Chùa Diên Phúc (Yên Định, Thanh Hoá)

Chùa Diên Phúc (Yên Định, Thanh Hoá)

Thông tin cơ bản

Chùa Diên Phúc (tên chữ là Diên Phúc tự), là một ngôi chùa cổ thuộc địa phận làng Yên Định, xã Định Tân, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa.

Địa lý

Xã Định Tân, đầu thế kỷ XIX gồm 3 thôn: thôn Yên Định, thôn Kinh (Kênh) và trang Yên Hoành, thuộc huyện Yên Định, phủ Thiệu Thiên, trấn Thanh Hóa. Đến đời Đồng Khánh (1885-1888) thôn Yên Định đổi thành xã Yên Định, trang Yên Hoành đổi thành xã Yên Hoành, thôn Kênh thuộc về xã Tràng Làng huyện Yên Định. Sau Cách mạng tháng 8, tổng Yên Định bao gồm 8 xã, thôn, trong đó xã Yên Hoành vẫn giữ nguyên. Sau tổng tuyển cử tháng 1 năm 1946, xã Yên Hoành cùng với 10 xã, thôn sáp nhập thành xã Định Tân. Năm 1953 – 1954 xã Định Tân được chia làm 2 xã: Định Tân và Định Tiến, làng Yên Hoành thuộc về xã Định Tân. Hiện nay xã Định Tân có các làng: Yên Hoành, Yên Định, làng Kênh, Tân Long.

Dấu tích chùa

Trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, đến nay ngôi chùa đã bị hủy hoại hoàn toàn, nền móng của ngôi chùa cũng đã bị chôn vùi dưới lớp đất sâu không còn dấu tích. Ngày 10/10/2012, chùa được Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Yên Định xếp vào danh sách những di tích cần được “cấp thiết phục hồi và tôn tạo”.

Trước đây chùa nằm trên lưng chừng ngọn núi Quy Sơn, một ngọn núi chỉ cao chừng 60m so với mực nước biển chạy từ đầu làng đến cuối làng theo hướng Tây Bắc – Đông Nam, dọc theo hữu ngạn sông Mã. Theo kết quả khảo sát thực địa dưới sự hướng dẫn và giới thiệu của người dân địa phương, chúng tôi biết được: Trước đây ngôi chùa được xây dựng theo hướng Đông Nam, nhìn thẳng xuống cánh đồng lúa bạt ngàn phía trước.

Sự hình thành

Về lịch sử hình thành ngôi chùa, trong bài viết Chuyện về chùa Diên Phúc của Trịnh Sanh được lưu giữ tại Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Yên Định, ông đã căn cứ vào Bài văn bia chùa Diên Phúc, thôn Cổ Việt do Nguyễn Diệm soạn năm 1121 được ghi trong Việt Nam Phật giáo sử luận, tập I, 1992 của Nguyễn Lang và Bài bia chùa Diên Phúc, làng Cổ Việt, dựng năm Đại Khánh thứ 4 (1113) do môn khách của Đỗ Anh Vũ là Nguyễn Công Diệm soạn được ghi trong Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn để xác định niên đại hình thành của chùa là vào thời vua Lý Nhân Tông (1066 – 1128). Đồng thời, ông cũng dẫn lại rất nhiều truyền thuyết về Thiền sư Minh Không (1065 – 1141) để khẳng định “chắc chắc ngôi chùa làng Yên Định nằm trong những truyền tích này”, và Thiền sư Minh Không chính là người đã có công sáng lập nên ngôi chùa.

Hiện tại, để xác minh một cách chính xác niên đại của chùa là việc hết sức khó khăn, vì tại nơi ngôi chùa tọa lạc, nay không còn bất cứ dấu tích lộ thiên nào; trong kho tàng thư tịch Hán Nôm cũng chưa tìm ra được tư liệu nào nói rõ nguồn gốc hình thành của ngôi chùa. Tuy nhiên, rất may mắn là tại ngôi đình làng vẫn bảo tồn được 2 di vật cổ của chùa, đó là phiến đá bệ tượng Phật và viên gạch lát nền. Theo ông Trịnh Muôn Năm (người trông coi đình) và bà con nhân dân địa phương thì đây đích xác là những di vật của chùa còn sót lại. Chính họ là những người đã mang chúng về đình cất giữ và còn cẩn thận viết lên chúng hai chữ “bệ chùa” nhằm đánh dấu để khỏi lẫn lộn với các di vật khác của đình. Tìm hiểu về 2 di vật này, ít nhiều sẽ cho chúng ta những hiểu biết rõ ràng hơn về lịch sử ngôi chùa.

Di vật

Phiến đá bệ tượng Phật: Phiến đá này có kích thước 67 × 35 × 10 (đơn vị là cm), được chạm khắc rất tinh xảo, đến nay vẫn còn rõ nét, đặc biệt là hình ảnh con rồng khắc trên bề mặt là căn cứ quan trọng nhất để nhận diện niên đại ngôi chùa. Con rồng này “có bố cục theo kiểu cuộn một vài khúc rồi quay ngược đầu lại; phần thân mập mạp, khỏe khoắn, uốn khúc hình sin không đều, cuộn vặn mình thể hiện tạo hình không gian ba chiều; phần chân, móng vuốt, bờm tóc và hàm ngắn; phần mũi – vòi rồng, bảo lưu tạo hình mào lửa thời Lý nhưng ngắn hơn và vòi rồng uốn ít khúc hơn là đặc trưng của tạo hình rồng thời Trần – Hồ, khác hẳn với đặc điểm tạo hình rồng thời Lý trước đó và các thời Lê, Nguyễn sau này”.

