Chùa Báo Ân (Gia Lâm, Hà Nội)

Chùa Báo Ân (Gia Lâm, Hà Nội)

Thông tin cơ bản

Vị trí địa lý và tên gọi

Chùa Báo Ân là tên gọi một di tích tọa lạc trên một dải đất cao nằm ven dòng sông Thiên Đức cổ thuộc địa bàn thôn Quang Trung, xã Dương Quang, Gia Lâm, Hà Nội. 

Lịch sử hình thành

Theo truyền thuyết, chùa được xây dựng từ thời nhà Lý gắn liền với sự tích người con gái hương Thổ Lỗi nên duyên cùng vua Lý Thánh Tông, sau này trở thành Linh nhân Hoàng Thái Hậu. Sau sự biến bức tử Dương Thái Hậu cùng 72 cung nữ (1073), Hoàng Thái Hậu cho dựng chùa thờ Phật, trước sau khoảng hơn trăm ngôi chùa lớn nhỏ để sám hối và sửa oan. Trong đó có chùa Báo Ân trên quê hương. Năm 1608 hương Thổ Lỗi đổi thành Siêu Loại, do đó chùa có tên là chùa Siêu Loại. Song, thuở ban đầu có thể ngôi chùa này được xây dựng với quy mô nhỏ, hẹp. Phải đến thời Trần, ngôi chùa mới được Đệ nhị tổ Pháp Loa đại trùng tu và mở rộng quy mô lớn. 

Theo các tài liệu nghiên cứu khảo cổ học, chùa được xây dựng dưới thời nhà Trần, chùa có tới 36 nóc nhà, thềm trùng tiếp mái với 99 gian với hai lớp tam quan nội và ngoại. Chùa được xây dựng khang trang, trang trí đẹp lộng lẫy. Chùa là nơi thờ Phật kiêm hành cung của nhà vua nên còn có tên gọi là chùa Cả, gắn liền với truyền thuyết vua Trần Nhân Tông cho xây chùa Báo Ân. 

Truyền thuyết dân gian nơi đây cũng kể lại rằng: khi vua Trần Nhân Tông nhường ngôi đi tu, quên mình làm đạo. Trần Thủ Độ biết tin ấy, đem quân thần đi đón Thái Tông về. Thái Tông không chịu về, nói rằng “Trẫm còn nhỏ dại không kham nổi việc to lớn, các quan nên chọn người khác để cho khỏi nhục xã tắc”. 

Trên đường trở về Kinh thành Thăng Long, đi đến sông Thiên Đức thì trời bỗng nhiên nổi gió, mây mù bao phủ kín đen một khoảng trời, thuyền rồng không đi được. Vua bèn cầu khấn thần linh, trời Phật và nói: “Ta cắm hai cái lọng ở hai bên bờ sông, nếu lọng ở bên bờ sông nào mà cụp xuống chính là vị thần đó đã giúp ta khỏi hoạn nạn, ta sẽ đội ơn.” Quả nhiên một lát sau, lọng bên bờ sông Dương Quang cụp xuống, người yên, sóng lặng, vua Trần lên bờ và vào đền đốt trầm tạ lễ Thổ thần, trời Phật và xin xây dựng lại ngôi chùa để báo đền công đức và lấy tên là Báo Ân tự.

Những chi tiết được chép trong Tam tổ thực lục cho biết chùa Báo Ân vào thời Trần có quy mô rất lớn và gắn bó mật thiết với cuộc đời của Phật hoàng Trần Nhân Tông. 

Nhưng phải tới Thiền sư Pháp Loa đệ nhị tổ của Thiền phái Trúc Lâm thì chùa Báo Ân mới thật sự có vị trí quan trọng, quy mô được mở rộng ra rất nhiều, có thể trở thành trung tâm phật giáo thời bấy giờ. Từ chùa Báo Ân có thể đi ngược bằng đường thủy ngược phía Bắc lên Yên Tử, sang Đông đến Côn Sơn- Kiếp Bạc, về Nam đến Thiên Trường. Chính Trần Nhân Tông và người đặt pháp danh và cử Pháp Loa khai đường trụ trì chùa Báo Ân.

