Chùa Chài (Bạch Sam Tự – Đông Anh, Hà Nội)

Chùa Chài (Bạch Sam Tự – Đông Anh, Hà Nội)

Thông tin cơ bản

Tên gọi


 Chùa có tên chữ là Bạch Sam Tự, gọi theo tên địa danh là chùa Võng La. Ngoài ra chùa còn có các tên gọi khác là Chùa Ba.

Lược sử


Theo lời kể của sư thầy trụ trì Thích Đàm Hoà,  Chùa được nhân dân thuộc tổng Võng La xưa xây dựng vào khoảng thế kỷ XVII, trên mảnh đất rộng gần 1000m2 nằm ven sông Hồng với cảnh vật khá hữu tình. Tương truyền Đức Thánh Tổ của chùa giỏi y thuật, từng chữa khỏi bệnh cho mẹ Chúa Trịnh, nên được nhân dân tạc tượng bằng đá để thờ cúng trong chùa. Chùa chính được xây dựng theo lối kiến trúc thời Lê, nhưng qua chiến tranh đã bị tàn phá nhiều, sau đó được nhân dân tôn tạo lại.

Trước Cách mạng Tháng 8-1945, Võng La được chọn làm một địa điểm ATK của Ðảng. Cây gạo và ngọn tháp cạnh chùa đã thành cột mốc chỉ đường cho cán bộ ta đi đi về về hoạt động, và là nơi ta đặt hòm thư bí mật. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, chùa nuôi giấu cán bộ, chiến sĩ hoạt động địch hậu, vì có căn hầm bí mật ở dưới tượng Sư Tổ.

Không chỉ chứa nhiều giá trị Phật giáo, chùa Chài còn là một di tích lịch sử cách mạng. Nửa đầu thập niên 1940, các ông Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Lương Bằng đã từng sinh sống và hoạt động lâu dài tại ngôi chùa này. Trong chùa có một hầm bí mật được đặt ngay phía dưới bệ thờ của Sư tổ và thông ra bờ sông Hồng.

Kiến trúc


Chùa chính được xây cất theo lối chữ đinh, với đầy đủ các hạng mục công trình như bảy gian tiền đường nối với ba gian thiêu hương và thượng điện. 

Tiền đường xây các bệ đặt các tượng Ðức Ông, Thánh Tăng và hai hộ pháp. Hậu cung được xây bậc cao dần, đặt các tượng Tam Thế, A Di Ðà, Quan Âm, Thế Chí, Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Ðẩu, cùng tòa Cửu Long với Phật Thích Ca sơ sinh. Sau chùa có điện thờ Mẫu, thờ Tổ và nhà hậu, kế bên là nhà tăng, khu phụ.

Tương truyền trước đây chùa rộng trăm gian nhưng sau bị chiến tranh phá hủy hoàn toàn. Đức Thánh Tổ báo với dân trong vùng nếu muốn có chùa thì về san đất, Ngài sẽ dựng cho. Rồi xảy ra một trận lũ, nước sông Hồng dâng lên, phù sa bỗng san bằng nền chùa cũ trước đây. Sau đó, Ngài sang làng Gạ dùng phép thuật chuyển chùa từ bên đó về làng Võng La. Ngôi chùa chuyển về đây vẫn y nguyên, rong rêu còn phủ trên mái. Từ đó, làng này có chùa để thờ Phật.

Di vật


Trong chùa còn lưu giữ một tấm bia đá, tạc nổi vị sư Ngọc Động Thánh Tổ. Đây là một trong những bia-tượng rất ít gặp ở các di tích của Hà Nội và thuộc loại cổ nhất, có niên đại Dương Hoà thứ 4 (1638). Văn bia không ghi rõ tên thật, công trạng, thân thế và sự nghiệp của vị sư này. Theo truyền miệng của dân địa phương và một vài tấm bia hậu có trong chùa thì đây là một vị chân tu được tôn xưng Thánh tổ họ Phan, pháp danh Chu Bồ Đề, có phép thuật và tài trị bệnh cứu người. Ngài đã từng bốc thuốc cho mẹ của chúa Trịnh và được triều đình ban phong. Về sau, dân làng lấy ngày ông mất (mồng 10 tháng Tám âm lịch) làm ngày giỗ tổ chùa.

 Chùa còn giữ được 14 bia đá, phần lớn được tạc vào thời Nguyễn. Một số bia tạc vào thời Lê, khá tiêu biểu cho nghệ thuật chạm khắc trang trí thế kỷ 17 – 18, đồng thời chứa nhiều tư liệu giá trị.

