Đức Thánh Bối Nguyễn Bình An

Đức Thánh Bối Nguyễn Bình An

Thông tin cơ bản

Thần tích


Truyền thuyết ở cả hai làng kể rằng, vào cuối thời Trần (thế kỷ XIII), ở vùng Bối Khê có bà mẹ trẻ, do dẫm chân vào vết chân người khổng lồ trên đá mà hoài thai sinh ra một cậu con trai. Cậu bé rất khôi ngô, đĩnh ngộ, thuở nhỏ, do nhà nghèo, cậu bé thường nương náu cửa chùa làng và sau đó đi tu. Đó là Nhà sư – đạo sĩ Nguyễn Bình An. Nhà sư đã có công sửa sang lại chùa Bối Khê. Sau đó, Người lại trụ trì chùa Trăm Gian (xã Tiên Phương, Chương Mỹ), cách Bối Khê chừng 20 km. Thánh cho đón thợ khéo về mở rộng cảnh chùa. Trong khi thi công, Ngài thường đi guốc trèo lên các hoành, nóc nhà xem xét, trông coi thợ. Để nuôi thợ, Ngài cho nấu một niêu cơm con rồi bước ba bước về quê Bối Khê xin chú thím tương cà. Khi cơm chín, thợ thay nhau vào bắc niêu cơm nhưng không nổi. Ngài chỉ nhón tay nhấc ra, dỡ được ba nong cơm và một nong cháy, cùng tương cà bày cả trăm mâm cỗ, thợ ăn mãi không hết. Ngày nay, ở Quán Thánh, Lương Xá (xã Lam Điền, Chương Mỹ), Ó Vực (xã Thượng Vực, Chương Mỹ) vẫn còn dấu vết chân Ngài, đều được xây bệ và trồng cây cọ đánh dấu, riêng ở Quán Thánh có thêm tảng đá nhô lên là một điểm gắn với hội chùa Trăm Gian.

Thân thế


Đức Thánh Bối là người có thực – Ngài là vị thiền sư đắc đạo sống giữa thời Trần. Ngài thuộc dòng họ Nguyễn, sinh năm Tân Tỵ (năm 1281) đời vua Trần Nhân Tông. Năm 7 tuổi, Ngài mồ côi cả cha lẫn mẹ, phải ở nhà cô, cậu ở làng Bùi Xá để chăn trâu, cắt cỏ. Sớm có lòng từ bi hướng Phật, Ngài thường lui tới chùa làng để nghe giảng kinh, vào mùa hanh khô thường hay rủ bạn ra tát các vũng nước, đem tôm cá bắt được thả ra sông. Ngài thích lấy đất nặn chùa, nặn tượng và đem cơm nắm oản cúng lễ. Vốn thông minh, tuấn tú và thông tuệ khác thường, khi cậu của Ngài mời thầy về dạy cho con thì Ngài thường đứng ngoài cửa nghe. Ông thầy thấy Ngài ham học, đem lòng yêu mến nên đã dạy thêm cho Ngài vào ban đêm. Năm 15 tuổi, Ngài xuất gia, lấy hiệu là Đức Minh, tự là Bình An đến tu tại chùa Tràng An (tục gọi là chùa Sở, cạnh núi Đồng Lanh, xã Tiên Lữ – Hoài Đức) làm môn đệ của Thiền sư Phạm Cốc nổi tiếng thời bấy giờ.
 
Mười năm sau (năm 1305), Ngài vào chùa Hương Tích thỉnh giáo Long Vương Châu Nhân, học được phép Đảo Vũ. Năm Hưng Long thứ 13 (năm 1307) đại hạn, vua Trần Anh Tông triệu Ngài về Kinh đô Thăng Long làm lễ cầu đảo được trận mưa suốt 3 ngày, chính vì thế mà nhà vua đã tặng Ngài bốn chữ “Đức Minh Châu Nhân“. Khi đang ở Thăng Long thì Ngài được tin sư trưởng quy tiên, Ngài về chịu tang, đến bến đò Đồng Dương – Thanh Oai thì trời tối sầm, mọi người hốt hoảng vì gần đấy có tiếng hổ gầm. Thấy vậy, Ngài đọc thần chú, liền có chiếc thuyền xuất hiện đưa mọi người qua sông.
 
Sau ba năm chịu tang thầy, Ngài về thăm quê Bối Khê, đến trước mộ cha mẹ khấn vái, tự nhiên trời tối sầm trong sáu khắc (12 giờ) rồi có nấm hình chữ nhật nổi lên, các thửa ruộng đều giãn ra, không nhà nào mất ruộng. Trở lại chùa Tràng an, thấy chùa hư nát Ngài cho xây dựng lại. Ngày khởi công, thợ và nhân dân các nơi đến quá đông, gần trưa Ngài cho gạo vào nồi đất và bảo mọi người thổi cơm. Cơm đang sôi, Ngài nói với mọi người rằng chưa có thức ăn nên Ngài sẽ về Bối Khê xin cà và muối. Nói rồi, Ngài nhún chân không thấy đâu nữa, khi cơm cạn Ngài đã về đến nơi. Ngài đi mây về gió, các dấu tích vẫn còn là “Ao bước chân Thánh” ở làng Tiên Lữ – Đồng Hoàng – Thượng Thanh – Bối Khê. Khi qua Bình Đà, một quả cà đã rơi xuống tạo thành giếng Âm. Ngài mang cà và muối ra bày đủ một trăm đĩa, xới đủ một trăm mâm, một trăm mâm xới hết lại đầy.
 
Đến năm 95 tuổi (năm 1375) Ngài cho làm một khám son để ở mé tả điện trong chùa, mời dân trong vùng và học trò đến dặn rằng: “Nay thầy số trời đã hết, thầy vào khám ngồi đủ một trăm ngày, thơm thì thờ, tanh hôi thì đem an táng ở sau chùa”.
Nhưng mới được ba tuần trăng (30 ngày) thì có hương thơm và hào quang tỏa ra, mọi người vui mừng đem hương cúng tế và báo cho các làng khác biết. Sau đó làng Bối Khê cùng mười làng xung quanh mang kiệu đến rước bát Phù Hương về thờ và nhận kết nghĩa anh em với làng Tiên Lữ. Sau này, ngày hội chính ở làng Tiên Lữ là mồng 4 tháng Giêng, ở làng Bối Khê là ngày 12 tháng Giêng.
 
Cuối đời nhà Trần, vua hiếm muộn nên cùng Hoàng hậu ngự giá về cầu tự sau sinh được Hoàng tử. Vua liền phong cho Ngài là “Thượng đẳng tôn thần” và thăng hai chùa lên hàng “Quốc tự“. Cuối đời nhà Hồ, giặc Minh đem xâm chiếm nước ta, chùa bị chúng đốt cháy liền ba ngày nhưng Khám vẫn còn, giặc tức tối lắm. Chợt có ông lão bảo: “Muốn đốt khám Thánh thì phải đem ra tảng đá giữa cánh đồng, quấn bấc thấm tẩm dầu mới đốt được”. Giặc tin và làm theo lời ông lão, nhưng khi ngọn lửa bốc cao liền hóa ra một trận cuồng phong, lửa khói mù mịt rồi mưa xối xả suốt ba khắc (6 giờ), nước đỏ như máu khiến quân Minh đóng gần đấy bị dịch mà chết rất nhiều và một phần bị quân ta do 2 tướng Lê Triện, Nguyễn Xí chỉ huy đánh cho tơi bời. Thượng thư Trần Hiệp, nội quan Lý Hương cùng chỉ huy Lý Bằng bị chém chết.. Trước khi rút chạy về nước, chúng phải cho người dựng lại chùa, đúc một pho tượng Quan âm lớn với mười hai tay rồi rước vào chùa. Trong khi dựng chùa, làm tượng, quân Minh đã giấu vàng ở chùa. Năm trăm lẻ hai năm sau (năm 1930) cháu chắt của họ đã quay sang lấy chót lọt.

Thờ tự


Đức Thánh Bối là một nhân vật đã tạo nên mối quan hệ đặc biệt giữa chùa Bối Khê chùa Trăm Gian đồng thời là sự liên kết giữa hai làng, hai vùng đất ( Bối Khê – Tiên Lữ/ Tứ Bích) trên phương diện tôn giáo. Hai ngôi chùa đều thờ chung Thánh Nguyễn Bình An. Cũng do thờ chung Thánh nên từ xưa, hai làng đã có tục “kết chạ” (tức là kết nghĩa anh em) duy trì cho tới ngày nay.

Tham khảo


  • Facebook: https://www.facebook.com/quehuongchuongmy/posts/637495429715607/
  • Wikipedia: https://vi.wikipedia.org/wiki/Ch%C3%B9a_B%E1%BB%91i_Kh%C3%AA

 

Chấm điểm
Chia sẻ
Đức Thánh Bối Nguyễn Bình An

Nội dung chính

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner App ChỐn ThiÊng 3 (60x90)