Trong Tam tổ thực lục còn ghi năm Hưng Long thứ 21(1313), Thiền sư Pháp Loa đã cho xây dựng lại chùa Báo Ân, mọi phí tổn do nhà vua chu cấp. Năm đó, nhà nước cúng cho chùa 100 mẫu ruộng và cấp người cày cấy để lấy hoa lợi cho chùa. Pháp Loa là người đầu tiên được vua Anh Tông cấp độ điệp sau khi nhận chức trụ trì chùa Báo Ân ở Siêu Loại khi đệ tổ nhất Trúc Lâm còn sống.

Có thể nói, thời kì Pháp Loa trụ trì là thời kì phát triển thịnh đạt nhất của chùa Báo Ân. Sau khi Pháp Loa mất, chùa cũng mất dần sự ảnh hưởng, vị thế theo năm thán

Theo bi ký hiện còn lại trong chùa cho biết, năm Đức Long nhị niên (1630) dòng họ chúa Trịnh gồm Ngọc tử họ Trịnh cùng các quận công, đô đốc tướng quân, đô đốc phủ … đã bỏ tiền ra tu sửa chùa để lấy phúc cho dòng họ (Báo  Ân đại thiền tự bi ký). Theo nội dung văn bia cho biết lịch sử ngôi chùa cùng những lần trùng tu tôn tạo và khẳng định đây là lần trùng tu sửa chữa lớn chùa Báo Ân, sửa chữa tam quan, bái đường, thiêu hương, lầu chuông, gác trống, tô tượng, lập bi ký để truyền lại cho hậu thế.

Bia khắc năm Dương Hoà nhị niên (1636) còn ghi rõ: Vương phủ nội đệ nhị cung tần Đào Thị Ngọc Hữu cùng với con là Khuê quận công Trịnh Lựu và quận chúa Ngọc Xuân, Ngọc Niệm cúng cho chùa 26 mẫu ruộng cùng 6 dật bạc tinh để chi dùng việc đèn hương. Bà Thái Thị Ngọc Phi cũng cúng 9 sào ruộng cùng 5 dật bạc tinh cho chùa, v.v…

Nhiều năm sau đó, chùa Báo Ân liên tục được trùng tu sửa chữa: năm Cảnh Hưng thứ 10 (1750), năm Thành Thái thứ 4 (1892), sửa chữa tiền đường, phật điện (Trùng tu Báo  Ân tự bi kí), năm Minh Mạng thứ 4 (1824) đúc lại chuông chùa (Báo  Ân tự chung), v.v…

Theo các cụ già địa phương kể lại, trước năm 1946, quy mô chùa Báo Ân còn nguy nga tráng lệ, nhưng trải qua chiến tranh tàn phá, do thiên tai bão lũ, chùa bị hư hại nặng nề, ngày nay, được nhà nước tu bổ lại với quy mô nhỏ, một vài chỗ đã bị xuống cấp nghiêm trọng. 

Trung tâm Phật giáo thời Trần

Phật giáo Gia Lâm ở thời Trần phát triển thịnh vượng, trở thành một trung tâm Phật giáo lớn,… Sự hình thành phát triển thiền phái Trúc Lâm và Phật hoàng Trần Nhân Tông gắn liền với di tích Chùa Báo Ân (xã Dương Quang, huyện Gia Lâm) nơi ngài chọn làm cứ địa để hoằng pháp cũng như quá trình hình thành tổ vị thứ hai Thiền sư Pháp Loa. 

Các tài liệu lịch sử Phật giáo thời Trần như Tam Tổ Thực Lục, Tam Tổ Hành Trạng đều cho biết chùa Báo Ân có liên quan mật thiết đến thiền phái Trúc Lâm thời Trần. Ngay tên gọi thôi cũng đã thể hiện tư tưởng thiền Trúc Lâm: Báo Ân – báo đáp bốn ân đức lớn (của cha mẹ, của chúng sinh, của vua, Tam Bảo (Phật – Pháp – Tăng). 

Những ghi chép trong Tam Tổ Thực lục cho thấy Chùa Báo Ân rất gắn bó với cuộc đời tu hành của vua Trần Nhân Tông – nhất tổ của Thiền phái Trúc Lâm. Ngài đã từng nghỉ chân tại đây trên đường đi từ Thăng Long đến Yên Tử, khi Ngài mất, vua Trần Anh Tông đã cho đúc hai pho tượng Ngài bằng vàng, một để ở chùa Báo Ân, một để để chùa Vân Yên núi Yên Tử.

