Chùa Đông Khê là một ngôi cổ tự lớn, tên chữ là Nguyệt Quang tự. Chùa vốn là cổ tự của xã Đông Khê (huyện An Dương, từ năm 1920 là huyện Hải An và An Hải, nay thuộc phường Đông Khê, quận Ngô Quyền).
Vị trí
Chùa tọa trên diện tích 6.980m2 nằm ở phái Đông Nam thành phố thuộc thiền phái Trúc – Tế (Trúc Lâm và Lâm Tế), dân gian gọi là “Trúc – Tế song hành”.
Lược sử
Chùa Nguyệt Quang ra đời rất sớm, khoảng thế kỷ thứ II, III sau Công Nguyên. Khởi đầu, chùa là một am nhỏ. Đến thời Lý – Trần, Phật giáo hưng thịnh trở thành Quốc giáo, chùa phát triển thành danh lam. Hiện, chùa còn có thờ tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông. Những năm (1414-1427), giặc Minh xâm lược nước ta, chùa bị tàn phá hết, không để lại dấu vết gì.
Niên hiệu Quảng Hòa, đời Mạc Hiến Tông (1541-1545), vị sư trụ trì, pháp hiệu là Phổ Hằng thuộc phái Lâm Tế, cùng dân làng tu tạo chùa trên nền đất cũ, xây dựng chùa chính, nhà Tổ, Nhà tăng, hành lang, lầu gác, tam quan, tô tượng, đúc chuông.
Đến đời vua Lê Hy Tông, hiệu Chính Hòa (1680-1705), thiền sư Như Hiện, sau khi đắc pháp với sư Tổ Chân Nguyên thiền sư, đã đến trụ trì, khái hóa thành chốn tổ lớn, đào tạo nhiều tăng tài. Sau đó, sư cụ Tính Tịnh – người làng Đông Khê – kế nhiệm trụ trì, được vua Lê Hiển tông phong đạo hiệu là Hoằng Đạo Hòa thượng.
Tiếp nối công đức của các vị cao tăng từng trụ trì, các thế hệ thiền sư kế tiếp đóng góp cho chùa, đó là: Hải Chiều thiền sư, Chiếu Đăng thiền sư, Phổ Lượng thiền sư, Thông Cát thiền sư, Chiếu Lâm thiền sư, Phổ Thông thiền sư, Phổ Tuệ thiền sư,…
Kiến trúc
Mở đầu cho cảnh chùa là hai lớp tam quan, cổng tam quan 2 tầng 8 lớp. Trước cổng chùa có hai dãy tháp – mộ của các vị tổ sư. Chùa có bố cục mặt bằng theo kiểu nội công ngoại quốc, gồm 5 gian tiền đường, 3 gian hậu cung, 7 gian nhà khách, 7 gian nhà Tổ.
Hiện vật
Nhiều cổ vật tế tự giá trị hiện vẫn được nhà chùa lưu giữ như: hệ thống tượng thờ từ Tam Thế đến A-di-đà, Ngọc Hoàng, tượng Tổ, đại tự, câu đối, cuốn thư, đặc biệt là hệ thông bia đá hết sức quý, có từ thời hậu Lê và chuông “Đại hồng chung” đúc năm Tân Dậu, niên hiệu Cảnh Thịnh thứ 9, đời Tây Sơn.
Hoạt động nổi bật ở chùa Đông Khê
Hằng năm, chùa Đông Khê giỗ Tổ vào ngày 4/2 (ngày sinh của sư Tổ Như Hiện) và ngày 28/5 và 11/12 âm lịch.
Tham khảo
- Sách “Chùa Cổ Hải Phòng” (tập 1) – NXB Hải Phòng