Chùa Dương Đình (Gia Lâm, Hà Nội)

Chùa Dương Đình (Gia Lâm, Hà Nội)

Thông tin cơ bản

Tên gọi và vị trí địa lý

Chùa Dương Đình tọa lạc tại thuộc thôn Dương Đình, xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Cũng giống như các ngôi chùa khác trong vùng, chùa Dương Đình (Nguyên Xá tự) được dựng lên 1 để thờ Phật – một tôn giáo đã được du nhập vào nước ta ngay từ những năm đầu Công nguyên. 

Chùa Dương Đình nằm trên khu đất cao, quay hướng Nam đối diện với nghè Dương Đình. 

Lịch sử và nhân vật

Theo bài minh được khắc trên quả chuông có niên hiệu Minh Mệnh 19 (1838) hiện còn trong chùa cho biết: 

“Chùa Nguyên Xá có quả chuông to, năm Bính Ngọ, thời Lê Mạt gặp binh hoả nên chuông đã bị mất, nay thôn xã cùng khách thập phương công đức đúc lại chuông mới…” 

Do sự tàn phá của thời gian và chiến tranh, chùa xuống cấp nghiêm trọng nên đã được trùng tu vào năm 1890.

Kiến trúc cảnh quan

Chùa được kết cấu theo kiểu chữ “đinh” gồm tiền đường và thượng điện. 

Nhà tiền đường được xây cao hơn so với mặt sân 65cm, xung quanh có bó vỉa gạch. Nhà gồm ba gian hai chái, xây theo kiểu tường hồi bít đốc tay ngai, dạng bốn mái. Mái chùa lợp ngói mũi hài cổ, bờ nóc, bờ dải đắp kiểu bờ đinh không trang trí, chính giữa bờ nóc đắp một hình chữ nhật, trên đắp nổi ba chữ Hán “Nguyên Xá tự”, phía trước gian giữa xây ba bậc lên xuống bằng đá xanh hạt mịn. Hiên chùa rộng khoảng 1m20. Phía trước để ba cửa bức bàn dạng “thượng song – hạ bản”, hai gian bên để ô cửa sổ tròn hình chữ “thọ”. 

Trước toà tiền đường liền với hai hồi hiên xây hai trụ biểu cao, đỉnh trụ đắp nổi hình trái giành, thân trụ cũng đắp các đôi câu đối nhưng đã bị mờ. Mặt bằng toà tiền đường gồm bốn hàng chân. Bộ khung gỗ gồm bốn thức vì: hai vì giữa được kết cấu theo kiểu “chồng rường giá chiêng, hạ kẻ”, các cột bằng gỗ tròn làm theo kiểu “thượng thu, hạ thách”. Cấu trúc của các bộ vì kèo trong chùa là những bộ phận trụ chống chủ yếu được nối với nhau bằng những đường xà dọc phía dưới nối với đường hoành phía trên để tạo thành một bộ khung vững chắc nhằm đỡ toàn bộ lực đè của mái nhà. Các con rường được làm mỏng, thấp kê trên các đấu vuông thót đáy mỏng, thấp nhằm làm tăng độ vững chắc cho bộ khung nhà. 

Thượng điện là một nếp nhà ba gian dọc, xây theo kiểu tường hồi bít đốc tay ngai, mái lợp ngói mũi hài, bờ nóc đắp nổi bờ đình không trang trí. Bộ khung được kết cấu theo kiểu “chồng rường giá chiêng – hạ kẻ”, trên các thức vì chồng rường, các rường nách được đặt khít trên một thanh xà ngang to, dày có đầu ăn mộng sâu vào trong cột, đầu kia tựa trực tiếp lên tường hồi để dỡ toàn bộ phần lực đè của mái nhà. Các đề tài trang trí ở chùa có phần đơn giản nhưng vẫn tạo sự mềm mại, thanh nhã và chứa đựng nội dung triết lý sâu sắc của đạo Phật trong một di tích có bề dày lịch sử tới hàng mấy trăm tuổi. 

Ngoài phần trang trí ở trên kiến trúc thì phần trang trí tập trung trên các bức cửa võng cũng hết sức sinh động: hầu hết trên các cửa võng chạm bong, chạm lộng để tài rồng chầu mặt trời ở chính giữa, hai bên là các đề tài tứ linh, tứ quý, cúc mãn khai… uyển chuyển và mềm mại tạo cho di tích vẻ đẹp thâm nghiêm, cổ kính. 

