Tên gọi
Di Lặc (phiên âm tiếng Phạn: sa. maitreya, pi. metteyya), dịch nghĩa là Từ Thị (慈氏). Theo sử sách ghi lại, tên tiếng Phạn của Ngài là Maitreya, dịch âm là Di-lặc, dịch nghĩa là Từ Thị. Chữ “Thị” ở đây là họ, còn chữ “Từ” chỉ cho lòng từ, bi, hỷ, xả của Ngài. Cũng có thuyết khác gọi Đức Phật Di Lặc là Vô Năng Thắng, phiên âm A Phật Đa, là một vị Phật trong quan niệm Phật Giáo.
Phật Di Lặc còn được biết đến qua những tên gọi khác như Phật cười, Phật bụng bự, Phật mập. Rất nhiều người tin rằng đặt Phật Di Lặc trong nhà sẽ mang đến niềm vui, sự hạnh phúc.
Ngoại hình
Hình tượng Đức Phật Di Lặc rất đặc biệt, không giống với các vị Phật và Bồ Tát khác. Tướng mạo tượng Phật Di Lặc ngày nay được miêu tả với hình ảnh cơ thể khỏe mạnh, mập mạp, áo mặc hở bụng căng tròn phô cả rốn, đi chân đất. Tính tình Phật Di Lặc cũng được miêu tả kỳ lạ không kém so với thân hình, nói năng vô định, thích ngủ ở đâu thì ngủ.
Điểm đặc biệt nhất mỗi khi nhìn vào tượng Phật Di Lặc đó chính là nụ cười hoan hỉ bất diệt, là tấm lòng bao dung độ lượng không bờ bến. Tướng nụ cười của Phật cho người nhìn cảm giác vô lượng từ tâm, thanh thản nhẹ nhàng.
Tướng lỗ tai dài biểu thị sự từ ái, lỗ tai biết lắng nghe ai khen cũng cười, ai chê cũng cười chằng phật lòng ai. Tướng bụng tròn thể hiện lòng từ bi rộng lớn sẽ chứa hết mọi chuyện buồn thế gian.
Nguồn gốc
Theo truyền thuyết thì Phật Di Lặc được xem là vị phật thứ năm trong Hiền kiếp để nối ngôi Phật Thích Ca Mâu Ni (bốn vị trước là: Đức Cấu Lưu Tôn, Đức Câu Na Hàm, Đức Ca Diếp, Đức Thích Ca Mâu Ni). Di Lặc cũng là vị Bồ tát cuối cùng xuất hiện trên Trái Đất đã đạt được giác ngộ hoàn toàn, chứng ngộ thành Phật, giảng dạy Phật Pháp và giáo hóa chúng sinh.
Tại Trung Quốc, người ta tin rằng đó chính là hình ảnh của Bố Đại (tức là Hòa thượng Túi Vải), một Thiền Sư Trung Quốc ở thế kỷ thứ 10. Tương truyền, nhà sư có tướng người mập mạp, trán hẹp, bụng lớn, thường dùng một cây gậy, quẩy một túi vải để đựng những vật người cúng dường. Ông được khâm phục vì có tài tiên tri thời tiết nắng mưa. Trước khi viên tịch, Hòa Thượng nói bài kệ:
“Di Lặc, chân Di Lặc
Phân thân trăm nghìn ức
Thường hiện cho người đời
Người đời không ai biết”
Sau khi viên tịch, người dân vẫn thấy Bố Đại mang túi vải xuất hiện ở châu khác. Tin rằng ông chính là hóa thân của Di Lặc, người đời sau thường thể hiện hình ảnh Phật Di Lặc dưới dạng một Bố Đại mập tròn vui vẻ.
Ý nghĩa hình tượng Phật Di Lặc
Có nhiều người cho rằng hình tượng của Ngài hay gắn liền với tiền vàng phú quý. Tuy nhiên, trong phong thuỷ, tượng Phật Di Lặc mang nhiều ý nghĩa khác nhau.
Việt Nam hoặc các nước Châu Á có rất nhiều bức tượng Phật Di Lặc được tạc với hình dáng khác nhau, nhưng đa số nhiều nhất đó là tượng Di Lặc chơi với trẻ nhỏ (ngũ tặc, nhị tặc, tam tặc), tượng Di Lặc vác túi , tượng Di Lặc với sâu tiền, thỏi vàng, tượng Di Lặc vác cành đào, tượng Di Lặc ngồi gốc tùng, tượng Di Lặc với gậy như ý, tượng Di Lặc cá chép, tượng Di Lặc kéo bao tiền, tượng Di Lặc chúc phúc. Dưới đây là ý nghĩa của từng hình tượng:
- Tượng Phật Di Lặc với trẻ nhỏ ( tượng Di Lặc và ngũ tặc, nhị tặc, tam tặc): Nụ cười của Ngài luôn tươi cười và xung quanh Ngài là những trẻ nhỏ trông rất đáng yêu. Điều này cho thấy ước muốn của mọi người đó là có một cuộc sống con cháu đầy đàn và phúc lộc từ đó mà ra.