Viên gạch lát nền: Hình vuông, độ dài cạnh 27 cm, dày 4 cm, màu đỏ sẫm, đanh chắc, độ nung cao. Tiếc rằng, trên viên gạch lát nền này không có bất kì chữ viết, hoa văn trang trí hay kí hiệu nào. Nên, nếu chỉ dựa trên kích thước, hình dáng, màu sắc… của viên gạch thì rất khó để xác định được nó thuộc vào thời đại nào. Qua tư vấn của một số các học giả tiền bối, kết hợp với dữ kiện là nó đi kèm với bệ đá tượng Phật nêu trên, chúng tôi phỏng đoán có hai khả năng: Thứ nhất, viên gạch có cùng thời với phiến đá bệ tượng, chính là di vật của thời Trần – Hồ; Thứ hai, viên gạch là di vật của thời Hậu Lê. Tuy nhiên, nếu xét một cách khách quan (tức không đưa ra điều kiện viên gạch đi kèm với bệ đá), các ý kiến có phần thiên về thời Hậu Lê.

Hai hiện vật trên cho phép chúng ta xác nhận một điều rằng: Vào thời nhà Trần – Hồ, ngôi chùa Diên Phúc đã tồn tại. Tuy nhiên, cũng nên lưu ý và phân định rõ ràng, nói “đã tồn tại” không đồng nghĩa với việc “ngôi chùa được xây dựng vào thời Trần – Hồ”, khả năng nó được xây dựng vào thời nhà Lý, hay trước đó nữa là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

Biến cố lịch sử

Đến thời Pháp thuộc, vào những năm cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX, để trấn áp phong trào cách mạng tại địa phương, giặc Pháp đã xây dựng hệ thống đồn bốt trên ngọn núi Củ (thuộc làng bên cạnh làng Yên Định), bên cạnh đó là những cuộc càn quét của Thực dân Pháp, với mật độ ngày một dày đặc và quy mô ngày một rộng lớn. Chính trong thời điểm này, ngôi chùa đã chịu ảnh hưởng rất nặng nề, chủ yếu là về mặt con người mà như Trịnh Sanh đã diễn tả “sư tiểu vắng bóng, chuông chùa lặng tiếng ngân, tiếng mõ tụng kinh im bặt”. Mô tả này cũng trùng khớp với thông tin mà chúng tôi khai thác được từ ông Trịnh Đình Từ (sinh năm 1930) trong cuộc phỏng vấn đối với người dân địa phương được tổ chức ngày 01/8/2016, ông cho biết: “Tôi nghe bố tôi kể lại (về sư trụ trì), chứ tôi cũng chịu”. Qua đây, chúng ta có thể kết luận, từ những năm 30 của thế kỷ trước chùa đã không còn sư.

Nhưng, vào thời điểm đó, ngôi chùa vẫn tồn tại, chỉ là tiêu điều do vắng bóng chư Tăng chăm sóc mà thôi. Vì rằng, theo lời người dân địa phương thì: “sau khi sư dời đi, ngôi chùa còn trải qua 3 đời các ông Từ là ông Chùa Chinh, ông Kiểm Quang và ông Đoàn Diệm”; “năm 1957 dân làng tổ chức sửa đình, còn chùa vẫn để yên”, “chùa bị phá vào khoảng năm 61, 62 gì đó”. Ta thấy, cả 3 dữ kiện trên đều không mâu thuẫn nhau, đều nói lên một vấn đề: Sau khi sư dời chùa đi, chùa vẫn chưa bị phá và nếu xâu chuỗi chúng lại với nhau, chúng ta thấy dữ kiện: “Chùa bị phá vào khoảng năm 61, 62 gì đó” đúng hơn so với nhận định của ông Trịnh Sanh: “có thể chùa bị hoang phế trước năm 1945”.

Trước khi bị huỷ hoại, quy mô ngôi chùa cũng không lớn lắm chỉ có 3 gian, phía sau là nhà thờ Tổ, bên cạnh có gian thờ Mẫu. Có nhiều tượng Phật bằng gỗ, nào là Bụt ốc, Bà 12 tay… cùng nhiều đồ thờ cúng. Ngoài ra còn có một quả chuông bé. Vườn chùa có một cây muỗm cổ thụ, còn có rất nhiều cây mít và một số cây hoa như mẫu đơn, dạ hợp, ngâu… Dân làng, nhất là các cụ bà cao niên thường ngày đến chùa làm lễ, niệm Phật. Chùa có ruộng phúc điền, có người cúng hậu…”. Những mô tả này chính là ngôi chùa trong kí ức của người dân làng Yên Định. Còn ngôi chùa hiện tại thì chỉ còn lại là là một lớp gạch nằm ẩn sâu dưới lòng đất, bên trên cỏ hoang, cây dại mọc um tùm.

Nói chung, với những di vật cùng hiện vật còn tồn tại, cho thấy chùa Diên Phúc là một ngôi chùa từng có bề dày lịch sử, nằm trong không gian thiên nhiên thơ mộng của một vùng quê yên bình, với “dòng sông Mã chảy dài trong nắng sớm”, với “đàn cò bay thẳng cánh giữa đồng xanh”. Từ năm 2012, UBND huyện Yên Định đã quy hoạch lại đất đai cho chùa với tổng diện tích lên tới 20.000m2. Người dân làng Yên Định ngày nay luôn mong ước có một ngôi chùa trên quê hương, nhằm đáp ứng nhu cầu tôn giáo tín ngưỡng, tâm linh.

Tham khảo

  • Chùa Xứ Thanh (Tập IV), Đại đức Thích Nguyên Đạt
Chấm điểm
Chia sẻ
Checkin
Eaf8a521bd23787d2132

Nội dung chính

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner app chỐn thiÊng 3 (60x90)