Đến đời Nhị Tổ Thiền phái Trúc Lâm – Pháp Loa, chùa Báo Ân thực sự đã có vai trò rất quan trọng, hội tụ nhiều điều kiện để trở thành một trung tâm Phật giáo quan trọng theo suốt chiều dài lịch sử, đặc biệt phát triển rực rỡ trong giai đoạn Phật giáo thời Trần. Chùa được tỏa ra ba ngả: Phía Bắc: có thể bằng đường thủy ngược lên Yên Tử, phía Đông đến Côn Sơn – Kiếp Bạc, phía Nam đến Thiên Trường. Cũng tại chùa Báo Ân, thiền sư Pháp Loa đã giảng pháp cho sư Huyền Quang – Trúc Lâm đệ tam tổ thị giả – nối tiếp mạch truyền “dĩ tâm truyền tâm” của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. 

Chùa được mở rộng với quy mô lớn, năm 1312, vua Trần cúng dường 5 vạn quan tiền, cúng 500 mẫu ruộng của Niệm từ Trang vào chùa làm bất động sản… Năm 1313, theo di chiếu của Trần Nhân Tông, vua Anh Tông lấy đồ vật thờ tự tam bảo của mẹ mà cúng vào chùa Báo Ân, lại cúng dường vật liệu xây dựng và cung cấp thợ phụ để làm thêm chùa tháp. Cùng năm đó Bảo từ Hoàng Thái Hậu cúng vào chùa 300 mẫu gia điền. Năm 1315, Anh Tông lấy 30 mẫu ruộng của người cung nhân cũ họ Phạm cúng vào chùa, v.v… Những sự ủng hộ đó đã dần tạo điều kiện cho Pháp Loa dương danh phát triển Thiền phái Trúc Lâm trên vùng đất truyền thống của nhiều thiền phái đạo Phật khác. 

Năm 1314, tại chùa Báo  Ân, Pháp Loa đã xây tới 33 cơ sở trong đó có Phật điện tàng kinh và Tăng đường, mời hai vị sư huynh là Tông Cảnh, Bảo Phác về chùa Siêu Loại mở những lớp về Tứ phần luật cho tăng sĩ và in 5.000 bản Tứ phần luật phát cho các tăng sinh

Chùa Báo  Ân đã trở thành cơ sở đào tạo tăng sĩ, phật tử lớn góp phần khẳng định vai trò quan trọng của Thiền phái Trúc Lâm trong đời sống xã hội Việt Nam đương thời. Khoá khai giảng năm 1322 ở chùa Báo Ân có trên 1.000 người đi nghe. Những buổi ít người đi nghe nhất cũng khoảng 500-600 người. Bản thân Pháp Loa là người trực tiếp giảng những kinh, luật cho các đệ tử tại chùa mình trụ trì. Đây đã trở thành nơi xuất gia của nhiều người trong hoàng tộc. “Hoàng Thái hậu đã quy y tại chùa… Năm 1323, Văn Huệ Vương và Uy Huệ Vương đến chùa Báo Ân xin thụ Bồ Đề tam giới và Phát Quán đỉnh”. Chùa Báo Ân còn là cơ sở in ấn kinh sách lớn nhất thời bấy giờ. Nhờ có bản gỗ tàng trữ tại chùa Báo Ân nên kinh sách được ấn hành rộng rãi, cung cấp đầy đủ cho nhu yếu học Phật trong khắp xứ.

Có thể nói, thời kì Pháp Loa trụ trì là thời kì phát triển thịnh đạt nhất của chùa Báo Ân, đây là trở thành một trung tâm Phật giáo lớn mạnh thời bấy giờ. Nhưng kể từ khi Pháp Loa viên tịch, chùa Báo Ân cũng mất dần vị thế qua những năm tháng. 

