Chùa Ghositaram (Chùa Cù Lao – Vĩnh Lợi, Bạc Liêu)

Chùa Ghositaram (Chùa Cù Lao – Vĩnh Lợi, Bạc Liêu)

Chùa Ghositaram còn được biết đến với cái tên Chùa Cù Lao, tọa lạc tại ấp Cù Lao, xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu. Ngôi chùa là một trong những địa điểm du lịch độc đáo của Bạc Liêu, thể hiện rõ nét văn hóa tín ngưỡng Phật giáo của đồng bào Khmer Nam Bộ. Nơi đây tựa như một  “bảo tàng mỹ thuật” rực rỡ, tráng lệ thể hiện tài năng của các nghệ nhân Khmer.

Lược sử


Chùa Ghositaram được khởi công xây dựng vào năm 1860, trên khu đất rộng 4ha, là cái nôi của phong trào tu học. Chùa được xây dựng bởi sự đóng góp của người dân xung quanh cùng với các vị sư sãi trong chùa qua nhiều thế hệ.

Kiến trúc


Chùa Ghositaram là một trong những ngôi chùa Khmer có không gian, kiến trúc đẹp bậc nhất của khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Toàn bộ công trình được xây dựng theo kiến trúc truyền thống của Phật giáo Nam tông Khmer cổ kính kết hợp hài hòa với kiến trúc hiện đại. Phía trước cổng chùa có hàng thốt nốt cao vút, là hình ảnh quen thuộc của cảnh sắc miền Tây. Chùa gồm có nhiều khu vực đặc trưng thường có của một ngôi chùa Khmer như chánh điện, tăng sá, giảng đường, bảo tháp, trường học, an sá… Những hoa văn, phù điêu trang trí mang đậm dấu ấn Angkor, từ họa tiết hình cánh sen với những đường cong dịu dàng, thanh thoát đến hình hoa thị mạnh mẽ, cân đối, luôn luôn hiện hữu trên từng ô cửa, hàng hiên.

Năm 2001 tòa chánh điện được xây dựng lại, và hoàn thiện vào năm 2010. Đây được coi là tòa chánh điện lớn nhất trong số các ngôi chùa ở Việt Nam với diện tích hơn 427m², cao hơn 36m. Tòa chánh điện to lớn, rực rỡ với tông màu đỏ – vàng đặc trưng của các ngôi chùa Khmer. Ngoài những ngọn tháp cao chót vót còn có hàng chục hình tượng con rồng được bố trí ở phần nóc. Mái chùa được cấu trúc thành nhiều tầng, lớp chồng lên nhau, tạo ra khoảng không gian cao vút giữa trời xanh. Bên ngoài và phía trong được trang trí với hàng trăm hình tượng khác nhau theo truyền thuyết Tam Tạng Kinh của Phật giáo. Khắp nơi trong chính điện đều được chạm trổ và đắp đường nét hoa văn có tính giá trị nghệ thuật cao, tạo thành một công trình văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Giữa các hàng trụ cột chạm khắc nhiều bức phù điêu mô tả sống động các câu chuyện, điển tích về cuộc đời Đức Phật và giáo lý nhà Phật. Được biết, các nghệ nhân phải mất tới 4 năm mới hoàn tất phần họa tiết, hoa văn trang trí của toàn bộ ngôi chùa.

Di sản


Trong khuôn viên chùa có hai cột phướn cao trên 40m, có hai ngôi tháp lưu giữ hài cốt của đồng bào Phật tử qua các đời, có đài hỏa táng và nhiều công trình phụ trợ khác. Tất cả đều tôn vinh lên vẻ uy nghi lộng lẫy nhưng cũng rất gần gũi, ấm áp của ngôi chùa.

Phong tục – Lễ hội


Chùa Cù Lao là nơi học tập của những người con Khmer. Theo tập tục của người Khmer, con trai lớn lên (khoảng 14-15 tuổi) phải vào chùa tu để báo hiếu cho cha mẹ, học kinh Phật và những kiến thức cần thiết cho cuộc sống, là ngôi trường dạy kiến thức phổ thông, dạy chữ Việt, chữ Khmer, dạy nhạc ngũ âm… Sau khi hoàn thành nghĩa vụ tu, họ hoàn tục về đời thường, đem kiến thức phụ giúp gia đình, đền ơn công dưỡng dục của bậc sinh thành và phục vụ xã hội. Chùa không chỉ là nơi tu học, rèn đức luyện tài cho giới Tăng sinh mà còn tổ chức các lớp học bổ túc văn hóa cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông. 

Hàng năm, chùa tổ chức nhiều lễ hội quan trọng của cộng đồng Khmer như lễ Dolta, Dâng Y, tết Chol Chnam Thmay…

Tham khảo


  • https://thamhiemmekong.com/thong-tin-du-lich-mien-tay/van-canh-chua-ghositaram-bac-lieu.html
  • https://bds.net/du-lich-bac-lieu/chua-ghositaram-ghositaram-pagoda-diem-den-van-hoa-khmer-vo-cung-doc-dao-o-bac-lieu
Chấm điểm
Chia sẻ
Chùa Ghositaram

Bài viết

Bài viết đang được cập nhật

Nội dung chính

Hiện vật
Nội dung đang được cập nhật.
Thờ tự
Nội dung đang được cập nhật.
Nhân vật
Nội dung đang được cập nhật.
Lễ hội
Nội dung đang được cập nhật.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *