Tên gọi
Quần thể chùa Bái Đính hiện có diện tích 1700 ha bao gồm khu chùa Bái Đính cổ, khu chùa Bái Đính mới xây dựng từ năm 2003 và các khu vực như: công viên văn hoá và học viện Phật giáo, khu đón tiếp và công viên cảnh quan, đường giao thông và bãi đố xe, khu hồ Đàm Thị, hồ phóng sinh… Chùa nằm trên sườn núi, giữa những thung lũng mênh mông hồ và núi đá, ở cửa ngõ phía tây vào cố đô Hoa Lư.
Tên gọi chùa Bái Đính mang ý nghĩa là hướng về núi Đính, là nơi diễn ra một số sự kiện quan trọng trong lịch sử Việt Nam. Đó là nơi vua Đình Tiên Hoàng lập đàn tế trời cầu mưa thuận gió hòa, sau này tiếp tục được vua Quang Trung chọn để làm lễ tế cờ động viên quân sĩ trước khi ra Thăng long đại phá quân Thanh. Thế kỷ XVI núi Đính là địa bàn tranh chấp giữa vua Lê – chúa Trịnh với nhà Mạc, khi chính quyền nhà Mạc chỉ kiểm soát được vùng lãnh thổ từ Ninh Bình trở ra.
Núi Bái Đính có các tên gọi: Đính sơn, Bái Đính sơn, Bái Lĩnh sơn. Núi Đính là tên gọi của người bình dân theo nghĩa chuyển (chệch) của “đỉnh”, điểm cao nhất trong “đỉnh núi”. Đá núi có hình những viên (hòn) đất mà người bình dân thường dùng tay để móc (sấn), “đắp, xếp” chồng lên nhau thành núi. Tương truyền những “viên đá” ấy là kết quả công cuộc dâng núi lên cao trong cuộc “thủy chiến” của các vị thần núi chống nạn hồng thủy của thủy thần, người bình dân Ninh Bình có câu ca dao: “Núi Đính ai đắp mà cao/ Ngã ba Non Nước ai đào mà sâu?”.
Sách Đại Nam Nhất Thống chí viết rằng: “Núi Bái Lĩnh: Ở phía tây huyện Gia Viễn, ở địa phận các xã Phúc Lại, Sinh Dược, Mộc Hoàn, Xuân Trì, Lê Xúa và Khoáng Trang thuộc các huyện Phụng Hóa và Gia Viễn, một dải núi đất liền với sơn phận Chi Phong và Trường Yên bên cạnh. Đỉnh núi có đền thần Cao Sơn”[1].
Chùa Bái Đính cổ
Theo nhà nghiên cứu Lã Đăng Bật: “Thời Lý, ở Ninh Bình được xây dựng rất nhiều chùa. Riêng Thiền sư Nguyễn Minh Không đã lập ra chùa Am Tiên ở xã Trường Yên, huyện Gia Viễn; chùa Viên Quang ở xã Gia Thắng, chùa Bái Đính ở xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn”[2].
Chùa Bái Đính cổ nằm cách điện Tam Thế của khu chùa mới khoảng 800m về phía nam. Khu chùa này quay hướng chính tây, nằm gần trên đỉnh của một vùng rừng núi khá yên tĩnh, gồm có một nhà tiền đường ở giữa, rẽ sang bên phải là hang sáng thờ Phật, rồi đến đền thờ thần Cao Sơn ở sát cuối cửa sau của hang sáng; rẽ sang bên trái là đền thờ Thánh Nguyễn rồi đến động tối thờ mẫu và tiên. Năm 1997 chùa được công nhận là di tích lịch sử – văn hóa – cách mạng cấp quốc gia.
Chùa mang đậm lối kiến trúc thời Lý. Chùa không có những mái chùa cong vút, những trụ cột to lớn, đồ sộ hay thượng điện nguy nga lộng lẫy mà được tạo dựng theo lối kiến trúc chùa động khá phổ biến như các chùa cổ khác ở Ninh Bình.
