Tên gọi
Chùa có tên chữ là Diên Phúc Tự, ngoài ra còn có những tên gọi khác như chủa Thái Bình, chùa Thái Đường.
Lịch sử
Tương truyền chùa Diên Phúc được xây dựng từ thế kỷ XI và tồn tại liên tục cho tới ngày nay. Về lịch sử chùa Diên Phúc, theo quả chuông đồng “Diên Phúc Tự Chung” (chuông chùa Diên Phúc) đúc ngày lành, tháng giêng, năm Minh Mệnh thư hai (1821) thì chùa Diên Phúc tự ở thôn Thái Đường, xã Hoa Lâm, huyện Đông Ngàn, Phủ Từ Sơn, Trấn Kinh Bắc.
Từ năm Đinh Mùi, niên hiệu Chiêu Thống nguyên niên (1887) có sự biến động lớn, do nhu cầu cấp thiết đúc tiền nên đã thu chuông đồng khắp thiên hạ, do đó chuông chùa Diên Phúc cũng bị thu, năm Minh Mệnh thứ hai, trụ trì chùa Tỷ Khiêu Diệu Bảo Thích Lãng đã phát nguyện tâm phúc, khuyên dân trong ấp cùng thiện nam, tín nữ thập phương quyên góp của cải mua đồng, thuê thợ về đúc quả chuông “Linh Ứng Tự Chung”. Sang thời Nguyễn, chùa được quan tâm tu sửa nhiều lần.
Trong kháng chiến chống Pháp, chùa là nơi lưu truyền nhiều chiến công chống giặc ngoại xâm và bảo vệ tổ quốc. Trong giai đoạn 1946-1954, ngôi chùa này được chọn làm cơ sở hoạt động cách mạng, nơi nuôi giấu nhiều cán bộ kháng chiến. Sư cụ Đàm Tín, trụ trì chùa, trực tiếp tham gia Mặt trận việt Minh, nhiều lần, thực dân Pháp và Ngụy quyền tổ chức vây ráp, nhưng nhờ sự che chở của nhà chùa, sự đấu tranh khéo léo của sư trụ trì mà cơ sở cách mạng địa phương được vững ngay trước mắt kẻ thù. Cũng thời gian này, chùa còn là nơi đón tiếp nhiều đảng viên, cán bộ Việt Minh. Đặc biệt phải kể đến gia đình cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã được mái chùa che chở trong thời kỳ chiến tranh.
Trong cuộc chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ ở miền Bắc (1964-1974), chùa Diên Phúc được chọn làm kho hậu cần để tiếp viện cho các đơn vị Bộ đội bảo vệ thủ đô; là nơi sơ tán của một số cơ quan Trung Ương và Thành phố Hà Nội.
Năm 1992, khi Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia, dân làng Thái Bình đã vận động và quyên góp kinh phí di chuyển chùa và đình Thái Đường từ bên ngoài đê chuyển vào vị trí hiện nay.
Kiến trúc
Tổng quan
Trước đây chùa Diên Phúc có quy mô kiến trúc lớn và là một thắng cảnh nổi tiếng trong vùng. Trải qua bao thăng trầm cùng lịch sử, với sự hủy hoại, phong hóa của khí hậu và thời gian đã làm cho kiến trúc của chùa thu hẹp lại. Hiện tại kiến trúc của chùa gồm bốn nếp nhà ngang dọc tạo thành. Các bộ phận này được quy hoạch quanh một sân gạch vuông nhỏ: Tiền đường tọa lạc ở phía trước, Thượng Điện nằm ở sân sau, nhà Thờ Mẫu và nhà Tổ nằm theo một trục thẳng phía sau Thượng Điện, Lầu Quan Âm nằm song song với Tiền Đường và trước cửa nhà Tổ.
Chùa có tường hoa bao kín, bên phải có cửa ngách ăn thông sang sân đình Thái Bình. Chùa chính quay mặt về hướng đông-nam, mặt bằng hình chuôi vồ với tiền đường gồm 3 gian 2 chái, xây 2 tầng 8 mái và thượng điện 3 gian; đây là phần giữ lại được nhiều nét cũ hơn cả. Phía sau là nhà thờ Mẫu và nhà thờ Tổ, cũng đều xây 3 gian.
Tiền Đường
Tiền đường là nếp nhà ngang 5 gian 2 trái và được làm theo kiểu 4 mái. Nhà có mái, lợp ngói ta, bỏ nóc, bờ dài đắp dạng bờ đinh, chính giữa bỏ nóc, được tôn cao 20cm so với xung quanh, mặt lát nền gạch hình chữ nhật, kích 40x40cm. Trong lòng nhà Tiền Đường được để trống tạo không gian thoáng rộng gần sát tường hậu của hai gian hồi xây bệ gạch cao để đặt tượng thờ.
