Giới thiệu
Tọa lạc cạnh quốc lộ 1A, đoạn nối tỉnh Hậu Giang và TP.Cần Thơ, Già Lam Cổ Tự (thuộc tỉnh Hậu Giang) được đánh giá là một trong những ngôi chùa có lịch sử lâu đời ở khu vực châu thổ sông Mekong. Điều đặc biệt thu hút du khách trong và ngoài nước chính là nhờ hệ thống kiến trúc độc đáo với quần thể hàng trăm tượng đá cùng những giai thoại bí ẩn xoay quanh ngựa đá Xích Thố.
Sư trụ trì hiện tại Thích Huệ Sanh mở đầu câu chuyện: “Già Lam Cổ Tự nhiều năm liền được bình chọn là ngôi chùa cảnh quan đẹp nhất tỉnh. Đây không phải là thành quả của riêng ai mà là của tất cả những phật tử thành tâm cúng dường, tạo nên ngôi chùa như ngày hôm nay”.
Ý nghĩa tên gọi
Tên gọi ban đầu của chùa không phải là Quảng Hương Già Lam mà là Giải Hạnh Già Lam. Già Lam là một từ cổ, ý nghĩa là tên gọi tắt của “tăng già lam ma”, nghĩa là nơi ở của các tăng nhân để tu hành. Còn Quảng Hương vốn là tên gọi của một vị học tăng đã qua đời năm 1963. Ngày nay, chùa thường được gọi là chùa Già Lam, chùa Già Lam Cổ Tự hoặc chùa Con Ngựa.
Lý do chùa có tên khác là chùa Con Ngựa vì trong chùa có một pho tượng con ngựa rất đặc sắc. Bức tượng này được gọi là tượng Xích Thố. Theo lời kể của sư trụ trì chùa Già Lam thì bức tượng này được tạc trong 30 ngày vào năm 1964. Tượng Xích Thố có màu hồng đậm, dài 2m, cao 3m, ngựa được tạc trong tư thế ngẩng cao đầu.
Bên cạnh bức tượng được đính kèm bài thơ:
“Xích Thố tiếng rền rạng cõi Đông
Nêu danh tuấn mã sức toàn hồng
Trường đồ ngàn dặm hơi chưa sút
Chiến địa trăm phen sức tựa không”
Tuy tuổi thọ đã trên 50 năm và chưa trải qua lần trùng tu nào nhưng tượng Xích Thố vẫn còn trông rất mới. Vì thế, nhiều người xem bức tượng này là kỳ lạ và từ đó chùa Quảng Hương Già Lam còn được gọi là chùa Con Ngựa.
Vẻ đẹp của chùa
Chùa Già Lam rất nổi tiếng ở Hậu Giang và các tỉnh lân cận. Đây không hẳn là một ngôi chùa cổ vì chùa được xây dựng vào năm 1940. Chùa ngày càng được mở rộng nhờ sự thành tâm cúng bái của phật tử. Năm 1967, chùa được tái thiết thay cho ngôi am nhỏ bằng cây. Năm 1971, chùa tổ chức lễ khánh thành, đổi thành tên Già Lam Cổ Tự. Chùa có nhiều nét đặc sắc rất đáng chú ý:
– Kiến trúc: Chùa có tổng diện tích 2.376 m2. Nhìn từ bên ngoài, chùa rất nổi bật với kiến trúc đặc trưng của Ấn Độ. Bên trong, chùa có nhiều hạng mục như 8 lễ đài, nhiều bảo tháp, 8 vị lân, 25 đỉnh hương… Chùa cũng có rất nhiều tượng, tổng số tượng lên tới 145 tượng lớn nhỏ khác nhau, tất cả đều được xem là tuyệt tác nghệ thuật. Trong đó các tượng lớn ở sân chùa phải kể đến như tượng Phật Thích Ca nhập niết bàn dài 14m, tượng Phật Quan Âm cao 12m, tượng Đức phật thuyết pháp, quan cảnh Vườn Lâm Tỳ Ni, 25 đỉnh hương… Hay trong chánh điện có tượng Quan Công, thập bát la hán và thập điện minh vương… mỗi bức tượng là một câu chuyện liên quan đến nhà Phật và cũng là một tuyệt tác nghệ thuật. Các bức tượng này đều do phật tử của chùa cúng dường, sau đó nhà chùa mời nghệ nhân về tạc.
