Thân Thế
Thiền sư Từ Đạo Hạnh (? – 1115), đời thứ 12, dòng Tỳ-ni-đa-lưu-chi.
Thiền sư tục danh là Từ Lộ, con viên Tăng quan Đô án Từ Vinh. Thuở nhỏ, Từ Vinh trọ học ở làng Yên Lãng, lấy người con gái họ Tăng, bèn theo quê quán bên vợ. Bà Tăng sanh ra Sư.
Sư tánh tình hào hiệp và có chí lớn. Thường làm bạn với nho giả tên Phí Sinh, đạo sĩ tên Lê Toàn Nghĩa và một phường chèo tên Vi Ất. Ban đêm, Sư cần cù đọc sách, ban ngày lại thổi sáo, đá cầu, đánh cờ vui chơi. Thân phụ thấy thế thường quở mắng về tội biếng nhác.
Một đêm, ông vào phòng dò xét thấy ngọn đèn đã tàn, sách vở chất đầy bên cạnh, Sư thì tựa án ngủ say, trong tay còn cầm quyển sách, tàn đèn rơi đầy cả mặt bàn. Ông mới biết con chăm lo học, chẳng còn lo lắng nữa.
Sau, Sư thi đỗ Tăng quan, do nhà vua tổ chức.
Từ Vinh có sự trái ý với Diên Thành Hầu, Hầu nhờ Pháp sư Đại Điên đánh chết. Sư muốn trả thù cho cha, định sang Ấn Độ học thuật linh dị để giết Đại Điên. Nhưng khi đi tới xứ mọi răng vàng, vì thấy đường sá hiểm trở, Sư đành trở về. Sư vào ẩn trong hang đá Từ Sơn chuyên trì Đại bi tâm Đà-la-ni. Thời gian sau, Sư thấy đủ khả năng trả thù cha, bèn tìm đến Đại Điên đánh ông ta mang bệnh rồi chết.
Từ đây, oan nghiệp xưa sạch như tuyết tan, các việc đời lặng như tro lạnh, Sư trải khắp tùng lâm tìm học pháp thiền.
Sở ngộ và sự tu tập
Nghe Kiều Trí Huyền hóa đạo ở Thái Bình, Sư thân đến tham vấn. Sư nói kệ hỏi về Chân tâm:
Lẫn lộn phàm trần chưa hiểu vàng
Chẳng biết nơi nào phải chân tâm?
Cúi mong chỉ thẳng bày phương tiện
Thấy rõ như như hết khổ tầm.
(Cửu hỗn phàm trần vị thức câm (kim)
Bất tri hà xứ thị chân tâm?
Nguyện thùy chỉ đích khai phương tiện
Liễu kiến như như đoạn khổ tầm.)
Trí Huyền đáp:
Trong ngọc ẩn thanh diễn diệu âm,
Nơi kia đầy mắt bày thiền tâm.
Hà sa cảnh là Bồ-đề cảnh,
Nghĩ đến Bồ-đề cách vạn tầm.
(Ngọc lý bí thanh diễn diệu âm,
Cá trung mãn mục lộ thiền tâm.
Hà sa cảnh thị Bồ-đề cảnh,
Nghĩ hướng Bồ-đề cách vạn tầm.)
Sư vẫn mờ mịt chẳng hiểu, lại tìm đến pháp hội của Thiền sư Sùng Phạm ở chùa Pháp Vân.
Đến đây, Sư cũng lặp lại câu hỏi: Thế nào là Chân tâm?
Sùng Phạm đáp: Cái gì chẳng phải Chân tâm?
Sư hoát nhiên nhận được. Lại hỏi: Làm sao gìn giữ?
Sùng Phạm bảo: Đói ăn, khát uống.
Sư liền lễ bái rồi lui.
Sau, Sư trụ trì chùa Thiên Phúc ở núi Phật Tích, Tăng chúng tìm đến tham vấn.
Có vị Tăng hỏi: Đi đứng nằm ngồi thảy đều Phật tâm, thế nào là Phật tâm?
Sư nói kệ đáp:
Có thì muôn sự có,
Không thì tất cả không.
Có, không trăng đáy nước,
Đừng mắc có cùng không.
(Tác hữu trần sa hữu,
Vi không nhất thiết không.
Hữu không như thủy nguyệt,
Vật trước hữu không không.)
Sư lại tiếp:
Nhật nguyệt tại non đầu
Người người tự mất châu.
Kẻ giàu sẵn ngựa mạnh
Bộ hành chẳng ngồi xe.