Hang sáng, động tối
Lên thăm hang động ở núi Bái Đính phải bước trên 300 bậc đá, qua cổng tam quan ở lưng chừng núi. Lên hết dốc là tới ngã ba: bên phải là hang sáng thờ Phật và Thần, bên trái là động tối thờ Mẫu và Tiên. Phía trên cửa hang sáng có 4 chữ đại tự “Minh Đỉnh Danh Lam” khắc trên đá do vua Lê Thánh Tông ban tặng có nghĩa là: “Lưu danh thơm cảnh đẹp”. Khi lên vãn cảnh chùa trên đỉnh Bái Đính, vua Lê Thánh Tông đã cho tạc một bài thơ tứ tuỵêt chữ Hán được dịch như sau:
Đính Sơn danh tiếng thực cao xa
Che chở kinh thành tự thuở xưa
Nhân kiệt, địa linh nên vượng khí
Núi thiêng cảnh đẹp vững sơn hà.
Động dài 25m, rộng 15m, cao trung bình là 2m, nền và trần của động bằng phẳng. Đi tiếp theo ngách đá bên trái cuối hang sẽ dẫn tới một cửa hang sáng và rộng, một thung lũng xanh hiện ra. Nếu đi tiếp xuống các bậc đá sẽ đến đền thờ thần Cao Sơn. Quay trở lại ngã ba đầu dốc, theo đường rẽ trái khoảng 50m là tới động tối. Động tối lớn hơn hang sáng, gồm 7 buồng, có hang trên cao, có hang ở dưới sâu, các hang đều thông nhau qua nhiều ngách đá, có hang nền bằng phẳng, có hang nền trũng xuống như lòng chảo, có hang trần bằng, có hang được tạo hóa ban tặng cho một trần nhũ đá rủ xuống muôn hình vạn trạng. Trong động tối có giếng ngọc tạo thành do nước lạnh từ trần động rơi xuống. Các vị Tiên được thờ ở nhiều ngách trong động.
Đền thờ thánh Nguyễn
Thiền sư Nguyễn Minh Không là người sáng lập chùa Bái Đính. Ông được vua Lý Thần Tông phong Quốc sư và nhân dân tôn sùng là đức thánh Nguyễn. Khu vực núi Đính nằm cách quê hương ông khoảng 4 km. Tương truyền khi ông đến đây tìm cây thuốc chữa bệnh hóa hổ cho vua Lý Thần Tông đã phát hiện ra các hang động đẹp liền dựng chùa thờ Phật và tạo dựng một vườn thuốc quý để chữa bệnh cho dân. Đền năm ngay tại ngã ba đầu dốc, xây theo kiểu tựa lưng vào núi, trong đền có tượng của ông được đúc bằng đồng.
Ông đã học hỏi, sưu tầm những kiến thức y học dân gian, hàng ngày tìm thuốc trong vườn Sinh Dược mà trở thành danh y, chữa bệnh lạ cho Vua, sưu tầm và phục hưng nghề đúc đồng – tinh hoa của văn minh Đông Sơn – văn minh Việt cổ mà trở thành tổ sư nghề đúc đồng.
Giếng ngọc
Giếng ngọc của chùa Bái Đính cổ nằm gần chân núi Bái Đính. Tương truyền đây là nơi thiền sư Thiền sư Nguyễn Minh Không đã lấy nước để sắc thuốc chữa bệnh cho dân và chữa bệnh cho vua Lý Thần Tông. “Giếng mới được xây lại ở vị trí giếng cũ. Giếng hình mặt nguyệt, rất rộng, có đường kính 30 m, độ sâu của nước là 6m, không bao giờ cạn nước. Miệng giếng xây lan can đá. Khu đất xung quanh giếng hình vuông, có diện tích 6.000 m², 4 góc là 4 lầu bát giác. Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam đã cấp bằng “Xác nhận kỷ lục”: “Chùa Bái Đính là ngôi chùa có giếng lớn nhất Việt Nam” vào ngày 12 tháng 12 năm 2007”” [3].