 Ngoài ra chùa hiện còn 24 pho tượng Phật, phần lớn tạc bằng gỗ, một số ít bằng đá, đất. Thú vị là có hai pho tượng phù điêu tạc theo phong cách văn hóa Chàm, phản ánh sự giao lưu văn hóa các vùng miền nước ta thời trước.

Đặc trưng


Chùa Chài được biết đến nhiều nhất với di tích tượng Cham Pa, gồm 2 bức tượng có phong cách điêu khắc phương Nam rõ rệt, đó là tượng thần Siva và Bà Mẹ xứ sở Chăm Pa. Hai bức tượng này đã được các nhà khảo cổ học phát hiện từ khá lâu, nhưng đến năm 2004 các kết quả nghiên cứu mới công bố.

Tượng Siva được tạc dưới dạng phù điêu trên một phiến sa thạch cao khoảng 50cm. Thần ngồi trong tư thế bán kiết già, cởi trần, bụng phẳng để lộ rốn ngay trên cạp quần sampot. Mặt thần vuông vức, lông mày giao nhau hằn rõ, trên trán có 3 con mắt. Hàng ria mép đậm cong vểnh lên, miệng rộng, môi dày như đang nở một nụ cười bí ẩn. Tai thần to và chảy dài, đeo trang sức. Đầu thần đội mũ kirata mukata được chia thành tầng với các chuỗi hạt lớn và các đường xoắn móc khá cầu kỳ.

Bức tượng Bà Mẹ xứ sở còn chứa nhiều điều bí ẩn. Trong lòng tượng có khắc tên của người mượn tác phẩm gốc vào năm 1966 và để lại chùa phiên bản này. Đó là tên một nhà điêu khắc đã mất do tai nạn sau khi mang bức tượng đi. Phiên bản ở chùa dựa trên nền một hình lá nhĩ lớn được cách điệu với nhiều nét hoa văn, điêu khắc mang đậm phong cách Chăm Pa.

Pho tượng Bà Mẹ xứ sở rất giống với tượng Pô Naga ở Tháp Bà, Nha Trang. Tượng có chiều cao khoảng 70cm, được tạc trong tư thế kiết già. Mặt tượng được tạc khá giống với khuôn mặt người Việt, gần gũi với tượng Quán thế âm Bồ tát trong chùa. Phần trang trí nền tượng là một mảng lớn cầu kỳ, với những hình chạm nổi lớn các linh vật có nguồn gốc từ Chăm Pa như rahu, kala và makara…

Vùng đất này xưa kia là nơi nhiều tù binh người Chăm sinh sống và các tượng thần đạo Bà-la-môn đã được mang theo cùng với họ để thờ. Theo một nhà nghiên cứu sở tại về chùa và đình Võng La thì có vị tướng thời nhà Lý sau khi chinh chiến ở phương Nam đã đem hai bức tượng về và cung tiến vào chùa.

Những câu chuyện linh thiêng


Bí ẩn những giọt nước mát

Theo sư thầy Thích Đàm Hòa – trụ trì chùa Bạch Sam thì dù trời nắng hay trời rét, bức tượng đá Đức Thánh Tổ của chùa vẫn thường xuyên nhỏ ra những giọt nước mát.  Nguồn nước xuất phát từ trên mặt pho tượng chảy xuống, nước rất trong.

Dân làng thấy lạ và không thể giải thích được hiện tượng kỳ lạ này. Mọi người cho rằng, Ngài tự làm sạch khuôn mặt, thân thể mình. Sau khi nước khô, pho tượng sáng bóng và lung linh lạ thường. Mỗi lần pho tượng đá nhỏ ra những giọt nước mát, dân làng đến chiêm ngưỡng, khấn vái vì coi đó là điềm lành. Có người còn cho rằng, nếu xin được một giọt nước từ khuôn mặt ngài, thoa lên mặt mình, gương mặt sẽ hồng hào, tươi tắn.Có lẽ vì vậy mà nhà chùa đã quyết định đưa bức pho tượng vào trong khung kính để Ngài đỡ bị “làm phiền”.

