Tên gọi và vị trí địa lý
Đền chúa Hang Miếng nằm bên bờ Sông Đà (còn gọi là sông Bờ hay Đà Giang) ở xã Quang Minh, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La, thuộc huyện Mộc Châu, Sơn La cũ. Đền Chúa hang Miếng và đền Chúa Thác Bờ (Hòa Bình) cùng thờ nữ anh hùng dân tộc, người phụ nữ dân tộc Mường có công lao giúp vua Lê Lợi(1) đánh giặc bà là Đinh Thị Vân.
Đường đến đền Chúa hang Miếng (xã Quang Minh, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La) cách trung tâm huyện Vân Hồ khoảng 45km, qua trung tâm huyện và các xã Mường Khoa, Tô Múa. Đi bằng đường thủy, từ bến cảng Thung Nai (Hoà Bình) chạy ngược sông Đà theo hướng thủy điện Sơn La.
Trong văn chúa Thác Bờ có câu nhắc đến vùng đất Hang Miếng:
Chiếc thuyền rồng chèo chơi bến ngọc
Dọc sông Đà dạo khắp suối khe
Hang Miếng,Suối Rút chèo về
Ngược xuôi xuôi ngược thuyền về động tiên
Khắp mọi miền kêu cầu vọng bái
Ai lỗi lầm chầu đoái lòng thương
Dù ai căn số dở dương
Lòng thành thắp một tuần hương kêu cầu
Đã nhất tâm tất cầu kêu ứng
Độ cho người phúc đẳng hà sa
Lịch sử
Đền Hang Miếng là nơi người dân lập đền thờ tưởng nhớ về bà Đinh Thị Vân – một phụ nữ người Mường có công vận động nhân dân trong vùng sông Đà quyên góp lương thực giúp cho đoàn quân của vua Lê Lợi vượt Thác Bờ tiến quân lên Mường Lễ, Sơn La dẹp loạn đảng Đèo Cát Hãn.
Theo bảng thông tin có đặt tại đền Hang Miếng: “vào cuối mùa xuân năm 1431, sau khi dẹp xong giặc loạn ở đèo Cát Hãn, Lai Châu, vua Lê Lợi cùng đoàn quân sĩ xuôi thuyền dọc sông Đà để trở về kinh đô, nhưng khi đến khúc sông ở Hang Miếng thì gặp mưa to, gió lớn, nước lũ dâng cao không thể xuôi qua được. Nhà vua bèn cho quân sĩ dừng lại và nghỉ ở Hang Miếng chờ nước rút rồi đi tiếp. Nhưng mỗi ngày trời mưa một to, nước chảy cuồn cuộn, quân lương cạn kiệt. Biết nhà vua và quân sĩ gặp nạn, bà Đinh Thị Vân đã đi vận động nhân dân trong vùng quyên góp lương thực cùng mọi người dũng cảm chèo thuyền vượt thác, xuống ghềnh để đem Lương thảo tiếp tế cho Nhà Vua và quân sĩ. Sau nhiều chuyến vận chuyển thành công, vào một ngày định mệnh trời nổi giông bão không ngừng, thuyền của bà chở đầy lương thực chòng chành rồi bị đắm cuốn chìm người con gái họ Đinh xuống dòng sông sâu không thể cứu được, xác của bà trôi dạt vào vùng Thác Bờ. Để tỏ lòng tôn kính và tưởng nhớ công lao của bà Đinh Thị Vân, nhân dân trong vùng đã lập đền thờ bà ở hang Miếng, gọi là đền Chúa Hang Miếng”.
Trước đây đền được xây dựng ở mốc thấp so với lòng sông Đà, sau đó hồ thuỷ điện Hoà Bình hoàn thành khiến cho ngôi đền và vùng Hang Miếng bị ngập nên ngôi đền đã bị bỏ hoang nhiều năm.
Sau đó ngôi đền được người dân di chuyển lên vùng đất cao hơn, và dựng lại thành ngôi đền đơn sơ từ thanh tre nứa, lá. Các đồ thờ cúng cũ bị hỏng và bị thất lạc nhiều, chỉ xót lại một số bát đĩa, một bát hương và một pho tượng bà chúa. Do địa hình khi ấy không có lối đi, chỉ có thể di chuyển bằng thuyền trên sông Đà.
Năm 1993- 1994 ông Quách Công Toàn là một cựu chiến binh người ở vùng Hang Miếng đã xin được quản lý, chăm non ngôi đền. Ông đứng ra quyên góp và vận động bà con khắp nơi cùng ông quyên góp và công đức để xây dựng lại đền.
Sau nhiều lần trùng tu, tôn tạo từ nhà tre nứa, sau đến nhà lợp mái tôn, và sau đó được lợp ngói, diện tích ngôi đền cũng từ nhỏ dần dần rộng rãi hơn, hiện nay ngôi đền đã khang trang hơn.
Kiến trúc
Từ một ngôi đền bằng tường tre, vách nứa, nền đất, mái lợp cỏ tranh, đến nay, ngôi đền được trùng tu, xây dựng khang trang. Ngôi đền hiện nay nằm trên một dải núi đất được nhô ra phía sông, bên bờ của sông đà, nên lối đi từ nền đất rất quanh co, ngôi đền rất đơn sơ hoà mình giữa cây cối, núi, sông , non nước. Vị trí cách ngôi đền cũ khoảng 200m. Tổng diện tích gần 1ha.
Cổng Đền
Cổng đền được đặt dưới một con dốc cao, với hai trụ cột xây bằng gạch sơn ve xanh và tấm biển ở giữa màu đỏ nối liền với hai trụ cột cổng, mặt trước nhìn từ ngoài vào đền tấm biển có đề chữ “Đền Chúa Hang Miếng” và ghi lại địa chỉ của đền, trên dòng chữ la trang trí hình bát quái. Mặt sau của đền nhìn từ bên trong đền nhìn ra ngoài có ghi chữ “Chúc quý Phật tử thập phương an khang thịnh vượng vạn sự như ý”.
Phía trên tấm biển có gắn trang trí 7 lá Cờ phướn (cờ chuối) nhiều màu có hình dạng chữ nhật, mỗi lá cờ có màu sắc khác nhau, cổng để trống và không có cửa khoá.
Sân đền
Qua cổng là đi lên một con dốc, hai bên là cây cối được trồng thành hàng hai bên dãy, đi đến khoảng sân lát gạch đá hoa, có trồng nhiều cây cổ thụ lâu năm, có 3 dãy bậc thang ở 3 hướng khác nhau, và số bậc thang cũng khác nhau.
Khi bước lên các bậc thang là khoảng sân trước đền, 3 khu nhà được xây trên nền đất cao hơn do vậy mới có những bậc thang lên xuống.
Đền Hang Miếng
Hiện nay đền đã được trùng tu khang trang và rộng rãi hơn, với 3 khu nhà, 3 cung thờ chính: cung thờ bà Đinh Thị Vân, cung thờ Phật và cung thờ cô đôi thượng ngàn.
Toà thờ chính ở giữa, từ sân bước lên 5 bậc thang lên xuống. Ở ngay gian giữa có hai bên thành bậc ngăn cách 3 gian, thành bậc gắn rồng ngậm ngọc, được đắp bằng xi măng. Có mái hiên rộng khoảng 2m lát gạch đỏ, trước hiên có dựng 4 cột đá, các cột đều được khắc các dòng chữ Hán.
Kết cấu ngôi đền làm hoàn toàn từ khung gỗ, mặt trước đền gồm có 4 cột cái bằng nối liền với các gian, là cột phân chia 3 gian nhà. Các cánh cửa được làm thượng song hạ bản sơn màu đỏ, phần cửa kín được chạm khắc nổi các hoa vân, rồng phượng, sơn thếp vàng, gian giữa có kích thước rộng hơn 2 gian còn lại, các đầu dư ở hiên nhà còn được khắc thêm chữ thọ, ngôi đền được trang trí các hoạ tiết rất tỉ mỉ từng chi tiết. Trên mái lợp ngói mũi hài, các đầu đao cong vút lên, bờ mái gắn hình hổ phù và rồng ngậm ngọc.
Bên trong sân còn có tượng Quan âm Bồ tát, được làm từ đá trắng, được đặt trên bệ đá cao khoảng 90 phân, trước tượng có lư hương chạm trổ hoa văn và hương án bày biện các đồ thờ cúng.
Nằm bên phải là dãy nhà thờ cô đôi thượng ngàn và thờ phật, với diện tích rộng, lát gạch sân đá hoa, phần mái hiên được làm bằng mái tôn che khoảng sân tạo không gian thoáng mát cho khách du lịch đến nghỉ chân và có đặt dãy bàn để cho du khách chuẩn bị đồ cúng lễ.
Ở khoảng đất trong sân bên tay phải đền còn có một nhà bia, với 4 chân cột đá, 8 mái lợp ngói mũi hài, trên bờ mái có gắn hình con makara. Bên trong có đặt tấm bia đá ghi lại sự tích của ngôi đền bằng chữ Việt.
Lễ hội
Tại đền vào ngày 7 tháng giêng (âm lịch) và kéo dài đến hết tháng 3 (âm lịch) hàng năm đều tổ chức 4 lễ hội: Lễ tất niên, lễ đón giao thừa (thời khắc chuyển giữa năm cũ và năm mới), Lễ Quốc khánh 2/9. Trong đó, lễ vào ngày 7 tháng giêng (âm lịch) là lớn nhất trong năm.
Ngoài ra khi đến thăm đền Hang Miếng, các du khách có cơ hội trải nghiệm các nghi thức hầu đồng thờ mẫu, các phiên chợ được mở vào các ngày trong tháng, phục vụ giao lưu hàng hoá cho các khách du lịch và dân làng trong vùng.
Xếp hạng
Năm 2018 đền được ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La xếp hạng là Di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh.
chú thích
1. Lê Thái Tổ (chữ Hán: 黎太祖 10 tháng 9 năm 1385– 5 tháng 10 năm 1433), tên thật là Lê Lợi (黎利) là một nhà chính trị, Ông được coi là anh hùng, vị Hoàng đế huyền thoại của Đại Việt.
Tài liệu tham khảo
- Cổng thông tin điện tử tỉnh sơn la
- Chúa thác bờ, Trang thơ hội nhà văn hà nội
- Nguyễn Khôi, bài 20, sông đà hùng vĩ, Sơn La Ký Sự – Kỳ 2 (Ghi chép về Bản cũ, Mường xưa) 2012.