Chùa Khmer Hồ Xáng Thổi ( Pitu Khosa Rangsay, Ninh Kiều – Cần Thơ)

Chùa Khmer Hồ Xáng Thổi ( Pitu Khosa Rangsay, Ninh Kiều – Cần Thơ)

Giới thiệu


Chùa Khmer hồ Xáng Thổi Cần Thơ còn có tên là Pitu Khosa Rangsay. Đây là ngôi chùa có lịch sử 70 năm với nhiều kiến trúc chi tiết độc đáo. Vào bên trong chánh điện với 3 tầng đặc trăng. Mỗi tầng lại mang nét kiến trúc khác lạ và tượng Phật Thích Ca riêng biệt. Đặc biệt trên sân thượng với nhiều mô phỏng các sự kiện trong đời đức Phật. Chùa tọa lạc tại số 27/18 đường Mạc Đĩnh Chi, phường An Cư, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ.

Lịch sử


Năm 1948 Thượng tọa Sơn Tây xây dựng chùa với mái lá đơn sơ. Năm 1960 Thượng tọa Sơn Tây viên tịch, Đại đức Sơn Vui thay thế làm trụ trì chùa. Năm 1963 Đại đức Lâm Navancy về thay thế làm trụ trì. Năm 1970 Đại đức Lâm Navancy bị giặt bắn chết. Năm 1996 Đại đức Lý Hùng về làm trụ trì chùa. Năm 2007 Đại đức Lý Hùng tấn thăng thành Thượng tọa. Năm 2008 Chùa được trùng tu toàn diện. Năm 2012 sau 4 năm chùa hoàn thành trùng tu và có diện mạo mới như hiện nay. Trong các cuộc chiến tranh chống giặc ngoại xâm chùa là nơi chứa chấp nhiều chiến sĩ cách mạng. Hiện nay, chùa cũng là nơi đào tạo, dạy học cho nhiều bà con người Khmer khu vực Cần Thơ.

Truyền thuyết về sự tích Rìa-hu


Một vị sư kể lại cho chúng tôi nghe rằng: Ngày xửa ngày xưa, có một gia đình nọ có ba anh em trai. Ngày nào cũng vậy ba anh em cũng dành phần cơm để dâng cơm cho các nhà sư đi khất thực. Một hôm, người em út được hai anh giao cho nấu cơm. Rủi thay hôm đó củi bị mưa ướt nên nhúm mãi mà lửa không cháy được nên khi đoàn các sư khất thực đi ngang qua nhà mà cơm vẫn chưa chín. Không có cơm để dâng cho các sư, hai người anh giận và quát mắng, lấy vá xúc cơm đánh vào đầu người em út. Người em út bị các anh đánh, tủi thân, tức mình bỏ ra bờ con sông lớn sau nhà ngồi khóc. Nhìn con nước sông đang chảy xiết, người em út nguyện kiếp sau được hóa thành người có sức mạnh như dòng nước chảy xiết để không ai bắt nạt được mình.  Hai người anh tìm kiếm đứa em, nghe lời than vãn và lời nguyện đó mà lo lắng và từ đó họ cũng nguyện kiếp sau sẽ trở thành người có sức mạnh hơn dòng nước để em mình không làm hại được mình. Cả ba anh em đều toại nguyện. Người anh cả được hóa kiếp thành Pờ-rặc A-tít, tức là mặt trời, người anh thứ hóa kiếp thành Pờ-rặc Chanh tức là mặt trăng, và người em út hóa kiếp thành Rìa-hu, một người to lớn, mặt mũi xấu xí, có sức mạnh không ai có thể cản lại nổi.  Từ mối thâm thù xưa cũ với hai anh từ kiếp trước, Rìa-hu thường chặn bắt mặt trời và mặt trăng nuốt vào bụng để trả thù. Do đó hình tượng Rìa-hu thường được đắp nổi hay vẽ cảnh đang nuốt vòng tròn thể hiện mặt trời hay mặt trăng. Lúc nuốt mặt trời hay mặt trăng đó, đã làm cho trời đất bị tối đi. Vị thần Pờ-rặc In, người cai quản vũ trụ, thấy vậy bèn dạy cho Pờ-rặc A-tít và Pờ-rặc Chanh hai bài thần chú gọi là Sô bờ-rích là kinh Mặt Trời và Chanh bờ-rích là kinh Mặt Trăng để khi lâm nạn Pờ-rặc A-tít và Pờ-rặc Chanh đọc để buộc Rìa-hu phải nhả mình ra. Từ đó , Rìa-hu chỉ nuốt mặt trời và mặt trăng được một lát, thì bị hiệu ứng của bài kinh phải nhả mặt trời hay mặt trăng ra. Trời đất lại trở nên sáng sủa lại sau nhật thực hay nguyệt thực. Những lúc này người Khmer Nam bộ thường đánh trống khua mõ,… gây tiếng động để Rìa-hu nhả mặt trời hay mặt trăng ra. 