Nhà mẫu ở phía sau chùa gồm ba gian, xây theo kiểu tường hồi bít đốc tay ngai, mái lợp ngói ta, bờ nóc đắp kiểu bờ đinh. Bộ khung được kết cấu gồm hai thức vì bằng bê tông đơn giản, nền lát gạch Bát Tràng. Phần phía ngoài đặt một hương Tăng. Gian bên trong đặt tượng Mẫu, lớp trên cùng là tượng Tam Tòa Thánh Mẫu (Mẫu Thiên, Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thoải), Ngũ Vị Tôn Ông, Hoàng Bảy, Hoàng Mười, tượng cô, tượng cậu… 

Hệ thống tượng thờ tại chìa được bài trí theo quy định của đạo Phật, mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XIX. 

Tại toà Phật điện trên cùng là bộ tượng Tam Thế thường trụ diệu pháp thân đại diện cho 3000 vị Phật ở ba thời quá khứ, hiện tại, vị lai. 

  • Tượng ngồi thiền định trên toà sen cao khoảng 1m20, tay kết ấn tam muội với hai tay đan vào nhau để ngửa đặt trên lòng đùi, tóc kết bụt ốc như hình tháp cao chạy dần lên tận nhục kháo, khuôn mặt thanh thoát, phúc hậu thể hiện nét từ bi, bác ái của đạo Phật, sống mũi thẳng, miệng nhỏ, tai chảy dài thể hiện sự cao quý, đức độ, mắt khép hờ thể hiện sự soi dọi chúng sinh đau khổ. Tượng mặc áo cà sa hai lớp phủ hoàng kim để lộ ngực, bụng thon, các nếp áo mềm mại chảy dài xuống tận đài sen tạo thành những đường cong mềm mại và uyển chuyển. 
  • Lớp thứ hai là bộ tượng Di Đà Tam Tôn. Tượng A Di Đà ngồi giữa cao khoảng 1m30, mặc áo cà sa để lộ ngực, tóc kết bụt ốc nhiều lớp, khuôn mặt hơi bầu, tròn, sống mũi cao, thẳng, tai dày, cổ hơi mập. Tượng ở tư thế ngồi thiền định trên đài sen hai lớp cánh. Cũng giống như tượng Tam Thế, đài sen của tượng A Di Đà có niên đại tạo tác muộn và ít mang tính nghệ thuật. Đứng hai bên A Di Đà là Quan Thế Âm và Đại Thế Chí, đầu đội mũ tỳ lư, trên vành mũ điểm xuyết hình bông cúc mãn khai, hoa dây, vân dấu hỏi, đường hồi văn. Các nếp áo tượng chảy dài xuống tận chân thành những đường cong mềm mại. 
  • Lớp thứ ba là tượng Thích Ca Niêm Hoa có kích thước lớn hơn hẳn so với những pho tượng khác trong chùa. Tượng ngồi thiền định trên đài sen, tay phải nâng bông hoa lên ngang mặt, tay trái đặt ngửa trên lòng đùi, tóc kết bụt ốc nhiều lớp. Tượng có khuôn mặt tròn, bầu, thân hình hơi mập, nét mặt đôn hậu, từ bi, cổ tượng mập có hai ngấn. Tượng mặc áo cà sa hai lớp. Đây là pho tượng mà nhà chùa mới tạc thêm nhằm bổ sung cho phật điện của chùa. 
  • Lớp thứ tư là bộ tượng Ngọc Hoàng cùng Phạm Thiên và Đế Thích ở hai bên. Tượng Ngọc Hoàng ngồi giữa, đầu đội mũ bình thiên, vành mũ trang trí hình rồng chầu mặt trời và các vân mây, vân dấu hỏi, hoa dây, chân đi hia, tay phải cầm lệnh bài, tay trái cầm viên ngọc, tượng mặc áo trang trí hình rồng, hoa dây. 
  • Lớp thứ năm là Toà Cửu Long và tượng Thích Ca sơ sinh bằng đồng, xung quanh thể hiện nhiều đề tài gắn với tích truyện về Phật. Ngoài chín con rồng linh thiêng phun nước để tắm cho đức Phật khi mới ra đời còn điểm xuyết vào các thiên thần và nhạc công từ thiên quốc xuống để chào mừng và nhã nhạc vang động cả bầu trời. Tượng như mang một sức sống khởi nguyên trong sáng và tươi vui. 
  • Hai bên Thích Ca là tượng Di Lặc cùng Tuyết Sơn. Tượng Di Lặc Bồ Tát được tạc thân hình béo tốt, mập mạp thể hiện sự viên mãn, nét mặt hỉ hả vô lo nghĩ. Tượng mặc áo cà sa ít lớp ngồi hơi ngửa ra sau, chân khoanh chân chống một cách vững chãi biểu hiện của “tịnh lạc”, bụng lớn tròn, ngực to, xệ, khuỷu tay tì trên túi “hậu thiên”. Tượng được bố cục một cách tự nhiên không bị gò bó bởi quy luật đăng đối, vẻ đẹp của tượng còn được tăng lên bởi ý nghĩa giải thoát, không bị ràng buộc bởi lục căn, lục trần. Di Lặc Phật còn được gọi là đấng từ tôn. 

