Phật giáo du nhập vào Việt Nam từ những năm đầu Công nguyên theo những con đường khác nhau. Cùng với đó, hàng loạt các ngôi chùa được xây dựng để làm cơ sở thờ tự và sinh hoạt tín ngưỡng… cho đến lúc, mỗi làng có một ngôi chùa. Trong quá trình tồn tại, ngôi chùa trở thành trung tâm văn hóa của làng xã. Qua việc khảo sát mỗi ngôi chùa, chúng ta thấy được đặc điểm cũng như những bước du nhập của Phật giáo trong tiến trình phát triển của lịch sử Phật Giáo Việt Nam.
Chùa Keo là một ngôi cổ tự gắn liền với tín ngưỡng thờ Tứ Pháp – một trong những tín ngưỡng cổ của cư dân nông nghiệp lúa nước. Từ khi khởi dựng cho đến nay, chùa Keo đã trải qua nhiều đợt trùng tu sửa chữa khiến cho diện mạo kiến trúc không còn như ban đầu. Trong phạm vi bài viết này chúng tôi tiến hành khảo cứu mặt bằng hiện trạng của chùa Keo có đối chiếu so sánh với những ghi chép trên hệ thống văn bia hiện đang lưu giữ tại chùa. Qua đó giúp chúng ta có cái nhìn tổng quan về tổng thể kiến trúc chùa Keo trong lịch sử hình thành, tồn tại và phát triển.
Vị trí, tên gọi
Chùa Keo có tên chữ Báo Ân Trùng Nghiêm tự (报 恩 重 嚴 寺), nằm ở vị trí: 2XGR+CJ4, số 325, làng Chè, xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội, Việt Nam. Chùa cách Bưu điện Hà Nội về phía Đông 20km, phía trước là con đường Thiên lý (nay là QL17), phía sau là sông Thiên Đức (tức sông Đuống). Chùa Báo Ân Trùng Nghiêm nằm trên đất của thôn Giao Tự, xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội nhưng lại là ngôi chùa chung của 2 thôn Giao Tất (làng Keo) và Giao Tự (làng Chè), dân trong vùng vẫn truyền tai nhau: “Chùa Giao Tất, đất Giao Tự”.
Thời Hậu Lê, huyện Gia Lâm thuộc phủ Thuận An ở phía Tây Nam trấn Kinh Bắc. Đến thời Nguyễn, năm 1831 vua Minh Mạng cho đổi trấn Kinh Bắc thành tỉnh Bắc Ninh. Huyện Gia Lâm lúc này thuộc phủ Thuận An, tỉnh Bắc Ninh, gồm 10 tổng, Kim Sơn là 1 trong 10 tổng của huyện Gia Lâm. Tổng Kim Sơn gồm 13 xã, thôn trong đó có: Giao Tất, Giao Tự, Kim Sơn và Linh Quy. Làng Kim Sơn có tên Nôm là làng Then cùng với 3 thôn (làng) khác là Giao Tất (làng Keo), Giao Tự (làng Chè) và Linh Quy (làng Vụi).
Theo như các cụ trong làng kể lại, chùa Báo Ân Trùng Nghiêm còn có tên Nôm là “chùa Keo” bởi xưa kia làng có nghề truyền thống nấu keo da trâu và nghề làm sơn gỗ, đặc biệt là sơn son thếp vàng, nên dân làng thường gọi là làng Keo, khi dân làng xây chùa lấy tên là chùa Keo. Lại có tài liệu khác nói rằng trước kia thôn Giao Tự và thôn Giao Tất hợp nhất và gắn bó với nhau như keo, nên tên chùa được gọi là chùa Keo. Chữ Giao trong tên tự của 2 làng được tìm thấy trong các văn bản chữ Hán là chữ 膠 (giao) có âm Nôm cũng đọc là Keo.
Như vậy, về vấn đề tên gọi có thể theo truyền khẩu, giai thoại, và yếu tố văn tự, về mặt ngữ và nghĩa ngẫu nhiên trùng lặp nhau giữa nghề làm keo, và âm Nôm của 2 chữ Giao mà thành làng Keo như ta gọi ngày nay.
Lịch sử và nhân vật được thờ
Chùa Keo thờ bà Pháp Vân là một trong tứ đại Phật Pháp (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi và Pháp Điện) thời xưa. Theo truyền thuyết và các cụ cao niên trong làng còn kể lại: xưa kia, nhân dân nơi đây cho tạc 4 pho tượng Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện xong thì còn thừa một khúc gỗ đem tạc tượng Pháp Vân nhỏ hơn. Các pho tượng được đưa về các chùa vùng Luy Lâu và đặt tên Nôm theo tên làng là: bà Dâu, bà Đậu, bà Tướng, bà Dàn. Pho tượng Pháp Vân nhỏ nhất được làng Keo rước về thờ ở chùa Keo, sau đó được gọi là tượng bà Keo.1
Như vậy, theo truyền thuyết dân gian chùa ra đời từ rất lâu đời cùng với sự xuất hiện của tín ngưỡng thờ Tứ Pháp: Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện có từ thế kỉ thứ II, thứ III.
