Chùa Kim Lan (Linh Ứng tự – Gia Lâm, Hà Nội)

Chùa Kim Lan (Linh Ứng tự – Gia Lâm, Hà Nội)

Thông tin cơ bản

Tên gọi và vị trí địa lý

Kim Lan là vùng đất ở phía Đông Nam kinh thành Thăng Long, ven bờ Sông Hồng. Kim Lan còn được biết đến theo tên nôm là làng Sưa, là nơi cư trú của cộng đồng Việt cổ từ thời kỳ sớm nhất. Trước kia, chùa Kim Lan thuộc xóm Chùa, nhưng hiện nay thuộc thôn 2, xã Kim Lan, huyện Gia Lâm.

Chùa Kim Lan (tên chữ là “Linh Ứng tự”) là một ngôi chùa cổ nổi tiếng từ rất lâu, một nơi danh lam bậc nhất, có sông đẹp quanh co thành hình lân vờn, vượn múa trôi đi, lác đác núi non kỳ vĩ thành cái thế hổ náu, rồng chầu, quả là nơi có phong thuỷ cực đẹp (theo bài minh trên quả chuông “Kim Lan tự chung”).

Lịch sử và nhân vật

Căn cứ vào khối kiến trúc vật chất và những di vật hiện còn, có thể suy đoán định chùa Kim Lan được xây dựng vào cuối thời Lê và được trùng tu nhiều lần vào thời Nguyễn.

  • Năm Tự Đức thứ 23 (1870), chùa được trùng tu lớn tòa tiền đường và thượng điện.
  • Năm Duy Tân thứ 6 (1912), bà Đào Thị Xuyến cúng 50 đồng và 4 sào ruộng sửa chữa gác chuông chùa.

Năm 1933, chùa được trùng tu lớn, ghi nhận trên tấm bia “Công đức bị ký” niên hiệu Bảo Đại thứ 8 (1933) đã ghi việc sửa chữa chùa Kim Lan như sau:

“… Trời dựng cửa huyền, đất xây thắng cảnh, nước sông Nhị lăn tăn soi bóng ngôi chùa vằng vặc, ấy là cảnh ngôi chùa này vậy. Nhưng do tháng năm đằng đẵng, ngói vỡ tường nghiêng, gió táp, mưa sa làm chùa bị hư hỏng. Nay có vị chư nhân cửu phẩm là Vũ Văn Cư ở bản xã, mở lòng từ tâm, bỏ tiền của đứng ra tu tạo tòa tiền đường, thượng điện đều khang trang sạch, đẹp”.

Nhà Mẫu chùa được xây dựng và khánh thành năm 1951. Sau đó, vào năm 1995, nhà tổ được xây dựng. Tới năm 2002 thì xây lại nhà Mẫu. Hằng năm, chính quyền cùng với nhân dân địa phương và nhà chùa thường xuyên thực hiện công tác sửa chữa để duy trì và bảo tồn ngôi chùa lịch sử này.

Kiến trúc cảnh quan

Chùa Kim Lan với quy mô kiến trúc lớn và uy nghi, đồng thời là Thành hoàng của làng, đã hình thành một quần thể di tích kiến trúc độc đáo. Các công trình kiến trúc được bố cục hài hoà, đăng đối, với những mảng chạm khắc tinh tế, thể hiện rõ phong cách kiến trúc đặc trưng của thời Nguyễn.

Tam quan được xây dựng theo kiểu chồng diêm, với hai tầng tám mái và lợp ngói giả ống bằng vôi vữa. Hai đầu kìm được trang trí với hình rồng lá cuốn chầu vào phía giữa. Bốn góc đao cũng được trang trí với hình rồng cuốn chầu vào bờ nóc, phía dưới là ba chữ Hán “Kim Lan tự”. Cửa ra vào làm kiểu cửa vòm cuốn chỉ, có một cửa chính. Hai bên cửa xây hai trụ biểu, đỉnh trụ đắp hình búp sen, phía dưới trang trí các ô lồng đèn trang trí hình tứ quý, thân trụ đắp nổi các đôi câu đối chữ Hán.

Chùa chính được kết cấu chữ đinh, gồm năm gian tiền đường, ba gian thượng điện.