Người Việt đã coi Di Lặc như một đấng cứu thế. Bên trái toà Cửu Long là tượng Tuyết Sơn tạc ngồi trên núi tuyết với thân hình gầy guộc, nét mặt đầy vẻ khắc khổ. Tượng ngồi trên toà sen, một chân chống gối, chân kia để nằm, tay trái cầm viên ngọc đặt trên đầu gối chân trái, tay phải đặt tự nhiên trên chân phải, mình mặc áo cà sa hở ngực. Tượng Tuyết Sơn là sự phản ánh đầy đủ những tâm tư của đức Thích Ca khi tu khổ hạnh: đôi mắt sâu lắng, thân hình gầy guộc như muốn nhắc nhở chúng sinh đừng theo lối tu khổ hạnh mà hãy tu theo lối vô chấp, không lệ thuộc vào hình, danh, sắc, tướng. Sát hồi trái toà thượng điện đặt tượng Quan Âm Chuẩn Để tạc ngồi trên toà sen với mười một đôi tay. Đôi tay chính chắp trước ngực, các cánh tay khác toả ra các hướng trong các thế ấn và cầm những vật linh, tượng đội mũ tỳ lư, trên vành mũ có hình mặt trời, thân tượng mặc cà sa để lộ ngực, tượng ngồi trên đài sen ba lớp cánh. 

Đối diện với tượng Quân Âm Chuẩn Đề là tượng Thánh Tăng. Dọc hai bên thượng điện là bộ tượng Thập Điện Diêm Vương. Hai gian hồi tiền đường đặt tượng Khuyến Thiện – Trừng Ác, Đức Ông và Thánh Tăng. 

Hệ thống tượng tròn được tạo tác bằng chất liệu gỗ của chùa Dương Đình hiện còn 54 pho bao gồm tượng Phật, tượng Tổ và tượng Mẫu được tạo tác một cách công phu, tỉ mỉ với cách bố cục cân xứng, hài hoà, đăng đối của từng pho tượng tạo cho Phật điện chùa thêm phần đa dạng, hấp dẫn. 

Những pho tượng có giá trị nghệ thuật tiêu biểu của chùa là bộ tượng Tam Thế, tượng Di Đà Tam Tôn, tượng Ngọc Hoàng, Phạm Thiên, Đế Thích… là những tượng mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XIX. Bên cạnh tượng Phật là các tượng Hộ Pháp, tượng Thánh Tăng, Đức Ông, tượng Tổ, tượng Mẫu cũng được tạo tác khá chuẩn mực mang tính chân dung cao với lối tả thực đầy chất dân dã. 

Hiện vật

Hiện nay, chùa Dương Đình còn lưu giữ bộ di vật đa dạng về chất liệu, phong phú về chủng loại và mang giá trị nghệ thuật thế kỷ XIX – XX như: chuông đồng, bia đá niên hiệu thời Nguyễn, hương án, hoành phi, câu đối…

Các di vật này ngoài giá trị về nghệ thuật còn là nguồn sử liệu quý giá góp phần tìm hiểu về lịch sử nghệ thuật, phong tục, tập quán của một vùng quê giàu truyền thống văn hoá. 

Sự kiện và lễ hội


Ngày 15/5/2016, tại chùa Nguyễn Xá tổ chức chương trình “Kính mừng Đại lễ Phật Đản” và trao trợ cấp thường xuyên năm 2016 cho trẻ em mồ côi trên địa bàn huyện. Nhân dịp này, Đại đức Thích Quảng Phúc và Đạo tràng Ngũ Bách Hành Thiện – Tịnh tông Pháp hoa chùa Dương Đình đã trao tặng 10 xuất trợ cấp thường xuyên năm 2016, mỗi xuất 2.400.000 để tặng các trẻ em mồ côi, đối tượng xã hội có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, góp phần vào việc đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

Xếp hạng di tích 

Ngày 22/01/2009, chùa Dương Đình đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử văn hoá.

Tham khảo


  • Di tích Lịch sử văn hoá – Cách mạng kháng chiến huyện Gia Lâm
  • https://phatgiao.org.vn/ha-noi-khanh-thanh-niem-phat-duong-nha-tang-chua-nguyen-xa-d16209.html
  • https://gialam.hanoi.gov.vn/chi-tiet-tim-kiem/-/view_content/1008251-chua-duong-dinh-kinh-mung-dai-le-phat-dan-va-trao-tro-cap-thuong-xuyen-cho-tre-em-mo-coi-nam-20-1.html
5/5 (1 bình chọn)
Chia sẻ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner App ChỐn ThiÊng 3 (60x90)