Giới thiệu chung
Chùa Động Ngọ có tên chữ là Động Ngọ tự 侗午寺. Đây là một trong hai ngôi chùa cổ nhất tại tỉnh Hải Dương, tọa lạc tại thôn Cập Nhất, xã Tiền Tiến (trước thuộc huyện Thanh Hà), thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương.
Lược sử
Chùa Động Ngọ thuộc hệ phái Bắc tông. Nơi đây từng là trung tâm Phật giáo lớn của dòng Thiền Trúc Lâm và là một trong hai ngôi chùa cổ nhất của Hải Dương.
Tương truyền chùa được khởi dựng từ khá sớm, theo dòng chữ Hán khắc trên nóc chùa thì di tích được khởi dựng vào năm Thái Bình thứ 2 (971), do thiền sư Khuông Việt xây dựng tại thôn Cập Nhất, xã Tiền Tiến, huyện Thanh Hà (nay là xã Tiền Tiến, thành phố Hải Dương).
Chùa đã trải qua nhiều lần trùng tu ở các triều, Thời Mạc có một đợt trùng tu lớn vào năm 1529 sau khi bà cung nhân của Hoàng đế Hiến Tông tối thăm. Một đợt làm tượng cho chùa (1582). Các thế kỷ sau tiếp tục tu sửa nhiều lần.
Vào thế những năm của thế kỷ 20, chùa được thầy trụ trì cho hưng công, trùng tu, xây sửa lại chùa và có diện mạo như ngày nay.
Kiến trúc
Chùa Động Ngọ tọa lạc trong khuôn viên thoáng đãng với diện tích lớn khoảng 1ha. Tam quan mở ra mặt đường làng, nhìn sang một giếng tròn rất rộng mới được xây tường đá bao quanh, xa xa là bờ đê sông Thái Bình. Bên trái chùa có một ngôi đình ẩn dưới các tán lá xanh thẫm và cả hai đã làm nên cụm di tích Cập Nhất.
Cửa chính giữa lối vào chùa xây kiểu gác chuông hai tầng, bốn mái chồng diêm, trên có treo một quả chuông cao 1,5m, đúc năm Gia Long thứ 12 (1813). Du khách bước qua cổng vào chùa sẽ thấy tòa tiền đường, hai bên sân trước là hai giếng tròn nhỏ được bao quanh và trang trí bằng rất nhiều trục đá, cối đá. Tiền đường 5 gian 2 dĩ, cửa bức bàn, kết nối với hậu cung 5 gian thành hình chuôi vồ.
Nóc hậu cung có một ngôi tháp nhỏ. Bên phải hậu cung là vườn nhãn và một hành lang rất dài kéo đến tận cuối vườn, bên trái là những ngôi tháp mộ và một giếng tròn khá lớn. Áp gần vào lưng hậu cung thượng điện là tòa nhà vuông xây hai tầng tám mái, cửa sổ tròn ở tầng trên có chạm hai chữ “Liên Hoa”. Cây Cửu Phẩm Liên Hoa lừng danh của chùa Đồng Ngọ được đặt bên trong tòa lầu này.
Tổ đường ba gian bốn mái, diện tích tuy nhỏ nhưng tọa lạc trên nền rất cao, mặt nhìn ra hai cây đại cổ thụ. Bên trái có bậc đi xuống sân rộng trước Trai phòng và Tịnh xá. Khu này xây trên nền thấp hơn, gồm hai nếp nhà rộng, xếp thành hình chữ “Nhị”. Xa nữa là dãy nhà khách hai tầng nằm ở phía đông chùa. Khu phụ và vườn rau thì ở phía sau.
Di vật
Chùa Động Ngọ là một công trình kiến trúc độc đáo, nơi đây hiện còn lưu giữ được rất nhiều cổ vật có giá trị, trong số đó phải kể đến tòa cửu phẩm liên hoa và hệ thống bia ký.
Bia Kiến khai cửu phẩm liên hoa bi ký 建開九品蓮花碑記
Nội dung bia ghi việc xây dựng Cửu phẩm Liên hoa do Giám sinh Quốc Tử Giám Đỗ Khắc Thoại soạn năm 1692 ghi lại quá trình xây dựng tòa Cửu phẩm. Đây là một di sản văn hóa có giá trị nghệ thuật cao cần được giữ gìn, bảo tồn để phát huy.
