Tên gọi và vị trí địa lý
Chùa Tương Mai, tên chữ là Linh Ứng tự nằm trên số nhà 231, phố Trương Định, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội. Chùa nằm cách Ga Hà Nội khoảng 4,5km.
Trước đây chùa được xây dựng trên một vùng đất rộng rãi, có phong cảnh núi sông hữu tình của làng Tương Mai cổ, điều đó được thể hiện trên đôi câu đối còn lưu lại trong chùa:
Tương Thuỷ giang tường, địa tiếp Long biên chung vượng khí
Mai trang ông uý, thiên khai thước lĩnh kết tường văn.
Tạm dịch:
Sông Tương Thuỷ nước mênh mang, đất tiếp thành Long chung khí vượng
Làng Mai trang cây cối tốt tươi, trời khơi, non nước kết mây lành.
Làng Tương Mai là một trong bốn làng cổ của vùng Kẻ Mơ, nằm ở cửa ngõ phía Nam của kinh thành Thăng Long, trên con đường từ phía Nam lên Thăng Long. Người buôn bán, quan lại các nơi về kinh đô Thăng Long thời Lê và Hà Nội (thời Nguyễn) đều đi trên con đường này và thường nghỉ chân tại các làng Mơ. Bởi vậy, đáp ứng nhu cầu của thực khách, dân làng Tương Mai mở nhiều quán cơm nên làng còn có tên là Mơ Cơm, nhằm phân biệt với các làng Hoàng Mai bên cạnh là Mơ Rượu (chuyên nấu rượu), Mai Động (chuyên làm Đậu và trồng Mơ) và làng Bạch Mai là Mơ Thịt (chuyên bán thịt). Triều Nguyễn đã lập một trạm nghỉ ở đầu làng Hoàng Mai nhằm chuyển công văn giấy tờ từ kinh đô Huế ra Hà Nội và ngược lại.
Trước đó, thời nhà Trần, cùng với các làng trong vùng Kẻ Mơ, làng Tương Mai nằm trong thái ấp của thượng tướng quân Trần Khát Chân. Ông là dòng dõi của Bảo nghĩa Vương Trần Bình Trọng (có sách chép là dòng dõi của Lê Hoàn, được phong quốc tính, đổi thành họ Trần). Ông được biết đến là vị tướng chỉ huy quân đội nhà Trần chống lại những đợt tấn công của quân Chiêm thành, đặc biệt đã đánh bại vua Chiêm là Chế Bồng Nga vào trận hải chiến năm 1390. Nhờ chiến công này, ông được phong tước hầu và ban cho vùng Kẻ Mơ làm thái ấp. Dấu tích về thái ấp Kẻ Mơ của Trần Khát Chân còn lại ở làng Tương Mai hiện nay là địa danh Đống Sành, giáp làng Hoàng Mai, nơi sản xuất đồ sành sứ. Nhớ công ơn của Trần Khát Chân, làng Tương Mai và cả vùng Kẻ Mơ tôn ông làm Thành hoàng làng.
Lược sử
Chùa Tương Mai có lịch sử xây dựng từ khá lâu đời. Tại chùa còn lưu giữ quả chuông “Linh ứng tự chung”. Dòng niên đại khắc trên chuông bị đục xoá chữ thứ hai chỉ còn lại: “Cảnh….bát niên Canh Thân quý xuân cát nhật”. Tuy nhiên, chữ bị đục vẫn còn nét, đủ để luận ra nó là chữ “Thịnh”. Như vậy, chuông được đúc vào năm Cảnh Thịnh bát niên (tức 1800) – triều đại Tây Sơn.
Theo tấm bia “Tu tạo Linh ứng quán hậu Phật bi” (Bia ghi việc chữa quán Linh ứng bầu người hậu Phật) còn có một số hoa văn như: đôi phượng đang dang rộng cánh bay chầu mặt nguyệt, với hình dáng, nét chạm khắc và một số hoa văn trang trí, có thể đem so sánh với những tấm bia đồng loại ở di tích Văn Miếu, có niên đại ở vào thế kỷ XVI. Từ những chứng cứ trên, có thể đoán định chùa Linh ứng được khởi dựng trước thời Lê, và được trùng tu vào thời Lê”1].
Kiến trúc
Chùa Tương Mai đã trải qua nhiều bước thăng trầm của lịch sử và được trùng tu nhiều lần. Sau lần trùng tu đầu thế kỷ XXI, chùa mang dáng vẻ đậm nét nghệ thuật kiến trúc của thời Nguyễn. Năm 2005, chùa được chính quyền, nhân dân và sư trụ trì tiến hành trùng tu, tôn tạo, thay cột hiên, xây bậc lên chùa bằng đá, tạc đôi rồng đá, lư hương, cây đèn đá phía trước chùa.
Hiện nay chùa Tương Mai bao gồm các hạng mục kiến trúc: Tam quan gác chuông, khu kiến trúc chính, nhà Tổ, nhà Mẫu, nhà Trai, nhà khách, Vườn tháp và một số khu nhà phụ trợ khác.
Tam quan chùa được kết cấu theo kiểu hai tầng, tầng trên là một lầu để trống bốn mặt, phía trong dùng làm gác treo chuông. Tầng dưới được thiết kế 3 cửa theo kiểu cửa mái vòm làm lối đi vào chùa. Mái cổng đắp giả ngói ống. Hai trụ bên đắp nghê chầu.
