Ngày vía Phật Thích Ca Đản Sanh (8/4 AL)

Ngày vía Phật Thích Ca Đản Sanh (8/4 AL)

Thông tin cơ bản

Thái tử Tất Đạt Đa Cồ Đàm (sau này là Đức Phật) ra đời tại vườn Lâm-Tỳ-Ny ở thủ đô Ca-Tỳ-La-Vệ của một vương quốc nhỏ ngay dưới chân rặng núi Hy Mã Lạp Sơn của Ấn Độ cổ xưa.

Ngày sinh của Phật Thích Ca Mâu Ni là ngày 8 tháng 4 Âm Lịch năm 624 TCN. Về sau, đại hội Phật Giáo Thế Giới đổi và tổ chức ngày Đại Lễ Phật Đản vào ngày trăng tròn 15-4 Âm Lịch.

Ngày Phật Đản


Hằng năm, vào tháng tư, là con lại dâng hoa náo nức nhớ ngày kỷ niệm Phật giáng thế. Con mong chóng đến ngày Phật Đản để đến chùa lễ Phật, cùng gia đình tưởng niệm Thế Tôn, vị Thầy của tất cả chúng sanh biết nếm mùi Đạo pháp. Vị cha lành của tất cả chúng sanh còn lặn chìm trong sanh tử. Con phải quán về ngày Phật Đản như thế nào để hiểu đại nhân duyên nhập thế của đức Phật Thích Ca. Trước khi đức Thích Ca thị hiện có giả thân thái tử Tất Đạt Đa chân lý vẫn có, vẫn sáng tỏ nhưng thiếu duyên lành nên số chúng sanh tầm Phật đạo không bao nhiêu người đến được bến Giác Ngộ. vì thế Như Lai tạm mượn giả thân cùng chúng sanh đồng sự để chỉ bày con đường giải thoát tự chính nơi con đang ở, đang đứng chứ không phải một giải pháp viễn vông, một con đường bắt đầu từ nơi khác. Đó là duyên lành lớn nhất của chúng sanh được thấy vũng bùn mình đang ở và hoa sen mà chính mình có thể thành.

Nương theo duyên lành ấy là quy y tam bảo. Quy y tam bảo là tâm quy chứ không phải tướng. Tâm đã quy y tam bảo thì hình tướng quy y sẽ đến. Bằng giả danh rằng tâm đã quy y thì không cần tướng quy y; những kẻ ấy chấp tướng là Phật có nên chỉ thiên hướng về tâm cũng là một tướng khác của ngã. Còn những người chỉ có hình tướng quy y mà tâm không biết Phật, con hãy khoan bàn luận Phật pháp với họ. con tưởng nhớ Đức Thích Ca Như Lai như tưởng nhớ một người đã mất thì Phật là một sai lầm không sao nói hết. Thân Phật vẫn có đây trong mỗi lời Ngài dạy, trong mỗi chiếc y mà con thấy, trong tâm của mỗi hành giả chân thành. Thân Phật không đâu khác ngoài tâm của con. Tâm xa Phật thì chỉ có y là có Phật, người đắp y thì ở rất xa. Tâm xa Phật thì chỉ có lời nói, chỉ có văn tự, chỉ có Phật pháp là có Phật, còn lời nói thì ở rất xa. Tâm xa Phật thì dù ở gần vẫn không thấy Phật. Với những kẻ ấy, Như Lai là người đã khuất nên không có chánh pháp, không có ai phân định chánh tà, không có nhân quả báo ứng.

Phật không có sanh rồi diệt. Phật đã thị hiện cho mắt trần thấy để chúng sanh biết rằng những chân lý mà nhục nhãn không thể thấy mới là bất diệt. Hiện tại Thích Ca Như Lai vẫn đang thuyết pháp sao mắt con không nhìn thấy, sao tâm con không cảm được. Cho nên ngày Phật Đản là ngày kỷ niệm dành cho chúng sanh chứ không phải ngày dâng Phật. Con hãy hiểu như thế này mới là thật biết mừng ngày Phật Đản. Con mừng ngày Phật Đản là ngày Phật có trong tâm con, ngày con phát tâm theo Đức Phật, vượt bể khổ trần gian. Đó mới chính là ngày Phật Đản. Ngày Phật Đản là ngày Chư Thiên, Hộ pháp, chư Phật, Bồ Tát mười phương thế giới lớn tiếng ngợi khen sự không thể nghĩ bàn của Thích Ca Văn Phật thị hiện vào đường sanh tử để độ chúng sanh thế giới ta bà đi đến quả vị Phật.