(Nhật nguyệt tại nham đầu
Nhân nhân tận thất châu.
Phú nhân hữu câu tử
Bộ hành bất kỵ câu.)
Sư sắp tịch, tắm rửa sạch sẽ, thay đổi y phục, gọi các môn đồ đến dạy:
Túc nhân của ta chưa hết phải còn sanh lại thế gian này tạm làm vị quốc vương. Sau khi mạng chung ta lại sanh lên cõi trời thứ ba mươi ba làm Thiên chủ. Nếu thấy thân ta bị hư hoại thì ta mới thật vào Niết-bàn, chẳng còn trụ trong vòng sanh diệt này nữa.
Môn đồ nghe lời dạy này ai nấy đều buồn thảm rơi lệ. Sư nói kệ dạy:
Thu về chẳng hẹn nhạn cùng bay,
Cười lạt người đời luống xót vay.
Thôi! Hỡi môn nhân đừng lưu luyến,
Thầy xưa mấy lượt hóa Thầy nay.
(Thu lai bất báo nhạn lai qui, Lãnh tiếu nhân gian tạm phát bi. Vị báo môn nhân hưu luyến trước, Cổ sư kỷ độ tác kim Sư.)
Nói xong, Thiền sư an nhiên mà hóa, mãi đến sau này thân xác vẫn còn.
Tác phẩm
- Giáo trò
- Hữu không (in trong Thơ văn Lý Trần (tập I), NXB Khoa học xã hội, 1977)
- Kệ thị tịch
- Thất châu
- Vấn Kiều Trí Huyền
Trút xác
Truyền thuyết lưu rằng, sau khi Từ Đạo Hạnh chết, ông cho thiền sư Nguyễn Minh Không biết mình sẽ đầu thai thành con của Sùng Hiền hầu – em trai của vua Lý Nhân Tông. Vị vua này không có con nên đã nhường ngôi cho con của Sùng Hiền hầu là Lý Dương Hoán, người con này chính là Từ Đạo Hạnh đầu thai, trở thành vua Lý Thần Tông.
Tương truyền ông viên tịch vào ngày 7 tháng 3 năm Bính Thân (1116) tại chùa núi Sài Sơn. Quốc Oai là tên huyện, tức là huyện Quốc Oai ngày nay, tên núi là Phật Tích. Từ Đạo Hạnh đến chơi núi ấy, thấy tảng đá trong hang núi có vết chân người, lấy chân ướm vào vừa đúng: tục truyền đó là chỗ Đạo Hạnh trút xác. Trước kia phu nhân của Sùng Hiến hầu là Đỗ thị đã có mang, đến đây trở dạ mãi không đẻ. Hầu nhớ lại lời Đạo Hạnh dặn khi trước, sai người chạy ngựa đi báo. Đạo Hạnh lập tức thay áo tắm rửa, vào hang núi trút xác mà qua đời. Người làng cho là việc lạ, để xác Đạo Hạnh vào trong khám để thờ. Nay núi Phật Tích tức là chỗ ấy. Hàng năm, mùa xuân, cứ đền ngày mồng 7 tháng 3, con trai, con gái hội họp ở chùa, là hội vui có tiếng một vùng. Người đời sau ngoa truyền là ngày giỗ của sư (xác Đạo Hạnh đến khoảng năm Vĩnh Lạc nhà Minh, bị người Minh đốt cháy, người làng ấy lại đắp tượng lại thờ như cũ, hiện nay hãy còn).
Đến tháng 6 thì Lý Dương Hoán, con trai của Sùng Hiền hầu ra đời, đây chính là vị vua tương lai Lý Thần Tông. Sau này Lý Thần Tông mắc bệnh lạ, người vua mọc lông cọp và gầm như cọp, quần thần phải dùng cũi vàng nhốt Vua. Người cứu chữa được là Đại sư Nguyễn Minh Không.
Tại Hà Nội có chùa Láng, tên chữ là Chiêu Thiền Tự được xây dựng đời vua Lý Anh Tông (con của Lý Thần Tông). Chùa thờ Thiền sư Từ Đạo Hạnh và Lý Thần Tông. Bên cạnh đó có chùa Nền, tên chữ là Đản Cơ Tự dựng trên nền ngôi nhà cũ của Từ Đạo Hạnh.
Tham khảo
-
Sách “Thiền sư Việt Nam”, Thích Thanh Từ, DL 1999
- https://vi.wikipedia.org/