Chùa Đại Phúc (Chùa Nổ – Quảng Xương, Thanh Hóa)

Chùa Đại Phúc (Chùa Nổ – Quảng Xương, Thanh Hóa)

Thông tin cơ bản

Lịch sử


Chùa Nổ, tên chữ là Đại Phúc tự ở thôn Uy Nam, xã Quảng Ngọc, huyện Quảng Xương – chùa Nổ là gọi theo tên địa danh xưa. Mặc dù không còn tài liệu để khẳng định niên đại của chùa xuất hiện sớm nhất là từ bao giờ. Nhưng thông qua Bản sơ đồ mộ cụ tổ họ Lê, qua thượng lương ghi năm trùng tu chùa thì có thể khẳng định chùa Nổ những năm đầu thế kỷ XX có quy mô tương đối đầy đủ các công trình phục vụ các nghi lễ tôn giáo và nơi diễn ra các hoạt động sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng của người dân bản địa.

Năm 2008, theo nguyện vọng của Đảng bộ và nhân dân cùng với sự phát tâm công đức của con em xã Quảng Ngọc, đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội đã đóng góp đầu tư tôn tạo lại chùa Nổ trên nền móng cũ theo thiết kế đã được UBND huyện Quảng Xương, phê duyệt, theo công văn số 51/DTTH ngày 10/4/2008. Đến ngày 14/4/2012, chùa Nổ xã Quảng Ngọc, đã long trọng tổ chức lễ đón nhận Bằng Di tích Lịch sử văn hóa cấp tỉnh, đồng thời công bố Quyết định bổ nhiệm Đại đức Thích Tâm Hiền, trụ trì chùa và cắt băng khánh thành chùa Nổ, tại làng Uy Nam.

Quy mô kiến trúc


Cổng chùa, được xây dựng theo lối Tam quan hai tầng mái, gồm một cổng chính và hai cổng phụ. Cổng chính là hệ thống cửa gỗ bốn cánh, hai cổng phụ là cửa gỗ hai cánh.

Chính điện, được kiến trúc theo lối chữ Đinh (J), chia làm 2 phần: Tiền đường và Hậu cung: Tiền đường dài khoảng 20m, rộng khoảng 8m, gồm 5 gian 2 dĩ (mái diêm), được phân cách nhau bởi 4 hàng cột gỗ lớn. Hậu cung được nối liền với 3 gian giữa của Tiền đường và được kết cấu 3 gian theo chiều dọc.

Chính điện chùa Nổ có những bức Đại tự chữ Hán ca ngợi vai trò, địa vị của Phật như:

  • Thiên nhân sư – Ngài là bậc thầy của trời và người
  • Thánh trưng vương – Ngài là bậc vua trong hàng các thánh
  • Phật sở trụ – Nơi Phật ngự
  • Lợi quần sinh – Luôn mang điều lợi lạc cho chúng sinh
  • Lạc giới siêu sinh – Cõi Phật siêu sinh
  • Tịnh thổ thoát hóa – Đến nơi đất Phật 

Nhà Tổ, công trình nằm phía sau chùa chính được bài trí thờ theo lối thờ truyền thống của Phật giáo Bắc tông, bao gồm:

  • Trên cùng là ban thờ Bồ Đề sư tổ.
  • Ban dưới thờ các vị Tổ khai sáng của chùa
  • Dưới cùng nơi dâng lễ

Di vật cũ của chùa đến nay chỉ còn lại vài thứ (1) nhưng cũng hết sức hữu ích trong việc tìm hiểu về lịch sử di tích cũng như giá trị mỹ thuật trong một giai đoạn nhất định trong lịch sử phát triển mỹ thuật nước nhà.

Trùng tu


Chùa Nổ mới với các hạng mục chính, vật liệu kiến trúc, hệ thống tượng pháp, pháp khí tuy mới nhưng đảm bảo về mặt thẩm mỹ và có giá trị nghệ thuật đương đại sâu sắc. Trong tương lai, với sự nỗ lực của Trụ trì Đại đức Thích Tâm Hiền, Đương cơ Thích Nguyên Hồi dự án mở rộng khuôn viên chùa được tiếp tục thực hiện cùng với đó các công trình kiến trúc, các khu tâm linh khác sẽ được xây dựng như: Tháp 13 tầng, Nhà Tổ 7 gian, Nhà Tứ ân, Nhà Mẫu, Giảng đường và Đại Phật điện.

Nằm trong không gian, cảnh quan thiên nhiên đẹp đẽ của một vùng quê yên bình, chùa Nổ đã phần nào đó đáp ứng được các nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm – tinh thần của tín đồ Phật tử gần xa, xứng đáng là một di tích có giá trị ở nhiều mặt, đặc biệt là tâm linh tín ngưỡng.

  • Trích theo cuốn Chùa xứ Thanh Tập III – Tác giả Đại Đức THÍCH TÂM ĐỨC – Xuất bản năm 2016 

 

Chấm điểm

Hình ảnh

Chia sẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner App ChỐn ThiÊng 3 (60x90)