Theo cuốn Lý Chiêu Hoàng, một đời sóng gió2 cho biết “…từ bao đời nay người dân làng Giao Tự (nay thuộc xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm, Hà Nội) còn truyền tụng rằng ngôi chùa Linh Tiên của làng mình, xưa kia chính là nơi Lý Chiêu Hoàng về tu hành một thời gian sau khi bị chồng là Trần Thái Tông (Trần Cảnh) giáng xuống làm công chúa.”
Theo đó, chùa Keo thời Lý – Trần có thể còn có tên khác là chùa Linh Tiên. Tuy nhiên, vấn đề này chúng tôi chưa có cơ sở để khẳng định hay phủ định, vậy nên xin được để ngỏ.
Văn bia Báo Ân Trùng Nghiêm tự bi ký còn ghi “… Bấy giờ có thấy chúa Nguyễn Văn Lâm, pháp hiệu Chân Quảng, người phủ Thuận An, xứ Kinh Bắc, huyện Gia Lâm cùng học trò là Thái vãi Lê Thị Kỵ hiệu Tứ Vinh, đem của nhà cúng vào việc trùng tu, lấy mình làm gương trước. Lại kính thấy bà Mai Thị Ngọc Tề trong nội cung chính phủ và ông Nguyễn Phúc Thọ, tự tạo điện làm nội phủ giám tổng thái giám chưởng giám sự… có công tạo phúc cho nước, phụng quản xã dân, từng qua chốn này mộ thiền vãng cảnh, đã xuất tiền bạc của cải cùng giúp vào việc hoàn thành. Đến năm Tân Hợi, niên hiệu Hoằng Định 12 tháng 10 ngày 19 khởi công phạt mộc. Sang tháng 12 đặt thượng lương, dựng cột Thiêu hương, nhà Tiền đường, hành lang bốn xung quanh. Bên trong có Tam quan, ngoài cửa có cầu. Tượng phật thì tô tạo 12 pho, các tòa đã hoàn thành.”
Cũng trong văn bia này, ở một đoạn khác có ghi “…Xét về chốn danh lam thì trong thiên hạ thì nơi nơi có cả. Song riêng xứ Kinh Bắc, phủ Thuận An, huyện Gia Lâm, xã Giao Tất, Giao Tự thì dấu vết xưa cũ còn chùa Báo Ân Trùng Nghiêm thật là đẹp một phong cảnh đất nước hữu tình. Núi sông vấn quanh tả hữu, thôn làng biêng biếc, hoa cỏ ánh tươi một vùng Nam Bắc, chùa ở trong đó. Mặt trước là đình của hai xã, bốn dân cầu phúc. Bên ngoài là đường thiên lý, bốn phương thông hành, xưa nay qua lại đường này. Lâu đài như cũ, cột mái còn đây.”
Tóm lại, hiện nay chưa biết văn tự nào có ghi lại niên đại chính xác thời gian khởi dựng chùa Keo, nhưng căn cứ vào những tư liệu văn bia còn lưu giữ tại chùa, đặc biệt là hai tấm bia Tu tạo thạch kiều nhị xứ bi niên đại Đoan Thái thứ 2 (1587) và tấm bia Báo Ân Trùng Nghiêm tự bi ký niên đại Hoằng Định 16 (1616), chúng ta có thể khẳng định chắc chắn ngôi chùa phải được dựng từ trước đó rất lâu, để đến khi đó mới hưng công tu tạo lại và dựng bia ghi lại việc sửa sang này.
Kiến trúc nghệ thuật
Theo các cụ cao niên và ghi chép văn bia, chùa Báo Ân Trùng Nghiêm có mặt bằng kiến trúc theo kiểu nội công ngoại quốc (国) có cầu đá dẫn lối vào Tam quan, Tiền đường, Thiêu hương, Hậu cung và hai dãy hành lang.
Theo văn bia Hưng công tập phúc nhị năm Kỷ Sửu (1709) còn ghi: “…có cầu gỗ lim 3 gian, dưới lát ván, trải đã lâu năm hư hỏng, tình trạng không được tiện lợi. Cho đến ngày tốt tháng 11 năm Mậu Tý (1708) thì đặt cột dựng xà, noi theo quy chế cũ, dựng thành cầu đá… để đường xá bớt nỗi gập ghềnh, để khách thông thương qua lại.”
Phía trước có bia hạ mã, qua Cầu Đá đến một Tam quan xây 3 cửa lớn với 2 tầng 8 mái cong, 2 bên Tam quan là hai bia trụ to trên có mái che. Qua Tam quan theo đường thần đạo dẫn tới Tiền đường, Thiêu hương, Hậu cung và hai dãy hành lang.