Nhà Tổ
Nhà Tổ nằm sát bên phải sân chùa được xây kiểu tường hồi bít đốc tay ngai. Các bộ vì của khung nhà có kết cấu đơn giản kiểu vì kèo quá giang. Nhà gồm 5 gian thấp nhỏ, phía trước mở ra vào, các mặt còn lại xây tường bao khép kín. Bên trong nhà Tổ xây bệ gạch cao để làm nơi tọa lạc của các vị sư của chùa đã viên tịch.
Khu nhà Mẫu
Khu nhà Mẫu được xây dựng nằm theo một trục ngang với nhà Tổ. Nhà có kết cấu hình chữ nhị gồm tiền tế và hậu cung, Tiền tế gồm 5 gian nhà ngang hẹp lòng và được xây dựng đơn giản giống như nhà Tổ. Hậu cung có quy mô nhỏ gồm 5 gian nối với tiền tế. Tại khu nhà Mẫu, 5 gian tiền tế dùng làm nơi thờ vọng, các nghi thức thờ cúng xây bệ gạch cao để bày đồ tự khí và làm nơi tọa lạc của Tam tòa Thánh Mẫu ( Mẫu Thiên, Mẫu thoải, Mẫu Nhạc). Đồng thời cũng là nơi thờ bà Phạm Thị Ngà mẹ của vua Lý Công Uẩn và mẹ của cố Tổng Bí Thư Nguyễn Văn Linh.
Thượng Toạ Điện
Thượng Tọa Điện là một nếp nhà dọc 5 gian 2 trái, mặt trước mở cửa vào hình chữ nhật, mái lợp ngói ta. Các bộ vì đỡ mái được làm thống nhất theo kiểu “chồng rường giá chiêng hạ kẻ”. Riêng bộ vì giữa trước Phật điện được làm thành cốn mê để trang trí. Trên bộ vì này, bức cốn trên trang trí đôi rồng lớn dạng chầu mặt trời lửa, 2 cốn bên có đề tài (long, ly, quy, phượng). Rồng có kích thước lớn trải kín bề mặt cửa cuốn, ngoài ra còn có phượng, long mã, sau điểm xuyến trên các góc sát hàng cột cái. Hình tượng rồng trên ba bức cốn của bộ vì này được thể hiện giống nhau và mang đặc trưng của cốn rồng trong nghệ thuật điêu khắc thời Nguyễn.
Thượng Điện
Thượng Điện được xây dựng trên khu nền cao 200cm so với mặt sân, mặt nền lát gạch cốt tô hạ long màu đỏ sẫm, kích thước 40x40cm. Bên trong cửa kiến trúc này, năm gian ngoài dùng nơi hành lễ, các gian trong đóng bằng bệ gỗ cao dần từ trên xuống ngoài nhìn vào để thờ Phật.
Lầu Quan Âm
Lầu Quan Âm mới được xây dựng năm 2008, nằm bên phải song song với tiền đường và trước cửa nhà Tổ. Kiến trúc của lầu Quan Âm hình hoa sen với ba đôi rồng chầu trên ba cầu thang từ ba phía Đông Nam, Đông Bắc,chính Tây đi vào, bên trên trang trí hình rồng, phượng, hoa sen, Lầu Quan Âm được xây dựng theo kiểu kiến trúc chùa Một Cột.
Di vật
Ngoài kiến trúc ngôi chùa và tượng thờ tiêu biểu cho văn hóa Việt Nam thời Lý và thời Nguyễn, chùa Diên Phúc còn lưu giữ được nhiều hiện vật quý như chuông, tượng Quan Âm, tượng Đức Thánh Trần và hơn 2.000 bộ kinh khác nhau có giá trị văn hóa, nghệ thuật cao như: bức cửa võng chạm rồng chầu, rồng cuốn thủy, tứ linh, bát bửu thế kỷ XIV, quả chuông đồng lớn “Diên Phúc tự chung” thuộc niên hiệu Minh Mệnh thứ 2 (1821); một bia đá “Ký kỵ bi ký” dựng năm Thiệu Trị thứ 6 (1846),…
Lễ hội
Cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, chùa Diên Phúc lại tổ chức lễ hội Thượng Nguyên – Khai Xuân – Đón Chạ Anh. Lễ hội mang ý nghĩa cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hoà, mọi người, mọi nhà sống mạnh khỏe, bình an, hạnh phúc, tốt đời đẹp đạo.