Kiến trúc chùa chính được xây dựng theo hướng Tây, bố cục mặt bằng theo kiểu chữ đinh bao gồm Tiền đường và Thượng điện, chính giữa bờ nóc mái đắp hình cuốn thư ghi tên tự của chùa “Linh Ứng tự” chạy dọc theo bờ nóc mái là hàng hoa chanh tạo sự thanh thoát cho ngôi chùa. Mái chùa lợp ngói mũi hài, nền lát gạch Bát Tràng giả cổ, đầu hồi xây bít đốc, phía trước xây hai trụ biểu, đỉnh trụ đắp nghê chầu, thân trụ tạo khung ghi câu đối chữ Hán.
Tiền đường có 7 gian với 8 bộ vì gỗ thiết kế theo kiểu vì giá chiêng tiền kẻ hậu bẩy, mỗi bộ vì có 4 hàng chân gỗ đỡ khung. Trang trí trên kiến trúc được tập trung chủ yếu ở các đầu dư, thân kẻ chạm nổi các đề tài cúc lão, cúc lão hoá rồng, văn triện, hoa lá,… Thượng điện có 6 gian với 7 bộ vì gỗ kết cấu theo kiểu chồng rường hạ kẻ. Tại đây có một số bộ vì cốn mê, trang trí rồng vờn mây, cá chép vượt vũ môn,…
Hệ thống tượng Phật của chùa hiện được sắp xếp theo vị trí như sau: Nơi cao nhất sát tường hồi Thượng điện là bộ tượng Tam Thế Phật ngồi kiết già trên tòa sen. Lớp thứ hai có tượng A-di-đà, hai bên là pho Quan Âm tọa thiền trên đài sen. Lớp thứ ba là bộ tượng Quan Âm Chuẩn đề. Lớp thứ tư là tượng Ngọc Hoàng và Nam Tào, Bắc Đẩu. Tiếp theo là tòa Cửu Long và Thích Ca sơ sinh, hai bên có hai pho tượng Bồ tát Phổ Hiền cưỡi voi, Bồ tát Văn Thù cưỡi sư tử. Bài trí tại Tiền đường có các pho tượng Đức ông, Thánh tăng, Khuyến thiện, Trừng ác, hai bên đầu hồi là hai dãy tượng Thập Điện Diêm vương.
Trong hệ thống các pho tượng kể trên có bộ tượng Tam Thế, tượng Quan Âm Thiên thủ thiên nhãn, Văn Thù, Phổ Hiền,…là những pho tượng đẹp, độc đáo có niên đại sớm nhất của chùa, ít thấy ở các di tích khác. Đồng thời đó cũng là các pho tượng được tạo tác khá chuẩn, mang phong cách nghệ thuật tượng Phật giáo thế kỷ XVII – XVIII.
Chùa Tương Mai nằm trong một khoảng không gian thoáng đãng, cấu trúc khu di tích cùng mặt bằng kiến trúc của ngôi chùa cổ hầu như vẫn được lưu giữ với quy mô bề thế. Khu nhà Tổ, nhà Mẫu, nhà Trai, khu nhà khách, Tam quan gác chuông đồ sộ, vườn tháp, sân,… đã gợi cho ta nhớ lại cảnh quan, không gian của một làng cổ phía Nam Hà Nội, một cấu trúc nguyên mẫu của ngôi chùa cổ xưa, cho chúng ta cảm giác như bước vào cõi linh thiêng nhưng trang nghiêm và sầm uất.
Di vật
Hiện nay, chùa Tương Mai còn bảo lưu được nhiều di vật có giá trị như quả chuông đồng thời Cảnh Thịnh thứ 8 (1800), bia đá ghi việc trùng tu của chùa vào thời Lê, bia hậu tạo một pho tượng hậu bằng đá,… Đặc biệt là 55 pho tượng tròn, mỗi pho mang một phong cách riêng. Tượng được tạo tác tỉ mỉ, công phu, trau chuốt, có giá trị nghệ thuật cao. Nhiều di vật khác như: Bức cửa võng chạm thủng, chạm lộng; hệ thống hoành phi, câu đối, bát hương thờ bằng đá có nét trang trí, chạm khắc của thời Lê và nhiều đồ thờ tế tự khác. Những di vật đó là nguồn tài liệu quý đã giúp cho các nhà nghiên cứu tìm hiểu thêm về lịch sử, đời sống xã hội của một ngôi làng cổ, vùng đất Kẻ Mơ và nghệ thuật trang trí đương thời. Tất cả được kết hợp lại để nâng tầm giá trị của di tích trong kho tàng di sản văn hóa của Thủ đô Hà Nội và nước nhà.
Xếp hạng
Hiện nay, dù trải qua nhiều lần trùng tu, chùa Tương Mai vẫn giữ được dáng dấp cổ kính của ngôi chùa xưa. Hệ thống hiện vật đa dạng phong phú, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học và nghệ thuật cao. Ghi nhận những giá trị nổi bật của di tích, năm 1996, Bộ Văn hoá Thông tin đã xếp hạng chùa là di tích lịch sử văn hoá.
Chú thích
[1] TS Nguyễn Doãn Tuân (Chủ biên), Di tích lịch sử văn hóa quận Hoàng Mai, Nxb Văn hóa – Thông tin, 2010, tr. 131.
Tài liệu tham khảo
TS Nguyễn Doãn Tuân (Chủ biên), 2010, Di tích lịch sử văn hóa quận Hoàng Mai, Nxb Văn hóa – Thông tin.
Chùa Tương Mai (Linh Ứng tự): https://360.hncity.org/spip.php?article755
Đình, chùa Tương Mai (quận Hoàng Mai): https://nguoihanoi.vn/dinh-chua-tuong-mai-quan-hoang-mai-74461.html