Chư Địa Thần cũng phát tâm hộ trợ cho chúng sanh quyết tu Phật đạo; cho nên đó cũng là ngày trời đất giao hòa, chúng sanh chịu quả báo trong địa ngục cũng được hào quang thánh đức của Như Lai soi tới, nên phát tâm bồ đề đông không kể xiết, gọi là ngày địa ngục mở cửa cũng vì thế. Địa ngục đã hết với các chúng ấy. Trong không khí của ngày hội đó, con hãy lập ngày hội của con. Con hãy cho mình một ngày hoàn toàn là của mình, gạt bỏ tất cả quá khứ ngày hôm qua, gạt bỏ ngày mai và toan tính về tương lai khỏi tâm trí, chỉ có hiện tại, chỉ có ngày hôm nay, chỉ có Như Lai và con trong suốt ngày Phật Đản thì mới nếm được pháp vị của ngày Phật Đản. Thời gian chỉ là chướng ngại khi tâm con còn chướng ngại. Tâm không chướng ngại thì quá khứ không có nghĩa đã mất, vị lai không có nghĩa chưa đến, nên ngày lễ kỷ niệm Đức Thích Ca hôm nay không mảy may kém 2556 năm về trước về mặt thực tế cũng như về nghĩa vui mừng. Và tương lai cũng không vì thời gian xa hơn mà thánh lễ càng xa Đức Phật.

Như Mẹ tán thán công đức vô lượng vô biên của Như Lai, từ bi vô lượng vô biên của Như Lai trong ngày thánh đản. Chư Phật mười phương cũng đồng ngợi khen như thế nên con có đón ngày ấy với tâm trạng nào thì ngày ấy vẫn là ngày vui, là ngày vĩnh viễn đã tự tách rời khỏi quá khứ, đi mãi trong thời gian. Khi con đến chùa cùng chư Phật tử đảnh lễ Như Lai thì phải thấy con đã lập đạo tràng nơi tâm, đã thờ Phật nơi tâm, đã xây ngôi chùa bất hoại bằng tam quy ngũ giới nơi tâm để phụng thờ đức Phật. Và con đến chùa đây là để thỉnh Phật lên đài tôn nghiêm tại thế chứ không phải đến chùa rồi mới tìm Phật. Nếu con và tất cả Phật tử đều thỉnh Phật trụ thế, sự đồng tâm ấy làm nên một vị Phật duy nhất không có tướng phân biệt. Sự đồng tâm ấy là thế giới đại đồng, là Phật tánh và sự đồng tâm ấy chính là Phật vậy.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Như Lai Phật. Đệ tử ngày hôm nay ngồi dưới Phật đài chiêm ngưỡng tôn dung vô tướng hiện thân, lễ này con nguyện không trụ quá khứ – hiện tại – vị lai mừng đại nhân duyên Phật chuyển pháp luân. Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Như Lai Phật. Đệ tử ngày hôm nay ngồi dưới Phật đài chiêm ngưỡng tôn dung vô tướng hiện thân, lễ này con nguyện đồng tâm với vô lượng chúng sanh trong quá khứ – hiện tại – vị lai tán thán công đức không thể nghĩ bàn của Như Lai vì chúng con đã chuyển pháp luân. Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Như Lai Phật. Đệ tử ngày hôm nay ngồi dưới Phật đài chiêm ngưỡng tôn dung vô tướng hiện thân, lễ này con nguyện không trụ quá khứ – hiện tại – vị lai báo đáp thâm ân Ngài đã chỉ con đường diệt khổ.

Lễ Phật phải lễ bằng tướng, bằng tâm như thế mới thật là kính lễ. Con hãy vui mừng làm theo để trọn hưởng được khí lành ngày Phật Đản.

Lễ Tắm Phật


Lễ tắm Phật là một nghi thức quan trọng trong dịp kỷ niệm ngày Đản sanh của đức Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni Phật. Tất cả các tông phái, các truyền thống Phật giáo khác nhau đều có thực hiện nghi thức tắm Phật trong dịp lễ Phật đản. Nghi thức này bắt nguồn từ Ấn Độ, và khi Phật giáo truyền đến các quốc gia khác thì nghi thức này cũng theo đó mà được truyền đi.