Tuy nhiên, trải qua thăng trầm lịch sử cùng với sự phá hoại của thiên tai, địch họa, những dấu tích kiến trúc xưa chùa Báo Ân Trùng Nghiêm bị phá hủy nghiêm trọng khiến cho diện mạo kiến trúc xưa không còn. Hiện nay, chùa được bao kín bằng hệ thống tường bao ngăn cách khuôn viên chùa với khu dân cư xung quanh. Theo trình tự từ ngoài vào trong các công trình kiến trúc của chùa Báo Ân Trùng Nghiêm hiện còn gồm những hạng mục công trình: Tam quan, Thượng điện, Tam bảo, nhà Tổ, nhà Mẫu và khu Vườn tháp.
Tam quan: hiện nay được xây dựng khá đơn giản mang phong cách thời Nguyễn với thiết kế gồm 3 cửa vòm được quét ve màu vàng: cửa lớn ở giữa và 2 cửa nhỏ hai bên. Cửa lớn được thiết kế hai tầng tám mái với đầu đao uốn cong, ngay phía dưới tầng mái là bức đại tự đắp nổi chữ Hán, mặt ngoài gồm 4 chữ 靈 門 最 廣 (Linh (bỏ 1 dấu cách) môn tối quảng), mặt trong gồm 4 chữ 慈 雲 遍 覆 (Từ vân biến phú). Tầng dưới được thiết kế uốn vòm, ngay phía trên đắp nổi hai chữ quốc ngữ: “Chùa Keo”.
Cổng nhỏ hai bên được xây liền với cổng lớn về hai phía trái, phải. Giống như cổng chính, cổng nhỏ được thiết kế hai tầng, tầng trên được đắp giả ngói ống, góc mái uốn cong, phía dưới trang trí chữ Thọ đắp nổi. Tầng dưới được trổ lối đi theo kiểu mái vòm.
Từ Tam quan vào khoảng 26m qua một khoảng sân, về phía bên phải đặt tượng A-di-đà chất liệu đá xanh ngọc nguyên khối cao khoảng 250cm (bao gồm cả bệ hoa sen) dựng trước dãy hàng cây dẫn vào chùa. Tượng được tạo trong tư thế ngồi kiết già trên đài sen, tay kết kiểu Thiền định thủ ấn (hai tay đặt trước lòng bụng, tay phải đặt lên trên tay trái, lòng bàn tay hướng lên trên, hai ngón cái chạm nhẹ). Tiếp tục theo con đường nhất chính đạo hướng vào phía trong từ Tam quan vào khoảng 600cm, ngay trước sân Thượng điện là sập đá xanh nguyên khối hình chữ nhật, xung quanh chạm khắc hoa văn mây lá, hoa cúc. Qua một khoảng sân có diện tích 300m2, bước lên 5 thềm bậc đá có lan can thềm bậc rồng hai bên là tòa Thượng điện.
Thượng điện: Có mặt bằng hình chữ nhất (一) chạy dọc theo chiều Bắc Nam được dựng trên nền cao vượt hơn mặt sân khoảng 70cm. Kiến trúc Thượng điện mang phong cách thời Nguyễn kiểu đầu hồi bít đốc, đầu đốc phía Bắc bịt kín, đầu đốc phía Nam mở cửa hướng về phía Tam quan. Thượng điện gồm 4 mái lợp ngói mũi hài, đầu đao uốn cong, đầu guột trang trí hoa văn dây lá hóa rồng. Hai đầu bờ nóc trang trí tượng con Kìm với phần đầu hình rồng, đuôi uốn cong.
Kết cấu bộ khung gỗ Thượng điện dựa trên 6 hàng chân cột, vì nóc kiểu chồng rường, vì nách kiểu ván mê không trang trí hoa văn. Các cột gỗ được đặt trên các chân tảng đá, những chân tảng ở vị trí cột cái và cột quân hiện nay là những chân tảng đá của kiến trúc chùa giai đoạn Lê Trung Hưng, tuy nhiên đường kính cột hiện nay nhỏ hơn so với đường kính cột xưa kia của chùa. Các cột hiên được đặt trên chân tảng đá mang phong cách thời Nguyễn. Theo quan sát, một số cột hiện nay lại chính là các cột đá hình bát giác của thời kỳ trước, trên đó có thể khắc chữ Hán (có thể là các câu kinh, bài kệ) nhưng hiện nay đã bị mài mòn khó nhận ra. Bốn mặt của Thượng điện được quây cửa bức bàn và cửa thượng song hạ bản. Nền Thương điện lát gạch Bát Tràng tạo cho không gian thờ cảm giác mát mẻ vào mùa hè, ấm vào mùa đông và đặc biệt không có rêu mốc và đổ mồ hôi vào những ngày nồm ẩm.
