Chùa Keo (Báo Ân Trùng Nghiêm tự – Gia Lâm, Hà Nội)

Chùa Keo (Báo Ân Trùng Nghiêm tự – Gia Lâm, Hà Nội)

Thông tin cơ bản

Tên gọi và vị trí địa lý 

Chùa Keo tên chữ là Báo Ân Trùng Nghiêm tự, chùa toạ lạc tại Cổ Giao, huyện Long Biên, quận Giao Chỉ ngày nay là làng Keo, xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội. Ngày xưa là nơi gắn kết giữa hai thôn Giao Tất – Giao Tự, chùa nằm tại phần đất thôn Giao Tự nhưng thuộc thôn Giao Tất nên trong vùng hay có câu “Chùa Giao Tất, đất Giao Tự”.

Làng Keo xưa có nghề truyền thông nấu keo da trâu và nghề làm sơn gỗ, đặc biệt là sơn son thếp vàng, trụ trì chùa hiện nay là Đại đức Thích Quảng Thiện. 

Chùa thờ Bà Keo (Pháp Vân) bà là một trong tứ đại Phật pháp thời cổ ở Việt Nam gồm: thần Mưa (Pháp Vũ), thần Mây (Pháp Vân), thần Sấm (Pháp Lôi), thần Chớp (Pháp Điện), đây còn là nơi gắn liền với truyền thuyết về Bà Keo. 

Chùa Keo cách trung tâm thành phố Hà Nội 20km về hướng đông, theo lộ trình từ trung tâm thành phố sẽ đi qua địa bàn quận Long Biên và xã Phú Thị đến quốc lộ 17 nhìn về bên tay trái là chùa Keo hoặc qua sông Hồng sang Gia Lâm (6km) rẽ phải xuôi theo quốc lộ QL5 khoảng 9km lại rẽ trái vào quốc lộ QL17 rồi đi tiếp 5km thì đến chùa Keo. 

Hoặc theo đường sông nằm bên hữu ngạn sông Đuống, đi đến địa phận Phú Thị. Nếu đi xe buýt thì có 2 tuyến xe 52A và 204 để đi đến chùa Keo. 

Truyền thuyết Bà Keo (tứ đại Phật đất Luy Lâu)

Trước khi Thăng Long (Hà Nội) trở thành quốc đô của nước Đại Việt độc lập, thì Luy Lâu năm giữ vai trò là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá của nước ta. Đây là thủ phủ thống trị của phong kiến Trung Quốc tại Giao chỉ – Giao Châu, Luy Lâu ( Liên Lâu) là trị sở của thái thú Sĩ Nhiếp ở Giao Châu, đóng tại làng Lũng Khê, phủ Thuận Thành, nay thuộc các xã Thanh Khương, Trí Quả, Gia Đông thuộc huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. 

Theo truyền thuyết ở Luy Lâu có tạc 4 pho tượng Phật (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện), khi đến bước tô sơn cho tượng thì xảy ra hiện tượng kỳ lạ, khi thợ sơn tiến hành sơn tượng thì nước sơn không bám vào mà chảy đi mất rất nhiều thợ sơn đã bỏ cuộc. Cho đến một ngày, có một người thợ sơn ở làng Keo đến xin làm công việc này và sau đó hoàn thành công việc rất thuận lợi, dân làng rất vui mừng và ca ngợi người thợ sơn làng Keo, tiếp đó dân làng tổ chức làm lễ khánh thành rước Phật vào chùa thờ. 

Khi hoàn thành công việc tô tượng người thợ nhìn thấy một khúc gỗ dâu thừa nằm lăn lóc ở sân chùa, sau khi biết đó là khúc gỗ tạc 4 pho tượng còn thừa người thợ đã xin dân làng Luy Lâu được mang khúc gỗ về. Rất kỳ lạ bốn người làng Luy Lâu khiêng nhưng không khiêng nổi khúc gỗ đó nhưng đến khi hai người dân làng Keo thì lại khiêng một cách dễ dàng và khiêng về đến làng mình. Thấy chuyện lạ dân làng kéo nhau ra xem, rất vui mừng và bàn nhau dùng khúc gỗ đó tạc một pho tượng. 

Khi tạc xong ai cũng thấy pho tượng giống với pho tượng Pháp Vân ở chùa Dâu chỉ khác về kích thước là bé hơn một chút, người dân làng Keo đến Luy Lâu xin được đặt tên cho pho tượng này, nhà sư chùa Dâu đặt tên cho pho tượng là Pháp Vân Phật. Tuy vậy dân làng vẫn quen gọi là bà keo là vì nghĩ rằng bà là em út của 4 bà tứ đại Phật pháp đất Luy Lâu và tượng được tạc ở làng Keo nên đã lập thờ bà ở đó và gọi là chùa Keo. 

Lịch sử

Theo truyền thuyết ngôi chùa đã được xây dựng từ xa xưa, trải qua thiên nhiên và nhiều cuộc chiến tranh nên những di tích và sử liệu ghi chép lại về chùa Keo còn lại rất ít, hiện tại chùa keo còn lưu giữ lại được 5 tấm bia đá quý hiếm.

 Căn cứ vào những tấm bia quý hiếm còn lại đang được lưu giữ tại di tích nhất là tấm bia “Trùng Tu Báo Ân Trùng Nghiêm Tự bi Ký” có niên đại Hoằng Định 16 (1615), được dựng ở sân trước nhà Tiền đường, bên trong bia có nội dung ghi lại những lần trùng tu của chùa, như vậy theo suy đoán thì ngôi chùa phải có từ trước năm Hoằng Định, hiện chưa rõ chính xác chùa được xây dựng từ năm nào. Và khi trải qua thời gian chùa mới được trùng tu lại và tấm bia được khắc vào năm Hoằng Định. 