Nghi thức tắm Phật có lẽ xuất phát từ sự tích Đản sanh của Thái tử Tất Đạt Đa tại vườn Lâm Tỳ Ni. Trong Phật giáo Nam truyền và Bắc truyền đều có các bản kinh ghi lại rằng, khi hoàng hậu Ma-da hạ sanh Thái tử, từ trên không trung có hai dòng nước từ miệng rồng, một dòng nước ấm và một dòng nước mát, rưới xuống để tắm cho Hoàng hậu và Thái tử.

Tuy chưa thể xác định được thời điểm cụ thể của sự xuất hiện lễ tắm Phật tại Ấn Độ, nhưng chắc chắn là nghi thức này được hình thành khá sơm, thậm chí là trước kỷ nguyên Tây lịch. Tại Lộc Uyển ở phía Bắc Ấn và tại Amarāvatī ở Nam Ấn hiện còn một số tác phẩm điêu khắc tả cảnh Đản sanh của Thái tử với những con rồng phun nước. Một tác phẩm điêu khắc thuộc trường phái Gandhara được lưu giữ tại bảo tàng Peshawar (Pakistan) mô tả cảnh hai cung nữ đứng hầu bên Thái tử, bên trên có trời Đế Thích và Phạm Thiên rưới nước từ cành hoa sen để tắm cho Thái tử, hai bên Thái tử lại có bốn vị chư thiên đang cung kính chiêm ngưỡng.

Tại Trung Hoa, sách Ngô thư có ghi lại rằng, vào thế kỷ thứ IV, Thạch Lặc, một vị vua nhà hậu Triệu (trị vì 319 – 333) đã từng đến chùa tham dự lễ tắm Phật vào ngày mồng tám tháng tư. Và đến thời Nam Bắc Triều thì lễ tắm Phật không những được tổ chức trong các tu viện Phật giáo mà còn được tổ chức long trọng trong hoàng cung.

Riêng tai Việt Nam, theo những ghi chép trong Đại Việt sử ký toàn thư, thì dưới thời nhà Lý, lễ Tắm Phât đã rất phổ biến, không chỉ đơn thuần là một nghi lễ của cộng đồng Phật giáo mà đã trở thành lễ hội dân gian.

Ngày nay, Phật giáo đã được truyền sang phương Tây. Bên cạnh những người phương Tây chủ động nghiên cứu và thực tập giáo lý đạo Phật, các vị Tăng sĩ và những người Phật tử nhập cư từ các nước châu Á đóng vai trò rất quan trọng việc đưa Phật giáo đến với cộng đồng người phương Tây. Họ đã gìn giữ và phát huy các nghi thức, sinh hoạt Phật giáo, trong đó có nghi thức tắm Phật. Nhờ vậy mà người phương Tây mới có cơ hội biết đến lễ tắm Phật. Những thập niên gần đây, khi cộng đồng Phật giáo ở phương Tây đã phát triển, vào mùa Phật đản hàng năm, lễ hội tắm Phật đã được tổ chức long trọng tại nhiều nơi ở các nước phương Tây. Mỗi địa điểm lễ hội như vậy thường thu hút từ vài ngàn đến vài chục ngàn người tham gia.

Khi tham dự lễ Tắm Phật, nhiều Phật tử phương Tây đã ý thức được ý nghĩa của nghi lễ này. Họ biết rằng, khi chúng ta dùng nước thơm tinh khiết để rưới tắm lên tôn tượng Đản sanh của Đức Phật là chúng ta bày tỏ lòng thành kính đối với đức Từ Phụ của chúng ta. Rưới tắm tượng Đản sanh của Đức Phật còn là một cách nhắc nhở chúng ta tịnh hóa thân tâm của mình, gội rửa dần tham lam, sân hận và si mê trong tâm chúng ta, nhờ vậy mà chúng ta có thể đạt được chân hạnh phúc trong cuộc sống. Đồng thời, lễ Tắm Phật còn là dịp để chúng ta cầu nguyện cho mọi loài chúng sanh đều được sống trong thanh bình, hòa hợp, được sống hạnh phúc, biết thương yêu, chia sẽ và cảm thông với nhau, đem lại lợi ích và an vui cho nhau.

Tham khảo


  • https://tuongphattrangia.com/phat-thich-ca-mau-ni/
  • Sách “Trái Tim Của Bụt”, tác giả Thích Nhất Hạnh, NXB Tp Hồ Chí Minh
Chấm điểm

Hình ảnh

Chia sẻ
Phật Thích Ca (1620 × 1068 Px)

Nội dung chính

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner App ChỐn ThiÊng 3 (60x90)