Người nào lấy đồ của chùa sẽ bị mất phúc

Theo những người dân nơi đây, chùa Bạch Sam rất linh thiêng. Người nào lấy của chùa sẽ bị mất phúc.Vài năm trước, có một thiếu niên niên vào chùa “nẫng” đi quả chuông đồng.Thiếu niên này đem bán cho đồng nát lấy tiền tiêu vặt. Chỉ vài ngày sau, thiếu niên này đang khỏe mạnh bỗng đâu phát điên. Suốt ngày nói năng lảm nhảm không ngừng. Cả nhà phát hoảng đưa đi chữa trị mà bệnh tình vẫn không thuyên giảm. Rất may, sau khi mua chuông đồng về, người này ngờ ngợ đây có thể là chuông chùa. Anh liền tìm vào chùa Bạch Sam hỏi thì nhà sư nhận đúng là quả chuông đang bị mất. Anh bèn dâng trả lại chùa và không quên nhờ người làng tìm thiếu niên để tạ lỗi. Gia đình thiếu niên nghe vậy mừng rỡ sửa soạn lễ dâng lên chùa xin Đức Thánh Tổ xá tội. Làm lễ được vài ngày, bệnh của thiếu niên tự dưng biến mất!

Lại có chuyện ly kỳ và rùng rợn hơn về kẻ lấy trộm bia đá cổ. Cũng theo các bậc cao niên kể thì chuyện báo oán đã xảy ra. Nghĩ bia đá cổ bán sẽ được giá, hai trai làng bàn nhau sẽ lấy trộm. Một buổi tối mùa đông gió lùa hun hút, hai người mang theo cuốc, xẻng, búa, men theo đường làng tiến vào chùa. Sư trụ trì hôm đó đi vắng. Hai người đàn ông ra thẳng vườn nơi có những tấm bia cổ. Sau một hồi cuốc đất, bia đá dần dần lung lay. Cả hai hân hoan sung sướng thì đột nhiên một người bỗng thấy tóc gáy dựng đứng. Cảm giác ớn lạnh ập vào từ gót chân chạy dọc lên tận đỉnh đầu. Hình như có ai đó đứng sát sau lưng. Gã quay phắt lại. Không thấy bóng ai. Gã này định thần trong giây lát tiếp tục công việc của mình. Nhưng rồi, cứ mỗi lần cuốc thì gã lại thấy có bóng đen đằng sau mình. Gã ngoái lại nhìn thì cây cuốc đã bổ vào chân. Ba ngón chân của gã bị vạt bởi lưỡi cuốc sắc lẹm. Gã quẳng cuốc, ngồi thụp xuống ôm chân. Gã kia thấy đồng bọn bị thương, hoảng sợ ném cuốc, vội xé áo để băng bó. Sau khi nghe kể thấy oan hồn của ai đó, gã bạn mặt cắt không còn giọt máu vội xốc nách đưa về nhà.

 Sư trụ trì Thích Đàm Hòa cho hay: “Những câu chuyện báo oán trên có thể do ngẫu nhiên. Nhưng qua đó, dân quanh đây, ai cũng muốn sống thật thà, không dám “vơ quàng, vơ xiên”. Họ sống hướng đạo hơn. Đó cũng là một nét đẹp trong đời sống tâm linh của người dân Võng La”.Pho tu

Có lẽ không gian huyền diệu và những câu chuyện linh thiêng là những điều làm Chùa Bạch Sam trở nên nổi tiếng đến vậy.

Sự kiện – Thành tựu


Ngôi chùa đã được xếp hạng Di tích lịch sử cách mạng và nghệ thuật quốc gia vào năm 1996. 

Tham khảo


  • Chùa Võng La, http://360.hncity.org/spip.php?article140
  • Bí ẩn trong chùa cổ Võng La, https://vietnamnet.vn/vn/doi-song/bi-an-trong-chua-co-vong-la-103754.htm
  • Chùa Chài (Chùa Võng La), http://wikimapia.org/19155456/vi/Ch%C3%B9a-Ch%C3%A0i-ch%C3%B9a-V%C3%B5ng-La
  • Chùa Võng La, https://thanhnien.vn/van-hoa/chua-vong-la-162997.html
  • Chùa Chài, http://vietlandmarks.com/module/groups/action/view/id/1487/album/0
  • Chùa Võng La (Bạch Sam) hay Chùa Chài, https://nuoinhim.wordpress.com/chua-vong-lab%E1%BA%A1ch-sam-hay-chua-chai/
  • Pho tượng cổ hàng trăm năm tự làm sạch khuôn mặt, http://baodulich.net.vn/Pho-tuong-co-hang-tram-nam-tu-lam-sach-khuon-mat-10-5417.html

 

2.5/5 (4 bình chọn)

Hình ảnh

Chia sẻ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner App ChỐn ThiÊng 3 (60x90)