Chùa Cam Lộ còn gọi là Thần Nông tự nằm ở ven bờ thương cảng cổ Lạch Trường, nay thuộc làng Thương Xá, xã Hòa Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa, cách thành phố Thanh Hóa 20 km về phía đông bắc theo đường chim bay. Truyền thuyết kể lại rằng: Lúc đầu chùa có tên là Thần Nông tự, nhưng vào tháng 7 năm Mậu Thìn (1748) trời sa nước ngọt xuống phía đông chùa nên người dân địa phương gọi là chùa Cam Lộ. Tương truyền, chùa vốn được xây dựng từ thời Lý, song kiến trúc hiện nay mang dấu ấn thời Trần, điều đó còn thấy thấp thoáng qua bài thơ Cam Lộ tự của vua Trần Minh Tông (1314 – 1329) và bài Đề Cam Lộ tự của Phạm Sư Mạnh.
CAM LỘ TỰ
Phiên âm:
Tủng thúy toàn thương nhập vọng đa
Khê tây nhật ảnh chuyển thiềm tà
Cách lâm đề điểu vưu sầm tịch
Nhất kính cổ tùng sơ trụy hoa.
Dịch:
Trập trùng xanh biếc dãy non xa
Bóng xế khe tây rọi mái nhà
Chim hót trên rừng thêm quạnh quẽ
Trên đường thông rụng mấy bông hoa.
ĐỀ CAM LỘ TỰ
Phiên âm:
Hiểu nhiếp vân yên khấu thạch phi
Tăng phòng Phật xá phủ liên y
Tuyết xâm lưỡng mấn phong suy lệ
Trùng độc Mục lăng đề tự thi.
Dịch:
Rẽ đám mây mù gõ trước rèm
Buồng tăng nhà Phật nước quanh thềm
Gió lay giọt lệ sương pha tóc
Thơ Mục Lăng xưa lại đọc lên.
Chùa Cam Lộ cùng với chùa Hưng Phúc (Quảng Hùng – Sầm Sơn) còn giữ được nhiều dấu vết của kiến trúc thời Trần. Cam Lộ nằm trong không gian vùng biển xứ Thanh với những dấu ấn văn hóa và lịch sử nổi tiếng một thời. Đây là vùng đất gần cửa biển Lạch Trường với cảnh trí thiên nhiên ngoạn mục, dân cư đông đúc, xóm làng sầm uất, có đường giao thông thủy bộ thuận tiện. Từ những năm đầu Công nguyên, con người đã tụ tập về đây đông đúc và sinh sống chủ yếu bằng nghề đánh cá. Trong các thế kỷ III và II trước Công nguyên, thành Dư Phát thuộc quận Cửu Chân đã được xây dựng ở đây. Vùng đất này đã từng là một thương cảng nhộn nhịp trong nhiều thế kỷ, là con đường hàng hải từ Việt Nam đi Trung Quốc, đến các nước Đông Nam Á và Ấn Độ. Nơi đây cũng là vùng đất chứng kiến và ghi đậm chiến công hiển hách của nhân dân ta trong kháng chiến chống Mông – Nguyên.
Trải qua nhiều thế kỷ, với sự biến động của thời gian, mưa nắng, chiến tranh đã làm cho diện mạo của chùa Cam Lộ thay đổi nhưng vẫn lưu giữ được những di sản có giá trị trên nhiều phương diện như bia ký, chuông đồng, khánh đá, đặc biệt là các pho tượng, các bức chạm trổ độc đáo có giá trị nghệ thuật cao…
Kiến trúc
Về quy mô kiến trúc: Một đặc điểm chung dễ nhận là nền chùa bao giờ cũng được tôn cao hơn mặt đất bình thường. Mặt nền gần như vuông. Đây là một trong những đặc điểm riêng về mặt bằng kiến trúc trong các ngôi chùa thời Trần. Văn bia chùa (được soạn năm 1776) cho biết: “Chùa 5 gian, có tăng phòng, có hàng lan can xung quanh, có lầu chuông, đặt trống ở giữa. Hai bên tả, hữu xây vị tượng Tam Bảo Phật gồm 7 tòa, đều là gỗ bán bóng, sơn thếp trang sức. Tượng Thích Ca thì khắc gỗ, ngoài bên tả, hữu là tượng Kim Cương…
Năm Bính Thân (1776) đời vua Lê Cảnh Hưng, chùa được trùng tu lại “toạ Nhâm hướng Bính” (chếch bắc – nam) trên sân có sở Hàn lâm, dựng khánh đá, ngoài thì 3 gian Nghi môn, lúc đầu làm lại xung quanh, lâu năm đổ nát, về sau bắt đầu cải tạo, phía đông là phòng Tăng sự. Bên tả trước chùa là miếu thần, bên hữu là điện thờ Điêu Quận công, non vàng sông biếc hiến dâng. Ở phía trước cây cỏ xanh tốt,… là một nơi danh lam thắng cảnh…”
Như vậy, về quy mô, kiến trúc từ thời Trần cho đến cuối thời Lê, chùa đã được trùng tu. Phần kiến trúc chính không có gì thay đổi, chỉ xây thêm cổng Nghi môn, tạc khánh đá và sửa lại nhà ở Tăng sự.
