Báo Ân là ngôi chùa gắn bó mật thiết với quá trình phát triển của Phật giáo nước Việt từ ngàn năm trước; gắn bó với những hành trạng của Tam tổ và nhiều danh tăng của dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử… với tổ thứ nhất là Trúc Lâm Đầu Đà (tức vua Trần Nhân Tông), tổ thứ hai là thiền sư Pháp Loa và tổ thứ ba là thiền sư Huyền Quang. Trong bài viết này, chúng ta cùng ngược dòng thời gian, tìm hiểu về thời kỳ vàng son của ngôi chùa gắn liền với Thiền phái Trúc Lâm thời bấy giờ.
Giới thiệu chung
Di tích Chùa Báo Ân nằm ở tả ngạn sông Thiên Đức1, nay thuộc địa phận thôn Trung, xã Dương Quang, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội. Tên “Báo Ân” mang đậm tinh thần và triết lý của Thiền tông Phật giáo, có nghĩa báo đáp lại 4 ân đức lớn của cha mẹ; của chúng sinh; của vua và Tam bảo (Phật – Pháp – Tăng)2.
Chùa Báo Ân nhìn từ trên cao – Nguyễn Thành Trung
Từ đầu thời Lý, Dương Quang thuộc hương3 Thổ Lỗi, huyện Siêu Loại nên chùa Báo Ân còn được người đời gọi là chùa Siêu Loại. Những thư tịch cổ, như sách Đại Việt sử ký toàn thư, sách Tam tổ thực lục hay sách Tam tổ hành trạng… có ghi về chùa Báo Ân, cho thấy đầu thời Trần, chùa Báo Ân được Tổ Trúc Lâm Đầu Đà ngự giá giảng pháp. Kế tiếp là đệ nhị tổ, và tam tổ của thiền phái Trúc Lâm chọn làm trung tâm giảng pháp. Như vậy, có thể nói rằng, chùa Báo Ân là một trung tâm của thiền phái Trúc Lâm, cùng với Yên Tử trong giai đoạn đầu khai pháp của sơn môn Trúc Lâm – Yên Tử.
Chùa Báo Ân trong việc xiển dương thiền phái Trúc Lâm
Chùa Báo Ân – Siêu Loại do Thiền sư Trí Thông4 trụ trì, vua Trần Nhân Tông đã từng đến thăm và đàm đạo tại chùa. Đến tháng 8 năm 1299, vua Trần Nhân Tông chính thức xuất gia tại chùa Hoa Yên, núi Yên Tử lấy pháp hiệu là Hương Vân Đầu Đà, sau đổi là Trúc Lâm Đầu Đà và xây dựng một pháp môn mới mà sau này các nhà nghiên cứu gọi là Thiền phái Trúc Lâm. Chùa Siêu Loại đã được Thiền sư Trí Thông hiến cho Thiền phái Trúc Lâm. Từ đó, Chùa Siêu Loại được mở mang, xây dựng quy mô lớn, trở thành một cơ sở của Thiền phái này trong các mùa kiết hạ hằng năm.5
Năm 1306, nhà sư Pháp Loa được lập làm giảng chủ chùa Báo Ân (Siêu Loại). Sự kiện mang tính lịch sử của thiền phái Trúc Lâm là vào ngày mùng một tháng Giêng năm Mậu Thân, niên hiệu Hưng Long thứ XVI (1308), tại Cam Lộ đường chùa Siêu Loại, Điều Ngự Trần Nhân Tông đã trao chức vụ trụ trì chùa Báo Ân cho Ngài Pháp Loa, truyền tâm ấn phong làm Đệ nhị Tổ Trúc Lâm trước sự của hoàng gia triều Trần, đứng đầu là vua Trần Anh Tông, khi đó ngài Pháp Loa mới chỉ 24 tuổi.