Chùa Bái Đính mới
“Khu núi xây dựng chùa Bái Đính mới hiện nay có diện tích 700 ha, lớn nhất Việt Nam hiện nay. Đây là công trình tư nhân, do Doanh nghiệp Xuân Trường ở Ninh Bình thực hiện, nhưng nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ của chính phủ, UBND tỉnh Ninh Bình. Chùa Bái Đính được coi là công trình chào mừng Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc năm 2008 được tổ chwucs tại Việt Nam. Khu chùa Bái Đính dược chọn làm một trong ba địa điểm (chùa Bái Đính, Vịnh Hạ Long và chùa Yên Tử) tham quan cho các đoàn khách trong và ngoài nước về tham dự đại lễ Vesak 2008”[4].
Chủ trì thiết kế kiến trúc chùa Bái Đính là Giáo sư, Kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính – Phó Chủ tịch Hội kiến trúc sư Việt Nam, nguyên Giám đốc Trung tâm thiết kế và tu bổ di tích Trung ương (Viện Bảo tồn di tích Việt Nam). Chùa Bái Đính mới có diện tích rộng 80 ha, nằm phía bên kia núi so với chùa cổ và ở phía tây cố đô Hoa Lư. Đây là một công trình lớn gồm nhiều hạng mục, kiến trúc chính: điện Tam Thế, điện Pháp Chủ, điện Quan Âm, Bảo Tháp, Tháp Chuông, Tượng phật Di Lặc và các công trình hạ tầng, phụ trợ, khu học viện Phật giáo, khu đón tiếp, Tam quan ngoại, Tam quan nội… được xây dựng trong nhiều giai đoạn khác nhau.
Kiến trúc khu chùa mới nổi bật với những hình khối lớn, hoành tráng mang đậm dấu ấn kiến trúc Việt Nam như sử dụng nguyên vật liệu chính ở địa phương: đá xanh Ninh Bình, gỗ tứ thiết, ngói men Bát Tràng màu nâu sẫm… Về vật liệu, hệ thống cột và kèo ở cổng Tam Quan, hành lang La Hán và điện Quan Âm được làm bằng gỗ tứ thiết, các công trình lớn hơn làm bê tông giả gỗ. Tất cả các mái sử dụng ngói men Bát Tràng, kiến trúc ba tầng mái cong vút hình đuôi của chim phượng.
Điều khác biệt nhất ở kiến trúc chùa Bái Đính thể hiện ở vòm mái màu nâu sẫm cong vút hình đuôi chim phượng, nó không giống với nét thẳng thô của chùa Trung Quốc. Các chi tiết trang chí kiến trúc chùa cũng mang đậm dấu ấn của các làng nghề truyền thống nổi tiếng ở Việt Nam. Chùa Bái Đính khi xây dựng được gọi là “đại công trường” với 500 nghệ nhân gồm rất nhiều tổ thợ đến từ những làng nghề nổi tiếng như mộc Phúc Lộc, trạm khắc đá Ninh Vân, đúc đồng Ý Yên, thêu ren Văn Lâm, sơn mài Cát Đằng, trạm bạc Đồng Xâm…
Những kỷ lục
Chùa Bái Đính được báo giới nhắc đến như là một ngôi chùa lớn với những kỷ lục châu Á và khu vực, theo sách Kỷ lục Việt Nam và sách Kỷ lục châu Á. Tính đến ngày 6 tháng 6 năm 2009 ngôi chùa này đã có 6 kỷ lục được công nhận. Ngày 28 tháng 2 năm 2012 chùa có thêm 2 kỷ lục chùa lớn nhất châu Á được xác lập. Những kỷ lục của chùa Bái Đính được xác lập gồm:
– Tượng Phật bằng đồng dát vàng lớn nhất châu Á: Tượng đồng 100 tấn ở trong điện Pháp Chủ
– Tượng Phật Di lặc bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á: Tượng Phật Di lặc 100 tấn ngoài trời.
