Trước khi xuất gia
Trần Nhân Tông – sinh ngày 7 tháng 12 năm 1258, mất ngày 16 tháng 12 năm 1308, tên khai sinh là Trần Nhâm, tự là Thanh Phúc, Ngài là con trưởng của Đức Vua Trần Thánh Tông và Hoàng Thái hậu Nguyên Thánh Thiên Cảm. Trong sách Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư viết: “Vua được tinh anh của thánh nhân, đạo mạo thuần túy, nhan sắc như vàng, thể chất hoàn toàn, thần khí tươi sáng, hai cung đều cho là lạ, gọi là Kim Tiên Ðồng Tử ; ở vai bên tả có nốt ruồi đen, cho nên có thể cáng đáng được việc lớn; ở ngôi 14 năm, nhường ngôi 5 năm, xuất gia 8 năm, thọ 51 tuổi, băng hà ở am Ngọa Vân núi Yên Tử. Hòa nhã, cố kết lòng dân, sự nghiệp phục hưng làm vẻ vang đời trước, thực là vua hiền đời Trần.”
Năm 16 tuổi, Ngài đã có ý không muốn làm vua. Và muốn nhường địa vị đông cung thái tử cho em nhưng vua cha không chấp thuận.
Năm 21 tuổi, Ngài lên ngôi Hoàng đế (1279). Tuy ở địa vị cửu trùng, mà Ngài vẫn giữ mình thanh tịnh để tu tập.
Sách Tam Tổ Thực Lục nói: “Một đêm vào giờ Tý, vua vượt thành mà đi, muốn vào núi Yên Tử. Đến chùa ở núi Ðông Cứu thì trời sáng, liền vào ẩn trong tháp. Vị tăng trụ trì thấy tướng mạo dị thường liền đem thức ăn khoản đãi. Hôm ấy thái hậu và vua Thánh Tông sai quần thần tìm tứ tán, bất đắc dĩ vua phải về. Khi lên ngôi, tuy ngồi lên chín bệ vinh quang nhưng sinh hoạt rất thanh tịnh. Một hôm ngủ trưa tại chùa Tư Phúc trong đại nội vua mộng thấy trên rốn mình nở ra một hoa sen lớn như bánh xe, trên đó có một đức Phật vàng. Bên cạnh, có người chỉ vào vua mà hỏi: Biết đức Phật này không? Ðó là đức Biến Chiếu Tôn đấy! Vua tỉnh thức, đem giấc mộng nói lại cho Thánh Tông nghe, ai cũng lấy làm lạ. Từ đó thường ăn chay tránh thịt cá, long nhan gầy mòn”(1)
Ngày ngày ăn chay lạt thân thể gầy ốm. Thánh Tông thấy thế lấy làm lạ, nên hỏi nguyên do. Ngài trình thật với cha. Thánh Tông khóc bảo : “Nay ta đã già, chỉ trông cậy một mình con, con lại làm như thế, làm sao gánh vác được sự nghiệp của Tổ tiên?” Ngài nghe dạy cũng rơi nước mắt.
Ngài thánh tính thông minh, hiếu học, nhiều tài, đọc khắp các loại sách thông suốt cả đến nội điển, (kinh) và ngoại điển (sách đời). Những khi nhàn rỗi, Ngài mời các vị thiền khách tới cùng giảng cứu Thiền học. Tham học thiền với Thượng Sĩ Tuệ Trung, thâm đắc đến chỗ Thiền tủy. Đối với Thượng Sĩ, Ngài kính lễ làm thầy.
Khi giặc Nguyên – Mông xâm chiếm Đại Việt, năm 1282, Ngài xếp việc kinh kệ để lo giữ gìn xã tác. Ngài chủ trì hội nghị Bình Than để lấy ý kiến của toàn quân, toàn dân Đại Việt đoàn kết chống giặc ngoại xâm. Sau đó, Ngài đã trực tiếp lãnh đạo quân dân Đại Việt hai lần chiến thắng giặc Nguyên – Mông vào các năm 1285 và 1288.
