Vị trí
Di tích lịch sử, văn hóa chùa Châu Long nay thuộc làng Đại Bái (Bối), xã Thiệu Giao, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa.
Châu Long tự là tên chữ mà nhân dân dùng để gọi chùa. Theo nghĩa Hán – Việt thì Châu có nghĩa là hạt tràng hạt; Long tức là rồng, cũng có nghĩa là lối mạch núi nó đi. Như vậy, Châu Long tự gắn với chùa nên ở đây có nghĩa muốn nói về ngôi chùa được xây dựng trên mảnh đất của mạch núi thiêng, có cảnh sắc đẹp. Đây là tên gọi duy nhất mà nhân dân dùng để gọi di tích từ xưa đến nay.
Lược sử
Về việc xây dựng chùa, đến nay không tìm thấy nguồn tài liệu nào ghi chép cụ thể và chính xác. Tuy nhiên, theo văn bia Châu Long tự các bi cho biết đây là một ngôi chùa cổ được xây dựng ở một nơi “… đất thiêng vượng tú, sinh ra muôn vật, cảnh sắc tươi mới đẹp đẽ. Giếng ngọc thanh trong chung đúc thành nơi thắng địa”. Đến mùa xuân năm Nhâm Tuất, niên hiệu Tự Đức thứ 15 (1862), chùa được vị quan Chánh cửu phẩm tên là Lê Đình Hạt phát tâm cung tiến và kêu gọi nhân dân để xây dựng cổng Tam quan và Gác chuông, sau hai tháng thì công việc hoàn thành. Qua ghi chép trên, chúng ta được biết, chùa Châu Long xây dựng trước năm 1862 từ rất lâu, nên đến thời bấy giờ đã là ngôi chùa có lịch sử xây dựng lâu đời.
Kiến trúc
Chùa chính: cấu trúc theo kiểu chữ Nhất (一) gồm có 3 gian, 4 bộ vì kèo bằng gỗ có chiều dài là 9,8m, chiều rộng là 6,9m (cả hiên) với tổng diện tích là 67,62m2. Gồm 3 gian:
Gian thờ bên hữu là nơi thờ Quán Thế Âm Bồ Tát, được xây bằng gạch, xi măng và vôi vữa gồm có hai lớp. Lớp trên cùng có kích thước chiều rộng là 33cm, chiều dài là 110cm, cao 22cm đặt một tượng Thiên Thủ Thiên Nhãn ngồi trên đài sen. Lớp giữa đặt tượng Quan Âm Bồ Tát bằng sứ ngồi trên đài sen, tay phải cầm cành Dương Liễu, tay trái cầm lọ nước cam lồ. Lớp dưới cùng có kích thước chiều rộng là 77cm, dài 166cm, cao 82cm, gồm có một lọ cắm hoa bằng sứ; hai cây nến điện bằng nhựa và ba chén sứ, một bát hương sứ và một chân nến sứ.
Gian thờ bên tả là nơi thờ Thánh tăng, bệ thờ được xây bằng gạch, xi măng trát vôi vữa, ngoài ốp gạch men màu đỏ nâu gồm có ba lớp. Lớp trên cùng có kích thước chiều rộng là 0,9m, chiều dài là 1,36m, cao 1,5m đặt một ảnh Thánh tăng; Lớp giữa có kích thước chiều dài là 1,36m, rộng 0,9m, cao 0,8m là nơi đặt tượng Thánh tăng bằng sứ; Lớp dưới có kích thước chiều rộng là 0,9m, dài 1,36m, cao 0,8m gồm có một lọ cắm hoa bằng sứ; một bát hương sứ, hai chân nến điện.
Ở hai phía cuối của hiên trước, hai bên tả, hữu mỗi bên còn đặt một bát hương, đây là nơi thờ thần hộ pháp.
Nhà thờ mẫu: được cấu trúc theo kiểu chữ Nhất (一) gồm có 3 gian, 4 bộ vì kèo bằng gỗ, có kích thước chiều dài là 6,4m, chiều rộng là 4,6m (cả hiên) với tổng diện tích là 29,44m2. Gian giữa được bài trí: Lớp trên cùng là nơi đặt tượng Tam tòa Thánh Mẫu, lớp giữa là nơi thờ Hội đồng Tứ phủ, . lớp dưới cùng là nơi thờ Hội đồng các quan. Gian thờ bên hữu là nơi thờ Đức Thánh Trần (Trần Quốc Tuấn). Gian thờ bên tả là nơi thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ngoài ra, phía trước chùa và bên hữu nhà mẫu còn đặt một tượng Quan Âm Bồ Tát đứng trên đầu rồng, tay phải bắt quyết, tay trái cầm lọ nước Cam lồ.
Chùa Châu Long mặc dù đã bị hủy hoại nhiều bởi những biến cố thăng trầm của lịch sử, cùng với sự biến đổi của thời gian, nhưng với những hiện vật còn lưu giữ được cho đến ngày nay như: bia đá, đá lan giai, chân tảng, mâm bồng đá… là minh chứng quan trọng về sự tồn tại của ngôi chùa xa xưa. Qua đó, đã cho chúng ta biết về sự tồn tại và phát triển của Phật giáo trên mảnh đất này từ rất lâu.
- Trích theo cuốn Chùa xứ Thanh Tập III – Tác giả Đại Đức THÍCH TÂM ĐỨC – Xuất bản năm 2016