“Điều Ngự sai Pháp Loa đến chùa Báo Ân – Siêu Loại, nối pháp trụ trì giảng dạy.”6
Năm đó, nhà nước cúng cho chùa 100 mẫu ruộng và cấp người cày cấy để lấy hoa lợi cho chùa. Pháp Loa là người đầu tiên được vua Trần Anh Tông cấp độ điệp7 sau khi nhận chứ trụ trì chùa Báo Ân ở Siêu Loại khi tổ đệ nhất Trúc Lâm còn sống. Đức Điều Ngự Nhân Tông trở thành Sư Tổ Thiền phái Trúc Lâm. Trong thời gian đó, Ngài thường lui tới các chùa Báo Ân (Siêu Loại), Sùng Nghiêm (Hải Dương), Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang), chùa Từ Lâm, chùa Quỳnh Lâm (Đông Triều) để giảng kinh, thuyết pháp và chứng minh các lễ hội.
Chùa Báo Ân đối với cuộc đời tu hành của vua Trần Nhân Tông
Chùa Báo Ân có sự gắn bó mật thiết với cuộc đời tu hành của vua Trần Nhân Tông. Truyền thuyết dân gian nơi đây cũng kể lại rằng, trước khi vua Trần Nhân Tông nhường ngôi đi tu, quên mình làm đạo, Ngài đã cùng Hoàng hậu qua chùa Báo Ân, nghỉ lại một đêm trước khi lên Yên Tử8. Truyền thuyết này có thể phản ánh một sự thực lịch sử:
“Ngày mồng năm tháng 10, gia đồng của Thiên Thụy công chúa lên núi thưa: “Thiên Thụy bệnh nặng, mong gặp Tôn đức rồi mất”. Điều Ngự bùi ngùi bảo: “Thời tiết đó thôi”, liền cầm gậy xuống núi, đi theo chỉ có một thị giả. Mồng 10 đến kinh đô, dặn dò xong các việc, ngày 15 Điều Ngự trở về núi. Trên đường về, Điều Ngự nghỉ đêm tại chùa Siêu Loại, sáng sớm hôm sau lại tiếp tục đi, […]”9
Sau khi Trần Nhân Tông hoá ở Yên Tử, vua Anh Tông “đem ngọc cốt để vào bảo khám, chia Xá-lợi làm hai phần, đựng trong bình vàng bảy báu, việc ma chay xong, liền rước ngọc cốt tôn trí vào Đức Lăng10, tôn miếu hiệu là Nhân Tông […] Anh Tông đúc hai tượng (Điều Ngự)11 bằng vàng, một thờ ở chùa Báo Ân tại Siêu Loại, và một thờ ở chùa Vân Yên núi Yên Tử, dùng lễ cúng dường Phật mà cúng dường Điều Ngự.” Ngài đã lập 3 sở giới đàn ở 3 nơi, đó là chùa Chân Giáo trong Hoàng Thành, chùa Báo Ân ở Siêu Loại và chùa Phổ Minh ở Thiên Trường.
Tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông, Bảo vật quốc gia ở Yên Tử
Những chi tiết trên đây được chép trong Tam tổ thực lục cho thấy chùa Báo Ân hẳn có quy mô rất lớn và gắn bó mật thiết với cuộc đời của vua Trần Nhân Tông, một trong những vị vua để lại nhiều công tích lớn không chỉ với Phật giáo mà cả trong chính trị và ngoại giao, đặc biệt là trong hai cuộc kháng chiến lớn chống quân xâm lược Mông – Nguyên vào những năm 1285 và 1287.
Thế tôn bỏ ngai vàng quý báu, bỏ áo rồng cao sang, non xanh cắt tóc, mặc chim thước làm tổ trên đỉnh đầu, mặc con nhện chăng tơ trên vai cánh, tu pháp tịch diệt để tỏ đại chân như, dứt cõi trần duyên mà thành bậc chính giác. Việc Phật hoàng Trần Nhân Tông chọn chùa Báo Ân làm trung tâm hoằng dương Phật pháp đã được cả triều đình cũng như Giáo hội nhất trí và hết lòng ủng hộ.