Luận văn thạc sĩ Việt Nam học của Phạm Mai Hải Phượng năm 2021 có nói rằng nguyên bản chữ Hán và bản dịch Quốc ngữ của Viện Hán Nôm do tiến sĩ Nguyễn Tá Nhí biên dịch năm 1987 viết lại “Sau khi Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh và sống với vua Trần đã nhiều năm mà đường con cái vẫn muộn màng, Lý Chiêu Hoàng liền xin với chồng được đi thăm thú phong cảnh, lễ Phật cầu Kinh ở nhiều nơi. Bấy giờ nghe nói ở Giao Tự trang có chùa Linh Tiêu Sơn thờ Phật rất linh ứng. Chiêu Hoàng liền đến thăm cảnh chùa và vào điện Phật cầu Kinh. Trước cửa Phật, Chiêu Hoàng liền xin cắt tóc đi tu, gìn giữ trai giới để mong được hưởng phúc trời”. Thông tin này do một vị Hàn lâm Đại học sĩ viết năm Hồng Phúc thứ nhất (1572), đây có thể là một thông tin quan trọng để có thể biết thêm về thông tin về lịch sử ra đời của ngôi chùa này. 

Do thời gian và các cuộc chiến tranh diễn ra đã khiến cho ngôi chùa bị hư hỏng vì vậy ngôi chùa đã có nhiều giai đoạn trùng tu, mỗi giai đoạn lại có một phong cách kiến trúc khác nhau và sau đó dựng lên bia trùng tu, ghi việc sửa sang chùa. 

Năm Tân Hợi, niên hiệu Hoằng Định 12 (1611) đã khởi công phạt mộc (đây là nghi lễ quan trọng khi xây dựng nhà gỗ truyền thống, trình báo với các vị thần linh, thổ địa, ông tổ nghề mộc trước khi xây dựng với ước muốn cầu mong sự may mắn, thuận lợi và suôn sẻ suốt trong quá trình làm nhà) để xây dựng toà thiêu hương, nhà Tiền đường, Hậu đường. 

Năm Giáp Dần (1614) đúc chuông đồng

Năm 1939 xây Tháp

Năm 1955 sửa nhà Tổ, điện Mẫu. 

Kiến trúc 

Trải qua nhiều năm lịch sử chùa Keo Chùa đã được trùng tu nhiều lần nên kiến trúc mang phong cách có cả từ thời nhà Lê, nhà Nguyễn nhiều kiến trúc do chiến tranh và thời gian nên đã không còn, tuy vậy cho đến hiện tại ngôi chùa đã được xây dựng thêm một số kiến trúc mới nhưng vẫn giữ được nét cổ kính trang nghiêm thời xưa. Ngoài ra chùa có tất cả 47 pho tượng Phật, trong đó có nhiều pho tượng mang phong cách nghệ thuật thế kỷ 17 – 18, tượng bà Keo là một tác phẩm nghệ thuật ở thế kỷ 18.

 Ngôi chùa kết hợp với quang cảnh rất đẹp gồm: sân vườn, cây cối, ao hồ, tháp, vườn tạo nên vẻ đẹp hữu tình. Kiến trúc tổng quan chùa Keo bao gồm: cổng tam quan, Tiền đường, toà hữu vu, tả vu, nhà mẫu, nhà tổ, nhà tăng, đình chuông, vườn tháp mộ. Xung quanh chùa được bao bọc bởi những bức tường bao được trang trí rất cầu kỳ hình hoa lá, chim muông, rồng phượng, ở giữa các bức tường có trổ cửa hình tròn, khắc chữ thọ. 

Cổng tam quan

Xưa kia trước cửa chùa là một cầu đá rồi đến cổng tam quan, nhưng ngày nay thì cầu đá không còn thay vào đó là con đường quốc lộ 17, trong sân phía bên tay phải cổng chùa có 1 tấm Bia đá 4 mặt hình trụ, nội dung ghi chép lại những người đã góp tiền công đức để cây cầu đá. Tấm bia được đặt dưới gốc cây bồ đề cao to và lâu đời. 

Cổng tam quan là một hình ảnh quen thuộc tại các công trình như đền, chùa, miếu, lăng mộ, đây là kiến trúc văn hóa lịch sử của Việt Nam, cổng chùa Keo được xây dựng kiểu nghi môn bằng gạch, thiết kế theo kiểu nghi môn 3 cửa, 3 lối đi gồm 1 cửa chính và 2 cửa phụ hai bên, cửa chính thường rộng và to hơn 2 bên cửa phụ. 

Cửa chính giữa xây vòm cong trên nóc xây thêm 2 tầng, tầng phía trên được gắn với trụ biển được đắp nổi 4 chữ hán: “Từ Vân Biến Phú” mái, phần hai bên cổng có 2 tạc câu đối. Tầng thứ 2 là nóc cổng được gắn mái giả được làm bằng xi măng, hai bên đầu đao được trạm hình lá uốn cong. 

Hai bên cửa phụ với diện tích nhỏ hơn, bên trên xây thêm 1 tầng hình vuông và được khắc chữ Hán, trên nóc cũng được đắp mái giả bằng xi măng. 

Mặt cổng nhìn từ ngoài vào sẽ thấy trên cổng có gắn nổi xi măng chữ “Chùa Keo”. Các cánh cửa được làm bằng sắt sơn màu nâu đỏ. 

Tượng Phật A-di-đà

Trong sân chùa đối diện với cổng có đặt bức tượng Phật A-di-đà được làm bằng thạch đá màu xanh, toạ trên bông hoa sen,  cách cổng khoảng 26m, tượng cao hơn 3m, được đặt trên một bệ đá hình vuông.