  • Tiền đường xây theo kiểu tường hồi bít đốc với tay ngai, mái lợp hai tầng ngói ta. Lớp mái trên ở giữa bờ nóc đắp bức đại tự hình chữ nhật, phần giữa hai tầng mái được xây tường bao nổi lớp mái trên với lớp mái dưới, trên tường được trang trí thành các khung để viết hàng chữ Hán lớn. Nền nhà được tôn cao hơn sân chừng 20cm.
  • Ba gian giữa trổ ba cửa dạng cửa bức bàn, hai gian bên xây bịt kín.

Hiên rộng khoảng 1m, gồm các cột tròn đỡ các đầu bẩy. Cách hai hồi hiên khoảng 1,2m là hai trụ biểu lớn, với đỉnh được đắp hình nậm rượu, đặt trên hình hoa sen và trang trí đấu vuông, mui luyện và ô lồng đèn.

Thân trụ hình vuông có khung để đắp câu đối bằng chữ Hán. Bộ khung nhà tiền đường gồm sáu bộ vì, đều được làm giống nhau theo kiểu “chồng rường”. Đầu các con rường được chạm hoa lá lớn, các đấu kê hình hoa sen. Các kẻ nách bên phải chạm hình hoa cúc, lá lật, bên trái chạm hoa lá. Các đầu kẻ gian giữa ở phía trong giáp với hậu cung cũng được chạm nổi thân trúc ở hai bên. Ngoài các phần trang trí trên, thân xà được bào trơn, kẻ soi. Sát hai gian hồi tiền đường có treo chuông và khánh lớn. Thượng điện gồm ba gian dọc, mái đổ bê tông, lợp ngói phía trên.

Hiện vật

Hiện nay, chùa Kim Lan còn lưu giữ được bộ sưu tập di vật đa dạng và phong phú về thể loại, chất liệu bao gồm đồ gỗ, đồ đồng, đồ đá, và đồ gốm sứ, mang theo mình những giá trị nghệ thuật tiêu biểu, đặc sắc, đại diện cho các phong cách nghệ thuật ở những giai đoạn lịch sử khác nhau.

Điều đáng lưu tâm là 43 pho tượng tròn được tạo ra với sự tỉ mỉ và công phu đặc biệt. Trong số đó, có những tượng nổi bật như bộ tượng Tam Thế, Di Đà Tam Tôn, Quan Thế Âm Bồ Tát chuẩn đề, cũng như các tượng Khuyến Thiện, Trừng Ác, tượng Tổ, tượng Mẫu…

Tại thượng điện các pho tượng phật được bài trí như sau:

  • Lớp thứ nhất là bộ tượng Tam Thế (thường trụ diệu pháp thân) đại diện cho 3000 vị phật ở ba thời quá khứ, hiện tại và vị lai. Tượng ngồi thiền định trên tòa sen, hai tay đặt ngửa trên lòng đùi, khuôn mặt hơi tròn, tóc kết bụt ốc gồm chín lớp, lông mày cong hình bán nguyệt, sống mũi thẳng, miệng thoáng mỉm cười cứu độ, cổ tượng ba ngấn, mặc áo cà sa để lộ ngực. Đài sen pho giữa gồm hai lớp cánh, hai pho bên gồm ba lớp cánh, các cánh sen được làm to, không trang trí cầu kỳ. Tượng thuộc phong cách nghệ thuật thế kỷ XX.
  • Lớp thứ hai là bộ tượng Di Đà Tam tôn, gồm Tượng A Di Đà ngồi giữa và Quan Thế Âm bồ tát và Đại Thế Chí bồ tát ở hai bên. Tượng A Di Đà trong tư thế ngồi thiền, hai tay đặt ngửa xuống lòng đùi, mặc áo cà sa để lộ ngực, trên áo được tạo thành nhiều nếp gấp, các nếp gấp áo được tạo mềm mại rủ xuống để lộ rõ phần đùi của tượng. Tượng có khuôn mặt bầu, cổ cao ba ngấn, tai chảy dài thể hiện sự cao quý, tóc kết bụt ốc gồm chín lớp. Đây là tượng được tạc to nhất trong các pho tượng ở tòa thượng điện, mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn. Đài sen phần dưới gồm hai lớp cánh to, mập. Quan Thế Âm bồ tát và Đại Thế Chí bồ tát được tạc trong tư thế ngồi trên đài sen hai lớp cánh, đầu đội mũ thiên quan, mũ chạm nổi các hình hoa cúc, tay cầm vật linh.
  • Lớp thứ ba là pho tượng Tứ Giác Hoa ngồi trên đài sen, tay trái đặt ngửa xuống lòng đùi trái, tay phải để lên đầu gối đùi phải. Khuôn mặt tượng hơi tròn, cổ mập, ngắn, sống mũi cao và thẳng, mắt khép hờ, tai to chảy xuống ngang cầm. Đầu đội mũ tỷ lư, trên thành mũ được chạm rất cẩn thận hình lưỡng long chầu nhật, hai bên thành mũ còn để lộ hai đoạn dây quai mũ buông xuống quấn vào tai tượng rồi rủ xuống vai. Tượng mặc áo cà sa lộ ngực. Các nếp do phía trên thân được tạo mềm thành những đường thẳng buông xuống tự nhiên, bên dưới tạo thành những đường cong che kín phần đùi tượng chỉ để lộ rõ các ngón chân. Đài sen của tượng gồm ba lớp cánh. Tượng mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn. Hai bên là hai tượng phù trợ.
  • Lớp thứ tư là tượng Ngọc Hoàng ở giữa, hai tượng thị giả đứng hai bên.
  • Lớp thứ năm là tòa Cửu Long cùng Thích Ca sơ sinh, hai bên có hai tượng Nam Tào, Bắc Đẩu. Tượng mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XIX. Sát tường hồi thượng điện, bên phải đặt tượng Quan m tống tử, bên trái đặt tượng Quan m chuẩn đề. Tượng Quan m chuẩn đề được tạc trong tư thế ngồi trên tòa sen, sắc tướng đôn hậu thể hiện sự thấu suốt toàn năng. Tượng đội mũ tỳ lư, giữa thành mũ trang trí hình mặt trời. Khuôn mặt tượng trái xoan, cổ hơi mập ba ngấn. Tượng gồm 14 cánh tay, đôi tay chính chắp trước ngực, đôi tay thứ hai đặt ngửa xuống lòng đùi, các cánh tay khác tỏa đều sang hai bên, trên tay cầm vật linh. Đài sen tượng gồm hai lớp cánh được chạm khắc đơn giản mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XX.

