Tên gọi
Quan Thế Âm (Tiếng Phạn: Avalokiteśvara, nghĩa là “Đấng quán chiếu âm thanh của thế gian”) – vị Bồ tát hiện thân cho lòng từ bi của tất cả chư Phật. Quan Thế Âm là một trong những vị Bồ tát được tôn kính thờ phụng rộng rãi nhất trong Phật giáo Đại thừa, cũng như không chính thức trong Phật giáo Nguyên thủy.
Quan Thế Âm (Quán Thế Âm) nghĩa là vị Bồ Tát quan sát được những thanh âm đau khổ của thế gian mà cứu độ chúng sinh. Bất cứ lúc nào, nơi nào trong vũ trụ có tiếng chúng sinh đau khổ, kêu cầu thì Ngài hiện thân cứu độ rất tự tại, cho nên Ngài cũng có tên là Quán Tự Tại, Quán Thế Tự Tại,…
Ngoại hình
Quan Âm bồ Tát vốn được coi như một hình ảnh của Phật A Di Đà nên nhiều tượng Quan Âm có một hình tượng Phật A Di Đà ngay trên mũ. Thông thường nhất, hình ảnh Quan Âm là một người đàn bà áo trắng tha thướt, đứng trên tòa sen, tay cầm một bông sen hay bình nước cam lồ. Nước cam lồ biểu trưng cho lòng từ bi. Nước này rải tới đâu là chan rải tình thương tới đó, làm mát mẻ êm dịu mọi khổ đau của chúng sanh. Cành dương liễu là biểu tượng của sự nhẫn nhịn. Bởi việc tu hành cũng khó khăn như đi trong cơn bão lớn. Những cành cây cứng mạnh lại dễ gãy đổ. Cành dương liễu tuy yếu mềm nhưng dẻo dai, gió chiều nào cũng thuận theo nên khó gãy. Quan Âm Bồ Tát dùng cành dương rưới nước cam lồ, biểu trưng cho lòng nhẫn nhục nhu nhuyễn. Cũng có khi Quan Âm được miêu tả với hai đứa trẻ ở bên cạnh (Thiện Tài đồng tử và Long Vương nữ).
Sự tích
Theo Kinh Bi Hoa thì ở vào đời quá khứ có đức Phật ra đời hiệu là Bảo Tạng Như Lai. thời đó có vua Chuyển Luân Thánh Vương là Vô Chánh Niệm. Vua có quan đại thần là Bảo Hải, phụ thân của đức Bảo Tạng khi chưa xuất gia đối trước Đức Phật Bảo Tạng phát ra 48 đại nguyện. Do đó, Đức Bảo Tạng thụ ký cho Vua (khi đó đã là Pháp Tạng Tỳ Kheo) sau này thành Phật hiệu là A Di Đà ở vào thế giới cực lạc.
Vua Chuyển Luân có nhiều con. Con cả là Thái Tử Bất Tuấn cũng do ngài Bảo Hải khuyến tiến. Thái Tử cũng đi xuất gia theo cha và đối trước Đức Bảo Tạng Như Lai phát ra bảo nguyện đại bi thương xót, cứu độ tất cả các loài chúng sanh bị khổ não. vì vậy Đức Bảo Tạng thụ ký cho Thái Tử thành Bồ Tát hiệu là Quan Thế Âm, còn Bảo Hải là tiền thân của Đức Thích Ca Mâu Ni. Đức Bảo Tạng thụ ký cho Thái Tử rằng: “Vì lòng đại bi Ông muốn quán niệm cho tất cả chúng sanh được cùng về cõi an lạc (cực lạc). Vậy từ nay đặt tên cho Ông là Quan Thê Âm.
Cũng theo một huyền thoại tại Trung Hoa, Quan Âm là con gái thứ ba của một nhà vua, nhưng công chúa lại một lòng thành tâm đi tu mặc dù bị cha ngăn cản. Nhà vua đã nổi giận, sai quân giết công chúa. Khi xuống Âm Phủ, nàng đã cứu độ cho những người hoạn nạn, biến địa ngục trở thành nơi tâm lực nhất tâm niệm Phật. Công chúa được Diêm Vương cho tái sinh thành người cứu hộ cho những người ngư dân vùng núi Phố đà gần biển Đông. Vậy nên các ngư dân tại Trung Hoa thường cầu nguyện Quan Âm để có một chuyến đi đánh bắt thuận lợi, bình an.
Mặc dù có sự khác nhau về hình thái tôn thờ, nhưng hầu hết những tôn tượng Ngài đều toát ra một điểm chung nhất là tâm nguyện từ bi, hạnh kiên nhẫn, khả năng lắng nghe, trái tim đồng cảm, đức hiếu sinh và hoài bảo ban vui cứu khổ cho nhân loại. Và điều này đã ngẫu nhiên rất khế hợp với tâm tư nguyện vọng cũng như thuần phong mỹ tục của người Việt Nam.
Thờ phụng
Mỗi năm phật tử khắp mọi nơi trên thế giới hay làm lễ vía Quan Thế Âm Bồ Tát thật trang trọng vào những ngày : 19 tháng 2, 19 tháng 6 và 19 tháng 9 theo âm lịch.
- Ngày 19 tháng 2 là ngày Quán Thế Âm Đản Sanh.
- Ngày 19 tháng 6 là ngày Quán Thế Âm thành đạo.
- Ngày 19 tháng 9 là ngày Quán Thế Âm xuất gia.
Tham khảo
- https://dulichvietphong.com/y-nghia-va-nguon-goc-cua-bo-tat-quan-the-am
- https://phatgiao.org.vn/y-nghia-cua-hinh-tuong-bo-tat-quan-the-am-d36074.html
- http://tuyenphap.com/quan-the-am-bo-tat-464
- https://phatgiao.org.vn/quan-the-am-bo-tat-la-ai-d39598.html
- https://vi.wikipedia.org/wiki/Qu%C3%A1n_Th%E1%BA%BF_%C3%82m
- https://oancotam.com/quan-am-bo-tat/
- https://thuvienhoasen.org/a14326/bo-tat-quan-the-am-trong-van-hoa-viet-nam-thich-nu-tam-tu
- https://buddhismart.com.vn/quan-the-am-bo-tat