Kiến trúc

Tam quan

Tam quan chùa xây theo kiểu Phương đình, chất liệu bằng xi mãng cốt thép, có kiểu chồng diêm, với 3 cửa ra vào (một chính hai phụ). Trang trí trên Tam quan chủ yếu cấc đề tài về cây cỏ, hoa lá, dơi ngậm chữ “phúc”, hai con hạc ngậm cây nến, lư hương. Trên bức cuốn thư đắp nổi hàng chữ Hán “Báo Ân tự” – Chùa Báo Ân. Các hàng trụ hoa biểu được xây dựng theo kiểu đế trái dành thót đáy, trụ đắp nổi 4 con phượng chụm đuôi vào nhau thành bông hoa sen cách điệu. Mái Tam quan chùa trang trí những đường guột uốn lượn trông rất sinh động và mang giá trị nghệ thuật cao, cùng với hàng ngói cổ càng tăng thêm giá trị của di tích. Các hàng câu đối ở Tam Quan ghi chữ Hán, nội dung ca ngợi cảnh chùa và việc sáng lập thiên phái Trúc Lâm Tam tổ ồ huyện Siêu Loại xưa.                                                           

Sân chùa

Từ Tam Quan vào chùa là đến sân chùa. Sân chùa lát gạch Bát Tràng nung già lửa, kích thước 24x24cm, có màu nâu sẫm, tạo cho không gian của di tích tăng phần cổ kính. Xung quanh sân chùa là vườn hoa, bể cảnh với những cây dại đẹp tươi hoa lá, rồi cây cau, chuối, nhãn, mít, cây gạo… đại thụ càng làm cho di tích tĩnh mịch, u huyền của chốn thiền môn linh thiêng.

Nhà Tiền Đường

Toàn bộ kiến trúc nhà Tiền Đường và Tam Bảo là của ngôi đền thờ vua Trần Nhân Tông, sau năm 1962, ngôi chùa Báo Ân bị phá bỏ, tượng pháp và đồ thờ đem vào trong đền và cũng từ đó gọi luôn là chùa Báo Ân hay chùạ Dương Quang. Xét tổng thể về mặt kiến trúc chùa xây theo kiểu hình chữ Đinh.

Kiến trúc nhà Tiền đường xây 3 gian dĩ, với hai hàng cột cái, hàng cột quân và cột hiên. Trang trí trên kiến trúc nhà Tiền đường xưa còn dấu vết trên các cốn mê rất đẹp, nay chỉ còn ở phần Tam Bảo.

Kết cấu bộ mái nhà Tiền đường như sau: Các bộ vì kèo làm theo kiểu “Chồng rường con nhị”, mang đặc trưng kiến trúc thời Lê Trung Hưng (1740). Trên đinh là xà nóc hay còn gọi là thượng lương, xà nóc được bào vuông, đật trên dấu hình thuyền bào trơn, đóng bén, viết chữ thọ và chữ phúc theo kiểu chữ triện. Đấu hình thuyền đặt trên một dấu hình vuông khác, nằm song song với con rường thứ nhất. Hai đầu của con rường này vươn ra đỡ lấy đôi hoành thứ hai qua hình vuông thót đáy. Con rường thứ hai vươn ra đỡ lấy đôi hoành thứ hai, hai cột trốn đặt trên đầu vuông, tỳ lên câu đầu (quá giang). Quá giang đặt trên cột quân. Từ hàng cột quân sang hàng cột hiên đặt kẻ bẩy theo kiểu “Xà cong cổ ngỗng” kéo ra tân mái hiên đỡ bộ hoành mái nhà.

Các bộ vì kèo gian tam bảo được chạm trổ rất sắc nét với những đề tài: Rồng chầu mặt nhạt, Hổ bắt Nai, Tôm, Cua, Thỏ,… mang giá trị nghệ thuật cổ thời Lê Trung Hưng. Đây là những mảng chạm trang trí nghệ thuật trên gỗ còn lại rất ít ở các ngôi chùa ở Hà Nội.

Bộ cánh cửa chùa được làm bằng gỗ, đóng theo lối bức bàn, theo từng ô hình chữ nhật, để trần không quét sơn càng làm tăng thêm vẻ cổ kính mang dấu ấn thời gian của di tích lịch sử chùa Báo Ân. Bộ cánh cửa gian giữa nhà Tiền đường đã tập trung mọi tài năng nghệ thuật sáng tạo của con người.

Chủ đề trang trí ở đây chủ yếu là Tùng – Trúc – Cúc – Mai (tượng trưng cho bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông); rồng chầu chữ “Thọ”, bao quanh là quả lựu (lựu tượng trưng cho sự no đủ, đông đúc, nhiều con…); các hình hoa văn hình hạc, kỷ, hà, triện gấm, hoa thị… rất sinh động bao quanh cánh cửa mang giá trị nghệ thuật thời Nguyễn.