Dọc hai bên tường hồi thượng điện là bộ tượng Thập Điện Diêm Vương.

Nhà mẫu ở phía sau chùa chính đã được tu bổ vào năm 2002, bao gồm năm gian tiền đường và ba gian hậu cung. Nhà được xây theo kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ta, và các vì được làm bằng bê tông phỏng, giữ nguyên cách thức của vì cổ truyền. Ba gian giữa làm nơi thờ tự, hai gian bên dùng làm nơi ở của chùa. Gian giữa xây bục cao làm nơi thờ Tam tòa Thánh mẫu, hai gian bên đặt tượng cô, tượng cậu. Sát tường hồi bên trái gắn tám tấm bia đá.

Nhà tổ được làm ở phía bên phải nhà mẫu. Nếp nhà này gồm bảy gian, mái lợp ngói ta, hiên đổ bê tông, các vì đều bằng bê tông được mô phỏng cách thức vì cổ truyền. Bên cạnh các pho tượng, nhiều di vật bằng gỗ cũng đạt đến độ tinh xảo của nghệ thuật chạm khắc gỗ như năm bức đại tự, hai câu đối sơn son thếp vàng, hai biển đề bài thơ… mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XIX. Đặc biệt là một hương án gỗ cao 1,2m, kích thước 1,2m x 0,9m. Mặt trước hương án được chia làm hai cấp. Phần trên được chia thành các ô hình vuông và hình chữ nhật, bên trong chạm các đề tài “tứ linh” hoa văn chữ triện, phần dưới cũng được chia ra nhiều ô to nhỏ chạm bong, chạm thủng các hình chim phượng, lá hóa rồng, mặt hổ phù… Trên bề mặt chính hương án ở giữa chạm đôi rồng chầu mặt trời, hai bên là các cánh sen cách điệu. Hai bên chạm các mặt hổ phù, tứ linh, tứ quý. Hương án mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XIX.

Xếp Hạng

Với những giá trị về mặt khoa học lịch sử nghệ thuật, kiến trúc, văn hóa, Chùa Kim Lan đã được UBND Thành phố Hà Nội ra quyết định số 905/QĐ-UB ngày 29/01/2003 xếp hạng di tích Lịch sử – Kiến trúc nghệ thuật.

Tham khảo

  • Di tích Lịch sử văn hoá – Cách mạng kháng chiến huyện Gia Lâm
5/5 (1 bình chọn)
Chia sẻ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner App ChỐn ThiÊng 3 (60x90)