Thượng điện thiết kế gồm 5 gian 6 hàng cột, khoảng cách bước gian tính từ tim cột là 265cm, khoảng cách giữa hai hàng cột cái là 325cm, khoảng cách giữa hàng cột cái và cột quân là 170cm, khoảng cách giữa hàng cột quân và cột hiên 95cm. Thượng điện chùa Báo Ân Trùng Nghiêm có cửa mở ở đầu hồi phía Nam nhìn ra phía Tam quan (đây là một điểm tương đối ít gặp trong kiến trúc truyền thống, trường hợp này có gặp ở một số ít di tích như đình làng Yên Phụ, đình Kiều Mai). Gian Thượng điện hiện nay được phân thành hai khu vực thờ tự: khu vực Tiền đường và Hậu cung.
Tiền đường nhà Thượng điện: Gồm ba gian đầu hồi phía Nam của tòa Thượng điện, ở gian ngoài cùng bên trên có bức đại tự bằng gỗ chạm chữ Hán 报 恩 重 嚴 寺 (Báo Ân Trùng Nghiêm tự) ở cả hai mặt trong, ngoài. Gian thứ hai, trước khu vực đặt tượng thờ có bức cửa võng sơn son thếp vàng chạm lộng kết hợp với chạm kênh bong đề tài cửu long và mây lá. Dưới vì nóc của gian thứ 3 giáp hậu cung có bức cốn gỗ trang trí hoa văn. Phía trên là băng hoa văn nhỏ chạm khắc đề tài long phượng chầu mặt trời kết hợp với hoa văn mây lá, phía dưới là mảng trang trí lớn được sơn vàng đỏ đôi phượng chầu mặt trời.
Bên dưới, đầu tiên là bệ hành lễ hình chữ nhật, hai bên trái phải bày bộ bát bửu, chính giữa đặt bàn để kinh sách, phía bên phải là mõ gỗ, bên trái là chuông gia trì. Sau bệ hành lễ có đặt các lớp tượng: tượng Ngọc Hoàng, hai bên là tượng Nam Tào, Bắc Đẩu,…
Từ khu vực Tiền đường, bước qua xà ngưỡng vào đến khu vực Hậu cung.
Hậu cung nhà Thượng điện: chính là hai gian cuối của tòa Thượng điện. Hậu cung ngăn cách với khu vực bên ngoài bằng hệ thống cửa thượng song hạ bản ở gian giữa, hai bên có mở cửa nhỏ để đi lại khi hành lễ. Mặt sau Hậu cung bịt kín bằng ván gỗ, phía mặt trong, bên trên có bức đại tự gỗ khắc chữ Hán 报 恩 重 嚴 寺 (Báo Ân Trùng Nghiêm tự). Phía trước gian giữa hậu cung có trang trí cửa võng chạm lộng kết hợp với chạm kênh bong hoa văn hoa cúc, dây lá. Bên trên treo hoành phi, câu đối.
Chính giữa Hậu cung đặt tượng Pháp Vân cao khoảng 100cm. Tượng tạo trong thế kiết già3 trên đài sen 4 tầng, cánh sen tạo tác dạng cánh đơn, xếp xen kẽ, dáng mập. Tạo hình tượng với khuôn mặt của người phụ nữ trẻ, thanh thoát, nốt ruồi lớn ở giữa trán. Trên đầu có các cụm tóc xoắn ốc, nhục kháo hơi nhô, mắt nhìn xuống, sống mũi cao, ấn đường rộng, dấy tai dầy chảy dài. Tượng có cổ cao ba ngấn, mặc váy dài để lộ lòng bàn chân phải, thắt dải ngang bụng. Hai tay để trần dơ ra phía trước, cánh tay trái thả lỏng xuống dọc theo cơ thể, lòng bàn tay mở ra phía trước, những ngón tay duỗi ra. Tay phải cong ở khuỷu tay, lòng bàn tay hướng ra ngoài. Cách để tay của tượng Pháp Vân rất giống với cách kết ấn Thí nguyện thủ ấn4 trong nhà Phật. Toàn bộ khối tượng Pháp Vân lại được đặt trên một đế gỗ vuông khác, mặt trước đế có khắc chữ Hán 报 恩 重 嚴 寺 (Báo Ân Trùng Nghiêm tự).
Bên trái tượng Pháp Vân đặt tượng Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn. Tượng được tạo tác trong tư thế thiền định, gồm 18 đôi tay, trong đó có 2 đôi tay ở phía trước (hai tay ngang trước ngực kết ấn liên hoa5, hai tay phía dưới thủ ấn tam muội6), các cánh tay khác tỏa đều sang hai bên. Tính từ tượng Phật nhỏ A-di-đà đặt trên đỉnh xuống đến phần cổ, tượng gồm bốn tầng mặt được tạo tác 3 chiều với 11 khuôn mặt, đầu đội mũ.
Gian bên phải Hậu cung đặt một tượng Pháp Vân khác, tượng này tạo tác giống tượng Pháp Vân đặt ở gian giữa chỉ nhỏ hơn về kích thước và có màu sắc đậm hơn.
