Lược sử
Chùa Cổ Loan trước kia chùa tọa lạc tại phủ Yên Khánh, huyện Gia Khánh (nay thuộc thôn Cổ Loan, xã Ninh Tiến, thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình). Chùa được xây dựng vào những năm cuối thời Hậu Lê (Lê Huyền Tông), lúc đó chùa chưa có sư trụ trì nhân dân giao cho hai cư sĩ là Tống Huyền Thày và Tống Huyền Thợ (hai anh em) cùng với nhân dân trông coi, lúc đó chùa chỉ có ba gian nhỏ hẹp bằng cỏ tranh.
Năm 1810, lúc này Thiền phái Lâm Tế ở Ninh Bình đã phát triển ở nhiều chốn tổ lớn. Nhân dân địa phương và hai em em họ Tống xuống chốn tổ Phượng Ban là nơi khai sinh phái thiền Lâm Tế thỉnh Tổ sư Phổ Tế (tức Thông Trạch) về trụ trì. Ngài đã nhận lời thỉnh cầu và cho đệ tử là Tổ Thanh Nhu về chính thức trụ trì, xây dựng lại ngôi Tam Bảo và hoằng truyền pháp nơi đây. Lúc này tuần phủ Ninh Bình là Nguyễn Duy Ninh đã đắc lực hộ trì và cúng dàng tiền tài và vật lực để xây dựng chùa.
Với tài năng và đức độ của Tổ sư Thích Thanh Nhu, hàng tăng ni đã tìm về tham học rất đông. Đặc biệt là sau năm 1810, sau khi được nhận lĩnh giáo độ ni chúng thì đây lại trở thành một nơi cho ni bộ về học hỏi và thỉnh giáo Phật pháp.
Chùa Cổ Loan là nơi làm việc của Uỷ ban Nhân dân xã Ninh Tiến, đồng thời chùa là nơi nuôi giấu và thường trực của bộ đội Lê Lợi. Chùa còn ủng hộ đồng để đúc đạn và vận động ủng hộ hàng ngàn cây tre để bắc cầu cho bộ đội Lê Lợi tiến quân trong chiến dịch Quang Trung năm 1951. Trong những năm 1952 và 1953, để chuẩn bị cho chiến dịch Thu Đông, chùa Cổ Loan đã ủng hộ 2 tấn lúa cho bộ đội. Sau chiến dịch Quang Trung, chùa còn đào hầm để cho các cháu học sinh học tập và trú bom đạn, là nơi tản cư cho nhiều gia đình trong kháng chiến. Nhiều thế hệ chư tăng của chùa, ngoài việc hoằng truyền Phật Pháp phục vụ tự do tín ngưỡng cho nhân dân Phật tử địa phương, các ngài còn tích cực tham gia kháng chiến và ủng hộ cách mạng, tiêu biểu như: Hòa thượng Thích Thanh Thực trụ trì chùa lúc đó là người phụ trách Hội Phật giáo Cứu quốc huyện Gia Khánh. Vì có nhiều thành tích phục vụ kháng chiến nên ngài đã nhận được thư khen của Hồ Chủ tịch và Chính phủ. Hòa thượng Thích Thanh Tiêu người kế đăng cũng tham gia Mặt trận Liên Việt (thành lập tháng 3 năm 1951).
Tham khảo
- Thích Minh Tuệ (Tỳ Kheo, chùa Cổ Loan, xã Ninh Tiến, TP. Ninh Bình), Phật giáo Ninh Bình và sự truyền thừa của phái thiền Lâm Tế, Nghiên cứu Tôn giáo; Số 5 – 2008, Thánh Địa Việt Nam Học
- Phật giáo Ninh Bình giai đoạn 1947-1954: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/phat-giao-ninh-binh-giai-doan-1947-1954.html