Thêm một chuyện kể khác về Rìa-hu: Ỷ mình to lớn, có sức mạnh vô địch nên Rìa-hu rất kiêu ngạo, quyết tâm tìm người tỷ thí. Nghe nói Đức Phật là người mạnh nhất thế gian, Rìa-hu tìm đến đòi thách đấu. Đức Phật biết Rìa-hu sắp đến nên dùng thần thông biến ngôi điện của mình nhỏ lại để tạo lòng kiêu ngạo, tự đắc của Rìa-hu. Khi Rìa-hu bay đến nơi, thấy ngôi chánh điện nhỏ xíu, chỉ bằng nắm tay của mình, thì tự đắc cho là mình có thể bóp nát ngôi chánh điện ấy một cách dễ dàng.  Nhưng khi Rìa-hu bước vào ngôi điện nhỏ bé đó thì bước qua dễ dàng không bị vướng gì cả. Bên trong ngôi điện rộng thênh thang còn đức Phật thì to lớn như quả núi, mình đắp y vàng. Sau khi định thần, Rìa-hu hỏi đức Phật: Trong vũ trụ, có phải ông là người to lớn nhất không? Đức Phật bảo, trong vũ trụ không ai lớn hơn ngài Đại Phạn Thiên – tiếng Khmer là MahaPờrum. Rìa-hu nài nỉ đức Phật đưa mình lên thượng giới gặp Đại Phạn Thiên. Nhìn thấy MahaPờrum hết sức to lớn, Rìa-hu sợ hãi, luôn miệng van xin tha lỗi và hổ thẹn xin Đức Phật cho về. Đức Phật căn dặn trên đường về không được uống nước trường sinh ở hồ thiêng A-Nô-Ti.  Nhưng đường thì xa mà người thì khát nên Rìa-hu quên lời căn dặn của Phật nên đã xuống hồ uống nước. Thần giữ hồ Kom-phôn-lác tức giận kẻ đánh cắp nước trường sinh nên thổi luồng gió thiêng Căm-ma-viết là luồng gió nghiệp báo cắt đứt Rìa-hu làm đôi ngang ngực. Rìa-hu hoảng sợ bỏ nửa phần còn lại dưới hồ, mang nửa phần trên còn sống được là nhờ nước trường sinh, bay vút đi. Bay đến đâu tạo mưa to, giông bão đến đó. Vì vậy mà người Khmer có tập tục là hễ có gió to thì đánh trống, gõ thùng… thậm chí, cầm dao hô lớn “tránh đi, tránh đi” tạo tiếng vang lớn để xua đuổi Rìa-hu đi nơi khác, tránh làm thiệt hại nhà cửa ruộng vườn của họ. 

Kiến trúc


Diện tích chùa Pitu Khosa Rangsay: 645m2. Chùa có kiến trúc độc đáo chùa một ngôi chùa Khmer với kiến trúc Ankor cổ điển. Chùa cũng giống nhiều ngôi chùa Khmer khác với kiến trúc: Chánh điện, sala, nhà tăng, nhà bếp. Chánh điện chùa có 3 lầu. Kiến trúc mái ngói luôn là phần quan trong của chùa. Cấu trúc mái chùa có 3 cấp, mỗi cấp chia thành 3 nếp khác nhau. Ở đỉnh mái luôn có hình tượng thần rắn naga cong và nhọn. Phần trung tâm là một tháp nhọn nhỏ. Mỗi bề mặt đều sơn hình Phật Thích Ca. Cấu trúc mái khá phức tạp và tỉ mỉ từng đường nét điêu khắc. Xung quanh chùa được bao bọc bởi tường cao. Cổng chùa sơn vàng và xanh cẩm thạch. Bên trái biển hiệu có đề tên chùa bằng tiếng Khmer, ở giữa là ký hiệu Phật giáo và bên phải là tên chùa được phiên âm. Ngoài ra chùa còn có cái tên Việt là Viễn Quang.