Trước tượng phật được đặt 2 cột đèn đắp bằng xi măng trang trí hoa văn rất cầu kỳ, trên nóc 2 cột đèn được gắn hình hồ lô, hai bên dãy trước tượng được trang trí bằng những chậu hoa sen. 

Tiền đường 

Tính từ cổng đi vào là cả khoảng sân rộng, lát gạch, trước nhà Tiền đường có một sập đá hình được chạm khắc hoa văn tỉ mỉ hoa lá, đây là nơi để du khách có thể chuẩn bị đồ lễ. Xung quanh có nhiều cây cối, các chậu hoa được trồng ở sân màu sắc rực rỡ. 

Hai cây đại được trồng hai bên phía trước nhà Tiền đường, đây là cây thường thấy ở các ngôi chùa, tạo cảm giác linh thiêng, mênh mang trong không gian của các kiến trúc tôn giáo cổ truyền. 

Tiền đường được xây trên nền cao hơn so với mặt sân khoảng 1m, tiếp đến là 5 bậc thang (ngũ cấp) từ dưới sân dẫn lên hiên nhà Tiền đường, 5 bậc làm bằng xi măng, hai bên thành bậc thanh có gắn 2 con Rồng đá miệng ngậm viên ngọc, Rồng từ rất lâu luôn được xem là linh vật thần thoại, trong kiến trúc cổ và kiến trúc tâm linh thường lấy hình tượng rồng để xây dựng tạo điểm nhấn cũng như thể hiện khía cạnh cổ kính, uy nghiêm, linh thiêng cho công trình.

Tiền đường là kiểu nhà 4 mái, ở chùa Keo rất đặc biệt khác với kiến trúc ở các ngôi chùa khác, hướng thờ của chùa Keo chính là phần đầu đốc được trổ mở và quay ra đối diện với cổng là hướng nam, còn trên tường phía đầu đốc có khắc chữ hán “Báo Ân Trùng Nghiêm Tự”, còn hướng kiến trúc thì lại là hướng quay ngang sang hướng Tây. Toà nhà có 4 mặt thì mở trống 3 mặt, mặt trong thì xây kín, kiểu nhà nhà này gọi là kiến trúc mở cửa đầu hồi ít gặp ở các ngôi chùa. 

Hướng tây gồm 5 gian ngang với 8 cột đá, 3 gian hướng nam với 2 cột đá, các cột đá còn được chạm khắc chữ Hán, các gian được làm hệ thống cửa bức bàn (cửa kín) trước và hai bên là hiên rộng khoảng 1m, ở 4 góc nhà là 4 cột gỗ chịu lực cho các đầu đao trên mái. Tất cả các kiến trúc của toà nhà đều được làm bằng gỗ. Phần mái nhà Tiền đường gồm 4 mái ngói đỏ mũi hài, phần đầu đốc nhà hướng ra cổng được làm 2 tầng mái ngói đỏ,  4 đầu đao đắp nổi hình lá bằng xi măng. 

Bên trong nhà Tiền đường kiến trúc theo kiểu chồng rường, có các cột cái ở giữa chịu lực liên kết với nhau tạo thành vì nóc đây được coi là nóc của kiến trúc, còn cột cái liên kết với các cột quân quanh nhà tạo thành những vì nách được gọi là kiểu ván mê. Bộ vì tòa thượng
điện làm kiều chồng giường, đầu các con giường điếm xuyết chút hoa có phong cách nghệ thuật của thế kỷ XVII. Phía trên nóc nhà gồm các kẻ truyền và đầu kẻ nối tiếp ra các cột hiên để chịu lực và đỡ mái ngói.

Khi từ ngoài bước vào đối diện cửa đầu hồi ta sẽ thấy có 2 bình lục bình cao khoảng gần 2m trang trí hoa văn rất đẹp, 2 cột cái chính giữa được treo 2 bức câu đối sơn thếp vàng,  ở bệ gạch ngồi làm lễ hai bên được đặt bộ dàn Bát bửu (8 cái) đây là 8 vũ khí quý của thời cổ được làm bằng gỗ, sơn thếp vàng. 

Phía trên ban thờ là cửa võng thờ được chạm lộng hình rồng lượn thành vòm cung nối giữa 2 cột cái với nhau, đây được coi là điểm nhấn kiến trúc thường sơn thếp vàng phủ hoàng kim rất lộng lẫy. 

Ở chính giữa trên ban thờ có đặt một hương án lớn chạm trổ rồng mây, trên các bệ cao theo 3 cấp bậc cao dần gồm các tượng: Đức Ông, Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu,  hệ thống tượng gồm cả những tượng mới và cũ ngày xưa nên không theo quy chuẩn thứ tự, các tượng được sơn thếp vàng.

 Phía trên nóc nhà được dựng một ván gỗ sơn nền đỏ, bên trong chạm hình 2 chim phượng chầu nhật sơn màu vàng rất nổi bật, tại toà này có những bức đại tự, câu đối gỗ với nội dung ca ngợi đề cao phật pháp, cảnh đẹp linh thiêng của ngôi chùa. 

Gian cuối cùng bên trong gian đầu đốc, gian phía sau các tượng phật đây là gian hậu cung là gian thờ bà Pháp Vân, gian hậu cung ngăn cách với gian bên ngoài bởi chiếc thềm bậc gỗ cao. Mỗi bên ngách được làm cửa ra vào diện tích nhỏ. 