Thời Pháp Loa trụ trì
Thực hiện di chiếu của Đệ nhất tổ Trúc Lâm, năm Hưng Long thứ 21 (1313), sư Pháp Loa đã cho xây dựng lại chùa Báo Ân với quy mô lớn khó nơi nào sánh bằng, mọi phí tổn về vật liệu, thợ thuyền và tiền công đều do triều đình chu cấp. Vua Trần Anh Tông tự thân đến chùa 3 – 4 lần, đích thân cho xuất quốc khố và điều cấm binh khiêng gỗ, đổ đất, phục vụ xây dựng chùa, ngoài ra còn cấp 100 mẫu ruộng cho chùa để lễ Tam bảo.
Thiền Sư Pháp Loa – Nguồn Internet
Trong thời kì Pháp Loa đứng đầu giáo hội, thiền phái Trúc Lâm có sự phát triển mạnh mẽ, Phật giáo Việt Nam cũng phát triển một cách tương đối hệ thống và quy củ. Trong 19 năm, Pháp Loa dựng hơn 800 ngôi chùa lớn, đặc biệt chùa Báo Ân nơi ông trụ trì được xây dựng mở rộng thành trung tâm Phật giáo lớn. Được sự ủng hộ của hoàng gia cùng tăng ni phật tử về vật chất: năm 1312, vua Trần cúng dường 5 vạn quan tiền, cúng 500 mẫu ruộng của Niệm từ Trang vào chùa…12
Năm 1313, theo di chiếu của Trần Nhân Tông, vua Anh Tông lấy đồ vật thờ tự Tam bảo của mẹ mà cúng vào chùa Báo Ân, lại cúng dường vật liệu xây dựng và cung cấp thợ phụ để làm thêm chùa tháp. Cùng năm đó, Bảo Từ Hoàng Thái Hậu cúng vào chùa 300 mẫu gia điền. Năm 1314, tại chùa Báo Ân, Pháp Loa đã xây tới 33 cơ sở trong đó có Phật điện tàng kinh các và Tăng xá, mời hai vị sư huynh là Tông Cảnh, Bảo Phác về chùa Siêu Loại mở những lớp về Tứ phần luật cho tăng sĩ và in 5.000 bản Tử phần luật phát cho các tăng sinh. Năm 1315, Anh Tông lấy 30 mẫu ruộng của người cung nhân cũ họ Phạm cúng vào chùa, v.v…13
Những sự ủng hộ đó đã dần tạo điều kiện cho Pháp Loa dương danh phát triển Thiền phái Trúc Lâm trên vùng đất truyền thống của nhiều thiền phái đạo Phật khác.
Chùa Báo Ân đã trở thành cơ sở đào tạo tăng sĩ, phật tử lớn góp phần khẳng định vai trò quan trọng của Thiền phái Trúc Lâm trong đời sống xã hội Việt Nam đương thời. Khoa khai giảng năm 1322 ở chùa Báo Ân có trên 1.000 người đi nghe. Những buổi ít người đi nghe nhất cũng 500 – 600 người. Năm Đại Khánh thứ 10 (1323), sư Pháp Loa lại thể theo lời mời của Văn Huệ Vương và Uy Huệ Vương tới chùa Báo Ân để truyền thụ những giới luật Bồ Đề và làm phép tưới dầu cho hai vị Vương đó. Chùa Báo Ân còn là cơ sở in ấn kinh sách thời bấy giờ; nhờ đó mà kinh sách được ấn hành rộng rãi, cung cấp đầy đủ cho nhu cầu yếu học Phật khắp xứ.
Pháp Loa kế thừa theo sự nghiệp của Sơ tổ Trần Nhân Tông, xác định người nối pháp thế hệ thứ ba là thiền sư Huyền Quang qua các việc:
“Ấn khả khi Huyền Quang trình kiến giải ở chùa Siêu Loại vào năm Đông Hưng 19 (1311), đem y bát và tâm kệ được nhận từ Điều Ngự trao lại cho Huyền Quang vào tháng 2 năm Khai Hựu 2 (1330)”14.
Theo Tam Tổ Thực Lục, Huyền Quang thường xuyên đi giảng dạy ở khắp các nơi theo chiếu lệnh, trong đó có giảng kinh Lăng Nghiêm ở chùa Báo Ân theo lệnh vua Trần Anh Tông năm 1313.