- Tượng Phật Di Lặc vác cái túi sau lưng: Các bạn biết không, trong cái túi mà Ngài hay vác sau lưng đó là những thứ mà Ngài khất thực được. Đó là biểu tượng của sự ấm no, của cải đầy đủ. Những thứ mà con người cần có trong cuộc sống.
- Tượng Phật Di Lặc với sâu tiền, thỏi vàng: Nhìn chung cũng có một số người thắc mắc sâu tiền, thỏi vàng hay đi kèm với Ngài biểu tượng cho cái gì hay chỉ để cho đẹp thôi. Các bạn ơi, những sâu tiền hay thỏi vàng là biểu tượng cho tài lộc và cuộc sống sung túc vật chất, sự nghiệp thăng tiến.
- Tượng Phật Di Lặc vác cành đào: Sẽ mang đến những điều tốt lành cho gia chủ, cây đào xum xuê được coi là kết tinh của ngũ hành giúp gia chủ tránh quỷ dữ.
- Tượng Phật Di Lặc ngồi gốc tùng : Cây tùng là một loại cây rất đặc biệt, có một sức sống dẻo dai. Mà Phật Di Lặc thường gắn liền với cây tùng mang ý nghĩa trường thọ, cũng như sự hiên ngang, kiên cường của bậc chính nhân quân tử.
- Tượng Di Lặc cá chép: Cá chép đó là “Vượt Vũ Môn ” hóa rồng chính là biểu tượng cho sự thành công, chiến thắng. Những người đang làm quan lộ, kinh doanh thì sẽ giúp cho công việc thuận lợi, thăng quan tiến chức.
- Tượng Di Lặc kéo bao tiền: Giúp gia tăng vận may tài lộc, nên bày tượng ở cung Đông Nam của phòng khách, phòng lễ tân hoặc toàn bộ ngôi nhà, mang lại tin vui cho gia đình.
- Tượng Di Lặc chúc phúc: Mang đến sự hạnh phúc, an nhàn, thành công trong công việc, gia đình và con cái khỏe mạnh và còn tạo nên sự trang trọng cho ngôi nhà của chủ.
Thờ phụng
Phật Di Lặc là vị Phật tương lai, được tôn thờ rộng rãi ở các chùa, miếu đình, phổ biến nhất tại Phật Giáo Bắc tông. Nhiều người có xu hướng thờ phụng Phật Di Lặc tại gia hoặc tại nơi làm việc. Tượng Phật Di Lặc cũng thường được đặt tại quầy lễ tân của các nhà hàng, khách sạn với mong muốn làm ăn phát đạt, giàu sang phú quý.
Tham khảo
- Di-lặc, Wikipedia, https://vi.wikipedia.org/wiki/Di-l%E1%BA%B7c
- Lịch sử hình tượng Đức Phật Di-lặc, https://phatgiao.org.vn/lich-su-hinh-tuong-duc-phat-di-lac-d37633.html
- Phật Di Lặc là ai trong kinh điển Phật Giáo, https://phatgiao.org.vn/phat-di-lac-la-ai-trong-kinh-dien-phat-giao-d43494.html
- Phật Di Lặc, biểu tượng tuyệt đối của hạnh phúc, https://vnexpress.net/phat-di-lac-bieu-tuong-tuyet-doi-cua-hanh-phuc-2423706.html
- Tượng phật Di Lặc có ý nghĩa gì?, https://sites.google.com/site/blogtuongdilac/tuong-phat-di-lac-co-y-nghia-gi
- TÌM HIỂU NGUỒN GỐC PHẬT DI LẶC, Ý NGHĨA CÁC BIỂU TƯỢNG PHONG THUỶ ĐI CÙNG TƯỢNG GỖ PHẬT DI LẶC, https://goanphat.com/tim-hieu-nguon-goc-phat-di-lac-y-nghia-cac-bieu-tuong-phong-thuy-di-cung-tuong-go-phat-di-lac
- Đức Phật Di Lặc là ai?, https://godinh.com/blog/go-inh-9/post/uc-phat-di-lac-la-ai-6