Sau 14 năm trị vì đất nước. Năm Quí Tỵ (1293), Ngài nhường ngôi lại cho con là Trần Anh Tông, lên làm Thái thượng hoàng. Ở ngôi Thái thượng hoàng để chỉ dạy cho con được sáu năm và sắp đặt việc xuất gia.
Con đường tu hành
Năm 1299, Ngài từ hành cung Vũ Lâm trở về kinh thành Thăng Long, rồi thẳng tiến lên núi Yên Tử (nay thuộc Uông Bí, Quảng Ninh), tinh cần tu hạnh đầu đà lấy hiệu là Hương Vân Đại Đầu Đà. Ngài cho dựng chùa, giảng pháp, độ Tăng. Người học Phật quy tụ về Yên Tử rất đông. Sau đó, Ngài đến chùa Phổ Minh ở phủ Thiên Trường lập giảng đường, giảng dạy mấy năm. Ngài lại vân du đến trại Bố Chánh lập am Tri Kiến rồi ở đó. Ngài là người thống nhất ba dòng thiền: Tỳ-Ni-Đa-Lưu-Chi, Vô Ngôn Thông, và Thảo Đường thành lập lên dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử với tư tưởng nhập thế “Cư trần lạc Đạo”, “Hòa quang đồng trần” là dòng thiền mang bản sắc riêng của Đại Việt. Dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử được gìn giữ và lưu truyền qua các thời đại, các thế hệ Phật giáo Việt Nam mà ngày nay Giáo hội Phật giáo Việt Nam là chủ thể kế thừa tinh hoa nhập thế đồng hành cùng dân tộc.
Tháng ba năm 1301, Ngài đi chu du đến Chiêm Thành để tìm hiểu Phật Giáo nước này, được vua nước Chiêm Thành là Chế Mân tiếp đón nồng nhiệt, trong lúc đàm đạo, với ý niệm xây dựng một nền hòa bình lâu dài giữa hai nước, Ngài đã hứa gả công chúa Huyền Chân cho vua Chàm. Sau đó, Vua nước Chiêm Thành đã dâng hai châu Ô và Lý làm sính lễ. Từ đó nước Đại Việt Ta được mở mang bờ cõi đổi tên hai châu là Thuận và Hóa.(2)
Đến năm Giáp Thìn (1304) Ngài đi khắp mọi nẻo từ thành thị đến nông thôn, khuyên dân phá bỏ các dâm từ và thực hành giáo lý Thập Thiện. Từ đường làng ngõ xóm rất nhiều nơi thờ tự những tượng thần lõa thể và sinh thực khí, những nơi thờ tự này gọi là dâm từ. Ngài đi đến đâu cũng được dân chúng ái mộ, khâm phục, những lời khuyên của vua có tác dụng rất lớn đối với dân chúng. Thập Thiện chính là giáo lý nhập thế căn bản của đạo Phật; lấy giáo lý Thập Thiện làm cơ bản cho đạo đức xã hội, Ngài đã có ý muốn xây dựng một xã hội trên nền tảng luân lý đạo Phật. Một ông vua còn ngồi trên ngai vàng ủng hộ Phật Giáo, một ông vua dám “cởi hoàng bào khoác cà sa” chí nguyện thuyết pháp độ sinh. Đây được xem là sự kiện trấn động cả thế giới có một không hai thời bấy giờ.
Cuối năm 1304, Ngài vào đại nội theo lời thỉnh cầu của vua Trần Anh Tông. Vua Anh Tông xin thọ Tại Gia Bồ Tát Tâm Giới, thấy vua Anh Tông phát nguyện thọ giới, nhiều người lần lượt xin thọ tam quy ngũ giới chỉ vì không muốn làm mất ân sủng của triều đình.
