Chùa Di Linh (Triệu Sơn, Thanh Hoá)

Chùa Di Linh (Triệu Sơn, Thanh Hoá)

Thông tin cơ bản

Chùa Di Linh nằm trên địa bàn làng Hữu Tiến, xã Hợp Lý, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Vùng đất này trước đây thuộc ấp Di Linh, hình thành từ những năm đầu thế kỷ XX do ông Trần Xuân Doãn người Nam Định lập nên. Ấp Di Linh thời kỳ này được chia làm 4 khu: khu Đông, khu Nam, khu Tây, khu Bắc. Khu Nam sau phát triển thành làng Hữu Tiến. Làng Hữu Tiến thời kỳ đầu có khoảng 20 gia đình sinh sống, trong đó có gia đình các cụ Phó Mã, cụ Vóc, cụ Tường, cụ Nguyện, cụ Đồ, cụ Năng… Sau Cách mạng tháng Tám 1945, làng Hữu Tiến chia làm 2 xóm: Hữu Tiến và Hữu Lộc. Năm 1950, hai xóm này được sát nhập lại lấy tên là làng Hữu Tiến thuộc xã Hợp Lý, huyện Nông Cống. Từ năm 1965 đến nay làng Hữu Tiến thuộc xã Hợp Lý, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Cư dân làng Hữu Tiến chủ yếu có nguồn gốc từ hai tỉnh Nam Định và tỉnh Hà Nam chuyển cư vào từ những năm đầu thế kỷ XX.

Không gian và kiến trúc

Chùa Di Linh được xây dựng bởi sự phát tâm công đức của nhân dân làng Di Linh xưa, làng Hữu Tiến ngày nay và một số Phật tử trong vùng. Ngày nay, ngôi chùa này vẫn được nhân dân làng Hữu Tiến gọi với cái tên là chùa Di Linh. Chùa lấy tên địa danh của ấp Di Linh để đặt tên. Chùa Di Linh nằm về phía nam làng Hữu Tiến, là nơi có cảnh trí thiên nhiên đẹp. Phía đông giáp thôn Di Thành; phía tây giáp thôn Quang Thắng; phía Nam giáp xã Hợp Tiến; phía bắc giáp xã Thọ Tiến.

Hiện nay chưa tìm thấy nguồn tư liệu ghi chép về niên đại xây dựng chùa. Theo trí nhớ của lớp người cao tuổi ở làng Hữu Tiến kể lại rằng: trước đây, chùa Di Linh được xây dựng trong một khuôn viên đất cao ráo, thoáng mát ở trung tâm làng Hữu Tiến, chùa gồm các công trình chính: Chùa chính; nhà Tổ; nhà Mẫu và Giếng chùa.

  • Chùa Chính: được kiến trúc theo kiểu chữ Đinh (J), mái cong, có Chính điện (hay còn gọi là Thượng điện), đặt các bàn thờ Phật, nối với Bái đường (Tiền đường) ở phía trước. Tiền đường có cấu trúc 5 gian, các vì kèo được cấu trúc kiểu “Chồng rường bẩy hiên”.
  • Nhà Tổ: gồm 3 gian bằng gỗ; kiến trúc kiểu chữ Nhất (一) các vì kèo cấu trúc theo kiểu Chồng rường bẩy hiên, đòn tay rui mè làm gỗ, mái lợp ngói mũi và ngói liệt. Trong đặt bàn thờ đức tổ Bồ Đề Đạt Ma.
  • Nhà Mẫu: Nhà thờ Mẫu được xây dựng 3 gian với kết cấu kiến trúc vì kèo theo kiểu chồng rường kẻ bẩy. Mái được lợp ngói mũi, phía trên nóc được trang trí hình mặt nguyệt.

Chùa Di Linh ở phía trước còn có một cái giếng, giếng có đường kính 2,65m, phần dưới xây bằng đá ong, phía trên được xây thành bằng gạch. Khuôn viên chùa có cây ăn trái, vườn hoa đã tạo nên một không gian xanh mát, tĩnh lặng.

Hiện tại khu vực đất đai của chùa còn nguyên vẹn, chưa sử dụng vào mục đích khác, có diện tích khoảng 2.000m2.

Di vật và cổ vật

Chùa Di Linh hiện nay còn lưu giữ được các di vật, hiện vật cổ sau:

  • 04 chân đá tảng có kích thước vuông 0,20m; vuông 4 mặt;
  • 04 chân đá tảng, kích thước vuông 0,38m, đường kính gương tảng 0,27m;
  • 04 chân đá tảng, kích thước vuông 0,43cm, đường kính gương tảng 0,37m;
  • 01 bản khắc Kinh Phật bằng gỗ có kích thước chiều dài 0,70m, chiều rộng 0,45m.