Và từ đây, toàn bộ quy mô, kiến trúc chùa được hợp thành một thế liên hoàn, bao gồm: cửa Tam quan – sân chùa – chùa chính hướng ra sông Lạch Trường. Ba phía còn lại (sau, phải, trái) là xóm làng Trương Xá.
Cổng Tam quan được xây cất theo lối truyền thống cửa vòm, với chiều dài 5,8m x rộng 3,5m chiếm diện tích 20,3m2. Các cửa vòm của cổng Tam quan có một cửa lớn ở giữa và hai cửa nhỏ hai bên. Cửa lớn gồm 4 tầng 8 mái, hai cửa nhỏ hai bên là 3 tầng mái. Các cửa vòm cuốn này (gồm 6 cửa) đều được ngăn cách, tạo thành những ô gian độc lập về kiến trúc, nhưng thông thoáng về lối đi.
Toàn bộ cổng Tam quan là những bức tường trụ gạch xây vững chắc với chiều dày của tường là 50cm. Trang trí trên bề mặt của cổng Tam quan là ngói ống lợp mái. Các trụ cột gạch được đắp chữ Hán. Cổng Tam quan chùa được xây dựng vững chắc, bề thế và được gìn giữ nguyên vẹn cho đến hôm nay.
Bước qua Tam quan chùa là bức bình phong được xây dựng theo hình cuốn thư (dài 2,2m x cao 2,1m). Cạnh bức bình phong còn treo khánh đá (dài 1,5m x rộng 0,78m). Trang trí hoa văn trên khánh đá là những đường gờ và hình rồng nổi.
Sau chùa được lát gạch bát. Trên sân có những bồn cây cảnh bốn mùa nở hoa thơm ngát.
Khu vực chùa chính: Là một ngôi nhà 3 gian 2 chái (5 gian) được cấu trúc gần vuông (dài 13m x rộng 12m = 156m2).
Toàn bộ kết cấu của ngôi chùa trong một thể liên hoàn vững chắc gồm 4 vì kèo chính, trong đó có 2 vì kèo giữa giống nhau về kết cấu kiến trúc. Hai vì kèo sát mái trước và mái sau lại giống nhau ở một kết cấu khác để tạo thành góc và mái chùa. Trong một vì kèo gồm 6 hàng chân cột, 2 cột lớn và 4 cột quân. Vì kèo giữa gồm phía trên là câu đầu được ăn mộng trực tiếp vào đầu 2 cột lớn. Ở phía dưới của câu đầu 2 cột lớn này lại được bổ mộng để đỡ quá giang. Hai bên nách của hai cột lớn là xà đùi chạy ra ăn mộng vào cột quân. Xà đùi lại được nằm trên kẻ bẩy. Kẻ bẩy này lại vươn ra chạy sát hàng cột tường đốc của một vì kèo. Và trên cùng là một đấu vuông đỡ thượng lương.
Bài trí
Về trang trí trên các vì kèo, những bức cốn mê có những mảng chạm khắc hình các con giống như: rồng, ngựa, hươu… được tạo tác từ bên ngoài đem gắn vào, người thợ nhằm dụng ý tăng thêm vẻ đẹp thẩm mỹ cho công trình.
Không gian trong chùa chủ yếu được sử dụng để bài trí tượng pháp, bệ thờ phật, treo chuông và một số câu đối, đại tự.