Nhiều năm tầm sư học đạo, đến ngày chứng giác Ngài luôn đau đáu một nỗi niềm muốn tìm một Pháp tử nối nghiệp xuất gia hoàng pháp nhập thế của ngài. Ðến năm 1304 đến thôn Nam Sách, Ngài gặp một người trai trẻ, tuổi đôi mưa, ngỏ ý muốn xuất gia, tên là Ðồng Kiên Cương. Thấy dung mạo khác thường, Ngài tự bảo: “Người trai trẻ này có đạo nhãn, sau này chắc sẽ trở thành pháp khí”. Chính vì nhân duyên gặp gỡ này, Ngài đặt tên cho anh là Thiện Lai, cho thọ giới Sa Di, và gửi đi tham học với Tính Giác Hòa thượng. Thiện Lại sau này là Pháp Loa, vị tổ thứ hai của thiền phái Trúc Lâm. Pháp Loa chỉ làm sa di được trên một năm; sang năm 1305, thì Ngài đã cho ông thọ giới Tỳ Khưu và Bồ tát. Sang năm 1306 thì ông đã được lập làm giảng sư ở chùa Siêu Loại.(3)
Trong thiền viện, Pháp Loa là người duy nhất thời bấy giờ được giảng pháp khi chưa đủ ba tuổi tu nhưng vì Phật hoàng Trần Nhân Tông biết rõ Ngài không còn sống được bao lâu nữa nên muốn chuẩn bị kỹ càng trước khi ra đi. Năm 1308, đích thân ngài trao truyền y bát cho Pháp Loa, là trụ trì chùa Siêu Thoại, làm tổ thứ 2 của Thiền phái Trúc Lâm, trước sự chứng giám của vua Trần Anh Tông, lúc đó Pháp Loa mới độ 25 tuổi. Cho thấy Ngài là người có tầm nhìn xa trông rộng để sau này không ai có thể phủ nhận giá trị lãnh đạo của Pháp Loa. Cùng năm đó ngài viên tịch.
Pháp Loa vâng theo lời di chúc của Ngài làm lễ hỏa táng, lượm ngọc cốt có năm màu để vào bình. Vua Anh Tông cùng đình thần đem long giá rước ngọc cốt về tôn thờ nơi Đức Lăng(4) và xây tháp ở chùa Vân Yên trên núi Yên Tử, để hiệu là Huệ Quang Kim Tháp và dâng tôn hiệu là Đại Thánh Trần Triều Trúc Lâm Đầu-đà Tĩnh Tuệ Giác Hoàng Điều Ngự Tổ Phật.
Trúc Lâm Đại Đầu Đà
Phật giáo vào nước ta bằng cả hai con đường, Ấn Độ và Trung Hoa, với quá trình tiếp biến giữa Nho – Phật – Đạo. Trên thực tế Phật giáo Việt Nam chịu ảnh hưởng mạnh từ Phật giáo Trung Hoa hơn so với Phật giáo nguyên thủy Ấn Độ. Trước Trần Nhân Tông cụ thể là vào thời Lý, Phật giáo có thể còn đã đạt tới đỉnh và đã được xem là quốc giáo; nhà Lý đã sử dụng Phật giáo như một công cụ để quản lý xã hội, nói như Nguyễn Lang (Thích Nhất Hạnh) là sự “Chính thức nhận Phật giáo làm nguyên tắt chỉ đạo tâm linh cho chính sự”.(5) Nhưng về cơ bản Phật giáo thời Lý vẫn chưa tách khỏi những ảnh hướng lớn từ Thiền Trung Hoa, mặc dù Phật giáo được xem làm hệ tư tưởng chính để đối trọng với Nho giáo (Tống Nho). Theo TS. Đỗ Thu Hiền “Nhìn chung, Thiền thời Lý là nhập thế, nhưng cái nhập thế của Thiền thời Lý vẫn chỉ là khuynh hướng có tính lý thuyết nhiều hơn thực tiễn, và tính siêu việt của nó vẫn còn lấn át.”(6)