– Khuôn viên: Chùa có khuôn viên rất xanh mát, rộng rãi và sạch sẽ. Đến với chùa Quảng Hương Già Lam ở Hậu Giang, du khách sẽ cảm nhận được sự thanh bình mặc dù chùa nằm ngay đường lớn, xe cộ đi lại đông đúc. Chính vì không khí thanh bình này mà chùa thu hút rất nhiều Phật tử đến sinh hoạt và thăm viếng.
Giai thoại kì lạ về ngựa Xích Thố
Hàng chục năm qua, trước sân chùa được đặt tượng ngựa Xích Thố cao lớn, uy nghiêm, sừng sững như chực chờ xung trận. Tương truyền, khi chùa xây xong, Quan Thánh Đế nhiều lần hiển linh độ trì ban phúc lộc giúp người dân sống an lành. Trong một lần hiển linh, Ngài phán: “Nếu có ai cúng dường một con ngựa thì gia đình người đó sẽ được độ trì 3 đời”.
Đầu năm 1964, một phụ nữ từ phương xa mang một triệu đồng (lúc bấy giờ trị giá khoảng 50 lượng vàng) đến cúng dường với mong ước làm kinh phí đúc tượng ngựa Xích Thố cho Quan Công. Đã có tiền để đúc tượng ngựa Xích Thố nhưng lại phát sinh chuyện nan giải là tìm nghệ nhân có thể đúc tượng ngựa đẹp. Sau khi tìm khắp các tỉnh miền Tây, sư Thích Huệ Đức tìm đến nghệ nhân nổi tiếng Ba Đém (chuyên xây cất đình chùa ở miền Tây) nhờ tạc tượng ngựa và được ông nhận lời với tiền công đúng một triệu đồng.
Trong hơn một tháng, ông Ba Đém làm việc ngày đêm không nghỉ, mới xong tượng ngựa cao khoảng 3 m, dài hơn 2 m. Tượng ngựa được làm bằng xi măng trộn màu, khung sườn cốt thép. Lục phủ ngũ tạng cũng được đúc, sơn màu đỏ cho vào bụng ngựa trước khi đắp kín lại. “Ở 4 gót chân có 4 chùm lông, gọi là tứ mã đề, chỉ ngựa Xích Thố của Quan Công cưỡi mới có đặc điểm này”, sư Thích Huệ Sanh nói và cho biết điều đặc biệt là nghệ nhân trộn màu vào vật liệu cho ra tượng ngựa toàn thân màu hồng, chứ không sơn phết gì cả. Suốt hàng thập kỷ trôi qua nhưng màu hồng trên thân ngựa vẫn vẹn nguyên đi liền với dáng vẻ dũng mãnh và đôi mắt rất có thần.
Sư trụ trì nhà chùa cho biết, có những đoàn xe từ TPHCM và các tỉnh thành trong cả nước họ không ngại vất vả để đến xem bức tượng. Nhiều người là kiến trúc sư, họa sĩ, nghệ nhân nổi tiếng, họ nghe nói bức tượng ngựa ở đây rất đẹp nhưng không tin nên đến tận chùa để xem. Khi xem xong họ đều bái phục và cho biết đây là bức tượng ngựa hoàn hảo, không thể chê vào đâu được.
Tham khảo
- https://baophapluat.vn/choang-truoc-tuong-ngua-co-day-du-noi-tang-o-hau-giang-post174059.html
- https://ohman.vn/hau-giang-mot-vi-su-va-tuong-chu-ngua-xich-tho-tao-nen-mot-ngoi-chua-56561.html
- https://phatgiao.org.vn/gia-lam-co-tu-ngoi-chua-co-hang-tram-pho-tuong-chi-motthay-tru-tritrong-nom-d34563.html
- https://laodong.vn/vh-gt/nhung-dieu-chua-biet-ve-ngoi-co-tu-dac-biet-vung-chau-tho-song-mekong-628197.ldo
- https://www.vietfuntravel.com.vn/blog/tham-quan-ngoi-chua-quang-huong-gia-lam-o-hau-giang.html