Tại hàng cột cái gian giữa tòa Thượng điện có bức hoành phi đề chữ hán “Kim Thế Giới” (thế giới của cõi niết bàn). Xung quanh bức đại tự trang tri hoa Văn triện gấm. Phía trước treo một bức cửa võng sơn son thếp vàng, trang trí hoa văn rất đặc sắc. Trán chữ cửa võng chạm đôi rồng chầu mặt nhật, Cửa võng với các chủ đề: Rùa phun nước, Long mã hà đồ, Tùng, Cúc, Trúc, Mai, hoa Sen, Phật tử, tua rủ kim tòng…với nét chạm mềm mại, uốn lượn, khúc chiết, khiến cho bức cửa võng vừa duyên dáng đẹp mắt, vừa tạo vè linh thiêng vi diệu. Niên đại của bức đại tự và cửa võng vào khoảng năm Thành Thái thất niên (1897).

Ngoài ra trong chùa còn nhiều câu đối mang giá trị nghệ thuật giá trị trang trí và nội dung lịch sử ca ngợi vua Trần Nhân Tông đã tu hành tại chùa.

Nhà mẫu và các công trình phụ khác

Như phần lớn các ngôi chùa ở đồng bằng Bắc Bộ, chùa Báo Ân bên cạnh điện thờ Phật còn có điện thờ Mẫu. Điện thờ Mẫu chùa Báo Ân được làm ba gian hai chái, đầu hồi bít đốc, các bộ vì kèo làm theo kiểu giá chiêng, do mới làm nên trang trí kiến trúc không có gì, kỹ thuật bào trơn đóng bén.

Các công trình phụ khác: Nhà khách, bếp xây ba gian để các đồ thờ và làm nơi sinh hoạt khi chùa có hội.

Di vật

Hiện nay, trên khu đất cao vị trí ngôi chùa thuở trước hiện còn một số hiện vật liên quan đến thuở vàng son của ngôi chùa trong dĩ vãng:

Tháp mộ: Tháp xây bằng gạch nung già cao gần 10m với ba tầng thu nhỏ vút lên. Kích thước gạch 24 cm x 24 cm, dày 10 cm.

Hai tháp mộ đá kích thước nhỏ, tạo từ đá nguyên khối, lòng tháp có ghi: Nam Thiên Quốc lập tàng phù môn, trụ trì Bắc Lập, pháp hiệu Chân Ngôn, tự Thắng Minh.

Bia đá: Vườn chùa còn khá nhiều bia, đáng chú ý là hai bia dựng năm Long Đức và Chính Hòa nhị niên ghi về lịch sử và những lần tôn tạo sửa chữa lớn ngôi chùa.

Trong ngôi đền thờ vua Trần hiện nay còn lưu giữ khá nhiều tượng Phật như: bộ tượng Tam thế, tượng Di Đà tam tôn, tượng Quan Âm chuẩn đề, tượng sư tổ Bồ Đề Đạt Ma, tượng A Di Đà, cùng tượng vua Trần Nhân Tông, các tượng hậu, các tượng liên quan đến Phật giáo.

Trong quá trình cải tạo canh tác khu nền chùa hiện nay, người dân còn tìm thấy nhiều di vật thuộc ngôi chùa xưa như: gạch lát nền trang trí hoa văn hoa cúc, hoa cúc dây (kích thước 40cm x 40cm x 8cm), lá đề trang trí hình rồng uốn lượn, phù điêu trang trí rồng, bản in đất nung trang trí hoa, các đồ sứ gia dụng men ngọc, men đen, men nâu, lá mũi hài hình lá đề, vật liệu xây dựng, những bảo tháp đất nung trang trí hình tượng Phật, v.v… Những hiện vật này mang những đặc trưng điển hình của những di vật thời Trần tìm thấy ở nước ta.

Tài liệu tham khảo:

  1. Lê Ngọc Quang, Phật giáo Việt Nam huyện Gia Lâm: Lịch sử thực trạng và những vấn đề đặt ra. 
  2. Pháp nữ, Chùa Báo Ân một di tích lịch sử thế kỷ XIII, Tạp chí nghiên cứu Phật học.
  3. Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb Văn học.
5/5 (2 bình chọn)
Chia sẻ
Chua Bao An Gia Lam Ha Noi (1)

Nội dung chính

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner App ChỐn ThiÊng 3 (60x90)