Bên trong Hậu cung ở chính giữa tượng bà Pháp Vân (bà Keo) được đặt trên nền bậc cao gồm 4 bậc, bà ngồi khoanh chân trên đài sen nhiều cánh và trên một bệ gỗ hình chữ nhật, khuôn mặt trẻ, thanh thoát, tai chảy dài, tóc bụt ốc, lưng thẳng, ,ặt dài, trán vuông, sống mũi thẳng, mắt mở, mặc áo yếm la bào, dưới mặc váy dài thắt hầu bao, tay phải giơ ngang vai, tay trái ngửa lòng bàn tay và chúc xuống, tượng bà sơn đỏ. Ban thờ được trưng bày nhiều đồ thờ cúng quý, lục bình.

 Bên phải là tượng Quan âm nghìn mắt nghìn tay, trên nền gạch cao có bệ gỗ sơn thếp vàng trang trí vân hoa lá cao khoảng 40cm, trên bệ gỗ là tượng mặt quỷ với 4 tay giơ cao để bê đài sen của Quan âm, tượng Quan âm nghìn mắt nghìn tay sơn thếp vàng ngồi trên đài sen. Bên trái cũng là tượng bà Pháp Vân nhưng kích thước nhỏ hơn và có màu đỏ đậm hơn.

Kiến trúc bên trong toà hậu cung cũng được trang trí cửa võng chạm khắc hình chim, hoa lá sơn thếp vàng. Hai cột cái chính giữa treo 2 bức câu đối, phía trên treo bức hoành phi dạng cuốn thư có 3 chữ: “vọng như vân” có nghĩa là nhìn như mây, mây là cách gọi trong tứ pháp của bà Pháp Vân. Phía trên tượng còn treo hai lọng che màu vàng với ý nghĩa che tượng phật biểu tượng sự uy nghiêm cho ngôi chùa. 

Tả vu 

Tả vu nằm bên trái nhà Tiền đường, nền nhà thấp hơn so với nhà Tiền đường khoảng 1m và được lát bằng gạch Bát Tràng, bên trong thờ 9 vị La – hán, trong đó có tượng thờ thổ điện là người cai quản mảnh đất ở chùa. Hai bên bít đốc được trổ hình tròn hình bát quái. Tường bít đốc bên phải là tượng Vị Khuyến Thiện, vẻ mặt nhân từ đứng trên vệ cao, phía sau còn có những bức tượng cũ của giai đoạn trước. 

Kiến trúc nhà Tả vu gồm có 7 gian bao gồm 2 gian trái buồng nhỏ của hai bên hồi bít đốc, phía có 6 cột đá, phía sau có những cột gỗ đều là cột trụ chống đỡ cho toà nhà, phần mái xây theo kiến trúc chồng rường, giá chiêng các thanh rường chồng lên nhau để cùng đỡ cho hệ đòn tay giữ bộ mái. 

Trên khung gỗ đỡ mái còn có gác đòn kiệu thờ sơn màu đỏ, hai bên đầu kiệu có gắn hai đầu rồng sơn thếp vàng. 

Hữu vu 

Toà Hữu vu nằm bên phải của toà Tiền đường, kiến trúc cũng làm kiểu chồng rường giá chiêng như bên Tả vu, cũng có 9 vị la hán, gian buồng bên trái toà có 2 tượng Trừ Ác đứng trên bệ cao cầm đao và kiếm. Cạnh tường đầu đốc bên phải có đặt 2 tấm bia: 1 tấm bia có kích thước lớn có tên là“tu tạo thạch kiều nhị xứ bi”, 1 tấm bia bé hơn có tên là “Trùng Nghiêm tự bi ký”. 

Cả hai toà Tả/Hữu có tất cả 18 vị La Hán (Thập Bát La- Hán) gồm: Tọa Lộc La Hán, Khánh Hỷ La Hán, Cử Bát La Hán, Thác Tháp La Hán, Tĩnh Tọa La Hán, Quá Giang La Hán, Kị Tượng La Hán, Tiếu Sư La Hán, Khai Tâm La Hán, Thám Thủ La Hán, Trầm Tư La Hán, Oan Nhĩ La Hán, Bố Đại La Hán, Ba Tiêu La Hán, Trường Mi La Hán, Khán Môn La Hán, Hàng Long La Hán, Phục Hổ La Hán. 

La – Hán là đệ tử đắc đạo của Phật, được coi là chính quả có tu hành cao nhất trong Phật giáo, đã đoạn tuyệt được với thất tình lục dục, vĩnh viễn giải thoát khỏi luân hồi. Thập bát La Hán có thể coi là Vô Cực Quả hoặc Giải Vô Học Quả, biểu thị đã đạt tới cực điểm, sự giác ngộ đã đạt tới cảnh giới đắc đạo.

Tam bảo 

Cuối nhà Tiền đường sẽ nối liền với  một khoảng sân chờ có kích thước gần 20m lát gạch, còn từ dưới sân của hai dãy Tả vu và Hữu Vu sẽ phải đi lên 3 bậc thang mới đi lên khoảng sân chầu trước nhà Tam bảo. Ở giữa sân chờ có để một lư hương lớn được làm bằng đá trang trí hoạ tiết đầu rồng và hoa lá, hai bên là hai cây cột đèn cũng được chạm hoa văn đắp nổi. 

Tại mặt sau nhà Tiền đường có treo bảng thông tin, bên trong có lưu lại hình ảnh về kiến trúc cũ của tòa Tam Bảo thời xưa, sau đó đã được xây dựng lại tòa Tam bảo mới nhưng vẫn theo kiến trúc cũ, ngày khởi công là ngày 23 tháng 3 năm 2006, theo như các hình ảnh cũ của Tam bảo ngày xưa chỉ là ngôi nhà nhỏ hình vuông có 3 cổng ra vào hình vòm, bên trên có tháp chuông 6 tầng diện tích thu nhỏ dần phía trên. Do bị bom phá trong thời kỳ chống Pháp nên chỉ còn lại một phần của tháp chuông. 

