Tên gọi và vị trí địa lý
Chùa Yên Bình (tên chữ là “Sùng Linh Tự”) thuộc thôn Yên Bình, xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Chùa có tên gọi theo địa danh của làng là chùa Yên Bình hay còn gọi là An Bình; được xây dựng trên vùng đất cổ Dương Xá, khu vực sinh tụ chính của người Việt cổ.
Lịch sử và nhân vật
Căn cứ vào nội dung ghi trên quả chuông đồng “Sùng Linh tự chung” niên đại 1856 chỉ biết rằng vào năm này di tích được tu sửa lớn. Lần tu sửa này cũng đã để lại hiện trạng kiến trúc di tích đến ngày nay.
Kiến trúc cảnh quan
Chùa Yên Bình được xây dựng trên một khu đất cao ở giữa làng, bao gồm chùa chính hình chữ “đinh” và nhà tổ ở phía bên trái chùa.
Nhà tiền đường gồm năm gian, hai dĩ. Hai bên tường hồi xây vượt ra ngoài và kết thúc bằng cột trụ biểu. Trên đỉnh trụ biểu có đắp hình trái giành do bốn con chim phượng chụm đuôi vào nhau tạo thành, ô lồng đèn bên dưới có trang trí tứ quý.
Bộ khung nhà tiền đường được liên kết với nhau bằng sáu bộ vì chắc chắn được làm theo hai dạng thức khác nhau: hai vì hồi có kết cấu kiểu “chồng rường giá chiêng” năm hàng chân. Vì nóc có kết cấu kiểu “giá chiêng chồng rường con nhị” do hai chiếc xà đội nhau qua các đấu kê vuông thót đáy. Phần kết cấu này được bưng kín phần giá chiêng của hai vì giữa tạo cảm giác như dạng vì cốn mê. Đỡ phần mái cột cái và cột quân ở các vì bên là hệ thống kẻ chuyển; ở hai vì giữa là các vì nách kiểu chồng rường. Nhà có hiên rộng, tương ứng với năm khoảng hoành. Đỡ các mái hiên là các kẻ hiên cong, dài, có trang trí văn thực vật.
Tường hậu hai gian bên xây gạch cao làm ban thờ, bên trái đặt tượng Thánh Tăng, bên phải đặt tượng Đức Ông.
Nối với gian giữa tiền đường là thượng điện. Thượng điện là một nếp nhà dọc bốn gian. Bộ khung nhà bằng gỗ gồm bốn bộ vì “chồng rường giá chiêng” hai hàng chân. Vì nóc có kết cấu kiểu “giá chiêng chồng rường con nhị”.
Bài trí tượng thờ trên phật điện
- Trên cùng, ở vị trí trang trọng nhất đặt ba pho tượng Tam Thế (thường trụ diệu pháp thân) biểu trưng cho ba thế giới phật: quá khứ, hiện tại và vị lai.
- Lớp thứ hai là bộ tượng Di Đà tam tôn gồm tượng A Di Đà ngồi giữa, hai bên là tượng Quan Thế Âm và Đại Thế Chí.
- Lớp thứ ba là tượng Quan âm chuẩn đề ở giữa, hai bên là hai pho tượng Bồ tát.
- Dưới cùng là tượng Thích Ca sơ sinh, hai bên là tượng Nam Tào, Bắc Đẩu. Hai bên, sát tường hồi nhà thượng điện là bệ gạch cao trên đặt tượng Thập Điện Diêm Vương, Thổ thần, Quan âm Thị Kính và tượng Hậu.
Phần thông giữa hai nếp nhà thượng điện và tiền đường đặt hai pho tượng Khuyến Thiện và Trừng Ác. Hai pho tượng này có kích thước lớn và có trang trí nhiều hoa văn trên áo, giáp.
Nằm liền ngay thượng điện là ban thờ mẫu, được ngăn cách bởi một vách ngăn mỏng. Các pho tượng mẫu tọa lạc trên ban thờ cao dần từ ngoài vào.
Cách một khoảng sân hẹp là đến nhà tổ, xây kiểu tường hồi bít đốc gồm ba gian một chái, có hàng hiên rộng.