Nằm ở vị trí thấp hơn 80cm so với nền thượng điện về hai phía Đông Tây là hai dãy nhà Tả vu, Hữu vu.
Nhà Tả vu, Hữu vu: Có mặt bằng dạng chữ nhất (一) nằm ở phía Đông, và phía Tây, song song với tòa Thượng điện. Kiến trúc nhà Tả vu, Hữu vu xây theo kiểu tường hồi bít đốc gồm 7 gian 1 dĩ ở phía Bắc, hai hàng cột. Mái lợp ngói mũi hài, vì nóc làm theo kiểu giá chiêng – chồng rường con nhị. Nền nhà Tả vu, Hữu vu lát gạch cổ Bát Tràng. Hai dãy nhà tả vu, hữu vu đặt tượng Thập bát La hán, tượng Đức ông, Địa tạng Bồ tát, hai vị hộ pháp Khuyến thiện và Trừng ác.
Qua nhà Thượng điện một khoảng sân lát gạch Bát Tràng có đặt lư hương và cây đèn đá để đến tòa Tam bảo. Tòa Tam bảo được xây dựng chạy ngang theo chiều Đông Tây vuông góc với tòa Thượng điện.
Tam bảo: Tòa Tam bảo cũ đã bị phá hủy trong kháng chiến chống Pháp. Tòa Tam bảo hiện nay được khởi công xây dựng vào ngày 23 tháng 3 năm 2006. Kết cấu kiến trúc tòa Tam bảo được làm bằng vật liệu hiện đại. Mặt bằng kiến trúc tòa Tam bảo theo kiểu chữ đinh (丁).
Tiền đường tòa Tam bảo: được thiết kế theo kiểu đầu hồi bít đốc gồm 7 gian, 4 hàng cột, bờ nóc trang trí dải hoa chanh, hai đầu góc mái trang trí con Kìm có hình đầu rồng ngậm vào bờ nóc, đuôi uốn cong tròn. Chính giữa gian Tiền đường của tòa Tam bảo đặt tượng Quan Âm Chuẩn Đề. Tượng được tạo trong tư thế ngồi kiết già trên đài sen, đầu đội mũ Tỳ lư. Tượng có 14 đôi tay, chia đều hai bên, trong đó có hai đôi tay đặt phía trước (một đôi tay giơ ngang trước ngực, kết ấn chuẩn đề, đôi tay còn lại để dưới bụng kết ấn tam muội).
Hai gian bên đặt hai tượng hộ pháp: tượng Khuyến thiện trong thế cưỡi voi trắng, tượng Trừng ác cưỡi sư tử xanh.
Bên trái tượng Khuyến thiện đặt tượng Đức ông. Tượng có dáng hình quan văn, đầu đội mũ cánh chuồn, mặt đỏ, râu đen, mắt mở to, nét mặt nghiêm nghị. Tượng được tạo trong thế ngồi thả chân. Đối diện phía bên kia, ở bên phải tượng Trừng ác có đặt tượng đức Thánh hiền. Đức Thánh hiền đầu đội mũ hoa sen, tay phải bắt ấn cát tường, tay trái để trên đùi, hai bên có hai thị giả.
Gian đầu hồi ở hai bên đặt tượng Phật Di-lặc. Tượng được tạo tác trong tư thế ngồi, chân phải co lên, chân trái xếp bằng, thân hình mập mạp, bụng phệ, đi chân trần, khuôn mặt nở nụ cười rạng rỡ. Phật Di Lặc có tay phải cầm tràng hạt, đặt lên đầu gối phải, tay trái đặt lên đầu gối trái, lòng bàn tay ngửa hướng lên trên cầm đĩnh vàng, đĩnh bạc.
Phần đầu hồi phía Tây có đặt ban thờ Địa Tạng Bồ Tát. Ban thờ vong có phần lưng dựa vào tường hồi, mặt hướng về phía Đông, bên trên có đặt tượng Địa Tạng Bồ Tát và di ảnh của những người đã mất do các gia đình có người thân đã mất gửi lên chùa.
Hậu cung tòa Tam bảo: đây là phần nối dài phía sau Tiền đường của nhà Tam bảo. Mái lợp ngói mũi hài, bờ nóc và bờ dải trang trí dải hoa chanh, góc mái, đầu bờ dải và giữa bờ dải có xây trụ vuông bên trên đắp hoa văn cách điệu theo kiểu tứ linh. Hậu cung tòa Tam bảo chùa Báo Ân Trùng Nghiêm tương đối đặc biệt bởi phía trên nóc mái có xây tháp. Phần chân tháp có mặt bằng hình vuông, kết cấu gồm hai phần: phần đế rộng xây đặt trực tiếp lên nóc mái và phần đế nhỏ hình vuông ở trên. Phần đế rộng xung quanh có lan can trang trí hoa văn dây lá. Ở hai mặt Đông, Tây trang trí họa tiết hoa văn hổ phù ở chính giữa. Tháp phía trên gồm 5 mặt, xây ba tầng giật cấp thu nhỏ lên trên. Đỉnh tháp có đặt bình nước cam lộ. Các đầu góc cạnh của mặt tháp được trang hoa dây cách điệu, các mặt tháp có đắp nổi các ô chữ Hán và biểu tượng nhà Phật.