Tòa Tam bảo hiện tại gồm tất cả 7 gian, 5 gian giữa mở cửa ra vào, ở hai bên gian đầu bít đốc xây tường gạch ở giữa trạm hình cửa sổ hình vuông đắp hoa văn bằng xi măng. Hai gian hai đầu bít đốc được nối với cột trụ vuông 4 cạnh, trên thân trụ được chạm chữ Hán nổi, nóc trụ gắn hình hoa lá. Phía cuối gian nhà vẫn giữ theo phong cách kiến trúc cũ là gồm gian nhỏ và có tháp chuông bên trên, chỉ xây thêm 7 gian nhà nằm ngang nối với một gian tháp chuông cũ, nhìn tổng thể kiến trúc hình chữ đinh. 

Để vào bên trong nhà Tiền đường sẽ phải bước lên 3 bậc lát gạch đỏ, các cửa ra vào được làm cửa bức bàn là một trong những kiểu cửa cổ truyền thống, mỗi gian gồm 4 cửa gỗ được nối với nhau bằng các cối quay có thể tháo rời từng cửa. 

Bên trong toà được xây dựng với kiến trúc giá chiêng với các cột cái ở giữa ngăn cách các gian với nhau, mỗi gian thờ đều được làm các bức cửa võng bằng gỗ hoa văn chạm trổ rất cầu kỳ hình rồng, chim phượng, hoa lá và sơn thếp vàng rất lộng lẫy, các bức hoành phi khắc chữ Hán được đóng khung trên cửa võng, trên ban thờ được bày biện nhiều vật phẩm trang trí thờ cúng tạo nên vẻ trang nghiêm và trang khang cho ngôi chùa. 

Tòa Tam bảo ở giữa là chính điện nơi thờ cúng chính, gian thờ quan trọng nhất của Tam bảo, trên cùng là tượng Tam Thế Phật, còn gọi là ứng hoá thân của phật, ngài đại diện cho quá khứ, hiện tại, tương lai. 

Hàng dưới là Phật A-di-đà có chữ vạn trước ngực, tượng Ngài đứng giữa, bên phải là Bồ tát Quán Thế Âm, bên trái Ngài là Bồ tát Đại Thế Chí, hai tượng này gọi là Tây Phương Tam Thánh, hai cận vệ của Phật A-di-đà  tiếp dẫn chúng sinh sang tây phương cực lạc. 

Dưới hàng Phật A-di-đà là Phật Thích Ca, hai bên là tượng A Nan và Ca Diếp, hàng dưới cùng là tượng Đại Chí, Văn Thù và Đại Hạnh, Phổ Hiền. Ngoài ra trên ban thờ chính còn có tượng Phật cửu Long. 

Đứng trước chính điện là hai tượng hai ông hộ pháp Trừng Ác và Khuyến Thiện mang biểu tượng ý nghĩa nhắc nhở mọi người sống tốt, thiện tâm, canh giữ Tam bảo. 

Bên trái của gian chính điện là tượng phật Quan Âm Tọa Sơn và 5 tượng Diêm Vương, bên phải cũng có 5 tượng Diêm Vương 10 tượng này gọi là Thập Điện Diêm Vương là các vị thần cai quản cõi chết và phán xét con người ở Địa ngục. 

Gian bên phải đầu đốc là gian thờ Đức Ông Già Lam – Chân Tể là người cai quản đất đai, gian bên trái là gian thờ Đức Thánh Hiền, tượng ngồi kế bên Đức Thánh Hiền là tượng phật Di Lặc Bồ Tát. Ban thờ đặt ở giữa đầu đốc là tượng Địa Tạng ngài cứu vớt chúng sinh nơi địa ngục, một tay cầm tích trượng để phá địa ngục, tay còn lại cầm viên minh châu để soi sáng địa ngục. 

Phần mái của Tam bảo được lợp mái ngói đỏ, nóc nhà được trang trí những họa tiết hoa văn nổi chạy ngang theo mái nhà. Hai bên góc mái nhà mỗi bên gắn hình con Makara đuôi cong lên trời, hai con quay hướng mặt vào nhau. Đường dọc mái được gắn hình tượng con nghê, có các trụ gắn hoa lá. Hai bên tường hồi bít đốc có trổ cửa sổ, bên trên cửa sổ có chạm vòng hình tròn bên trong vòng tròn có 2 con rồng và hình mây. 

Tháp Tam Phẩm 

Kiến trúc đặc biệt nhất của tòa Tam bảo đó là kiến trúc tháp Tam Phẩm đây là kiến trúc thời Nguyễn, phần trên của gian chính điện ở giữa toà nhà, tháp gồm 6 tầng, diện tích các tầng thu nhỏ dần, chóp tháp được gắn hình hồ lô. Các tầng của tháp được gắn hoạ tiết hoa lá, các viền của tháp được gắn hoạ tiết hồi văn, các góc cạnh của mặt tháp lại được gắn một hình lá uốn cong ra ngoài. Gian tháp chuông này là gian có kiến trúc trồi ra bên ngoài chứ không nằm bên trong của 7 gian ngang, ở gian chính điện này hai bên đều được làm cửa ra vào rất tiện. 

Đình chuông 

Phía sau tòa Tam bảo có một bệ gạch 2 bậc với mặt bằng hình vuông có mái che làm bằng tôn đỏ, trên nền gạch ở giữa có treo một chuông đồng cổ có 4 mặt chia làm 4 ô, cả 4 mặt đều có khắc chữ hán, ghép các chữ lại thành tên “ Báo Ân Trùng Nghiêm cổ tự”. Chuông được treo trên giá đỡ bằng gỗ sơn đỏ, đỉnh chuông là phần để gắn vào giá đỡ được tạo hình rồng uốn lượn. 

Chuông trụ hình tròn, lòng rỗng, gồm: miệng, thân, quai, miệng chuông loe, phần miệng và môi chuông được chạm khắc hoạ tiết tỉ mỉ hình lá đề, hình hoa chanh, thân gồm thân trên và thân dưới, thân chia làm 4 phần dọc, 2 phần ngang, các đường gờ nổi chạy xen kẽ song song. Trên thân có một hình tròn to, và các vòng tròn nhỏ bày trí xung quanh.

Đầu chuông được vẽ nổi những đường gân theo vòng tròn của chuông,, xung quanh gác chuông cũng được trồng rất nhiều cây cối hoa lá. 

Đây là sản phẩm của nghệ thuật đúc đồng của ông cha ta để lại, chuông ghi lại những sự tích của chùa, ca ngợi cảnh chùa, những sư trụ trì của chùa. 

Nhà thờ Tổ 

Từ gác chuông đến nhà thờ Tổ khoảng 3m cách nhau bởi khoảng sân chờ, trước mặt nhà thờ tổ được xây tháp 4 tầng, có cấu trúc hình vuông cao khoảng 2m xây bằng gạch, 4 mặt là 4 chữ hán tên của chùa, trên đỉnh chóp có gắn búp sen, hai bên phía trước toà nhà là có hai con sư tử bằng đá ngồi canh giữ. 

Từ sân bước lên 5 bậc để vào nhà thờ tổ, nhà gồm 5 gian 4 cột, mỗi cột đều được khắc chữ hán lên thân cột, mỗi gian đều được treo rèm che trước cửa. Hai đầu đốc đều có cột trụ, bờ tường bao nối giữa đầu đốc nhà với cột trụ vuông 4 mặt cao khoảng 4m, thân cột khắc 4 mặt chữ đều là chữ hán, trên đầu cột mỗi mặt vuông sẽ được chạm khắc nổi hình Long, Ly, Quy, Phượng. Phần đỉnh chóp cột có hình Lân sơn đỏ. 

Tất cả các gian đều được làm khung cửa gỗ kiểu bức bàn 4 cánh, những gian bên trong nhà được kê những bộ bàn ghế gỗ để ngồi nói chuyện tiếp khách, đi sâu vào gian bên trong ở chính giữa là gian thờ điện với 4 hàng cột, mỗi cột lại khắc dòng chữ hán, kiến trúc cửa võng nối giữa 2 cột phía trước  tạo thành 2 cửa võng trước và 2 cột phía sau tạo thành cửa võng sau, hai cửa võng đều sơn thếp vàng chạm hoa văn tỉ mỉ, bên trên cửa võng hàng đầu có thêm bức hoành phi “Chân Nguyên Diệu Trạm”. Bức hoành phi ở cổng võng bên trong có tên “ Thiền Phong Vĩnh Trấn”. 

Gian thờ bên trong là nơi thờ những trụ trì của chùa Keo, kiến trúc chồng rường giá chiêng, trên đầu các bức tượng được treo những lọng tre vàng, trên ban thờ gồm những vật phẩm, đồ thờ cúng, những bức hoành phi, câu đối đều sơn thếp vàng tạo không gian linh thiêng và lộng lẫy. 

Đặc biệt nhất là gian bên trái trong nhà thờ tổ có treo chiếc chuông đồng cổ, bên phải là treo chiếc khánh đồng, đây là 2 cổ vật quý giá có từ thời Tây Sơn. 

Trên lợp mái ngói mũi hài đỏ, hai bên góc mái có gắn hình Makara quay mặt vào nhau, ở giữa có đặt tấm biểu bằng xi măng, chạm nổi chữ “Phụng Tổ Đường”. đường mái dọc của toà nhà được gắn các trụ vuông theo bậc, mỗi bậc gắn trên hình búp sen. 

Nhà Mẫu 

Nhà Mẫu nằm bên trái trước nhà thờ Tổ gồm 4 gian với kiến trúc nhà cũng như các toà khác trong chùa, từ sân vào trong nhà phải bước 2 bậc, bên trong xây theo chồng rường giá chiêng, cửa ra vào làm cửa bức bàn bằng gỗ. 

Đây là nơi thờ 3 vị Thánh Mẫu là Đệ Nhất Thượng Thiên, Đệ Nhị Thượng Ngàn và Đệ Tam Thoải Phủ (Mẫu Đệ Tam, Mẫu Thuỷ), gian thờ của 3 vị đặt ngay ở gian giữa hai bên là 2 trụ cột gỗ được gắn hai câu đối sơn thếp vàng. Phía bên trên là kiến trúc cửa võng với hoạ tiết 2 con rồng lượn và chầu nguyệt ở giữa, cao hơn cửa võng là bức hoành phi “Mẫu Nghi Thiên Hạ”, cao hơn bức hoành phi là những chiếc lồng đèn màu sắc, những kiến trúc đều được sơn thếp vàng tạo nên không gian rất lộng lẫy và bắt mắt.  

Nằm bên trái từ cửa vào là có động đá cao khoảng 2m, đây được coi là động Sơn Trang là hiện thân của Mẫu Thượng Ngàn trong tòa Mẫu, tượng được đặt ở giữa động đá, xung quanh động đá có những bức tượng kích thước rất nhỏ được đặt bao quanh động sơn trang. 

Mái nhà Mẫu được lợp ngói mũi hài, trên nóc nhà có gắn hình rồng lượn ở 2 góc của nóc nhà với kích thước lớn. Ở giữa mái nhà có gắn hình mặt hổ phù đầu rồng giang 2 tay chống đỡ mặt nhật ở trên đầu. 

Nhà Mẫu là nơi thường xuyên diễn ra nghi lễ hầu đồng, nghi thức thờ cúng rất độc đáo, đặc sắc của văn hóa Việt. 

Nhà Tăng Ni 

Bên cạnh nhà Mẫu là dãy nhà Tăng Ni, đây là nơi nghỉ ngơi của các tăng ni, phật tử, nhà gồm 12 gian, từ sân lên nhà có 3 bậc, ở hiên nhà được chống đỡ bằng những cột cái gồm 11 cột, mỗi gian đều được che chắn bằng rèm tre, trên mái được lợp ngói mũi hài, ở giữa cũng được đặt tấm biểu xi măng. 

Gian đầu tiên của dãy nhà là có để bàn gỗ và hòm công đức, đây là gian để tiếp nhận công đức dành cho những phật tử và du khách đến tham quan chùa. 

Vườn Tháp

Vườn Tháp ở bên phải khoảng sân trước toà thờ Tổ, vườn tháp có cấu trúc hình vuông, bên trong vườn có tất cả 8 tháp, mỗi tháp cách nhau khoảng 1m. Đây là Vườn tháp mộ của các vị sư đã viên tịch ở chùa. 

Về cấu trúc cả 8 tháp đều có 4 tầng, hình vuông 4 mặt, giữa mỗi tầng được ngăn cách với nhau bằng những đường viền đắp nổi xi măng, ở mỗi tầng được kẻ khung hình ô vuông ở 4 mặt, mỗi mặt trong ô vuông được viết chữ hán. 

Điểm khác nhau giữa 8 tháp là được trang trí chạm khắc khác nhau, có tháp được chạm khắc mây, hoa lá, trên đỉnh tháp gắn hình hồ lô. Nhưng có tháp lại được chạm khắc hình rồng, và mỗi tháp được khắc những chữ hán khác nhau. 

Xung quanh vườn tháp được trồng xen lẫn những cây hoa, vườn rau, đặc biệt trong vườn tháp có đặt 1 bệ đá, bên trong có bài vị có tên: Ký Kị Tổ, ở dưới có ghi những dòng chữ hán nhưng do thời gian hiện nay chữ đã không còn nguyên vẹn nên rất khó có thể biết được nội dung trong bài vị đó. 

Cạnh vườn tháp là có 1 hồ ao lớn hình vuông, ngày xưa gồm có 2 hồ trong khuôn viên của chùa, nhưng hiện tại chỉ còn tồn tại 1 hồ, hồ nước còn lại đã bị lấp. 

Lễ hội 

Lễ hội chùa Keo xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội lễ hội là một hình thức sinh hoạt văn hóa tinh thần, những giá trị về văn hóa tôn giáo, tín ngưỡng  là nền tảng cho sự tồn tại và phát triển bền vững của lễ hội truyền thống từ xưa cho đến hiện tại vẫn đang được lưu truyền.  

Theo truyền thuyết xưa kia vào ngày hội Dâu, bà Keo cũng được rước về dự hội Dâu mùng 8/4 như các chị, tuy nhiên bà nghịch ngợm nhất, có lần đám rước bà chạy đánh rơi cả mão (mũ) vào đống phân trâu, khiến trâu bò trong vùng năm đó chết hết, qua sự kiện này, hàng Tổng Dâu họp không cho bà vào nữa. Từ đó, Bà bái vọng về khu vực Dâu lễ Phật Mẫu chứ không vào chùa Dâu hội họp công đồng với Tứ Pháp như xưa. 

Ngày mùng 6 tháng 4 âm lịch hàng năm được diễn ra lễ hội, lễ hội diễn ra để tưởng nhớ Pháp Vân Phật (Bà Keo) em út trong Tứ đại Phật Pháp đất Luy Lâu và Thành Hoàng làng Đào Phúc là người có công phò tá cho Vua chống giặc ngoại xâm, bảo vệ dân tộc. 

Các thành viên trong đội rước kiệu được lựa chọn rất kỹ lưỡng, trang phục tham gia rước hội mặc áo cộc tay cổ tròn màu trắng, quần dài trắng, đầu đội khăn xếp đen, chân đi tất và giày bata trắng, thắt đai lưng màu đỏ. Trước khi đến lễ hội các thành viên sẽ phải tập luyện trước 2 tháng để đảm bảo sức khoẻ và hiểu rõ hình thức của lễ hội. 

Vào ngày mùng 6: dân làng cùng với ban tổ chức cùng chuẩn bị lễ vật dâng lên Thành Hoàng ở Nghè Keo, sau đó mang lễ vật cúng bao gồm: hương, hoa, đăng, trà, quả, thực, ra chùa Keo để nhà chùa làm lễ dâng lên Bà Keo. 

Các nghi lễ được diễn ra theo thứ tự: nghi lễ lau chùi tượng “phong áo nhà Phật” tức là lau rửa sạch sẽ và mặc áo cho tượng Bà Keo, đoàn hành hương sẽ rước áo Phật và rước Nước từ trong nghè Keo ra chùa Keo, đoàn rước Thánh Ông (Thành Hoàng làng) ra đến cổng chùa Keo để đón Bà Keo, rước tượng Bà Keo ra ngự ở bệ đá trong sân chùa. Sau đó đoàn rước từ chùa Keo về làng. 

Đoàn rước hội làng Keo được sắp xếp theo trình tự: Đội cờ lễ hội, đoàn múa sư tử, đội trống hội, đội hồng kỳ, đoàn ảnh bác, đội múa sinh tiền, đội cờ hội, Long Mã, Bát Bửu, Kiệu Long Đình, đội tế nữ quan, kiệu thành hoàng làng, đội tư văn, kiệu bà Keo, các bà vãi. 