Trang trí nghệ thuật của kiến trúc tập trung chủ yếu ở bốn bức cốn nách tại hai bộ vì gian giữa nhà tiền đường và một số hoạ tiết tại đầu xà, thân rường, kẻ hiên. Bốn bức cốn nách được trang trí văn lá thực vật ở phần đầu các thanh rường trên đấu kê tạo ra cảm giác như một bông hoa đang nở. Phần giá chiêng được bưng kín bằng các ván gỗ. Đề tài trang trí rất phong phú như văn hoa lá thực vật, bầu rượu, cây đàn, mai lão, rồng chở bánh xe luân hồi… với kỹ thuật chạm lộng, chạm nổi, chạm bong kênh.
Hệ thống tượng tròn
Nổi bật hơn cả trong trang trí nghệ thuật là hệ thống tượng tròn.
Ba pho Tam Thế tọa lạc trên cùng có kích thước đều nhau và giống nhau trong tư thế ngồi kiết già hàng ma, tay kết ấn tam muội. Các cụm tóc kết thành hàng ngang, nở phình ra như một chiếc mũ, mặt tượng mang nhiều nét đặc trưng, mắt khép hờ, nhìn xuống, sống mũi thẳng, nhân trung sâu, miệng phảng phất một nụ cười. Tượng mặc áo hai lớp, lớp ngoài phủ vai.
- Tượng A Di Đà được làm theo cách thức tọa thiền hàng ma, tay kết ấn tam muội. Tượng có nhục kháo nổi vừa phải, đỉnh là một u tròn trơn, các cụm tóc xoáy ốc thành hàng ngang theo các lớp. Mặt tượng có chất chân dung, mắt khép hờ soi rọi nội tâm, miệng mỉm cười cứu độ, tai tượng lớn, dày, cổ hai ngấn. Tượng choàng áo pháp y nhiều lớp. Một tay đặt ở lòng đùi, một tay trong tư thế ấn quyết. Tượng ngồi xếp bằng trên tòa sen. Đài sen của tượng không bố trí tròn, phía sau hơi thót, phía trước nở theo thế ngồi. Các cánh sen để trơn, múp phồng, mũi hơi cụp lại.
- Tượng Thánh Tăng ngồi trên bệ nhị cấp, đầu đội mũ thất phật, trên cánh sen có trang trí nổi, ngồi thả hai chân, mình mặc áo nhiều lớp, hai tay giơ trước ngực, bàn tay ở tư thế ấn quyết.
- Tượng Đức Ông ngồi trên bệ nhị cấp, đầu đội mũ quan văn có vành trang trí hoa lá, mây lửa, phía dưới mũ có trang trí đôi rồng chầu. Mình mặc áo đại trào, mảng phía trước chạm lân đứng trên sóng thuỷ ba. Tay trái tượng úp trên đầu gối, tay phải đặt trên đùi, bàn tay cầm thanh gươm.
Hiện vật
Hiện di tích còn bảo lưu được một hệ thống di vật khá phong phú và có giá trị.
- Đặc biệt phải kể đến một quả chuông đồng “Sùng Linh tự chung” có niên đại ngày 10 tháng Trọng Đông năm Bính Thìn Tự Đức thứ 9 (1856). Quai chuông tạo dáng đôi rồng đấu lưng. Chuông bốn mặt, thân chia làm tám ô trang trí, ở mỗi góc ô đều đúc nổi họa tiết mây lá. Chuông có bốn núm gõ hình hoa cúc nổi tròn, nối liền bốn núm quanh thân có đường gân nổi, hai bên đường gân nổi là băng hoa văn hình hoa chanh. Bốn ô ngang hình chữ nhật ở phía chân chuông đúc nổi đề tài “tứ linh”. Đế chuông loe rộng chia làm hai cấp. Trên chuông khắc bài minh văn bằng chữ Hán và khắc niên đại trên một ô dọc của chuông.
- Bảy bức hoành phi bằng gỗ được sơn son thếp vàng, một số bức có nội dung:
“Chân như tự” – Niên đại Thành Thái (1903)
”Kiến tính thành” – Niên đại Duy Tân năm thứ 3 (1909)
- Một câu đối được sơn son thếp vàng
- Một số đồ dùng trong nghi lễ thờ cúng hàng ngày như bát hương, chân đèn, lọ hoa…
Xếp hạng
Năm 2003, Chùa Yên Bình được UBND thành phố Hà Nội ra quyết định xếp hạng di tích Kiến trúc – Nghệ thuật.
Tham khảo
- Di tích Lịch sử văn hoá – Cách mạng kháng chiến huyện Gia Lâm