Theo các cụ già làng Hữu Tiến cho biết, chùa Di Linh trước đây có hệ thống tượng thờ bằng gỗ, được sắp đặt như sau:

Phật điện (chùa chính)

  • Ban thứ nhất: ở vị trí cao nhất, sát vách, là ba pho tượng được gọi là Tam Thế, tức tượng các vị Phật của ba thời Quá khứ, Hiện tại và Vị lai. Ba pho Tam Thế có kích thước vừa phải; tọa trên tòa sen; đỉnh đầu có Nhục kháo nhô cao, tóc xoắn ốc, tai dài, ngực lộ chữ Vạn (卍)
  • Ban thứ hai: là ba pho tượng Di Đà tam tôn, gồm tượng Phật A Di Đà, Quan Âm bên trái và Bồ Tát Đại Thế Chí bên phải. 
  • Ban thứ ba: tượng Phật Thích Ca Mâu Ni ngồi giữa, với tượng Bồ Tát Văn Thù Sư lợi ở bên trái và tượng Phổ Hiền ở bên phải. 
  • Ban thứ tư: Bài trí tượng Phật Thích Ca sơ sinh trong tòa Cửu Long. Hai bên tượng Thích Ca sơ sinh là tượng Đế Thích và tượng Phạm Vương (còn gọi là Phạm Thiên). Đế Thích và Phạm Thiên là các chúa tể của các thế giới người và thần, nên khi Đức Thích Ca chưa thành đạt họ luôn ở bên cạnh để hộ trì. 

Trong Tiền đường, bài trí hai tượng Hộ Pháp, những thiên thần bảo vệ Phật. Bên phải ông Khuyến Thiện, với khuôn mặt hiền từ, tay cầm ngọc như ý; bên trái là ông Trừng Ác, khuôn mặt đỏ, mặt dữ tợn, mặc giáp trụ, cầm pháp khí. 

Nhà Tổ: Ngoài tượng các vị sư trụ trì ở chùa, ở ngôi chính giữa trên cao nhất là tượng thờ Bồ Đề Đạt Ma, với hình tượng mặt vuông, mũi cao, tóc quăn, râu quai nón.

Nhà Mẫu: là nơi thờ Tam tòa Thánh Mẫu, Đức Thánh Trần và các phụ tá của Mẫu thường được thấy trong các thần điện thờ Mẫu ở Việt Nam. Bàn thờ mẫu Liễu Hạnh được đặt ngay chính giữa Hậu cung. 

Văn hoá lễ hội

Trong đời sống và sinh hoạt của nhân dân làng Di Linh xưa – Hữu Tiến ngày nay, nhân dân trong làng đã tham gia và tổ chức những ngày lễ quan trọng liên quan đến Phật giáo, đó là rằm tháng Bảy, ngày hội Vu Lan, xá tội vong nhân. Đặc biệt, vào ngày lễ đức Phật đản sinh, trước đây chùa thường tổ chức rất lớn. Trong ngày lễ ấy người ta thường “Mài trầm hương, hòa hương với nước đem tắm Phật. Dùng bánh tròn tích khách để dâng cúng”. 

Trong hội chùa có những nghi thức Phật giáo như tụng kinh lễ Phật, chạy đàn, phóng sinh… chùa Di Linh không chỉ có thờ Phật mà còn thờ Mẫu nên qua hội chùa ở đây ta thấy rõ sự dung hợp tín ngưỡng tôn giáo rộng rãi và cởi mở. Hội chùa thường được chia làm hai mùa là hội mùa xuân và hội mùa thu, tổ chức vào các giai đoạn nông nhàn, tức là lúc không bận rộn công việc đồng áng. Tuy nhiên, hội chùa được tổ chức vào mùa xuân thường có quy mô và thời gian kéo dài hơn. Trong hội chùa còn có nhiều hình thức tổ chức sinh hoạt vui chơi như: thi ném pháo, trò thi nấu cơm gắn liền với lễ cầu mùa, hội thi làm bánh lá, bánh dày. 

Chùa Di Linh có lịch sử từ lâu đời, đã từng đóng vai trò quan trọng trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng làng xã. Mặc dù ngôi chùa nay không còn, nhưng đối với một bộ phận cư dân làng Hữu Tiến, hình ảnh ngôi chùa Di Linh vẫn còn in đậm trong tâm trí họ.

Tham khảo

  • Chùa Xứ Thanh (Tập IV), Nguyễn Thị Khuyến
5/5 (2 bình chọn)
Chia sẻ
Checkin

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner app chỐn thiÊng 3 (60x90)