiết với lịch sử phát triển của khu vực này”[1].

Trần Khát Chân (1370-1399), là bậc danh tướng cuối thời Trần, thuộc dòng dõi Bảo Nghĩa Vương, quê làng Hà Lăng, huyện Vĩnh Ninh (nay thuộc huyện Vĩnh Lộc, tỉnh). Cha ông là một thầy lang. Ông sinh năm 1370 (Canh Tuất). Ngay từ nhỏ, ông đã là người ham học. 18 tuổi, chàng trai Trần Khát Chân đã có tiếng là văn võ song toàn. Năm 1388 (năm Mậu Thìn), ông thi đỗ Thái học sinh.

Trần Khát Chân được biết đến là vị tướng lãnh đạo quân đội Việt chống lại các đợt tấn công của quân Chiêm Thành. Khi nhà Trần bước vào giai đoạn suy yếu, quân Chiêm Thành nhân đó nhiều lần theo đường thủy ra đánh cướp, đặc biệt dưới thời chúa Chiêm Thành là Chế Bồng Nga. Năm 1389, quân Chiêm tiến đánh, Thượng hoàng sai Trần Khát Chân đem quân Long Tiệp đi chặn giặc. Nắm rõ tình hình quân địch và đường tiến quân của chúng, ngày 23 tháng Giêng năm Canh Ngọ, ông cho phục binh ở ngã ba sông Hải Triều và sông Nhị Hà (sông Hồng). Do được quân hàng của Chiêm Thành chỉ điểm thuyền của vua Chế Bồng Nga, ông cho quân tập trung hỏa pháo nhằm bắn vào thuyền. Thuyền vua Chiêm trúng đạn, Chế Bồng Nga chết tại trận, quân Chiêm tan vỡ.

Đại Việt sử ký toàn thư có chép chi tiết về trận chiến này: “Canh Ngọ, [Quang Thái] năm thứ 3 [1390], (Minh Hồng Vũ năm thứ 23). Mùa xuân, tháng giêng, ngày 23, đô tướng Trần Khát Chân đại thắng quân Chiêm Thành ở Hải Triều, giết được chúa nó là Chế Bồng Nga. Khi ấy, Bồng Nga cùng với [17b] Nguyên Diệu dẫn hơn một trăm thuyền chiến đến quan sát tình thế của quan quân. Các thuyền giặc chưa tập họp lại, thì có tên tiểu thần của Bồng Nga là Ba Lậu Kê nhân bị Bồng Nga trách phạt, sợ bị giết, chạy sang doanh trại quân ta, trỏ vào chiến thuyền sơn xanh bảo rằng đó là thuyền của quốc vương hắn. Khát Chân liền ra lệnh các cây súng nhất tề nhả đạn, bắn trúng thuyền Bồng Nga, xuyên suốt ván thuyền, Bồng Nga chết, người trong thuyền ồn ào kêu khóc. Nguyên Diệu cắt lấy đầu Bồng Nga chạy về với quan quân. Đại đội phó Thượng đô quân Long Tiệp là Phạm Nhũ Lặc và đầu ngũ là Dương Ngang liền giết luôn Nguyên Diệu, lấy cả đầu Bồng Nga. Quân giặc tan vỡ”[2]. Trần Khát Chân cho cắt đầu Chế Bồng Nga đem về báo tin thắng trận. Sau chiến công này, ông được phong làm Long Tiệp bổng thần Nội vệ Thượng tướng, tước Vũ tiết quan nội hầu.

Năm 1398, Hồ Quý Ly bắt vua Thuận Tông nhường ngôi cho thái tử mới 3 tuổi và có âm mưu thoán đoạt ngôi nhà Trần. Tướng Trần Khát Chân cùng Thái bảo Trần Nguyên Hàng và một số vương hầu nhà Trần mưu sát Hồ Quý Ly nhưng thất bại, ông và hơn 370 người liên quan bị giết và tịch thu gia sản. “Người đời truyền Khát Chân khi sắp bị hành hình, lên núi Đốn Sơn gào thét 3 tiếng, chết qua 3 ngày sắc mặt vẫn như khi sống, ruồi nhặng không dám bâu. Sau có hạn hán, cầu mưa thì ứng nghiệm ngay”[3].

Sau khi danh tướng Trần Khát Chân và các gia tướng, thân thích bị sát hại, vùng đất Kẻ Mơ (Cổ Mai) cũng bị triệt phá, suy tàn. Đầu thế kỷ XV, khi cuộc kháng chiến chống quân Minh thắng lợi, vương triều Lê sơ đã biểu dương công ích của trung thần Trần Khát Chân và cho phép các làng trong khu vực thái ấp cũ lập đình, đền thờ ông và các gia tướng làm Thành hoàng làng.