Quá trình hành hội chia làm ba phần chính: phần một là hành hội từ chùa Keo về đình Dân (9h30-10h30 sáng), phần hai là hành hội từ đình Dân về đình Bằng (10h30-11h30 sau đó nghỉ trưa), phần ba là hành hội từ đình Bằng về chùa Keo (từ 13h30).

Ngày 7 tháng 4 Ban Tư văn và dân làng tổ chức Tế lễ ngày Nhị Vị Đồng hóa tại nghè Keo, chiều 7 tháng 4 có khóa Quy y Tam bảo dành cho người dân.

Ngày 8 tháng 4, trai Kiệu Nhất cùng đoàn cờ ra chùa cùng đội Tế nữ quan, sau khi trụ trì làm lễ hạ áo, rải áo Nhà Phật, sau đó lại rước áo Phật về nghè Keo để thờ, quần áo được trao cho quản lý nghè Keo đem áo Phật về giặt giũ và cất đi. Tối ngày 8 tháng 4 tổ chức lễ thí thực, cúng chúng sinh và chia lộc cho mọi người và kết thúc lễ hội. 

Di vật 

Qua nhiều năm lịch sử hiện tại chùa Keo đã bảo lưu được nhiều bức tượng Phật gồm: tượng phật, tượng mẫu, tượng hậu. Những bức tượng quý hiếm, đẹp có giá trị đặc biệt và nhiều hiện vật quý hiếm, đại tự câu đối. 

Hiện tại chùa Keo đã giữ được 5 tấm bia đá gồm: 

  • Bia ở bên phải gần cổng tam quan có dựng tấm bia 4 mặt hình trụ, hiện trạng tấm bia này được chia làm 2 mảnh, 1 mảnh là thân bia, 1 mảnh la đế bia, 2 mảnh này nằm cách nhau khoảng 80 phân. Ở 4 mặt của bia có ghi chữ khác nhau: “Tạo Lập Thạch Kiều Cấu” (nghĩa là tạo lập cầu đá), “Hưng Công Tập Phúc Nhị”, “Tác Bi Cộng Ký”, “Xã Cầu Kiều Xứ”. 

  Đây là tấm bia từ thời Mạc quý hiếm khắc khoảng 800 chữ chân phương ghi lại những người công đức, góp tiền để xây cây cầu đá phía trước cổng chùa, cây cầu đá tạo việc đi lại, thông thương và mối quan hệ giữa hai làng Giao Tất và Giao Tự.

  • Ở sân trước nhà Tiền đường có dựng 2 tấm bia, một tấm bia lớn thân bia hình vuông, trán bia hình vòng cung, có 2 mặt, mặt trước do bia đã bị hư hỏng nên chữ bị mất nét rất nhiều, mặt sau là “Tín Thí”, mặt trước là “Trùng Tu Báo Ân Trùng Nghiêm Tự bi Ký”. Còn bên cạnh phía bên phải có tấm bia 1 mặt có kích thước nhỏ hơn tên là: “Ký Kỵ bi Ký”. 
  • Ở trong nhà Hữu vu, phía đầu đốc bên phải có đặt 2 tấm bia, tấm bia lớn có 1 mặt chữ có tên là “Tu Tạo Thạch Kiều Nhị Xứ Bi”, còn một tấm bia nhỏ có 2 mặt chữ có tên là: “Trùng Nghiêm Tự bi Ký”
  • Ở ngoài vườn tháp có 1 bệ đá bia ở ngoài vườn tháp, bên trong có bài vị: “Ký Kị Tổ”, đây được coi là nơi phần mộ của vị sư đã viên tịch ở chùa. 
  • Bên trong nhà thờ Tổ có treo 1 quả chuông đồng cao 111cm, thế kỷ XVIII, chuông trụ hình tròn, lòng rỗng.
  •  1 khánh đồng cao 97cm, thế kỷ XIX, Khánh có hình lưỡi rìu với phần dưới uốn cong hình vành trăng; phần trên uốn lượn, nhô lên ở giừa tạo thành quai khánh. Thân dưới có núm tròn. Toàn thân khắc bài minh và dòng niên đại bằng chữ Hán.
  • 1 đạo sắc phong. 

Xếp hạng

Chùa Keo được Bộ văn hoá thông tin xếp hạng di tích Lịch sử và kiến trúc nghệ thuật năm 1993. 

Chùa Keo là nơi tổ chức các hoạt động tâm linh, lễ hội và các khóa tu học Phật pháp. Ngoài ra, chùa còn là điểm đến du lịch thu hút nhiều khách thập phương đến tham quan và tìm hiểu về văn hóa, lịch sử và tôn giáo của Việt Nam.

Tài liệu tham khảo

  1. UBND huyện Gia Lâm, Di tích lịch sử văn hóa cách mạng kháng chiến huyện Gia Lâm, 2010. 
  2. Nguyễn Thế Long – Phạm Mai Hùng, Chùa Hà Nội, Nxb Văn Hoá – Thông Tin.
  3. Phạm Mai Hải Phượng, Luận văn Thạc sĩ Việt Nam Học, Hà Nội 2021.
  4. Trần Văn Bính (chủ biên), Văn hoá Thăng Long- Hà Nội (hội tụ và tỏa sáng), Nxb Chính trị Quốc Gia. 
  5. Đình đền miếu phủ Hà Nội và nghi lễ thờ cúng. 

 

5/5 (1 bình chọn)

Video

Chia sẻ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner App ChỐn ThiÊng 3 (60x90)