Lược sử
Chùa Bạch Tượng (Bạch Tượng tự), nhân dân địa phương thường gọi là chùa Chõ. Chùa được xây dựng từ khoảng thế kỷ XVI trên sườn núi phía Tây Bắc núi Bạch Tượng (còn gọi là núi Thiết Giáp) thuộc địa phận làng Giáp Nội, xã Nga Giáp, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, xã Nga Giáp có tên là xã Hương Lô, thuộc tổng Đô Bái, huyện Nga Sơn, phủ Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa.
Trải qua thời gian dài với sự biến thiên của lịch sử, chùa Bạch Tượng được trùng tu nhiều lần. Dấu ấn của chùa có đan xen kiến trúc các thời Lê – Nguyễn. Lần tôn tạo gần đây nhất được tôn tạo là vào năm Canh Tuất niên hiệu Duy Tân thứ 4 (1910).
Chùa Bạch Tượng được xây dựng ở nơi phong cảnh hữu tình, mái chùa ẩn hiện giữa những tán cây cổ thụ dựa vào cách đá cao chót vót, các loài chim hót từ trên cao vọng lại, như đưa tâm hồn con người vào chốn bồng lai…
Kiến trúc
Chùa Bạch Tượng được xây dựng có các hạng mục liên kết với nhau thành một khối nối liền. Các công trình này đều được xây dựng cuốn vòm, mái nhà lợp ngói vẩy.
Cổng Tam quan dài 11m; rộng 2,3m, đỉnh Phật môn cao 5,8m. Tam quan được cuốn vòm, chia làm ba cửa thông với chùa chính hai tầng. Tầng ba của Tam quan cũng chia thành ba gác nhỏ, mỗi gác đều có mái cong, trên mái lợp ngói. Gác ở giữa cao nhất tới 5,8m tượng trưng cho Phật môn, mặt ngoài tầng 3 gác giữa được soi gờ chỉ thành khuôn, giữa khuôn được đắp hai chữ “thượng phương”(tức là cõi Phật). Hai gác bên có kích thước bằng nhau, nhỏ và thấp hơn các chính giữa và cũng được soi khuôn. Trong mỗi khuôn được đắp tả cảnh xuân hoa. Tiếc rằng do ở ngoài trời nên nét đắp đã bị vỡ phần nhiều. Hai gác nhỏ hai bên tượng trưng cho Phật môn và Tăng môn. Tầng hai của Tam quan là hai cửa cuốn vòm, ngăn cách giữa 3 vòm cửa và hai đầu hồi được thể hiện khuôn soi gờ đắp cảnh mai, cúc, trúc. Trước 3 cửa cuốn tầng 2 được chạy hàng lan can con tiện. Tầng dưới cùng được cuốn vòm 3 cửa.
Nhà Tiền đường: được nối giáp với Tam quan bằng hệ thống 3 cửa thông được ngăn cách với nhau bằng 3 chuồng cửa gỗ kiểu “trung song, thượng hạ bản”.
Chùa có kích thước dài 11m; rộng 4m; cao 5,3m cũng được xây theo kiểu vòm cuốn, trên mái dán ngói vẩy. Tiền đường gồm 3 gian, gian giữa để thông với Phật điện bằng hệ thống cửa cuốn thông gian, giữa cửa đặt một hương án thờ công đồng.
Trên cửa treo bức đại tự Bạch Tượng tự viết bằng chữ Hán. Gian bên tả có bàn thờ tượng Thánh Tăng, gian bên hữu thờ Đức Ông.
Nhà Hậu điện: được liên kết với tiền đường bằng cửa thông gian, theo kiểu kiến trúc hình chữ đinh (J). Phật điện có chiều dài 7,5m; rộng 3,5m. Phật điện xây cuốn vòm, trên mái lợp ngói mũi. Trong Phật điện bệ tam cấp được xây theo chiều dọc của ngôi nhà.
Với những công trình kiến trúc ở vào vị trí với phong cảnh hữu tình của chùa Bạch Tượng, hàng trăm cổ vật đang còn lưu giữ tại chùa, có giá trị giúp cho việc nghiên cứu trên các lĩnh vực lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật. Năm 2006, chùa Bạch Tượng đã được UBND tỉnh Thanh Hóa xếp hạng là Di tích Lịch sử Văn hóa.
- Trích theo cuốn Chùa xứ Thanh Tập II – Tác giả Đại Đức THÍCH TÂM ĐỨC – Xuất bản năm 2016