– Chuông đồng lớn nhất Việt Nam: Đại hồng chuông nặng 36 tấn trong Tháp Chuông.
– Khu chùa rộng nhất Việt Nam: Tổng 539 ha (riêng chùa cổ 27 ha, chùa mới 80 ha).
– Khu chùa có hành lang La Hán dài nhất châu Á: Hành lang La Hán dài gần 3 km.
– Khu chùa có nhiều tượng La Hán nhất Việt Nam: 500 vị bằng đá xanh cao khoảng 2m.
– Khu chùa có giếng ngọc lớn nhất Việt Nam.
– Khu chùa có số cây bồ đề nhiều nhất Việt Nam: 100 cây bồ đề được chiết từ cây bồ đề Ấn Độ.
Lễ hội
Lễ hội chùa Bái Đính là một lễ hội xuân. Khai mạc từ chiều ngày mùng 1 tết và kéo dài đến hết tháng 3, khởi đầu cho những lễ hội hành hương về vùng đất cố đô Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình.
Lễ hội chùa Bái Đính gồm 2 phần. Phần lễ gồm các nghi thức thắp hương thờ Phật, tưởng nhớ công đức Thánh Nguyễn Minh Không, lễ tế thần Cao Sơn và chầu thánh Mẫu Thượng Ngàn. Lễ hội chùa Bái Đính bắt đầu bằng nghi thức rước kiệu mang bài vị thờ Thần Cao Sơn, Đức Thánh Nguyễn và Bà chúa Thượng Ngàn từ khu chùa cổ ra khu chùa mới để tiến hành phần hội. Phần hội chùa Bái Đính gồm có các trò chơi dân gian, thăm thú hang động, vãn cảnh chùa, thưởng thức nghệ thuật hát Chèo, Xẩm đất Cố đô. Phần sân khấu hóa thường do Nhà hát chèo Ninh Bình đảm nhiệm có tái hiện lễ đăng đàn xã tắc của Đinh Tiên Hoàng và lễ tế cờ của Vua Quang Trung trên núi Đính trước giờ xung trận.
Với ưu thế của một quần thể chùa rộng, lễ hội chùa Bái Đính là một lễ hội lớn, thu hút đông du khách tham gia. Do có những điển tích gắn với các vị vua Đinh Tiên Hoàng, Quang Trung, Lê Thánh Tông và tín ngưỡng thờ thánh Nguyễn, thần Cao Sơn, Bà chúa thượng ngàn nên lễ hội chùa Bái Đính vừa có sự sùng bái tự nhiên, vừa thể hiện tín ngưỡng đạo Phật, đạo Mẫu lại có cả Nho giáo.
————————————-
Chú thích
[1] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, tập 3, Nxb Thuận Hóa, 2006, tr. 291.
[2] Lã Đăng Bật, Phật giáo ở Ninh Bình thời Đinh – Lê – Lý – Trần trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 4, 2009, tr. 26.
[3] Trần Xuân Hiền, Chùa Bái Đính ngôi chùa lớn nhất Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 5, 2008, tr. 72-73.
[4] Trần Xuân Hiền, Chùa Bái Đính ngôi chùa lớn nhất Việt Nam, Tlđd, tr. 72-73.
Tài liệu tham khảo
- Lã Đăng Bật, Phật giáo ở Ninh Bình thời Đinh – Lê – Lý – Trần trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 4, 2009.
- Trần Xuân Hiền, Chùa Bái Đính ngôi chùa lớn nhất Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 5, 2008.
- Quốc sử quán triều Nguyễn (2006), Đại Nam nhất thống chí, tập 3, Nxb Thuận Hóa, 2006.