Tiến vào bên trong bạn sẽ thấy một tượng Phật Thích Ca nằm cạnh bậc thềm đi lên chánh điện. Tượng Phật để trong lồng kính và đặt dưới một gốc cây. Thường ta sẽ bỏ quên một bảo tháp nhỏ nằm phía bên phải cạnh cổng vào. Khu vực này dùng làm nơi để xe. Phía sau còn có nhiều phòng như phòng ăn, phòng họp, phòng tiếp khách, phòng nghỉ ngơi của các sư tăng,…Bên trái là dãy Đông lang Sala, bên phải là dãy Tây lang Sala. 

Tương tự kiến trúc chùa Muniransay Cần Thơ, chánh điện nằm cách mặt đất khoảng 1 mét. Bạn cần đi lên các bậc thềm cầu thang để lên trên. 2 bên tay vịn là tượng rắn thần Naga. Nếu nhìn kỹ bạn còn thấy tượng nữ thần, thần chim và tượng tứ diện trang trí xung quanh cầu thang đi lên. Ở chánh điện bạn sẽ thấy nhiều tượng Phật Thích Ca trên bàn thờ. Đặc biệt có 2 tượng cao lớn 4-5 mét. Môt tượng bằng đồng và một tượng bằng đất sét. Xung quanh tường trần nhà là nhiều bức tranh vẽ về cuộc đời đức Phật. Đặc biệt có một tủ sách nhiều kinh kệ bằng tiếng Khmer. Đây là khu vực chính làm các lễ cúng lớn của người Khmer như Chol Chnam Thmay, lễ cúng trăng, lễ tạ ơn, Donta,…

Lên trên tầng 2 cũng là điện thờ với nhiều tượng Phật Thích Ca và xung quanh tường trên trần là nhiều bức vẽ về cuộc đời đức Phật. Tượng lớn nhất được mạ vàng và có 1 tượng bằng ngọc.Đặc biệt tầng này có 1 khu vực để khá nhiều nhạc cụ dân tộc của người Khmer. Bạn có thể thấy bộ trống gỗ, trống đồng và đàn gỗ được trưng bày một góc. 

Tầng 3 cũng là điện thờ Phật Thích Ca. Bàn thờ có nhiều tượng Phật. Đặc biệt có một tượng Phật sơn vàng lớn, phía sau là tượng sơn màu. Đặc trưng tầng này là phía tường đối diện có thờ hình 2 vị tổ sư của chùa. Xung quanh tường sơn son thếp vàng về cuộc đời đức Phật khá tỉ mỉ. Khác với tầng 1 và tầng 2 chỉ xem là hậu điện. Tầng 3 được xem là chánh điện cử hành các nghị sự quan trọng của các chư tăng: Thọ giới, xuất gia, dâng y, dâng bông, thiền sự, tang sự,…

Sân thượng chia làm nhiều khu vực đặt tượng Phật. Một nơi đặt các tượng mô tả lại khung cảnh đức Phật ra đời với 7 bước 7 đóa hoa sen. Tượng Phật chỉ tay lên trời nói duy ngã độc tôn. Một nơi đặt tượng Phật tả cảnh người giảng đạo dưới gốc bồ đề cùng với 5 vị Trần Kiều Ni. Một nơi đặt tượng Phật Thích Ca tư thế nằm.

Tham khảo


  • https://mientaycogi.com/chua-khmer-ho-xang-thoi-4040/
  • http://www.vncgarden.com/vietnamcobaonhieungoichua/chua-o-can-tho/chuapitukhosarangsay
  • https://thamhiemmekong.com/thong-tin-du-lich-mien-tay/can-tho/chua-pitu-khosa-rangsay-ngoi-chua-khmer-dep-nhat-can-tho.html
Chấm điểm
Chia sẻ
1. Chùa Khmer Hồ Xáng Thổi (Nguồn_ https___mientaycogi.com_chua-khmer-ho-xang-thoi-4040_)

Bài viết

Bài viết đang được cập nhật

Nội dung chính

Hiện vật
Nội dung đang được cập nhật.
Thờ tự
Nhân vật
Nội dung đang được cập nhật.
Lễ hội

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *