Chùa Bà Ngô (Ngọc Hồ Tự – Đống Đa, Hà Nội)

Chùa Bà Ngô (Ngọc Hồ Tự – Đống Đa, Hà Nội)

Thông tin cơ bản

Tên gọi

Chùa Bà Ngô có tên chữ là Ngọc Hồ tự. Tương truyền thời nhà Lê có một bà vợ nhà buôn người Hoa đã bỏ tiền ra xây dựng lại to đẹp hơn, do đó mới có tên là chùa Bà Ngô. Tên Ngọc Hồ thì dựa theo phép phong thủy, người ta cho rằng thế đất của chùa trông giống như một cái hồ rượu.

Lược sử

Theo cuốn Thăng Long cổ tích khảo thì chùa được xây dựng vào thời vua Lý Thần Tông (1127 – 1128).

Sự tích

Chùa Bà Ngô còn gắn với truyền thuyết lãng mạn từ thế kỷ XV về lầu Vọng Tiên (tức đền Vọng Tiên ở phố Hàng Bông bây giờ). Giai thoại văn học kể rằng có lần vua Lê Thánh Tông tới thăm chùa, thấy trên gác chuông có một người đẹp ngâm 2 câu thơ:

Ở đây mến cảnh mến thầy

Tuy vui đạo Phật chưa khuây lòng người.

Cũng có thuyết nói rằng bài thơ ấy như sau:

Bà Ngô phong cảnh xinh thay

Đố ai cắt mối sầu này cho xong

Bao giờ về tới ngự cung

Thì ta sẽ trải tấm lòng cho hay.

Vua bèn gặp hỏi chuyện và muốn cùng nàng xướng họa. Nàng nhường vua làm trước, lấy đề bằng 2 câu thơ nàng vừa ngâm. Vua làm một bài thơ Đường luật trong đó có 2 câu:

Chày kình một khắc tan niềm tục

Hồn bướm năm canh lẩn sự đời.

Nàng xin phép sửa lại là:

Gió xuân đưa kệ tan niềm tục

Hồn bướm mơ tiên lẩn sự đời.

Vua rất phục, mời lên kiệu về cung, nhưng đến cửa Đại Hưng thì nàng biến mất. Vua cho là tiên giáng trần, dựng lầu Vọng Tiên ở đó để tưởng nhớ.

Một đêm nhà vua làm mơ thấy Tiên hiện tới tự tình và nói ở nơi kinh thành lâu nay thường xảy ra tai dịch là bởi có con Thạch tinh ở dưới cái ao ngay trước quán, đã hóa ra một con gà bay đi tác quái khắp Kinh thành, phải kịp trừ ngay mới khỏi sinh tra hậu họa lớn. Khi tỉnh dậy, nhà vua cho đào sâu 3 thước ở giữa ao trước quán, đất đỏ như máu, thấy một một hòn đá, bèn đập vỡ tan, vứt ra ngoài sông rồi lấp phẳng ao đi. Từ đó kinh thành rất yên ổn.

Kiến trúc

Về mặt kiến trúc, chùa Bà Ngô độc đáo với mái hiên trong tiền đường dạng vòm cuốn, là một kiểu kiến trúc ít có ở miền Bắc mà chỉ thấy ở Hội An, Huế với 2 đầu làm theo kiểu nhà kèn. Đặc biệt, trước hai bên cổng chính của chùa là một câu đối chữ Nôm, điều rất hiếm gặp tại các chùa ở Hà Nội. 

Di vật – Đặc trưng

Chùa có 16 tấm bia đá. Trong đó có bia Ngọc Hồ tự Thánh tích bi khá ghi kỹ sự tích Vua Lê Thánh Tông và sự kiện xã hội đương thời – một tài liệu có giá trị nhiều mặt. Thác bản văn bia mang ký hiệu 18285 ở thư viện Hán Nôm.

Sự kiện – Thành tựu

Ngày 7/7/1951, chùa Bà Ngô được công nhận là “cổ tích được liệt hạng” theo quyết định của Giám đốc Sở Quốc gia Bảo tồn Cổ tích. 

Năm 1993, chùa được công nhận là di tích lịch sử – văn hoá.

Tham khảo

  • Chùa Ngọc Hồ, http://dulich24.com.vn/du-lich-quan-dong-da/chua-ngoc-ho-id-3470
  • Chùa Ngọc Hồ – Hà Nội, https://sentrang.vn/chua-ngoc-ho-ha-noi.html
  • Chùa Bà Ngô (Ngọc Hồ tự), https://vanhien.vn/news/Chua-Ba-Ngo-Ngoc-Ho-tu-34287
  • Chùa Bà Ngô (Hà Nội), https://vi.wikipedia.org/wiki/Ch%C3%B9a_B%C3%A0_Ng%C3%B4_(H%C3%A0_N%E1%BB%99i)
  • Độc đáo những ngôi chùa mang tên bóng hồng đất Thăng Long, https://baophapluat.vn/xua-va-nay/doc-dao-nhung-ngoi-chua-mang-ten-bong-hong-dat-thang-long-483523.html

 

Chấm điểm

Hình ảnh

Chia sẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner App ChỐn ThiÊng 3 (60x90)