Ở gian giữa Phật điện được bài trí 11 pho tượng Phật, trong đó có 4 pho tượng tròn (điêu khắc), còn lại là 7 pho được vẽ trên gỗ bán bóng. Các pho tượng này được bài trí trên lớp bàn thờ theo thứ tự từ trên xuống dưới.
Lớp bàn thờ thứ nhất: Là lớp cao nhất gần nóc, giáp vách Thượng điện gồm 3 pho tượng Tam Thế bằng gỗ bán bóng ngồi ngang nhau, tượng trưng cho chư Phật về 3 thời: Phật quá khứ, Phật hiện tại và Phật tương lai. Ba pho tượng này có kích thước và hình dáng giống nhau. Đỉnh đầu có nhục khấu nổi cao, tóc xoắn ốc, tai dài, ngực chữ Vạn, mặt tròn như mặt nguyệt, mình có sắc hoàng kim sáng rực.
Lớp bàn thờ thứ hai: Là pho tượng Thích Ca (trong tòa Cửu Long), thể hiện Ngài lúc mới sinh, một tay chỉ lên trời, một tay chỉ xuống đất, mình được trang trí màu vàng.
Lớp bàn thứ ba: Là một pho tượng Di Đà tam tôn, ngồi trong tư thế toạ thiền trên tòa sen, tóc xoắn ốc, đầu để lộ đỉnh, không đội mũ, mặt nhìn xuống như suy tư, mình mặc áo cà sa, hai tay để lên đùi.
Ở hai bên tượng Di Đà tam tôn là tượng Bồ Tát: Văn Thù Bồ Tát ở bên trái và Phổ Hiền Bồ Tát ở bên phải, là hai vị thị giả giúp Phật tế độ chúng sinh. Tiếp đến ở hai bên chếch về phía trên là 2 pho tượng Khuyến Thiện và Trừng Ác.
Lớp bàn thứ tư: Là một hương án được đặt bát hương lớn trên bệ thờ và một số đồ thờ để phục vụ cho việc lễ Phật.
Ở hai bên bàn thờ chính là tượng Đức Ông và Quan Âm Bồ Tát.
Một điều khá đặc biệt là hầu hết trong các ngôi chùa ở nước ta, các pho tượng này đều được điêu khắc tượng tròn, nhưng ở đây lại là tượng vẽ. Trong các công trình nghiên cứu về nghệ thuật, mỹ thuật Việt Nam, loại tượng Phật được vẽ trên gỗ bán bóng này chưa được các nhà nghiên cứu tìm hiểu một cách cụ thể. Đây là một nét độc đáo của những ngôi chùa thờ Phật ở nước ta.
Cùng với những lớp tượng kể trên, chùa Cam Lộ cũng là nơi tập trung những tác phẩm điêu khắc mang ý nghĩa trang trí làm tăng thêm sự trang nghiêm lộng lẫy của điện thờ Phật, như: các bức đại tự, câu đối, các bức vẽ, chạm khắc trên cốn mê, kẻ bẩy… Đề tài này thể hiện là long – ly – quy – phượng, mây trời và hoa lá cách điệu. Trong đó, biểu tượng hoa sen được tượng trưng cho sự trong trắng và hoàn hảo được lập lại trên các bức tượng Phật kể cả tượng vẽ và tượng tròn.
Qua kiến trúc và bài trí nội thất ở chùa Cam Lộ, chúng ta có thể thấy rằng, số lượng tượng pháp ở đây khá đặc thù – đặc biệt là các bức tượng vẽ, một hiện tượng ít thấy trong các ngôi chùa thờ Phật ở nước ta.
Nằm trong một không gian tiếp giáp với thương cảng Lạch Trường nhộn nhịp qua nhiều thế kỷ, chùa Cam Lộ cùng với các di tích văn hóa Gò Trũng (Phú Lộc), hậu kỳ đồ đá mới Hoa Lộc của thời kỳ tiền Đông Sơn, cửa biển Y Bích thơ mộng và đồng muối Tam Hòa bát ngát đã hòa quyện vào nhau thành một vùng non nước hữu tình. Cho dù qua bao đổi thay của lịch sử, sự yên bình tồn tại ở chùa Cam Lộ không chỉ là niềm vui chung của những du khách vãn cảnh mà còn là sự thích thú của các nhà nghiên cứu.
Tham khảo
- Chùa Xứ Thanh (Tập I), TS. Phạm Văn Tuấn – CN. Phạm Thị Nhạn