Trong hậu cung tòa Tam bảo bố trí 5 lớp tượng, theo thứ tự từ trên xuống các tượng được bố trí như sau:
- Ở vị trí cao nhất, giáp với tường sau hậu cung đặt bộ Tam thế Phật. Các vị được tạc giống hệt nhau trong tư thế ngồi kiết già.
- Lớp thứ hai: là bộ Di đà tam tôn gồm 3 tượng: Phật A-di-đà ở giữa, Đại Thế Chí bồ tát bên phải, Quan Thế Âm bồ tát bên trái.
- Lớp thứ ba: đặt tượng Thích Ca Mâu Ni, hai bên phải là tượng A Nan, bên trái đặt tượng Ca Diếp.
- Lớp thứ tư: chính giữa là bộ Cửu Long, hai bên là Văn Thù bồ tát và Phổ Hiền bồ tát.
- Hai bên trái, phải gian thờ tòa Tam bảo đặt bộ tượng Thập Điện Diêm Vương, mỗi bên 5 vị ngồi quay vào giữa.
- Hai gian bên Hậu cung tòa Tam bảo đặt tượng Quan Âm Tọa sơn và Quan Âm Tống Tử.
Ngay phía bên trái hậu cung tòa Tam bảo có dựng một phương đình lợp mái tôn theo kiểu 2 tầng tám mái. Bên trong treo quả chuông 报 恩 重 嚴 古 寺 (Báo Ân Trùng Nghiêm Cổ tự), chuông được đúc vào mùa xuân năm Quý Tỵ (2013).
Sau Tam bảo, qua một khoảng sân lát gạch đỏ để đến khu nhà tổ.
Nhà Tổ: hay Phụng Tổ đường “奉祖堂” được xây dựng trong những năm gần đây. Kiến trúc nhà Tổ có mặt bằng dạng chữ đinh (丁) gồm 5 gian, 4 hàng cột. Mái lợp ngói mũi hài, bờ nóc trang trí dải hoa văn hoa chanh, hai đầu nóc trang trí tượng con Kìm có đầu hóa rồng, đuôi uốn cong. Tiền đường nhà Tổ có treo chuông đồng (bên phải) và khánh đồng (bên trái). Hậu cung nhà tổ đặt tượng và ảnh thờ các vị tổ sư trụ trì trước đây. Trong những năm gần đây có xây thêm một khu nhà phụ trợ khác nằm song song dựa lưng vào khu nhà tổ này, cửa quay về hướng Bắc.
Nhà Mẫu: Nằm ở phía bên phải tòa Tam bảo. Nhà Mẫu có mặt bằng kiến trúc dạng chữ nhất (一) gồm 5 gian, 4 hàng cột. Mái lợp ngói mũi hài, bờ nóc trang trí dải hoa văn hoa chanh, hai đầu nóc trang trí hồi long. Chính giữa mái đắp tượng hổ phù đang nâng quầng lửa. Hai gian nhà Mẫu đầu phía Nam dùng để tiếp khách, ba gian còn lại là nơi đặt ban thờ Mẫu. Chính giữa, ở lớp đầu tiên đặt tượng tam tòa thánh Mẫu, kế đến là tượng Ngũ vị Tôn ông và cuối cùng là tượng Tứ phủ ông Hoàng.
Bên phải ban thờ Tam tòa thánh mẫu là Động Sơn Trang, phía trong có tượng Chúa Sơn Trang (hiện thân của Mẫu Thượng Ngàn), phía ngoài là tượng nhỏ của 12 cô Sơn trang theo hầu.
Bên trái ban thờ Tam tòa thánh mẫu có đặt tượng đức thánh Trần (Trần Hưng Đạo) phía trước, tường phía sau vẽ tranh tái hiện lại trận Bạch Đằng (1288) do Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Vương chỉ huy đánh bại quân Nguyên Mông.
Vườn tháp: Trong khuôn viên của chùa Báo Ân Trùng Nghiêm hiện đang lưu giữ 9 tòa tháp trong đó có một tòa nằm ngay chính giữa, phía trước nhà tổ và 8 tháp nằm ở khu vườn tháp phía bên phải tòa Tam bảo. Trong hệ thống 9 tháp đang có ở chùa có một tháp cao một tầng và 8 tháp hai tầng. Các tháp xây bằng gạch đỏ có bình diện hình vuông theo lối càng lên cao càng thu nhỏ.
