Chùa Đình Ngọ (chùa Tiêu Lương – An Dương, Hải Phòng)

Chùa Đình Ngọ (chùa Tiêu Lương – An Dương, Hải Phòng)

Thông tin cơ bản

Tên gọi và vị trí địa lý

Chùa Đình Ngọ có tên chữ là “Tiêu Lương tự”, tên thường gọi là chùa Tiêu Lương ở xã Hồng Phong, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng. 

Chùa Đình Ngọ là công trình tín ngưỡng, tôn giáo quan trọng trong đời sống tâm linh tín ngưỡng của cộng đồng nhân dân địa phương. Chùa cách trung tâm thành phố Hải Phòng khoảng 20km, di chuyển theo hướng Nguyễn Trường Tộ hoặc qua Ql 5 để đến chùa Đình Ngọ. 

Lịch sử

Theo nhân dân truyền lại chùa Đình Ngọ được khởi dựng cùng thời gian với đình làng Đình Ngọ là vào thời Lê trung hưng (thế kỉ XVII – XVIII). Chùa có quy mô vừa với 3 gian Bái Đường và 2 gian Phật điện, nhưng sau đó ngôi chùa cũ đã bị phá huỷ. 

Đến năm 2001 đại đức Thích Thanh Nghiêm đứng ra hưng công xây dựng lại ngôi chùa khang trang hơn như hiện nay.

Chùa Đình Ngọ xưa kia là địa điểm ghi nhận những sự kiện quan trọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Đây từng là nơi nuôi giấu cán bộ hoạt động trong kháng chiến chống Pháp, là trường học của con em trong làng ở thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của Đế Quốc Mỹ. Năm 1972 chùa Đình Ngọ là địa điểm để đơn vị bộ đội tên lửa về đóng quân.

Kiến trúc

Chùa Đình Ngọ nằm liền kề với Đình làng tạo khoảng không gian rộng thoáng, khuôn viên có nhiều cây cối xung quanh. Phía trước sân chùa có cây si cổ thụ và 2 giếng nước được xây bằng gạch chỉ. 

Chùa Đình Ngọ có kiến trúc kiểu chữ Đinh (丁), quy mô chùa gồm 5 gian Bái Đường và 4 gian Phật điện. Mặt tiền tòa Bái Đường lắp 3 bộ cửa ra vào có cấu trúc  “thượng song hạ bản”, chính giữa bờ nóc đắp nổi chữ Hán “Tiêu Lương tự”.

Kết cấu bên trong gồm khung chịu lực là 4 bộ vì, các bộ vì làm theo thức chồng rường giá chiêng, ở các thanh rường có trang trí hoa văn lá cách điệu. Tòa Phật điện có kết cấu các bộ vì và đường nét hoa ván tạo tác tương tự như ở tòa Bái Đường. Hệ thống tượng chùa Đình Ngọ cũng khá đầy đủ thể gồm các tượng: tượng Tam Thế, tượng A Di Đà, tượng Ngọc Hoàng Thượng đế cùng Nam Tào, Bắc Đẩu, tượng Thích Ca Sơ Sinh, tượng Thánh Tăng,…

Trên mái các đầu đao uốn cong, lợp ngói mũi hài. 

Di vật

Sau khi bị phá huỷ và được xây dựng lại, ngôi chùa may mắn khi còn giữ lại được một số di vật cổ vật thời Nguyễn (cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX) có giá trị nghệ thuật cao. 

  • Chuông đồng có kích thước cao 0,75m, lạc khoản ghi Thành Thái thứ 11 (1899).
  •  Tượng Đức Ông được tạc theo nghệ thuật tượng tròn, đặt ở bên tả Bái Đường có kích thước giống người thật. Tượng ngồi trên bệ với dáng vẻ ung dung, tay phải cầm gươm, tay trái đặt lên đầu gối, mặc áo triều phục có thắt đai ngang bụng, ngực tượng được chạm nổi hổ phù, trước ngực có trang trí hoạ tiết long ngư quần thử, đầu đội mũ cánh chuồn, chân đi hia, tất cả các chi tiết thể hiện rõ phong cách nghệ thuật thời Nguyễn. 

Xếp hạng

Chùa Đình Ngọ được xếp hạng Di tích Lịch sử Văn hóa vào năm 2007.

Tài liệu tham khảo

  1. Chùa cổ Hải Phòng, tập 2, Nxb Hải Phòng (2017).
Chấm điểm

Hình ảnh

Chia sẻ
Chua Đinh Ngo An Dương Hai Phong (1)

Nội dung chính

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner App ChỐn ThiÊng 3 (60x90)