Kiến trúc

Theo lời kể của nhân dân địa phương cho biết đình Tương Mai trước đây là ngôi đình to và đẹp.

Thời Pháp thuộc, thực dân Pháp lập một trường bắn tại Tương Mai để quân lính tập bắn, đồng thời là nơi xử bắn những chiến sĩ yêu nước. Ngày 24/5/1944 ông Hoàng Văn Thụ – Thường vụ Trung ương, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng Cộng sản Việt Nam đã bị bắn tại đây.

Sau đó, đình được nhân dân trùng tu tôn tạo lại và xây dựng thêm nhiều công trình khác như: Đại Bái, Nhà Khách. Năm 1989, đình xây thêm 5 gian Đại Bái bằng bê tông.

Năm 2003, đình Tương Mai được trùng tu tôn tạo lại với kết cấu kiến trúc hiện đại bê tông giả gỗ nhưng vẫn đảm bảo hình dáng kiến trúc của một ngôi đình làng truyền thống.

Hiện vật

Hiện nay, đình còn lưu giữ nhiều di vật quý. Trong đó, phải kể tới pho tượng Trần Khát Chân được tạc bằng đá xanh, to gấp hai lần người thật, đầu đội mũ quan võ, tay cầm hốt, ngồi trên ngai. Tượng được đặt trên bệ đá uy nghi, xung quanh tạc hổ phù, hoa văn sóng nước, cánh sen chạm khắc tinh xảo. Ngoài ra, còn có: một quả chuông đồng có niên đại Thành Thái thứ 10 (1898); 11 đạo sắc phong thần, sắc sớm nhất có niên hiệu Cảnh Hưng nguyên niên (1740), sắc muộn nhất có niên hiệu Khải Định 9 (1924); 3 đôi hạc rùa bằng đồng và nhiều đồ thờ tự khác như hương án, hoành phi, câu đối…. Trong đó, có câu đối cổ với nội dung ca ngợi công lao của thành hoàng làng Trần Khát Chân:

Phù Trần Chúa, bình Chiêm binh, triều đại kỷ canh công bất hủ
Phỏng Mai thôn, vọng Đốn Lĩnh, giang sơn y cựu miếu trùng quang.

Nghĩa là:

Phù vua Trần, dẹp quân Chiêm, bao triều đại đổi thay, công lao không mai một
Thăm làng Mơ, ngắm núi Đốn, giải non sông nguyên vẹn, đền miếu vẫn uy nghi.

Các di vật này là những tài sản quý giá của di tích, đồng thời góp phần bổ sung làm giàu thêm kho tàng di sản văn hoá của Thủ đô và nước nhà.

Lễ hội

Lễ hội đình Tương Mai được tổ chức vào ngày giỗ Thượng tướng Trần Khát Chân là ngày 24 tháng 4 Âm lịch hàng năm. Trong phần lễ, ban tổ chức tiến hành tế lễ, rước kiệu Thánh từ đình Tương Mai lên chùa Linh ứng (Tương Mai), dâng hương tưởng niệm và cùng ôn lại thân thế, sự nghiệp của Danh tướng Trần Khát Chân.

Đặc biệt, trong dịp tết Nguyên Đán, ngày 7 tháng Giêng ở đây có tục rước lão, tôn vinh các cụ bô lão từ “thất thập cổ lai hy” trở lên và khao lão hoa quả phẩm oản phong phú.

Xếp hạng

Năm 1984 đình đã được Bộ Văn hoá Thông tin xếp hạng là di tích Lịch sử văn hoá.

Chú thích

[1] TS Nguyễn Doãn Tuân (Chủ biên), Di tích lịch sử văn hóa quận Hoàng Mai, Nxb Văn hóa – Thông tin, 2010, tr. 211.

[2] Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Phan Sĩ Liên,.. Đại Việt Sử ký toàn thư, Bản Kỷ, quyển VIII, mộc bản khắc năm Chính Hòa thứ 18 (1697), Nxb Khoa học xã hội, 1993, tr. 282.

[3] Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Phan Sĩ Liên,… Đại Việt Sử ký toàn thư, Bản Kỷ, quyển VIII, Sđd, tr. 294.

Tham khảo

  1. Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Phan Sĩ Liên,… (1993) Đại Việt Sử ký toàn thư, Bản Kỷ, quyển VIII, mộc bản khắc năm Chính Hòa thứ 18 (1697), Nxb Khoa học xã hội.
  2. TS Nguyễn Doãn Tuân (Chủ biên), 2010, Di tích lịch sử văn hóa quận Hoàng Mai, Nxb Văn hóa – Thông tin.
5/5 (2 bình chọn)
Chia sẻ
Creator: Gd Jpeg V1.0 (using Ijg Jpeg V62), Quality = 80

Nội dung chính

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner App ChỐn ThiÊng 3 (60x90)