Chùa Bối Khê (Đại Bi Tự – Thanh Oai, Hà Nội) ngôi chùa cổ uy nghi với nhiều chi tiết kiến trúc cách đây 700 năm

Chùa Bối Khê (Đại Bi Tự – Thanh Oai, Hà Nội) ngôi chùa cổ uy nghi với nhiều chi tiết kiến trúc cách đây 700 năm

Thông tin cơ bản

Thông tin cơ bản


Chùa Bối Khê (tên chữ: Đại Bi tự) là ngôi chùa cổ tại xã Tam Hưng, Thanh Oai, Hà Nội. Ngôi chùa nổi tiếng là một trong số ít các chùa còn lưu lại những dấu vết kiến trúc gỗ nguyên bản thời Trần, đồng thời mang nhiều giá trị nổi bật cho quá trình phát triển của Phật giáo ở đồng bằng Bắc Bộ trong suốt chiều dài lịch sử phong kiến.

Tên chữ của chùa là Đại Bi tự (chữ Hán: 大悲寺), chữ “bi” nguyên nghĩa là “thương xót”, gắn liền với cụm “đại từ đại bi” hay “từ bi” là ngôn ngữ Phật giáo chỉ lòng thương xót con người vô hạn của Phật.

Tương truyền, chùa được xây dựng từ năm 1338 dưới thời Trần. Chùa thờ Phật, Tam Tòa Thánh Mẫu, thờ Đức thánh Bối Nguyễn Bình An – người có công đánh giặc phương bắc.

 

DCIM100MEDIADJI_0361.JPG

Tổng quan diện tích


Chùa được xây dựng trên trên một thửa đất rộng khoảng 5000m2. Chùa là một tổ hợp nhiều hạng mục công trình, bố cục đối xứng qua trục chính theo hướng Tây – Đông, gồm: Nghi môn ngoại, Nghi môn nội, Chính điện, Hậu điện và các công trình phụ trợ khác.

Các nét kiến trúc


Nghi môn ngoại

Trước cổng chùa là không gian rộng lớn với cây đề, cây đa cổ thụ và 5 ngôi tháp mộ của các vị sư trụ trì đã mất.

Nghi môn ngoại chùa Bối Khê rất đồ sộ, gồm 5 khối cổng (Ngũ môn).

Ngũ môn không

Khối cổng chính cao 2 tầng. Tầng dưới được giới hạn bởi 4 trụ biểu, đỉnh trụ trang trí tứ phượng, hai bên cổng là hai bậc thang lên tầng hai. Tầng trên có mái 2 tầng, 8 mái.

Hai khối cổng phụ hai bên cổng chính cũng được giới hạn bởi 4 trụ biểu, đỉnh trụ trang trí con nghê chầu. Phía trên cổng là 2 tầng mái, 8 mái.

_DSC3207

 

Hai khối cổng phụ ngoài cùng có quy mô nhỏ, được giới hạn bởi 4 trụ biểu nhỏ, đỉnh trụ trang trí con nghê chầu. Phía trên cổng là tường chắn.

Ngoài cùng là hai trụ biểu, đỉnh trụ trang trí con nghê chầu.

Các trụ biểu tại cổng đều có dạng phía trên là các ô lồng đèn, phía dưới trang trí ô câu đối, đế trụ thắt dạng cổ bồng. Tường giữa các khối cổng đều được đắp trang trí hình Tứ linh, Tứ quý.

Nghi môn nội 

Nghi môn nội gồm 3 gian, 2 tầng, 8 mái. Nghi môn nội đồng thời cũng là Tháp chuông. Thông thường, tháp chuông tại các chùa thường có một chuông và một khánh, nhưng tháp chuông tại chùa Bối Khê lại có hai quả chuông đúc, một chuông to, một chuông nhỏ. Hai bên Nghi môn nội là hai khối cổng phụ mới xây dựng; dạng cổng vòm; phía trên cổng là 2 tầng mái, 8 mái.  Nghi môn nội và hai khối cổng phụ tạo thành kiến trúc tam quan đẹp mắt, phía sau Ngũ môn quan. 

_DSC3199

 

Qua Nghi môn nội đến khoảng sân rộng khoảng 400m2 với những cây cổ thụ tán lớn. Hai bên sân là hai hồ nước, một trồng sen và một là giếng nước sinh hoạt cho dân làng trước đây.

Có thể thấy được điểm nổi bật của ngôi chùa chính là tính đối xứng rất cao. Từ Ngũ môn quan, tam quan, 2 hào nước trước nghi môn nội cùng 2 hồ nước hai bên sân trong chùa đều cân xứng hài hoà với nhau, tạo nên tổng quan vô cùng đẹp mắt.

Bước vào sân chùa, ta có thể thấy chùa có kiến trúc chính là “nội (nhị) công ngoại quốc” cân xứng theo một trục chính. Hai dãy hành lang bao bọc tại hai bên nơi thờ chính (Tiền đường, Thiêu hương, Thượng điện), là nơi thờ 18 vị La Hán. Tòa Thánh Điện gồm Đại bái, ống muống và Hậu cung cũng theo kết cấu theo hình chữ “Công(工)” , được nối với hai dãy hành lang này tạo thành kiến trúc hình chữ “Công(工)” lớn hơn.

Trục thần đạo

Chính giữa sân chùa là tuyến đường (trục Thần đạo) rộng 2,4m, được lát đá cao hơn mặt sân lát gạch.

Trên trục đường, có đặt một sập đá thời Trần, nơi đặt các lễ vật. Sập có chiều rộng 1,5m, dài 2,7m, cao 0,6m. Dọc hai cạnh dài của sập tạc phù điêu lưỡng long chầu nguyệt. 

Tiền đường

Tòa Tiền đường đặt trên bệ cao 3 bậc so với mặt sân, gồm 7 gian, 2 dĩ, 4 mái. Bệ tòa Tiền đường được ốp bằng gạch gốm thời Trần có trang trí hình các linh vật. Cấu trúc xây dựng bên trong tiền đường gồm 4 hàng cột. Riêng tại phần hiên phía trước có thêm các hàng cột đá. Trên mặt cột có chạm nhiều đôi câu đối ca ngợi cảnh chùa. Toàn bộ mặt trước là bộ cửa gỗ; bệ cửa bằng đá. 

Tiền đường mang một phong cách rất đặc biệt, đó là thấp nhưng không hề bí. 

20210514_113127

 

Gian tam bảo

Nhìn về phía bên phải Tiền Đường là gian Tam Bảo, bên ngoài được che chắn bởi một chiếc mành trúc trang trí hình rộng sặc sỡ.

Chi tiết cảnh quan khác


Cây đa và cây đề cổ thụ

Một trong những điểm đặc biệt của ngôi chùa là cây đa và cây đề phía trước cổng – hai cây cổ thụ không biết xuất hiện từ bao giờ và đã tồn tại được bao nhiêu năm. Có lẽ, cây đa và cây đề này đã gắn liền với sự hình thành và phát triển của ngôi chùa, là minh chứng quan trọng cho lịch sử lâu đời của chùa Bối Khê.

Hào nước, cầu gạch

Phía sau Nghi môn ngoại là chiếc cầu gạch bắc qua hai hào nước hai bên, là dấu tích của dòng sông Đỗ Động xưa. Chiếc cầu gạch dẫn thẳng vào nghi môn nội.

Tảng đá “dấu chân Phật”

Phía trước nghi môn nội là một tảng đá lớn. Có thuyết kể lại rằng đây chính là dấu chân của Phật. Điều thú vị của tảng đá này chính là những câu hỏi và nghi vấn xoay quanh nó:

  1. Thứ nhất: tảng đá có từ bao giờ?
  2. Thứ hai: Thuở sơ khai, các thế hệ đi trước thấy được tảng đá có vị trí đẹp, có tiềm năng tạo ra giá trị tâm linh to lớn nên đã xây dựng ngôi chùa tại đây? Hay tảng đá được bố trí đặt tại đây trong quá trình xây dựng chùa? Nếu vậy, ở thời kì trước, khi công nghệ máy móc còn chưa phát triển, việc xây dựng chủ yếu dựa vào sức người, làm thế nào có thể vận chuyển một khối đá với trọng lượng lớn như vậy vào chùa?

Các hoạ tiết gỗ và gạch

Chùa Bối Khê cũng là nơi sở hữu những bức chạm gỗ tuyệt đẹp cùng nhiều hiện vật có nhiều niên đại khác nhau. Bậc thềm phía trước thượng điện còn lưu giữ vết tích của gạch cả thời Mạc và thời Lê, với hoa văn và linh vật trang trí chạm nổi còn gần như nguyên vẹn. Các mảng chạm gỗ của chùa phần lớn là từ thời Nguyễn. 

20210514_115017

 

_DSC3211

 

Các mảng chạm này độc đáo ở chỗ, thay vì những mô típ quen thuộc như tùng, cúc, trúc, mai, sen, rồng, phượng, hay tiên… thì một số mảng chạm lại mô tả tích thầy trò Đường Tăng đi lấy kinh, hoặc hai con ngựa (hoặc nai) giỡn chơi với nhau ngã chổng vó,… Đặc biệt hơn cả, có những hoa văn chạm khắc hình ảnh đôi chim uyên ương, chim phượng – biểu tượng của tình yêu đôi lứa. Mô típ hoa văn có lẽ  cũng diễn tả phần nào đời sống văn hoá, tư tưởng của thời đại lúc bấy giờ?

Một số mảng chạm còn xuất hiện ở cả phần mặt dưới của vì mái, nơi mà phần lớn các chùa khác thường để trơn, không chạm khắc gì.

Sen đất

Nói đến chùa Bối Khê, không thể không nhắc đến những cây hoa sen đất độc đáo: “Hôm qua tát nước đầu đình/ Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen”. Theo nhà sư Thích Đàm Phượng, trước đây chùa có một cây sen đất lâu năm, nhưng đã chết. Những cây hiện nay được nhân giống từ cây sen cổ đó. Mùa sen đất nở hoa là vào khoảng tháng 3 âm lịch, hoa trắng rồi dần ngả sang vàng, có hương thơm pha lẫn giữa hoa sen và hoa đại. Đến mùa hoa, cả khoảng sân chùa rộng ngát mùi thơm của hoa. Chúng đặc biệt đến nỗi, người ta từng chiết đem sang trồng ở nơi khác nhưng hầu như hoa không sống tươi tốt được như ở chùa Bối Khê. Bông hoa sen trắng ngần gồm 9 hoặc 10 cánh lớn tỏa hương hương thơm ngát một vùng. 

Bối Khê là một ngôi chùa đẹp và độc đáo, là công trình kiến trúc có giá trị tiêu biểu trong phát triển kiến trúc, nghệ thuật chùa Việt Nam, xứng đáng được tôn vinh, trân trọng và bảo tồn.

 

5/5 (1 bình chọn)
Chia sẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner App ChỐn ThiÊng 3 (60x90)