Thiền sư Huyền Quang – Nguồn: Internet
Kết luận
Chùa Báo Ân chứa đựng chiều sâu lịch sử không mấy danh lam sánh được. Ngôi chùa này gắn bó mật thiết với quá trình phát triển của Phật giáo Việt từ ngàn năm trước; gắn bó với những hành trạng của Tam tổ và nhiều danh tăng của dòng thiền Trúc Lâm…
Có thể nói, thời kì Pháp Loa trụ trì là thời kì phát triển thịnh đạt nhất của chùa Báo Ân. Sau khi ngài Pháp Loa mất, tuổi bốn mươi tư, được thêm hiệu là Tinh Trí Đại Tôn Giả, đệ tử đưa linh cữu đến núi Thanh Mai an táng. Cùng với sự trống vắng của thiền phái Trúc Lâm, như Trần Anh Tông làm thơ viếng có câu:
“Tự lòng Pháp Loa khứ thế hậu
Thiên hạ Thích tử không vô nhân”
Nghĩa là
“Từ khi Pháp Loa qua đời
Thiên hạ Phật tử trống trải người.”15
Chú thích
1. Sông Thiên Đức nằm ở khu Bắc Đuống của huyện Gia Lâm, giáp ranh địa phận huyện Đông Anh và Gia Lâm (Hà Nội), bắt nguồn từ đầm Ái Mộ, xã Yên Viên, kéo dài đến tỉnh Bắc Ninh. Xưa kia, con sông này có vai trò rất quan trọng, vừa làm đường giao thông vừa để lấy nước tưới cho đồng ruộng.
2. Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.
3. Tương đương như một cấp xã
4. Tạp chí Nghiên cứu Phật học, tr. 63, số ra ngày 15/5/2012.
5. An cư kiết hạ là pháp tu hành của người xuất gia trong ba tháng hạ (bắt đầu từ ngày Đản sinh của đức Phật Thích Ca 15/4 Âm lịch cho đến Lễ Vu Lan 15/7 Âm lịch). Đến kỳ an cư, chư Tăng Ni từ khắp nơi dừng việc du hóa, hoằng pháp, hoạt động xã hội, từ thiện, vân tập về một trú xứ để chuyên tâm tu học mà ngày nay gọi là “Tịnh nghiệp đạo tràng” hay ‘Đạo tràng an cư kiết hạ”.
6. Mai Thị Thơm, Đại cương thiền phái Trúc Lâm, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 80.
7. (度牒, dochō): còn gọi là Độ Duyên (度緣), là giấy chứng nhận do quan phủ cấp khi Tăng Ni xuất gia, tức Chứng Điệp Tu Sĩ, trên đó có ghi ngày tháng năm xuất gia, tên các vị quan chứng minh và dấu ấn.
8. Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Tam Tổ Thực Lục, 1995, tr. 16.
9. Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Tam Tổ Thực Lục, 1995, tr. 16.
10. Thuộc xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Ở đây có lăng mộ các vị vua đầu triều Trần, gồm: Thọ Lăng sau đổi là Huy Lăng của Trần Thừa – người được triều Trần truy tôn miếu hiệu là Thái Tổ vào năm 1248; Chiêu Lăng của vua Trần Thái Tông; Dụ Lăng của vua Trần Thánh Tông; Đức Lăng của vua Trần Nhân Tông.
11. Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Tam Tổ Thực Lục, 1995, tr. 19.
12. Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Tam Tổ Thực Lục, Sđd, tr. 24.
13. Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Tam Tổ Thực Lục, Sđd, tr. 25.
14. Mai Thị Thơm, Đại cương thiền phái Trúc Lâm, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 101.
15. Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Ngô Thì Nhậm toàn tập, tập V, Nxb Khoa học xã hội, tr. 85.
Tài liệu tham khảo
-
- Đại cương Thiền phái Trúc Lâm, Nxb ĐHQGHN.
- Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb KHXH.
- Viện nghiên cứu Phật học (1995) – Tam tổ thực lục.
- Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Ngô Thì Nhậm toàn tập, tập V, Nxb Khoa học xã hội (2006).