Tinh thần nhập thế của đạo Phật được thể hiện rõ hơn ở thời Trần và trong cách sống, cách hành đạo của Trần Nhân Tông. Trước khi trường phái Trúc Lâm Yên Tử được lập, tại Đại Việt lúc đó, có tới ba dòng thiền là Tỳ-Ni-Đa-Lưu-Chi, Vô Ngôn Thông, và Thảo Đường. Ông đã chắt lọc những điều tinh túy nhất của 3 dòng thiền này và hợp nhất chúng thành dòng thiền riêng phù hợp với tính cách, con người Đại Việt. Ông đã ứng dụng khéo léo lời Phật dạy vào cuộc sống nhằm hành xử và giáo dục con người. Đời và đạo ở ông hòa làm một, không tách rời nhau: học đạo để hướng dẫn đời và đồng thời dùng đời để thực hành đạo. Tinh thần nhập thế trong tư tưởng Phật giáo ở Trần Nhân Tông đã được bộc lộ phần lớn qua tư tưởng “tức tâm tức Phật”. Ông đã kết hợp được hai yếu tố: yêu nước và mộ thiền. Tư tưởng “Cư trần lạc đạo”, “Tức tâm tức Phật” của Trần Nhân Tông mang lại sức sống mới cho Phật giáo, tạo cho Phật giáo một thế đứng vững chắc giữa lòng xã hội Việt Nam. Có thể nói, vai trò của Trần Nhân Tông đối với Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử và Phật giáo Việt Nam quan trọng như Khổng Tử của Trung Hoa trong việc biên soạn Tứ thư Ngũ kinh! Việc đưa Phật giáo về với thế tục, bản tính của dân tộc ta là đóng góp rất lớn của Trần Nhân Tông trên phương diện Tôn giáo dân tộc, đúng như cách nói của nhà nghiên cứu Trần Đình Hượu “Việc chuyển niềm tin từ chỗ coi Niết bàn là một cõi có không – thời gian xác định nào đó, và thuộc về tương lai, một “tương lai vĩnh hằng” hứa hẹn những vô vọng, sang chỗ coi Niết bàn là một trạng thái tâm lý – tinh thần, có thể đạt ngay trong đời sống thực và ngay trên cõi trần thế này” đã là một dấu ấn vô cùng lớn khiến cho dòng Thiền trở thành một giáo lí mang tính nhập thế. Nó cũng tương thích với não trạng của người Việt – Không hứng thú và không thích hợp với những thứ lý thuyết, giáo điều siêu hình, không mang tính “thực dụng và thực tế”. Tinh thần của Quốc sư Phù Vân khi can ngăn Trần Thái Tông “Trong núi vốn không có Phật, Phật ở ngay trong lòng. Lòng lặng lẽ mà hiểu điều đó chính là chân Phật. Nay nếu bệ hạ giác ngộ điều đó thì lập tức thành Phật, không cần khổ công tìm kiếm bên ngoài” . Là tiền đề để Trần Nhân Tông đưa Phật giáo về gần hơn với nhân dân.
Trường phái Thiền Trúc Lâm Yên Tử trở thành một dòng thiền lớn nhất, và có ảnh hưởng nhất với văn hóa, tôn giáo – tín ngưỡng của nước ta suốt những thế kỷ sau. Điều này được khẳng định ngay dưới triều Lê Sơ, cụ thể là đề thi năm Cảnh Thống Nhâm Tuất (1502) ở câu thứ 15 hỏi rằng “Điều Ngự và Huyền Quang truyền đạo gì mà được thành Phật làm tổ? Từ sự trọng đãi của triều đình Lê Sơ dòng thiền này đã không những duy trì không gian hoạt động mà ngày càng không ngừng mở rộng về phía Nam. Hay nói cách khác đây là một quá trình Nam tiến về mặt tư tưởng của Trần Nhân Tông.
Có thể nói, Phật hoàng Trần Nhân Tông là vị Phật hoàng duy nhất không chỉ trong lịch sử Việt Nam mà còn là duy nhất của khu vực đồng văn Hán học (Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam). Ở Việt Nam vai trò của ông đã vượt xa khỏi một nhà cầm quyền anh minh lỗi lạc, hơn tất cả Trần Nhân Tông còn là một nhà kiến tạo tin thần, nhà văn hóa là vị “Phật tổ” của Phật giáo Việt Nam.
Thi kệ
Thiền phái Trúc Lâm của Trần Nhân Tông là dòng thiền tiếp nối và hợp nhất của ba dòng thiền Đại Việt vào thế kỷ XII, bao gồm: Dòng Thảo Đường, Vô Ngôn Thông, Tì Ni Đa Lưu Chi. Ta có thể thấy tư tưởng chủ đạo, pháp tu của dòng thiền này được quán sát qua bốn câu kệ trong bài phú “Cư trần lạc đạo” của Phật hoàng Trần Nhân Tông như sau:
“Cư trần lạc đạo thả tuỳ duyên
Cơ tắc xan hề khốn tắc miên
Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch
Ðối cảnh vô tâm mạc vấn Thiền.”
Nguyên tác:
居 塵 樂 道 且 隨 緣
饑 則 飧 兮 困則 眠
家 中 有 宝 休寻 覓
对 鏡 無 心 莫問 禪
Dịch thơ:
Ở đời vui đạo, hãy tuỳ duyên,
Hễ đói thì ăn, mệt ngủ liền.
Trong nhà có báu thôi tìm kiếm
Đối cảnh vô tâm chớ hỏi Thiền.
Câu mở đầu “ Cư trần lạc đạo thả tùy duyên” vừa là chủ đề của bài kệ, vừa là tư tưởng chủ đạo của dòng Thiền Trúc Lâm.
“Cư trần/ Lạc đạo” – Ở trong cõi đời vui với đạo – đây là một quan niệm tu hành kết hợp đời và đạo không xa lánh thế tục. Quan điểm này kỳ thực không mới, ngược dòng lịch sử thời Đức Phật còn tại thế, ngay khi thành đạo, Ngài nhập thế thuyết pháp độ sinh. Để làm được điều này, các hành giả phải trải qua quá trình dài tu tập yên tĩnh, tránh xa tạp niệm. Với Trần Nhân Tông, Ngài thể hiện thái độ lạc quan, không cưỡng cầu, gượng ép. Đây cũng là điểm mới trong quan niệm tu hành của mình. Ngài đến với đạo trong tư thế an vui, trong từng việc làm tại cõi trần. “Thả tùy duyên” không có nghĩa là tùy ý, bám chấp tu hành mà là biểu hiện của Trí huệ Bát Nhã diệt chấp ngã.
Câu kệ thứ hai “ Cơ tắc xan hề khốn tắc miên” – Đói thì ăn, mệt ngủ liền – đây là cách khai thị cho đệ tử biết cách hành trì thông qua những thói quen hằng ngày. Chấp nhận những quy luật của cuộc sống, không chấp ngã, chấp không. Cái hay, cái đặc sắc của câu thơ này chính là Trần Nhân Tông đã lấy những sinh hoạt rất thường nhật của con người để phản bác lại những quan niệm tu hành lầm lạc khác cũng như là lời răn dạy cho những kẻ núp bóng thầy tu, trục lợi buổi đương thời.
Câu kệ thứ ba “ Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch” – Trong nhà có báu thôi tìm kiếm – là một câu kệ độc đáo ở cả mặt hình thức và nội dung.
Về mặt hình thức câu kệ giúp cho người đọc dễ hiểu, dễ tiếp cận với những giáo pháp cao siêu.
Ta có thể hiểu dụng ý của câu kệ này là khuyên người tu hành không cần Phật ở đâu xa mà Phật ở ngay trong chính chúng ta, trong hiện tại, trong lòng ta.
Câu kết “ Ðối cảnh vô tâm mạc vấn Thiền” – Đứng trước mọi hoàn cảnh, tâm không động thì chớ hỏi Thiền.
Ta có thể hiểu là khi sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) tiếp xúc với sáu trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) mà không bị nhiễm ô, dính mắc, không khởi vọng tưởng, điên đảo thì đó chính là thiền rồi.
Như vậy ta có thể thấy rằng, pháp tu của Thiền phái Trúc Lâm vẫn là truyền tâm ấn và y bát, nhưng không “ Bất lập văn tự” . Về quan niệm tu hành, Trần Nhân Tông có xu hướng nhập thế, điều này được biểu hiện rõ nhất trong chính cuộc đời của Ngài kết hợp nhuẫn nhuyễn đời và đạo, gắn bổn phận và trách nhiệm của mình với sự hưng vong của đất nước.
Qua những phân tích trên, ta có thể thấy rõ được quan niệm tu tập của Phật Hoàng Trần Nhân Tông và dấu ấn Thiền phái Trúc Lâm trong Đại Việt. Chúng ta có thể tự hào về bản sắc riêng của nền Phật giáo nước nhà cũng như những đóng góp của nó vào tiến trình lịch sử nhân loại.
Đóng góp trong văn chương
Có thể nói về cơ bản nền văn học thành văn của nước ta xuất hiện tương đối muộn. Phải từ những năm sau thời kì độc lập tử chủ (938) các sáng tác và các tác giả xuất hiện nhiều dần theo thời gian. Đặc biệt văn học thời Lý (dòng văn học lấy Phật giáo làm tông chỉ) đã đạt được một số thành tựu nhất định. Nhưng phải đến thời Trần đặc biệt là những năm trị vì của Trần Nhân Tông với những tên tuổi lớn như Huyền Quang, Mạc Đĩnh Chi, Trần Nhân Tông…, thì văn học Việt Nam mới thực sự khẳng định được vị trí của mình. Nếu như văn học thời Lý mang nặng tính siêu hình thì đến Trần Nhân Tông là một bước tiến lớn trong văn chương Việt Nam, tính thế tục, nhập thế đã len lỏi trong thơ văn của ông. Cũng tương tự như vậy Nguyễn Đăng Thục thì nhìn thấy ở thơ Trần Nhân Tông “dùng thi ca để diễn tả những kinh nghiệm của tâm trạng giác ngộ”. Cũng có khi Trần Nhân Tông không ngần ngại thể hiện nỗi lòng với quốc gia xã tắc:
Cối kê cựu sự quân tu ký,
Hoan, Aí do tồn thập vạn binh.
(Việc cũ ở Cối Kê ngươi nên nhớ,
Châu Hoan, châu Ái đang còn hàng chục vạn quân)
Rõ ràng thơ của Trần Nhân Tông thể hiện một tâm thế tích cực nhập thế, mang nội dung ngợi ca sự nhàn dật, vui đạo ở đời nhưng ẩn sâu trong đó là ý tứ của một vị hoàng đế nhiều suy tư đối với con dân của mình. Những sáng tác của Trần Nhân Tông sau này còn sẽ được những Huyền Quang, Pháp Loa hay Nguyễn Trãi sẽ tiếp tục nương theo để nói cái chí trong cõi đạo của mình.
Trần Nhân Tông viết bằng cả chữ Hán và Nôm, phần thơ chữ Hán của Trần Nhân Tông cho đến nay các nhà nghiên cứu đều đánh giá ông là “một tên tuổi lẫy lừng” cảnh chiều quê, hoàng hôn, làng mạc…, thể hiện cảnh bình yên của đất nước.
Những sáng tác của ông còn lại đến nay không nhiều nhưng không thể phủ nhận được sức ảnh hưởng của nó đối với thế hệ sau. Có những tác phẩm đã được đưa vào giảng dạy như bài “ Thiên Trường vãn vọng (Buổi chiều đứng ở phủ Thiên Trường trông ra” sách giáo khoa ngữ văn lớp 7.
Từ những phân tích trên, tôi xin lạm phép được khẳng định rằng: Trần Nhân Tông không chỉ là nhà chính trị kiệt xuất, là một thiền sư Phật hoàng, một thi sĩ văn võ kim toàn mà ông đã đang và sẽ ngự trị trong dòng chảy văn học Việt Nam nói riêng và lịch sử dân tộc nói chung.
Chú thích
- Theo Nguyễn Lang (1973), Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, Nxb Văn học, tr.233.
- Thuận Hóa (順化) là địa danh hành chính cũ của vùng đất bao gồm Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và phía bắc Quảng Nam . Đây nguyên là đất các châu Bố Chính, Địa Lý, Ma Linh, Châu Ô, Châu Rí (hay Lý) của Chiêm Thành. Năm 1069, sau cuộc chiến với Đại Việt dưới thời Lý Thánh Tông bị thua, vua Chiêm Thành đã cắt đất 3 châu phía bắc là Bố Chính, Địa Lý, Ma Linh để cầu hòa, nhà Lý đặt tên vùng đất mới là Tân Bình. Năm 1306, vua Chiêm là Chế Mân lấy công chúa Huyền Trân và đổi lấy hai châu Ô, châu Lý còn lại làm quà sính lễ. Năm 1307, Trần Anh Tông tiếp thu hai châu vào Đại Việt và đổi tên là châu Thuận và châu Hóa. Sau này hai châu được gom lại thành phủ Thuận Hóa.
- Thời cổ Thuận Thành thuộc bộ Vũ Ninh, thời Bắc thuộc là huyện Luy Lâu, đến thời Cao Biền đổi là hương Thổ Lỗi. Năm 1068 vua Lý Thánh Tông đổi là huyện Siêu Loại vì đây là quê nguyên phi Ỷ Lan.
- Bảo tháp ở Đức Lăng: Sách Đại Việt sử ký toàn thư và sách Tam Tổ thực lục đều cho biết: ngày 16 tháng 9 năm Canh Tuất (1310) an trí ngọc cốt vào lăng Quy Đức (hay còn gọi là Đức lăng), lấy một phần xá lợi đặt vào bảo tháp ở Đức lăng. Đức lăng được xây dựng trong khu lăng tẩm nhà Trần xưa thuộc đất Tinh Cương, phủ Long Hưng, nay là Thôn Tam Đường, xã Tiến Đức huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình.
- Đỗ Thị Hiền (2018), Điển phạm và vấn đề điển phạm hóa trong văn học Việt Nam: nghiên cứu trường hợp Trần Nhân Tông, Nguyễn Trãi và Lê Thánh Tông, NXB, ĐHQGHN, tr101.
- Đỗ Thị Hiền, như trên, sdd,tr.109.
Tài liệu tham khảo
- Thích Thanh Từ, Thiền sư Việt Nam, Nxb Tôn giáo học
- Nguyễn Lang (1973), Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, Nxb Văn học.
- Nguyễn Huy Thanh ( 2021), đọc bài kệ “Cư Trần Lạc Đạo” qua lăng kính Kinh Cang Bát Nhã Ba La Mật Đa Kinh”, Tạp chí nguyên cứu Phật học https://tapchinghiencuuphathoc.vn/
- Đỗ Thị Hiền (2018), Điển phạm và vấn đề điển phạm hóa trong văn học Việt Nam: Nghiên cứu trường hợp Trần Nhân Tông, Nguyễn Trãi và Lê Thánh Tông, Đại học Quốc gia Hà Nội.