Bên cạnh các công trình kiến trúc như đã trình bày ở trên, trong khuôn viên chùa Keo còn có khu nhà thư viện gồm 7 gian nằm liền kề với nhà Mẫu chạy dọc theo chiều Bắc – Nam để lưu giữ kinh sách và các ấn phẩm Phật giáo. Kế tiếp là 6 gian nhà tịnh xá là nơi nghỉ ngơi của sư, tăng trong chùa. Ngoài ra, ở khu Đông Bắc còn có dãy nhà bếp để phục vụ sinh hoạt hàng ngày của sư, tăng và các công việc của chùa vào các ngày lễ. Bên phải nhà Thượng điện còn có ao hình chữ nhật và sân vườn tạo nên cảnh quan tổng thể của bản tự.
Lễ hội
Lễ hội chùa Keo trước kia được diễn ra trong 3 ngày, bắt đầu từ ngày mùng 6 tháng 4 âm lịch. Chùa Keo nằm trên đất thôn Giao Tự “chùa Giao Tất, đất Giao Tự” nên khi lễ hội diễn ra có sự tham gia của dân làng hai thôn Giao Tất và Giao Tự. Tuy nhiên, theo lệ xưa thì thôn Giao Tự chỉ được tham dự lễ hội nhưng tuyệt đối không được tham gia vào đoàn rước kiệu.
Hệ thống di vật
Trải qua những biến động của lịch sử chùa Báo Ân Trùng Nghiêm đã không còn được diện mạo như ban đầu. Các công trình kiến trúc hiện đang tồn tại đều mang dấu ấn của những lần trùng tu tôn tạo của giai đoạn về sau. Dấu tích của ngôi cổ tự nay chỉ là hệ thống các bia đá cổ, các bức tượng thờ, một số đôi câu đối, cột đá, các chân tảng đá, chuông đồng và khánh đồng.
Hệ thống tượng: Hiện trong chùa lưu giữ một số bức tượng thờ của giai đoạn Lê Trung Hưng: tượng bà Pháp Vân, tượng Trừng Ác, tượng Quan Âm tọa sơn và một số pho tượng đặt trong hậu cung nhà Tổ, nhà Hữu vu.
Hệ thống hoành phi, câu đối: Hiện trong chùa còn lưu giữ 24 bức hoành phi, 16 bộ câu đối sơn son thếp vàng ghi lại huyền tích của bà Pháp Vân. Đặc biệt có 4 đôi câu đối của thời kỳ trước treo bên ngoài ở đầu hồi phía Nam và phía Bắc của tòa Thượng điện.
Hệ thống bia đá: Hiện nay, trong chùa đang lưu giữ tấm bia đá của các thời Lê trung hưng, thời Nguyễn nói về quá trình trùng tu chùa và cầu đá… Trong tổng số 6 bia có: 2 bia có chữ khắc chữ hai mặt, 2 bia có chữ khắc một mặt, 1 bia có chữ khắc 4 mặt và 1 bia gắn vào tường tháp.
Chuông đồng: Hiện trong nhà tổ còn lưu giữ một quả chuông đồng được đúc vào năm Cảnh Thịnh 2 (1794). Quả chuông có kích thước cao 114cm, đường kính miệng 55cm. Quai chuông được tạo từ một con rồng uốn khúc gắn vào thân chuông. Phần thân chuông, chia thành 4 múi, trên có khắc chữ Hán.
Khánh đồng: Khánh đồng đúc ngày 24 tháng 2 năm Kỷ Hợi, niên hiệu Minh Mệnh 10 (1829).
Sắc phong: Chùa hiện đang lưu giữ 01 đạo sắc phong niên hiệu Khải Định cửu niên (1924) có phong cho bà Pháp Vân là Thượng đẳng thần, linh phù dục bảo trung hưng.
Ngoài ra, trong chùa còn lưu giữ một cuốn sách bằng chữ Hán 事 跡 重嚴 寺 (Sự tích Trùng Nghiêm tự), đây là bản chép lại thời Việt Nam Dân chủ cộng hòa ghi lại sự tích của chùa.
Kết luận
Chùa Báo Ân Trùng Nghiêm là một trong những ngôi cổ tự ghi dấu sự du nhập, dung hòa giữa Phật giáo với tín ngưỡng bản địa thờ các hiện tượng tự nhiên (mây, mưa, sấm, chớp) liên quan trực tiếp đến nền nông nghiệp lúa nước. Trải qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa vào các năm: Diên Thành thứ 4 (1581), Hoằng Định 12 (1612), Hoằng Định 16 (1616), năm Vĩnh Thịnh 5 (1709),… diện mạo quy mô kiến trúc chùa đã có nhiều đổi thay, nhiều hạng mục công trình kiến trúc đã bị phá hủy đến nay chúng ta chỉ biết được qua sử liệu văn bia. Quần thể công trình kiến trúc hiện nay của chùa Keo mang đậm dấu ấn của các đợt trùng tu, sửa chữa vào thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII, XVIII) và thời Nguyễn (thế kỷ XIX, XX). Chùa hiện còn lưu giữ được nhiều tượng thờ, bia đá, chuông đồng, khánh đồng và hệ thống các câu đối, hoành phi ghi lại sự tích, công lao của bà Pháp Vân và những người có công trong việc trùng tu, sửa sang, mở rộng chùa qua các triều đại phong kiến.