Hoạt động – Sự kiện
Ngày 10 tháng 4 năm 2010, Sở VH,TT&DL Hà Nội phối hợp với UBND huyện Đông Anh tổ chức hội thảo khoa học chùa Diên Phúc với ngàn năm Thăng Long – Hà Nội. Như lời của Giáo sư, Tiến sĩ, NGND Nguyễn Hữu Vui trong bản tham luận của mình ông viết: “ Tôi hoàn toàn tán thành với nhận định khoa học của các nhà nghiên cứu riêng về chùa Diên Phúc – một trong những ngôi chùa tiêu biểu của Phật giáo thời Lý, là nơi không chỉ thực hiện chức năng tín ngưỡng, tôn giáo, mà còn là nơi bảo tồn, truyền bá những giá trị văn hoá lâu đời, tốt đẹp của Dân tộc, nơi giáo dục nuôi dưỡng tinh thần đoàn kết, nhân ái không chỉ cộng đồng làng xã Thái Bình mà cả cộng đồng Thủ đô Hà Nội và trên khắp mọi miền Tổ quốc”.
Chiều cùng ngày, nhà chùa Diên Phúc đã làm lễ đúc tượng đồng Quan Thế Âm thiên thủ thiên nhãn, cao 3,2m, nặng hơn 4 tấn và chuông chùa cao 2,53m, nặng 2 tấn. Kinh phí đúc chuông và tượng là hơn 14 tỷ đồng, từ nguồn xã hội hóa.
Sáng ngày 03 tháng 11 năm 2010, nhận lời mời của sư Thầy Thích Minh Thịnh trụ trì chùa, Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm đã tới tham dự và chứng minh Lễ gắn biển công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Cùng về tham dự và chứng minh buổi Lễ về phía đại diện Phật giáo còn có sự hiện diện của đông đảo chư Tăng Ni BTS Thành Hội Phật giáo Hà Nội, các ban đại diện Phật giáo các quận huyện, chư Tăng Ni trú sứ các tự viện trong nội thành Hà Nội và hàng trăm phật tử đã hoan hỷ tựu trung tại chùa.
Từ năm 2002, bằng nguồn vốn của Nhà nước và nhân dân, chùa Diên Phúc đã được khởi công tu bổ và tôn tạo với 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, tu bổ và tôn tạo điện Tam Bảo, nhà thờ chư vị Tổ sư, nhà thờ Quốc Mẫu, gác chuông, lầu Quan Âm, Tịnh Thất và toàn bộ tượng Phật, có tổng kinh phí gần 40 tỷ đồng. Các hạng mục này đã được hoàn thành. Giai đoạn 2 gồm các công trình: đúc quả chuông lớn nặng 2,1 tấn; tượng Quan Âm thiên thủ thiên nhãn bằng đồng nặng gần 7 tấn; xây dựng trụ sở Phật giáo, nhà khách, nhà treo chuông và nhiều hạng mục khác, với kinh phí dự toán khoảng 15 tỷ đồng, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2013.
Tham khảo
- Chùa Diên Phúc, https://mytour.vn/location/1093-chua-dien-phuc.html
- Chùa Diên Phúc, http://dulich24.com.vn/du-lich-huyen-dong-anh/chua-dien-phuc-id-3884
- Hội thảo khoa học về chùa Diên Phúc, http://www.phattuvietnam.net/hoi-thao-khoa-hoc-ve-chua-dien-phuc/
- CHÙA DIÊN PHÚC – MỘT DANH THẮNG, LỊCH SỬ CỦA THĂNG LONG HÀ NỘI, http://tadri.org/vi/news/Tin-tuc/CHUA-DIEN-PHUC-MOT-DANH-THANG-LICH-SU-CUA-THANG-LONG-HA-NOI-55/
- Gắn biển công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội tại chùa Diên Phúc, https://dangcongsan.vn/tu-tuong-van-hoa/gan-bien-cong-trinh-ky-niem-1000-nam-thang-longha-noi-tai-chua-dien-phuc-46413.html
- Hội thảo khoa học về chùa Diên Phúc, http://hanoimoi.com.vn/ban-in/1000_nam_thang_long/320722/hoi-thao-khoa-hoc-ve-chua-dien-phuc
- Lễ Thượng Nguyên, Khai xuân, Đón Chạ Anh – chùa Diên Phúc, Đông anh, Hà nội, https://www.vanhoaphatgiaovietnam.net/tin-tuc/single-post/le-thuong-nguyen-khai-xuan-don-cha-anh-chua-dien-phuc-dong-anh-ha-noi-510