Bia được làm bằng chất liệu đá xanh nguyên khối gồm 4 mặt hình chữ nhật, bao gồm bệ bia, thân bia và trán bia. Bia có kích thước (130 x 47 x 47cm), gồm 73 dòng chữ Hán và Nôm, toàn văn ước khoảng 3000 chữ, đỉnh chóp trái đào, mái cong trơn. Trán mặt (1) chạm lưỡng long chầu nhật đao hỏa vân xoắn; mặt (2) và (3) chạm độc phượng; chữ tên bia trong ô lá đề; diềm hai bên đao hỏa xen kẽ long vân hoa dây xoắn cách điệu. Bia có bốn mặt khắc chữ Hán cổ còn nguyên vẹn rõ và sắc nét.
Sau khi xem nội dung văn bia, cho chúng ta thấy được: xã Cập Nhất, huyện Thanh Hà, phủ Nam Sách, trấn Hải Dương có chùa Động Ngọ linh thiêng hiển ứng, đó là chốn danh lam cổ tích của nước Việt, đất Phật của trời Nam, đó là con đường đến đất phúc của thắng cảnh trong nước. Rằng nơi ấy là nơi tụ hội đương thời, danh thắng siêu việt như chốn đô hội. Phía trước nước mênh mông của vạn dòng thu lại. Phía sau, hàng nghìn ngọn núi vây quanh. Bên trái rồng xanh nêu cao giáo hóa. Bên phải, hổ trắng ấn phù trên đỉnh núi thiêng. Bởi thế tin mà cầu, thì tùy hoàn cảnh mà linh ứng.
Người dân nơi đây luôn tin theo giáo lý đạo Phật là khuyên răn con người sống lương thiện, cần cù chịu khó, trút bỏ những điều ác để con người sống tốt hơn trong cộng đồng của mình “Đức Phật Di Đà vô hình, mắt như đất Phật, chỉ có tâm hiện hữu đầy đủ, xưa cho rằng Phật bất động, tôn sùng mà hiện thân thành Cửu phầm liên hoa. Pháp không thể chứa hết mà diễn khai đủ 3 lớp của đạo Tam thừa”. Từ đây mọi người cùng nhau khởi công xây dựng tòa Cửu Phẩm Liên Hoa.
Tòa cửu Phẩm Liên Hoa
Tòa Cửu Phẩm Liên Hoa được làm bằng gỗ với chiều cao là 665cm, có hình lục giác đều, tâm của cây Cửu Phẩm là cột trụ chất liệu gỗ lim được đặt trên một chân tảng đá trong lòng tháp. Từ cây cột trụ chính đóng ra 6 đòn ngang nối cột chính với 6 cột quân, tại 6 góc là nơi gắn các ván của các tầng Cửu Phẩm gồm tòa sen 6 cạnh và mặt ván ốp thân. Phần đế có dạng tam cấp thu nhỏ dần từ dưới lên trên. Tại mặt phẳng của bậc trên cùng chạm 3 lớp cánh sen úp, lớp dưới cùng gồm 4 cánh sen nhỏ nhất chỉ nhô phần đầu dưới lớp cánh sen bên trên, lớp cánh sen giữa to nhất gồm 3 cánh sen nguyên và 2 nửa cánh sen tạo thành góc nối giữa hai cạnh của tháp, lớp cánh sen trên cùng gồm 4 cánh sen nguyên. Các cánh sen to có đường viền cuộn tròn lại trên đầu cánh thành hai hình tròn nhỏ.
Mỗi tầng Cửu Phẩm Liên Hoa gồm 6 mặt, trên mỗi mặt đều đặt 3 pho tượng Phật nhỏ, tổng cộng trên cả 9 tầng là 162 pho tượng Phật. Các tượng này đều được làm bằng gỗ, mang đậm sắc thái dân gian sinh động.
Qua nội dung văn bia nêu trên, ta còn biết được người hưng công dựng Cửu phẩm liên hoa chùa Động Ngọ là Thiền sư Chân Nguyên. Theo sách “Địa chí Hải Dương tập II, trang 531, 532 của NXB Chính trị Quốc gia Hà Nội – 2008” viết: Thiền sư Chân Nguyên tên thật là Nguyễn Nghiêm, tự là Đình Lâm, pháp hiệu là Chân Nguyên, sinh năm Đinh Hợi, niên hiệu Phúc Thái thứ 5 (1647), tại làng Cập Nhất, xã Tiền Tiến, huyện Thanh Hà, (nay xã Tiền Tiến thuộc thành phố Hải Dương) tu ở chùa Hoa Yên, Yên Tử, kiêm chủ trì chùa Long Động (Lân Động), huyện Đông Triều, là một nhà sư nổi tiếng ở thế kỷ XVII, được phong là Trúc Lâm Tuệ Đăng Chân Nguyên thiền sư. Năm Nhâm Thân (1962), nhà sư là người có công tôn tạo chùa Động Ngọ, thuộc làng Cập Nhất, trong đó có tòa Cửu phẩm liên hoa. Cùng năm đó, sư được nhà vua phong là Vô thượng công, ban mũ Thất Phật, Long y cà sa bằng vóc quý. Năm Nhâm Dần (1722) lại được ban chức Tăng thống, hiệu Chính giác hòa thượng. Ngày 28 tháng 10 năm Bính Ngọ (1726), sư viên tịch tại chùa Lân. Nội dung của hai mặt bên văn bia tạo khắc các khoản đóng góp hưng công của những người trong làng, xã xây dựng thành công tòa cửu phẩm khang trang đẹp đẽ để hương khói thờ Phật quanh năm của nhân dân dưới triều Lê.
Cửu phẩm Liên hoa chùa Động Ngọ, xã Tiền Tiến, thành phố Hải Dương là một trong ba kiệt tác của kiến trúc nghệ thuật điêu khắc gỗ cổ truyền trong các công trình kiến trúc Phật giáo Việt Nam còn lưu giữ được đến ngày nay (hai tháp còn lại đặt tại chùa Giám, Cẩm Giàng, Hải Dương và chùa Bút Tháp, Thuận Thành, Bắc Ninh). Tòa Cửu phẩm do Hòa thượng Chân Nguyên tạo dựng vào năm Chính Hòa thứ 13 (1692) đã được công nhận là Bảo vật quốc gia vào năm 2016.
Có thể khẳng định, đây là tấm văn bia đá cổ thời Lê quý hiện nay còn tồn tại hầu như rất hiếm trên vùng đất Hải Dương. Là một loại hình tư liệu Hán – Nôm có giá trị lịch sử cao trong việc góp phần nghiên cứu các tư liệu cổ về việc xây dựng các kiến trúc cổ, đồng thời nhằm phục vụ cho công tác nghiên cứu và bảo tồn các giá trị di sản Hán – Nôm cổ trên vùng đất Hải Dương của giai đoạn lịch sử thời Lê.
Ngoài việc chứa đựng những vật có giá trị về mặt tâm linh, chùa Động Ngọ còn được biết đến là một bảo tàng gồm những hiện vật và công cụ bằng đá rất đồ sộ với trên 2000 hiện vật. Khi đến thăm chùa Động Ngọ, du khách sẽ được thấy tận mắt cả một quần thể không gian văn hóa của đồng bằng Châu thổ Sông Hồng đại diện nền nông nghiệp lúa nước vùng Bắc Bộ qua bộ sưu tập đồ đá. Đây là tâm huyết, sự đam mê của sư thầy Thích Thanh Thắng – Nhà sư trụ trì chùa Động Ngọ từ năm 1988 đến nay. Di tích lịch sử – văn hóa Chùa Động Ngọ được công nhận là điểm du lịch cấp tỉnh theo Quyết định số 242/QĐ-UBND ngày 18/01/2022 của UBND tỉnh Hải Dương.
Lễ hội
Lễ hội chùa Động Ngọ được tổ chức vào ngày 28-10 (âm lịch) hàng năm, để tưởng niệm ngày viên tịch của Thiền sư Chân Nguyên.
Tài liệu tham khảo
- Phòng Quản lý Du lịch, Sở VHTTDL
- Hoàng Lê, Chùa cổ Việt Nam, Nxb Thanh Niên.
- Hoàng Lan Phương, Phòng nghiên cứu bảo tàng tỉnh Hải Dương.