Trong quá trình khảo cứu chùa Keo, chúng tôi đã cố gắng luận giải, khảo tả chi tiết từ tên gọi, mặt bằng kiến trúc của chùa trên cơ sở những ghi chép sử liệu, những cứ liệu văn bia và tham khảo cả những thần tích, thần phả, những truyền thuyết lưu truyền trong dân gian. Tuy nhiên, do nhiều nhân tố chủ quan và khách quan mà một số vấn đề liên quan đến chùa Keo còn chưa được giải quyết thấu đáo. Như về niên đại chính xác khởi dựng chùa, ai là người khai sơn bản tự, có hay không sự liên quan giữa chùa Keo và bà Lý Chiêu Hoàng vào thế kỷ XIII. Ngôi chùa Linh Tiên thời Lý – Trần có phải chính là chùa Báo Ân Trùng Nghiêm (chùa Keo) sau này hay không cũng đang là câu hỏi lớn cần lời giải đáp? Diện mạo mặt bằng kiến trúc chùa Keo giai đoạn Lý – Trần như thế nào đến nay chưa rõ, dấu vết các công trình kiến trúc thời Lê Trung Hưng (vị trí bia hạ mã và hai nhà bia hai bên Tam quan; vị trí, kiến trúc cây cầu đá, quy mô và hướng tòa Thượng điện…) hiện còn có những điểm hoài nghi cần tiếp tục làm sáng tỏ. Một số cột đá có khắc chữ Hán hình bát giác hiện đang sử dụng là cột hiên của gian thượng điện trước kia là gì, thuộc về công trình kiến trúc nào cũng cần tiếp tục nghiên cứu…
Hy vọng rằng, các tư liệu khảo cứu mà bài viết đưa ra góp phần gợi mở những vấn đề để các nhà nghiên cứu tiếp tục có những luận bàn, kiến giải khoa học giúp độc giả có được cái nhìn bao quát, thấu đáo hơn về chùa Keo – một trong những danh lam cổ tự của đất Kinh Bắc xưa.
Chú thích
- Xem thêm truyền thuyết về Phật Pháp Vân ở bài Phật Pháp Vân tại chùa Keo, từ trang 15 đến trang 18.
- Lê Thái Dũng, Lý Chiêu Hoàng, một đời sóng gió (2010), Nxb Văn học, Hà Nội, tr.26.
- Tư thế kiết già (hay còn gọi là tư thế hoa sen): bàn chân phải đặt lên đùi trái, gót chân ép sát bụng, lòng bàn chân ngửa lên trời. Bàn chân trái đặt lên đùi phải, gót chân ép sát bụng, lòng bàn chân ngửa lên trời.
- Thí nguyện thủ ấn: Cánh tay phải ở tư thế thả lỏng xuống dọc theo cơ thể, lòng bàn tay mở ra phía trước, những ngón tay duỗi ra. Còn cánh tay tay trái cong ở khuỷu tay, bàn tay hướng về phía người nhìn. Thủ ấn này biểu thị sự dâng hiến, chào đón, từ thiện, cho đi, từ bi và chân thành.
- Ấn liên hoa: Hai bàn tay chấp lại giữa rỗng như búp sen, để trước ngực.
- Ấn Tam muôi: Các ngón tay nằm chồng lên nhau theo thứ tự xen kẽ, hai ngón tay cái chạm vào nhau. Lòng bàn tay ngửa trên 2 bắp đùi gần đầu gối.
Tài liệu tham khảo
- Trần Lâm Biền (2020), Chùa Việt vài nét cơ bản, Nxb Đại học Quốc Gia Hà Nội.
- Lê Thái Dũng (2010), Lý Chiêu Hoàng, một đời sóng gió, Nxb Văn học.
- Phạm Mai Hải Phượng (2023), Lễ hội làng Keo ở xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội, luận văn Thạc sĩ.
- Ngô Đức Thịnh (2016), Tín ngưỡng của các dân tộc Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội.
- Đinh Khắc Thuân (2016), Văn khắc Hán Nôm thời Mạc, Nxb Khoa học Xã hội.
- Phan Cẩm Thượng (2002), Chùa Dâu và nghệ thuật tứ pháp, Nxb Mỹ thuật.
- Tạ Chí Đại Trường (2006), Thần người và đất Việt, Nxb Văn hóa Thông tin.
- UBND huyện Gia Lâm (2010), Di tích lịch sử văn hóa cách mạng kháng chiến huyện Gia Lâm.
- Viện Bảo tồn Di tích (2017), Kiến trúc chùa Việt Nam qua tư liệu Viện bảo tồn di tích, Nxb Văn hóa Dân tộc.