Thân thế
Thiền sư Minh Không hay còn gọi Lý Quốc Sư (chữ Hán: 李國師 15 tháng 10 năm 1065 –19 tháng 11 năm 1141) là tên gọi theo quốc tính họ Vua do nhà Lý ban cho và ghép với chức danh pháp lý cao nhất của một vị thiền sư từng là dược sư, pháp sư, đại sư rồi quốc sư tên hiệu Nguyễn Minh Không (chữ Hán: 阮明空). Đạo hiệu Phù Vân Quảng Đạt Đại Pháp Sư, người dân ở quê hương Ninh Bình thường gọi ông là Đức Thánh Nguyễn. Ông là một vị cao tăng đứng đầu tổ chức Phật giáo của triều đại nhà Lý trong lịch sử, là vị thiền sư sáng lập nên nhiều ngôi chùa nhất ở Việt Nam, được tôn vinh là ông tổ nghề đúc đồng và cũng là ông tổ nghề Đông y Việt Nam.
Thiền sư tên Nguyễn Chí Thành, sanh ngày 14 tháng 8 năm Bính Thìn (1076) tại làng Loại Trì, huyện Chân Định, tỉnh Nam Định, thường cùng với Giác Hải, Đạo Hạnh làm bạn thân. Năm hai mươi chín tuổi, Sư cùng hai vị ấy sang Thiên Trúc học đạo với thầy Sa-môn, được phép Lục trí thần. Trở về quê, Sư tạo ngôi chùa Diên Phúc, ở đó chuyên trì chú Đại bi.
Cha của thánh Nguyễn là ông Nguyễn Sùng, quê ở làng Điềm Xá, phủ Tràng An. Mẹ ông là bà Dương Thị Mỹ, quê ở Phả Lại, phủ Từ Sơn nay là làng Phả Lại, xã Đức Long, Quế Võ, Bắc Ninh (nơi giáp với phường Phả Lại, thành phố Chí Linh, Hải Dương). Vợ chồng ông Nguyễn Sùng tuy nghèo nhưng luôn chăm lo làm việc thiện. Hai ông bà sinh hạ được một người con trai khôi ngô, tuấn tú, đặt tên là Nguyễn Chí Thành. Cha mẹ mất sớm, Nguyễn Chí Thành và người bạn Trương Bá Ngọc làm ngư dân đánh bắt cá, sinh sống trên sông Hoàng Long. Hai người cùng nuôi chí lớn, đi chu du thiên hạ, lúc thì đăng sơn kích thỏ, khi thì phóng thủy cầu ngư.
Sự nghiệp
Thiền sư Minh Không là một nhà sư tài danh lẫy lừng. Ông đã được coi là thần y khi chữa bệnh “hóa hổ” cho vua Lý Thần Tông và được ban quốc tính họ Lý, phong làm Quốc sư, được nhà vua cấp cho nhà ở, được miễn thuế má. Khi ông mất rồi được rất nhiều đền chùa thờ phụng. Đại Việt sử ký toàn thư chép rằng: “Quốc sư Minh Không rất linh ứng. Phàm khi có tai ương hạn lụt, cầu đảo đều nghiệm cả.” Nguyễn Minh Không là hiện thân quyền lực linh thiêng của Phật giáo hưng thịnh thời Lý – là thầy thuốc tài ba bậc nhất, là ngư dân gắn bó với thôn dã Đại Việt, là thiền sư tài cao đức trọng, là bậc thánh tổ nghề đúc đồng Việt Nam.
Lập chùa, mở mang Phật giáo
Nguyễn Chí Thành lớn lên sang Tây Trúc học đạo cùng với Từ Đạo Hạnh và Nguyễn Giác Hải là hai vị chân sư có uy tín đương thời. Khi tu hành đắc đạo, Nguyễn Chí Thành trở về quê nhà dựng chùa Viên Quang, sau đó lại lập nhiều chùa ở vùng châu thổ sông Hồng để tu hành, lấy vị hiệu là Không Lộ rồi Minh Không. Trong suốt cuộc đời, trên cương vị quốc sư thống lĩnh lực lượng Phật giáo quốc gia, Nguyễn Minh Không đã dựng tới 500 ngôi chùa trên đất Đại Việt. Nhiều ngôi chùa lớn còn tồn tại đến ngày nay như: chùa Bái Đính, chùa Cổ Lễ, chùa Non Nước (Ninh Bình), chùa Địch Lộng, chùa Quỳnh Lâm, chùa Am Tiên, chùa Trông, chùa Kim Liên, chùa Hàm Long,… Quốc sư Minh Không là vị thiền sư sáng lập nên nhiều ngôi chùa nhất ở Việt Nam.
Pháp sư tài danh
Thiền sư Minh Không đồng thời là một dược sư nổi tiếng thời Lý, một trong những kỳ tích của ông được sử sách ghi lại là chữa thành công bệnh cho vua Lý Thần Tông, được phong làm Quốc sư.
Tương truyền lúc còn đang học đạo, trong khi dạo chơi ở khu rừng, Từ Đạo Hạnh giả tiếng hổ dọa, Người nói: “Nếu ngươi muốn vậy, sau này chắc sẽ phải chịu quả báo như thế.” Từ Đạo Hạnh hối hận: “Xưa kia đức Thế Tôn tạo quả viên thành còn chịu báo kim sương, mã mạch, huống chi đệ sinh thời mạt pháp đâu có thể tránh được, đời sau sẽ làm quốc chủ và sẽ chịu báo này, huynh với đệ có nhân duyên bằng hữu lúc đó hãy cứu đệ.” Sau khi Thiền sư Đạo Hạnh hóa, đầu thai là Dương Hoán, được Vua Nhân Tông yêu quý lập làm Hoàng thái tử và kế vị ngai vàng tức Lý Thần Tông Hoàng đế. Lên ngôi không được bao lâu, tháng 3 năm 1136 Vua Lý Thần Tông bệnh nặng, lông lá mọc khắp cơ thể, gầm thét như hổ suốt ngày, các danh y tài giỏi được triệu đến chữa bệnh nhưng không thuyên giảm. Tức thì trong dân gian, xuất hiện bài đồng dao của trẻ con rằng:
- Bắc nam có tây đông
Đáy bể ẩn có rồng
Vua mắc bệnh khó chữa
Hãy đón Nguyễn Minh Không.
Vua bèn sai sứ tìm gặp Sư. Khi Sư đến, tôn túc thạc đức các phương đang ở trên điện làm phép, thấy Sư mộc mạc giản dị, có người khinh khí không đáp lễ. Sư đến, đem theo một cái đinh lớn, dài hơn 5 tấc, đóng vào cột, lên tiếng nói: “Ai có thể nhổ cái đinh đó ra thì trước đáng được tôn trọng, sau chữa được bệnh cho vua”. Nói thế ba lần, chẳng ai dám làm. Sư lại lấy hai ngón tay trái, cầm vào thì đinh theo chúng mà ra. Mọi người đều khiếp phục. Khi gặp vua, Sư lớn tiếng nói: “Ðấng đại trượng phu, giàu sang bốn bể, há lại làm ra những điều cuồng loạn đấy ư?” Vua rất run sợ, Sư sai lấy một vạc lớn đựng nước nấu sôi tới cả trăm lần, dùng tay quậy lên khoảng bốn lần, rồi thò tay vào trong vạc dầu đang sôi sùng sục lấy ra đủ 100 cái kim châm cứu cho vua. Bệnh liền bớt ngay. Sau khi khỏi bệnh, cảm phục tài năng, Vua Lý Thần Tông phong ông là Quốc sư, tha thuế dịch cho vài trăm hộ. Trong quốc sử còn ghi rằng: “Tục truyền khi sư Từ Đạo Hạnh sắp trút xác, trong khi ốm đem thuốc niệm thần chú rồi giao lại cho Nguyễn Chí Thành tức Minh Không, dặn rằng 20 năm sau nếu thấy Quốc vương bị bệnh lạ thì đến chữa ngay, có lẽ là việc này.”
Vùng đồi núi Gia Sinh, Gia Viễn hiện còn cái tên làng Sinh Dược (làng thuốc sống) do Lý Quốc Sư dùng cây thuốc ở đây chữa bệnh. Từ các loại thảo dược này ông đã chữa bệnh nan y cho vua Lý Thần Tông và bào chế ra nhiều loại thuốc chữa bệnh cho nhân dân, ông đã truyền lại cho dân nhiều bài thuốc hay và sử dụng thuốc nam, châm cứu chữa bệnh. Đến nay vùng đồi núi Sinh Dược, Gia Sinh vẫn còn nhiều cây thuốc quý như: Bình vôi, Ngành ngạnh, Hoài sơn, Khúc khắc, Mặt quỷ, Bòn bọt, Hà thủ ô, Hy thiêm thảo, Chè vằng, Thiên niên kiện, Bố chính sâm…
Phục hưng nghề đúc đồng
Bấy giờ, Sư muốn tạo Đại Nam tứ khí (tượng Phật, hồng chung, cái đỉnh, cái vạc) không nệ nhà nghèo sức mọn. Một hôm, Sư suy nghĩ: “Nước Tống ắt có nhiều đồng tốt, có thể dùng đúc được.” Nghĩ xong, Sư thẳng đường sang Bắc triều (Trung Quốc). Trước nhất, Sư ghé trọ một nhà trưởng giả xin mảnh đất bằng chiếc ca-sa để lập Kỳ Viên. Trưởng giả cười bảo: “Xưa kia Thái tử nhà Lương muốn lập Kỳ Viên, khoảng đất rộng đến ngàn dặm, lấy vàng lót đất. Tại sao ông chỉ xin mảnh đất bằng áo ca-sa, chỉ bằng chuồng gà mà làm gì?” Đêm ấy, Sư trải chiếc ca-sa khắp mười dặm đất. Trưởng giả thấy Sư có phép thần liền dẫn vợ con ra lễ bái, từ đây cả nhà đều qui y Tam Bảo.
Hôm khác, Sư đắp y mang bát chống gậy trước thềm rồng đứng khoanh tay. Vua Tống vào triều, bá quan văn võ tung hô xong, xem thấy vị Sư già bèn triệu vào, hỏi:
Thầy già ốm này là dân phương nào, tên họ là gì? đến đây có việc chi?
Sư tâu:
Thần là kẻ Bần tăng ở tiểu quốc, xuất gia đã lâu, nay muốn tạo Đại Nam tứ khí, mà sức không tùy tâm, nên chẳng sợ xa xôi lặn lội đến đây, cúi mong Thánh đế mở rộng lòng thương ban cho chút ít đồng tốt, để đem về đúc tạo.
Vua Tống hỏi:
Thầy đem theo bao nhiêu đồ đệ?
Sư tâu:
Bần tăng chỉ có một mình, xin đầy đãy này quảy về.
Vua bảo:
Phương Nam đường xa diệu vợi, tùy sức Sư lấy được bao nhiêu thì cho bấy nhiêu, đủ quảy thì thôi.
Sư vào kho đồng lấy gần hết sạch mà chưa đầy đãy, quan giữ kho le lưỡi lắc đầu, vào triều tâu việc ấy cho Vua. Vua ngạc nhiên hối hận, nhưng lỡ hứa rồi, không biết làm sao.
Sư nhận đồng xong, vua Tống sai bá quan tiễn Sư đưa về nước. Sư từ rằng:
Một đãy đồng này, tự thân Bần tăng vận sức quảy nổi, không dám làm phiền nhọc các Ngài tiễn đưa.
Nói xong, Sư bước ra lấy đãy máng vào đầu gậy nhẹ nhàng mang đi. Đến sông Hoàng Hà, Sư lấy nón thả xuống nước sang sông chỉ trong khoảng chớp mắt đã đến bờ.
Về nước, Sư đến chùa Quỳnh Lâm huyện Đông Triều, tỉnh Hải Dương đúc một tượng Phật A-di-đà thật cao lớn. Tại kinh đô nơi tháp Báo Thiên, Sư đúc một cái đỉnh. Ở Phả Lại, Sư đúc một quả đại hồng chung. Tại Minh Đảnh, Sư đúc một cái vạc.
Phần còn dư, Sư đem về chùa quê làng đúc một đại hồng chung nặng ba ngàn ba trăm cân, và đúc một đại hồng chung ở chùa Diên Phước Giao Thủy nặng ba ngàn cân. Công quả hoàn thành, Sư làm bài tán rằng:
Nón nổi vượt biển cả,
Một hơi muôn dặm đường.
Một đãy sạch đồng Tống,
Dang tay sức ngàn ngựa.
(Lạp phù việt đại hải,
Nhất tức vạn lý trình.
Tống đồng nhất nang tận,
Phấn tý thiên câu lực.)
Ngày 1/08/1141, Tân Dậu niên hiệu Đại định thứ 2, đời Lý Anh Tông, thiền sư Minh Không hóa thọ 76 tuổi, môn đồ dựng tháp và tô tượng ở chùa Diên Phúc. Năm 1167, Đinh Hợi – Chính Long Bảo Ứng thứ 5, vua Lý Anh Tông ban chiếu sửa chùa Diên Phúc đổi thành Viên Quang (Xuân Ninh – Nam Định), đổi làng Giao Thủy thành Hộ Xá, Nghiêm Quang thành Thần Quang (chùa Keo), ban cho mỗi chùa 5 mẫu ruộng hương đăng.
Tôn vinh
Là một thiền sư giỏi về Phật pháp, giỏi cả pháp thuật, có công chữa bệnh cho vua Lý, là ông tổ của nghề đúc đồng… Nguyễn Minh Không được tôn là đức Thánh Nguyễn bên cạnh chức danh Quốc sư triều Lý
Các truyền thuyết về tổ nghề đúc đồng thường cho rằng thần Khổng Lồ trong dân gian Việt Nam là tục danh nhà sư Nguyễn Minh Không, hiệu Không Lộ, một cao tăng đời Lý có tài biến nhỏ thành to. Ông lấy đất sét nặn thành khuôn rồi rót đồng chảy vào, chế thành những món đồ dùng như mâm, hũ đến tượng Phật. Cũng theo truyền thuyết, Quốc sư Minh Không khi tu thiền đắc đạo có thể đi mây về gió, niệm chú cho chim lạ rơi xuống đất, ngả nón làm thuyền vượt sông cả, cho cả kho đồng nước Tống vào túi đem về đúc tứ đại khí, thò tay vào vạc dầu đang sôi vớt hàng trăm chiếc kim chữa bệnh cho Vua Lý Thần Tông.
Lý Quốc Sư Nguyễn Minh Không được những địa phương có nghề đúc đồng lâu đời như các làng nghề Yên Xá, Tống Xá ở Ý Yên, lễ hội chợ Viềng (Nam Định); phố nghề Ngũ Xã, phố Lò Đúc (Hà Nội) ; Đình làng Chè, làng Rỵ (Thiệu Hóa, Thanh Hóa), các làng nghề đồng Châu Mỹ, Long Thượng, Đông Mai (Hưng Yên) và Đào Viên, Điện Tiền (Bắc Ninh) đều thờ và tôn vinh ông là ông tổ đúc đồng.
Ngày 11 tháng 6 năm 2019, tại chùa Bái Đính, Ninh Bình, Hội Đông y Việt Nam phối hợp với Trung tâm nghiên cứu bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa Phật giáo, Hội Đông y tỉnh Ninh Bình và Giáo hội Phật giáo tỉnh Ninh Bình tổ chức hội thảo hội thảo “Lý Triều Quốc sư – Thiền sư Nguyễn Minh Không với nền y học Việt Nam”, nhằm tri ân, tôn vinh ngài với vai trò là người Việt Nam đầu tiên (theo sử sách) chữa bệnh bằng thuốc Nam cho người dân và triều đình nhà Lý thế kỉ XI. Hội thảo đã ra tuyên bố Thiền sư Nguyễn Minh Không là ông tổ của nghề Đông y Việt Nam.
Tham khảo
- Sách “Thiền sư Việt Nam”, Thích Thanh Từ, DL 1999 – PL 2543